(Baothanhhoa.vn) - Với tinh thần xung kích, giàu lòng nhiệt huyết và sức sáng tạo của tuổi trẻ, thời gian qua, đoàn viên, thanh niên trong tỉnh đã tích cực thi đua phát triển kinh tế bằng nhiều mô hình mới với cách làm hay, sáng tạo, làm giàu cho bản thân, gia đình và xã hội.

Nhân rộng các mô hình thanh niên làm kinh tế giỏi

Với tinh thần xung kích, giàu lòng nhiệt huyết và sức sáng tạo của tuổi trẻ, thời gian qua, đoàn viên, thanh niên trong tỉnh đã tích cực thi đua phát triển kinh tế bằng nhiều mô hình mới với cách làm hay, sáng tạo, làm giàu cho bản thân, gia đình và xã hội.

Nhân rộng các mô hình thanh niên làm kinh tế giỏiSơ chế dứa tại Công ty CP Chế biến nông sản Trung Thành (xã Trung Thành, Nông Cống).

Tốt nghiệp đại học, hai thanh niên Nguyễn Hoàn và Lê Trọng Thiện ở xã Đông Khê, xã Đông Hòa (Đông Sơn) trăn trở tìm hướng lập nghiệp tại quê nhà. Khởi nghiệp bằng việc trồng 150m2 nấm thủ công, hai thanh niên nảy sinh ý tưởng tìm hiểu các loại máy móc liên quan nhằm chế tác máy tự động hóa quy trình sản xuất nấm. Thấy công đoạn tiệt trùng nguyên liệu có ý nghĩa quyết định trong sản xuất nấm nhưng việc sử dụng than, củi đốt tạo nhiệt hấp nguyên liệu làm tăng chi phí đầu vào. Thêm nữa, phần lớn cơ sở sản xuất nấm xen lẫn trong khu dân cư, hấp sấy bằng than, củi, tăng nguy cơ hỏa hoạn, gây ô nhiễm môi trường. Không có kiến thức điện chuyên sâu nên ngoài tiếp tục học thêm ngành điện công nghiệp, Hoàn và Thiện còn mày mò học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước và đã sáng chế thành công các loại máy phục vụ tự động hóa nghề nấm gồm: máy trộn mùn, băng tải, máy hấp tiệt trùng nguyên liệu làm nấm, máy sấy nấm... Hiện nay, các loại máy này được nhiều khách hàng trong tỉnh, các tỉnh, thành phố trong cả nước lựa chọn, cơ sở sản xuất của hai thanh niên đã tạo việc làm cho khoảng 10 lao động, với thu nhập bình quân 6 đến 8 triệu đồng/người/tháng.

Cũng là người đi đầu trong phong trào khởi nghiệp tại địa phương, chị Lê Thị Vân, khu phố 1, thị trấn Sao Vàng (Thọ Xuân) sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Hồng Đức đã xin vào làm tại Văn phòng Tập đoàn NETAFIM (Israel) tại Việt Nam, chuyên về công nghệ cao. Năm 2017, chị quyết định về quê lập nghiệp. Mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng được sự động viên, giúp đỡ của gia đình, chị đã xây dựng được một cơ sở chuyển giao công nghệ, cung cấp thiết bị công nghệ cao (thi công nhà kính, nhà lưới, hệ thống tưới, cung cấp vật tư sản xuất) và chuyển giao khoa học - kỹ thuật mới cho nông dân phát triển kinh tế. Năm 2019, chị Vân đã thành lập Công ty TNHH Thương mại dịch vụ nông nghiệp công nghệ cao RICH FARM, đảm nhận thiết kế, thi công nhà kính, nhà lưới, lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt cho cây trồng và hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Doanh thu của công ty đạt hơn 2 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho khoảng 40 lao động, với thu nhập 7 - 10 triệu đồng/người/tháng. Năm 2020, chị Vân vinh dự là một trong những thanh niên tiêu biểu nhận Giải thưởng Lương Định Của do Trung ương Đoàn trao tặng.

Để hỗ trợ đoàn viên, thanh niên phát triển kinh tế, lập thân, lập nghiệp, thời gian qua, tổ chức đoàn thanh niên các cấp trong tỉnh đã tích cực tuyên truyền, vận động, đồng hành, hỗ trợ đoàn viên, thanh niên phát triển kinh tế, lập nghiệp tại quê hương. Đến nay, Tỉnh đoàn đã tổ chức được hàng trăm lớp tư vấn nghề nghiệp và giới thiệu việc làm cho hơn 30 nghìn thanh niên; giới thiệu việc làm cho 10 nghìn đoàn viên, thanh niên... Các cấp bộ đoàn trong tỉnh đã hướng dẫn đoàn viên, thanh niên lập các dự án và giải ngân các nguồn vốn vay cho đoàn viên, thanh niên. Đến 30-5, dư nợ ủy thác của Ngân hàng Chính sách xã hội Thanh Hóa (NHCSXH Thanh Hóa) qua đoàn thanh niên đạt 1.135,7 tỷ đồng, với 26.193 đoàn viên đang được vay vốn. Bên cạnh đó, Tỉnh đoàn đã phối hợp với NHCSXH Thanh Hóa triển khai thực hiện Đề án chương trình tín dụng ưu đãi hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp. Theo đó, tính đến ngày 30-5, tổng dư nợ của chương trình thanh niên khởi nghiệp đạt gần 20 tỷ đồng, với 283 dự án được vay vốn. Chương trình tín dụng ưu đãi hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp thiết thực trợ giúp thanh niên lập thân, lập nghiệp, khích lệ ý thức “ly nông bất ly hương”, phát huy tinh thần xung kích của thanh niên trong phát triển kinh tế. Điển hình như dự án chế biến dứa, dưa bao tử của Công ty CP Chế biến nông sản Trung Thành (xã Trung Thành, Nông Cống) được vay 1 tỷ đồng, góp phần bảo đảm việc làm cho 72 lao động; đoàn viên Nguyễn Hoài Châu (Hậu Lộc), được vay 350 triệu đồng để tổ chức chăn nuôi, chế biến thực phẩm sạch; đoàn viên Phạm Hoàng Sơn (Ngọc Lặc) vay 300 triệu đồng tổ chức chăn nuôi gia súc... Phong trào khởi nghiệp được nhân rộng, khích lệ nhiều thanh niên chủ động vươn lên trong lập thân, lập nghiệp.

Phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tới, các cấp bộ đoàn trong tỉnh tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nhân rộng các mô hình tiêu biểu, tạo điều kiện cho đoàn viên, thanh niên tham gia phát triển kinh tế, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Bài và ảnh: Lương Khánh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]