(Baothanhhoa.vn) - Thực hiện phong trào thi đua “Cựu chiến binh (CCB) giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều tấm gương CCB không chỉ làm giàu cho gia đình mà còn giúp đỡ được nhiều hội viên, người dân phát triển kinh tế, góp phần giải quyết hiệu quả bài toán giảm nghèo, thúc đẩy kinh tế địa phương ngày càng phát triển.

Hiệu quả từ phong trào “Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”

Thực hiện phong trào thi đua “Cựu chiến binh (CCB) giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều tấm gương CCB không chỉ làm giàu cho gia đình mà còn giúp đỡ được nhiều hội viên, người dân phát triển kinh tế, góp phần giải quyết hiệu quả bài toán giảm nghèo, thúc đẩy kinh tế địa phương ngày càng phát triển.

Hiệu quả từ phong trào “Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”Cựu chiến binh Phạm Đắc Hà (bên trái) trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm tại mô hình nuôi ong mật của cựu chiến binh Lê Thanh Hải.

Câu chuyện làm kinh tế giỏi của CCB Phạm Đắc Hà, Giám đốc Công ty TNHH MTV Ong mật Cẩm Thủy, Chủ nhiệm câu lạc bộ (CLB) giúp nhau phát triển kinh tế ở thị trấn Phong Sơn, huyện Cẩm Thủy thật ấn tượng. Năm 1983, theo tiếng gọi của Tổ quốc, CCB Phạm Đắc Hà lên đường nhập ngũ, được biên chế vào Lữ đoàn pháo binh 454 đặc khu Quảng Ninh, tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới tại huyện Hà Cối. Năm 1986 xuất ngũ về địa phương. Lúc bấy giờ cuộc sống rất khó khăn, đói kém. Để mưu sinh, bác Hà xoay sở bằng nhiều nghề, từ thợ xây đến thợ hàn... nhưng vẫn không đủ ăn. Nhận thấy quê mình có nhiều thuận lợi cho nghề nuôi ong mật, bác Hà quyết định học và làm nghề. Buổi đầu không có vốn và kinh nghiệm, chỉ nuôi bằng các dụng cụ truyền thống, đơn sơ và phụ thuộc vào nguồn giống tự nhiên, đàn ong thường bị dịch bệnh, kém phát triển nên công sức bỏ ra nhiều mà không có lãi. Không chùn bước trước khó khăn, lại được sự động viên từ gia đình, đồng đội và thực tế những lần tham quan, học hỏi, đúc rút kinh nghiệm, nghề nuôi ong mật đã mang lại thành công. Số đàn ong được nhân lên, lượng mật khai thác mỗi năm một nhiều hơn, chất lượng bảo đảm, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Với mong muốn phát huy lợi thế của quê hương, năm 2017, CCB Phạm Đắc Hà thành lập Công ty TNHH MTV Ong mật Cẩm Thủy với 7 lao động được đào tạo bài bản, dày dạn kinh nghiệm cùng 30 thành viên là hội viên CCB và người dân thị trấn Phong Sơn. Từ đó đến nay công ty cùng với CLB “CCB giúp nhau phát triển kinh tế” thị trấn Phong Sơn đã phối hợp với Hội Làm vườn và Trang trại huyện Cẩm Thủy tổ chức khảo sát toàn bộ số lượng đàn ong của các hội viên CCB trên địa bàn huyện, thống nhất về phương hướng phát triển đàn ong. Không chỉ giúp địa phương đẩy mạnh phát triển kinh tế, tạo việc làm cho nhiều CCB và Nhân dân, bác Hà còn phối hợp với Hội Làm vườn và Trang trại các huyện Như Xuân, Thường Xuân, Thạch Thành, thị xã Nghi Sơn triển khai kỹ thuật nuôi ong cho 20 xã, với hơn 600 lượt người tham gia.

