(Baothanhhoa.vn) - Từ một người phụ nữ nghèo của xã Thiệu Khánh, song bằng sự chịu thương, chịu khó và cần cù lao động, chị Lê Thị Gái đã trở thành tấm gương tiêu biểu trong phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu ngay trên đồng ruộng quê hương.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nỗ lực thoát nghèo của chị Lê Thị Gái

Từ một người phụ nữ nghèo của xã Thiệu Khánh, song bằng sự chịu thương, chịu khó và cần cù lao động, chị Lê Thị Gái đã trở thành tấm gương tiêu biểu trong phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu ngay trên đồng ruộng quê hương.

Nỗ lực thoát nghèo của chị Lê Thị Gái

Chị Lê Thị Gái trò chuyện với cán bộ phụ nữ xã về phát triển dịch vụ nông nghiệp của gia đình.

Dẫn tôi vào thăm gia đình chị Gái ở thôn Dinh Xá, chị Phạm Thị Hà, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Thiệu Khánh, chia sẻ: “Cách đây khoảng 10 năm, gia đình chị Gái còn ở trong một căn nhà dột nát. Vào những ngày mưa bão gia đình chị luôn canh cánh nỗi lo. Từ chỗ phải chạy ăn từng bữa, bằng nghị lực, chịu thương, chịu khó và nhạy bén với thời cuộc, vợ chồng chị Gái đã bứt lên thoát nghèo và trở thành điển hình trong phát triển kinh tế gia đình”. Ngắm ngôi nhà khang trang 3 tầng nằm trong xóm nhỏ ở thôn Dinh Xá và những chiếc máy cày, máy gặt đập liên hợp, cả chiếc ô tô con để trong sân của gia đình chị Gái khiến tôi không khỏi ngỡ ngàng. Bởi gia sản ấy được bắt nguồn từ đồng ruộng, chỉ với khoảng 5 năm tích góp. Ấn tượng đầu tiên khi tôi gặp chị Gái là làn da ngăm đen, sự gần gũi thuần chất của người nông dân. Năm 1987, sau khi lập gia đình, tài sản của vợ chồng chị Gái chỉ vẻn vẹn vài sào ruộng. Đông con, lại thêm chuyện chạy chợ bữa được, bữa ế ẩm, vợ chồng chị Gái quyết định mở lò gạch thủ công để có thêm thu nhập. Tuy nhiên, đến năm 2008, thực hiện chủ trương xóa bỏ lò gạch thủ công, gia đình chị Gái chỉ còn biết trông vào mấy sào ruộng. Một phần nguồn thu nhập không còn, gia đình chị vẫn luẩn quẩn với cái nghèo. Vốn là chi hội phó chi hội phụ nữ thôn Dinh Xá (trước đây là thôn 6) nên chị Gái tâm niệm mình cần gương mẫu đi đầu trong phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo. Thế là chị đăng ký tham gia Câu lạc bộ “Phụ nữ phát triển kinh tế của xã Thiệu Khánh”. Chị Gái chia sẻ: “Để thoát được nghèo, có của ăn của để ngoài cần cù lao động, còn là sự hỗ trợ giúp đỡ của hội LHPN xã và gặp được cơ may”.

Năm 2014, gia đình chị được vay 10 triệu đồng từ quỹ hội LHPN xã để phát triển kinh tế. Với sự động viên của chị em hội viên phụ nữ xã, chị Gái mạnh dạn thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để vay tiếp 100 triệu đồng của ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn. Từ nguồn vốn được vay, chị đã đầu tư mua một chiếc máy cày để mở dịch vụ làm đất cho bà con trong xã. Đồng thời, gia đình chị thuê thêm 12 mẫu ruộng của các gia đình trong xã để mở rộng diện tích trồng lúa. Chỉ một năm sản xuất và mở dịch vụ làm đất, gia đình chị đã thoát được nghèo. Thấy việc làm ăn hiệu quả, năm 2016 gia đình chị đầu tư mua thêm một chiếc máy cày, một máy gặt đập liên hợp, nhằm mở rộng khâu dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp cho nhân dân địa phương. Nắm bắt được nhu cầu của nông dân trong xã, gia đình chị tiếp tục đầu tư xây dựng lò sấy lúa và một xe ô tô vận tải để mở rộng quy mô dịch vụ nông nghiệp. Bên cạnh đó, gia đình chị còn tận dụng sản phẩm phụ của nông nghiệp, đất đai vườn nhà để chăn nuôi trâu, bò. Theo tính toán của chị Gái, mỗi năm thu nhập từ sản xuất và làm dịch vụ nông nghiệp của gia đình chị đạt khoảng 320 triệu đồng.

Không chỉ làm giàu cho gia đình, chị Gái còn luôn sẵn lòng giúp những chị em ở địa phương có hoàn cảnh khó khăn như: Cày, gặt không lấy công, hỗ trợ trả chậm khi mua giống, phân bón. Với sự bứt phá trong phát triển kinh tế, trong 3 năm qua, gia đình chị Gái luôn là hộ sản xuất, kinh doanh giỏi của địa phương.

Bài và ảnh: Hòa Bình



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]