(Baothanhhoa.vn) - Trở thành nghệ nhân quốc gia khi tuổi đời còn khá trẻ, anh Đỗ Xuân Thắng (sinh năm 1987), thị trấn Rừng Thông, huyện Đông Sơn, Thanh Hóa vẫn không ngừng nỗ lực để tạo ra những tác phẩm làm đẹp cho đời.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Người nghệ nhân đam mê với nghề điêu khắc gỗ

Trở thành nghệ nhân quốc gia khi tuổi đời còn khá trẻ, anh Đỗ Xuân Thắng (sinh năm 1987), thị trấn Rừng Thông, huyện Đông Sơn, Thanh Hóa vẫn không ngừng nỗ lực để tạo ra những tác phẩm làm đẹp cho đời.

Người nghệ nhân đam mê với nghề điêu khắc gỗ

Nghệ nhân Đỗ Xuân Thắng, thị trấn Rừng Thông (Đông Sơn) bên các tác phẩm nghệ thuật của mình.

33 tuổi, gia tài của nghệ nhân Đỗ Xuân Thắng có được sau gần 20 năm gắn bó với nghề điêu khắc là hàng trăm tác phẩm gỗ lớn, nhỏ đủ kích cỡ được bài trí rất công phu trong phòng trưng bày của xưởng chế tác. Ít ai biết rằng, mỗi bức tượng mang vẻ đẹp của nhân tình thế thái ấy lại được tạo ra từ những gốc cây, thân cây khô cứng, xù xì.

Vốn xuất thân từ một gia đình làm nghề mộc, nên cả tuổi thơ của anh gắn liền với nghề cưa đục. Anh Thắng bảo: “Cha tôi làm nghề mộc, lúc nhỏ do không có chỗ chơi, nên một chiều đi học, một chiều lại xuống xưởng chơi nên nghề ngấm vào máu lúc nào không hay. Thế rồi, ngày nào cũng vậy cứ một chiều đi học, một chiều lại về xưởng giúp cha. Với việc chạm khắc trên gỗ đối với một thiếu niên là rất khó khăn, vì ngoài việc tập cho đường đục mềm mại, nhuần nhuyễn còn cần phải có tư duy sáng tạo và óc thực tế cao. Cha tôi lại là một người rất nghiêm khắc, dù chỉ là công việc đánh giấy ráp nhưng ông luôn kiểm tra tỉ mỉ từng chi tiết rất nhỏ. Nhưng chính sự nghiêm khắc đó đã giúp tôi trưởng thành hơn, tận tâm hơn với nghề”, anh Thắng bộc bạch.

Với những gì học được từ cha chưa đủ, năm 2002, chàng trai trẻ Đỗ Xuân Thắng quyết định khăn gói rời quê hương đến vùng đất Nam Định để học nghề. Rồi anh đi hết trong Nam, ngoài Bắc vừa học, vừa làm, mặt khác cũng là để tìm kiếm thị trường.

Sau bao năm lăn lộn, tích lũy kinh nghiệm và có được chút thành quả, năm 2013 anh quyết định trở về quê hương lập nghiệp. Buổi đầu lập nghiệp tương đối gian nan bởi sản phẩm làm ra ế ẩm vì thị trường khó tiêu thụ, nhiều lúc muốn bỏ nghề. Nhưng mỗi khi nhìn những bộ gốc rễ đẹp, phảng phất những hình ảnh tượng phật, con người, con vật, phù điêu... máu nghề lại nổi lên và những sản phẩm nghệ thuật, giàu cảm xúc được sản sinh ra từ ấy.

Theo anh Thắng, nghề này phải làm từ cái tâm, bởi khi khách hàng mang gỗ đến nhờ chế tác hoặc đặt hàng, mình phải tư vấn nhằm tạo ra sản phẩm phù hợp, có giá trị mà không mất đi tính tự nhiên của gốc cây, rễ cây. Thường thì khách hàng không hiểu nhiều về chuyên môn nên họ khó có thể chọn dáng hình cụ thể. Mỗi tác phẩm hoàn chỉnh phải trải qua rất nhiều công đoạn, đòi hỏi người thợ phải sáng tạo, cẩn trọng, tỉ mỉ trong từng nét chạm trổ. Mỗi tác phẩm làm ra như chính là đứa con tinh thần của mình vậy.

Cũng là tạo tác trên gỗ, nhưng khác với nghề thợ mộc - nghề điêu khắc gỗ cần sự khéo léo, óc sáng tạo và “đôi mắt” nghệ thuật nhiều hơn, mỗi tác phẩm điêu khắc ra đời là duy nhất. Tuy có thể cùng kích thước, hình dáng nhưng cái “thần”, cái “hồn” của mỗi tác phẩm đều có sự khác biệt.