Sản phẩm mật ong của Công ty TNHH MTV Ong mật Cẩm Thủy đã được Hội Làm vườn và Trang trại tỉnh Thanh Hóa chọn tham gia nhiều hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh và nhiều nơi ký hợp đồng tiêu thụ. Công ty cũng đang tham gia một số dự án phát triển kinh tế - xã hội như Dự án KE, Tầm nhìn Thế giới... Thu nhập của các thành viên trong công ty luôn ổn định trên 200 triệu đồng/năm. Nhiều gia đình hội viên CCB đạt mức thu nhập trên 300 triệu đồng/năm. Có những CCB sau khi được bác Hà hỗ trợ, giúp đỡ, trở thành chủ mô hình nuôi ong mật. Điển hình là thương binh Lê Thanh Hải từ chỗ chỉ có vài đàn ong mật, đến nay nhân lên trên 300 đàn. CCB Lê Thanh Hải hiện là Giám đốc HTX dịch vụ ong mật Cẩm Thủy, HTX tạo việc làm, thu nhập ổn định cho 14 thành viên.

Trở về cuộc sống đời thường sau thời gian cống hiến tuổi xuân, sức trẻ cho độc lập dân tộc. Năm 1995 CCB Tống Văn Quân ở làng Thổ Khối, xã Yên Dương, huyện Hà Trung đã nhận thầu gần 3,8 ha đất của UBND xã và bắt tay vào cải tạo, xây dựng mô hình trang trại tổng hợp VAC. Ngoài số tiền chắt chiu, dành dụm của gia đình để khởi nghiệp, bác Quân được hội CCB xã hỗ trợ vay vốn ngân hàng và vốn của hội để đầu tư xây dựng chuồng trại, mua cá giống, kết hợp với chăn nuôi lợn, gà, ngan, vịt và trồng các loại cây ăn quả. Tuy nhiên, việc chăn nuôi không phải lúc nào cũng thuận lợi, bản thân cũng phải nghiên cứu học hỏi từ sách báo, internet, các lớp tập huấn và các buổi giao lưu của hội làm vườn và trang trại, hội CCB. Bác Quân chia sẻ: Buổi đầu điện, đường không có, vốn ít, kinh nghiệm ở con số không nên con giống nhiễm bệnh và chết nhiều. Có đợt dịch tả, lợn chết hàng loạt, phải bắt tay lại từ đầu.

Mồ hôi, công sức, trí tuệ bỏ ra rồi cũng đem đến thành quả. Bình quân mỗi năm gia đình bác xuất khoảng 10 - 15 tấn cá thương phẩm, hàng chục tạ lợn, hàng nghìn con ngan, gà, vịt cùng nhiều rau, củ, quả khác. Trừ chi phí, gia đình bác thu về từ 300 đến 500 triệu đồng/năm, giải quyết việc làm thường xuyên cho 4 - 5 lao động. Hiện trang trại của bác có 30 lợn nái, hơn 100 lợn thịt, dự kiến xuất chuồng vào dịp Tết Nguyên đán 2022. Mô hình nuôi ốc nhồi mới được đầu tư dịp đầu năm cũng bắt đầu cho thương phẩm với giá 100.000 đồng/kg... Theo bác Quân, nuôi ốc tiền đầu tư ít, không tốn nhiều công sức, thức ăn có thể tận dụng từ rau, cỏ, bèo... nhưng mang lại hiệu quả về kinh tế nên bản thân rất mong mô hình nuôi ốc nhồi thương phẩm được nhân rộng và sẽ sẵn sàng giúp hội viên CCB, người dân trong xã về con giống, kiến thức.

Bác Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch Hội CCB xã Yên Dương, cho biết: Hội CCB xã có vốn vay ngân hàng chính sách số dư là 1,9 tỷ đồng, vốn quỹ hội cho nhau vay là trên 380 triệu đồng và vốn vay từ CLB làm kinh tế giỏi là 70 triệu đồng. Từ các nguồn vốn trên đã giúp nhiều hội viên CCB được tiếp cận phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Vì vậy, trong tổng số 466 hội viên CCB/454 hộ thì hiện không còn hộ nghèo, có 11 hộ cận nghèo; 393 hộ khá, giàu và 50 hộ trung bình. Có 3 hội viên là chủ doanh nghiệp, 1 hội viên là chủ trang trại và 10 hội viên làm gia trại. Mô hình trang trại tổng hợp của CCB Tống Văn Quân được xã, huyện đánh giá là mô hình điển hình để học tập và nhân rộng. Thấy rõ hiệu quả từ mô hình nuôi ốc nhồi của gia đình CCB Tống Văn Quân, hội CCB xã cũng đang hướng tới xây dựng mô hình CCB nuôi ốc nhồi xã Yên Dương nhằm thu hút nhiều hội viên tham gia để góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho hội viên.

Bài và ảnh: Mai Phương



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]