(Baothanhhoa.vn) - Về thôn Xuân Chính, xã Thạch Lập (Ngọc Lặc), chúng tôi được nghe cán bộ xã và người dân nói nhiều về chàng thanh niên dân tộc Mường Bùi Văn Phương. Dù tuổi đời còn trẻ (sinh năm 1993) nhưng cách đây hàng chục năm, anh là một trong những người tiên phong đưa cây cam sành Hàm Yên lên vùng đồi Trèm, xã Thạch Lập, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Người tiên phong đưa cây cam sành lên vùng đồi Trèm

Về thôn Xuân Chính, xã Thạch Lập (Ngọc Lặc), chúng tôi được nghe cán bộ xã và người dân nói nhiều về chàng thanh niên dân tộc Mường Bùi Văn Phương. Dù tuổi đời còn trẻ (sinh năm 1993) nhưng cách đây hàng chục năm, anh là một trong những người tiên phong đưa cây cam sành Hàm Yên lên vùng đồi Trèm, xã Thạch Lập, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Người tiên phong đưa cây cam sành lên vùng đồi TrèmAnh Bùi Văn Phương, thôn Xuân Chính, xã Thạch Lập (Ngọc Lặc) chăm sóc cây cam.

Men theo con đường rừng quanh co, chúng tôi tìm đến đồi cây ăn quả của gia đình anh Bùi Văn Phương. Những vạt cam trải dài, xanh ngát, trĩu quả đã khẳng định “sức sống”, tạo nên sự khác biệt của khu đồi Trèm giữa bốn bề rừng núi. Thời điểm này, gia đình anh đang cắt tỉa cành để cây tập trung dinh dưỡng cho quả. Anh Phương cho biết, để có được đồi cam này, gia đình anh đã phải đổ bao mồ hôi, công sức, lập lán ăn, ngủ tại đây để thuận tiện trông nom, chăm sóc.

Xã Thạch Lập là địa phương có diện tích đồi rừng lớn, cuộc sống của Bùi Văn Phương cũng như bao người nông dân khác đều gắn bó với rừng, với các công việc như trồng keo, buôn gỗ, chuyên chở lâm sản thuê... Cần cù, cố gắng nhưng anh vẫn thấy cuộc sống khá bấp bênh. Sau nhiều năm thoát ly phát triển kinh tế tại các tỉnh, thành phố phía Nam, năm 2014, Bùi Văn Phương trở về, ấp ủ dự định “đánh thức” tiềm năng phát triển nông nghiệp của quê hương. Với nhiều kế hoạch được đặt ra, song, khi nhận thấy, mặc dù vùng đất xã Thạch Lập có độ cao hơn 400m so với mực nước biển nhưng cây cam được cha ông trồng rải rác tại vườn nhà và trên đồi, quả ngọt, mọng nước. Cuối năm 2014, anh quyết định tham khảo, học tập kinh nghiệm tại một số “thủ phủ” của cây cam, như: Hàm Yên (tỉnh Tuyên Quang), Cao Phong (tỉnh Hòa Bình)... và quyết định chọn cây cam sành xuất xứ từ Tuyên Quang để đưa về trồng trên vùng đồi Trèm, xã Thạch Lập.

Trên 4 ha đất đồi của gia đình vốn trồng ngô, keo, Bùi Văn Phương đã mạnh dạn đầu tư khoảng 400 triệu đồng để hoàn thiện hệ thống giao thông, cải tạo đất, đầu tư giống, phân bón... trồng cây cam sành. 1.500 gốc cam sành Hàm Yên đã “vượt” hàng trăm km về với đồng đất đồi Trèm, mang lại sức sống, hy vọng mới cho vùng đất và người dân nơi này. Anh Phương chia sẻ, khu đồi Trèm cao so với mặt nước biển nên hầu như việc dẫn nước tưới rất khó khăn. Không ai có thể tưởng tượng được, cây cam sành sẽ trụ vững trên vùng đồi này. Song, có lẽ cây phù hợp với đất và khí hậu nên ngoài việc chăm sóc, giữ ẩm cho đất, như phủ cỏ, xới đất thì cây cam của gia đình 100% sử dụng nguồn nước mưa tự nhiên, cây phát triển tốt, ít sâu bệnh, vượt ngoài mong đợi.

Sau hơn 3 năm trồng, cây bắt đầu cho quả, hơn 4 ha cam sành của gia đình anh Phương cho sản lượng khoảng 60 tấn quả. Nhiều đầu mối tiêu thụ tại Hà Nội và cửa hàng thực phẩm sạch trong tỉnh đã tìm đến đặt mua, doanh thu đạt hơn 600 triệu đồng.

Qua gần 10 năm gắn bó với cây cam sành, anh Phương đã tự tìm tòi, tích lũy kinh nghiệm chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh. Bên cạnh đó, gia đình anh còn phát triển chăn nuôi gà đồi, bò sinh sản để tận dụng cỏ vườn, lấy nguồn phân hữu cơ chăm sóc cây cam. Được biết, hiện nay, gia trại của gia đình anh Bùi Văn Phương đang duy trì 7 con bò sinh sản, hàng nghìn con gà thả vườn/lứa và đang nghiên cứu đưa giống gà Thày Mường vào nuôi để cung cấp nguồn thực phẩm cho một số điểm du lịch sinh thái tại địa phương. Doanh thu bình quân của gia đình anh đạt khoảng 800 triệu đồng/năm, lợi nhuận thu về 300 triệu đồng/năm.

Từ thành công của mô hình phát triển cây cam sành trên vùng đồi của anh Bùi Văn Phương, nhiều hộ dân trong xã đã học tập và nhân rộng tại địa phương. Ngoài việc chăm sóc diện tích của gia đình theo hướng hữu cơ, anh Phương còn tích cực hỗ trợ người dân về cây giống, kỹ thuật chăm sóc cây cam sành. Với ý chí quyết tâm, sự sáng tạo, tìm tòi, người thanh niên dân tộc Mường Bùi Văn Phương đã tiên phong mang sức sống mới đến cho khu đồi Trèm và lan tỏa phương thức sản xuất mới, hiệu quả kinh tế cao cho người dân nơi đây.

Thanh Hòa



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]