Cái khó của việc chế tác gốc cây, thân cây là không có bản vẽ mẫu sẵn. Do vậy, người thợ phải biết sáng tạo những sản phẩm dựa theo hình dạng, màu sắc, khối u, lỗ thủng trên từng khối gỗ, từ đó tạo ra những chi tiết sống động. Hình ảnh trên các sản phẩm điêu khắc thường là những hình ảnh thân thuộc trong tâm thức dân gian người Việt, như tượng Phật, tượng Bát tiên, tượng Phúc - Lộc - Thọ, tượng các linh thú... nên đòi hỏi người thợ phải có tay nghề, sự sáng tạo. Như bức tượng 12 con giáp phải sau 6 tháng trời mới hoàn thành.

Nghề chạm khắc hầu hết các công đoạn đều bằng thủ công. Vì vậy, khi chọn gỗ cũng phải thật tỉ mỉ, ít cong vênh, có độ dẻo, dai, khi khô không nứt và không bị mối, mọt. Bên cạnh đó, người thợ phải có sự khéo léo để các nét đục, chạm phải sắc, hình dáng, chi tiết của bản chạm khắc phải sinh động, có “hồn”...

“Chẳng hạn như hoa văn trên trang phục của Đức Phật phải khác với người phàm, do đó, chúng tôi phải biết cách phối màu vừa chìm vừa nổi, màu nền nhạt vừa đủ để bật lên được hoa văn. Cái khó trong vẽ trang trí là tác phẩm phải có được cái “hồn”, sắc diện của Phật phải có sự tĩnh tâm, hoan hỉ. Nhìn cùng một bức tượng Phật, người xem phải cảm nhận được cái nghiêm nghị mà bao dung, hiền từ nhưng cứng rắn với cái xấu, cái ác. Người ngoài nhìn vào sẽ nghĩ đây là nghề khó theo đuổi nhưng sẽ dễ dàng với những ai có niềm đam mê. Bản thân tôi có nghề cũng nhờ đam mê và ham học hỏi. Vì vậy, tôi luôn mong muốn được truyền nghề lại cho thế hệ mai sau, đặc biệt là những người có tâm huyết, lòng đam mê và năng khiếu để nghề không bị mai một, thất truyền”, anh Thắng chia sẻ.

Xưởng chế tác gỗ của anh Thắng hiện có khá nhiều khối gỗ là những rễ cây lớn được anh mua về để gia công, chế tác. Các tác phẩm bằng gỗ của anh Thắng có giá từ vài triệu đến hơn một trăm triệu đồng, tùy vào từng loại gỗ và sự cầu kỳ, công phu trong từng sản phẩm. Trung bình mỗi tháng, xưởng điêu khắc gỗ của anh có khoảng 10 đơn hàng. Những dịp gần tết, số lượng khách đặt tăng lên 20 - 40 đơn hàng. Các sản phẩm chế tác cũng đa dạng, tùy theo yêu cầu của khách. Có những sản phẩm giá vài triệu đến vài trăm triệu đồng như: Sập gốc cây giá 150 triệu đồng; tượng Phật Di lạc, Quan thế âm Bồ tát giá 40 - 50 triệu đồng. Mỗi năm xưởng của anh xuất ra thị trường hơn 100 đơn hàng lớn, nhỏ cho khách hàng trong, ngoài tỉnh.

Không như những nghề khác, nghề điêu khắc gỗ rất vất vả, đòi hỏi phải kiên trì, óc sáng tạo và sự nhạy bén ở người thợ mới có thể chạm đến sự thăng hoa trong từng tác phẩm, đưa khối gỗ vô tri trở nên sống động và có hồn. Bên cạnh chất lượng nghệ thuật của tác phẩm, nghệ nhân Đỗ Xuân Thắng rất chú trọng chữ Tín trong sản xuất và kinh doanh. Anh luôn luôn giao hàng đúng hẹn và sẽ từ chối đơn hàng nếu không đảm bảo yêu cầu về tiến độ thời gian của người đặt.

Đến nay, anh Thắng đã đào tạo, giúp đỡ nhiều thanh niên học nghề điêu khắc gỗ. Tạo việc làm ổn định cho 4 - 5 thợ lành nghề đang làm tại xưởng với mức lương từ 4- 6 triệu đồng/tháng.

Với những nghệ nhân điêu khắc như anh Đỗ Xuân Thắng, chẳng một ai “giấu nghề” cho riêng mình. Tất cả họ đều mong muốn truyền thụ hết tinh hoa cho thế hệ tương lai, để nghề điêu khắc vững vàng tồn tại và ngày càng bay cao, bay xa trên con đường nghệ thuật.

Bài và ảnh: Hoài Thu



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]