(Baothanhhoa.vn) - Với nhiều tiêu chí ngặt nghèo và các yêu cầu cao về sự đổi mới, áp dụng công nghệ trong sản xuất, nhưng anh Nguyễn Văn Tuyến, phường Hải Thanh (thị xã Nghi Sơn) vẫn lọt vào danh sách 63 “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2021”. Đây là danh hiệu do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương tổ chức bình xét, trao tặng vào đầu tháng 12-2021 vừa qua.

Gặp “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2021”

Với nhiều tiêu chí ngặt nghèo và các yêu cầu cao về sự đổi mới, áp dụng công nghệ trong sản xuất, nhưng anh Nguyễn Văn Tuyến, phường Hải Thanh (thị xã Nghi Sơn) vẫn lọt vào danh sách 63 “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2021”. Đây là danh hiệu do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương tổ chức bình xét, trao tặng vào đầu tháng 12-2021 vừa qua.

Gặp “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2021”Anh Nguyễn Văn Tuyến giới thiệu hệ thống bơm tự động trong quy trình sản xuất nước mắm.

Đã quá giờ cơm trưa, nhưng anh Nguyễn Văn Tuyến vẫn ngồi đợi chúng tôi như lịch đã hẹn. Vẫn là sự xởi lởi dễ gần như nhiều lần chúng tôi từng gặp anh ở các hội chợ triển lãm sản phẩm nông nghiệp, nông thôn trong và ngoài tỉnh. Dẫn chúng tôi thăm xưởng sản xuất nước mắm và các loại mắm nằm ven dòng sông Bạng, anh Tuyến nhiệt tình giới thiệu quy trình sản xuất từng loại sản phẩm. Với hệ thống nhà xưởng rộng 9.000m2, anh Tuyến khéo léo bài trí các ô muối mắm, hệ thống dây dẫn và các bể chứa nước mắm rộng cả trăm mét vuông theo trình tự một cách khoa học. Dưới hệ thống mái tôn nhà xưởng, những bể chứa nước mắm được thiết kế âm một phần trong lòng đất để tạo độ “đầm” cho sản phẩm. Những năm gần đây, anh còn du nhập nhiều thùng gỗ để muối mắm nhằm bảo đảm vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Hiện cơ sở sản xuất mắm này có quy mô lớn nhất ở phường Hải Thanh với công suất sản xuất khoảng 10.000 lít nước mắm và hàng chục tấn mắm tôm, mắm tép mỗi năm.

Nằm ngay trong làng nghề sản xuất nước mắm Ba Làng với hàng chục cơ sở đang đổi mới chất lượng và phát triển thị trường mạnh mẽ, nhưng cơ sở sản xuất của anh Tuyến luôn dẫn đầu về sản lượng. Những năm gần đây, doanh thu của cơ sở đều đạt hàng chục tỷ đồng, đem về lợi nhuận 1 đến gần 2 tỷ đồng/năm. Có được thành quả như ngày hôm nay là cả quá trình phấn đấu không ngừng nghỉ của người đàn ông trung niên xứ biển Lạch Bạng.

Ngược dòng thời gian hàng chục năm trước, từ thuở bé đến lúc trưởng thành, chàng trai Nguyễn Văn Tuyến lớn lên trên quê hương của nghề mắm. Xứ đạo Ba Làng đất chật người đông, nghề chính của cha ông là đi biển và muối mắm. Vùng cửa biển Lạch Bạng quê anh chính là nơi cập bến của tàu thuyền lớn trong vùng, và cả phương tiện ngoài tỉnh đến trao đổi hải sản nên nguồn nguyên liệu làm mắm luôn dồi dào. Người con quê biển Hải Thanh đã sớm xác định theo nghiệp cha ông để làm giàu bằng nghề mắm ngay tại quê hương. Những năm 2000 khi khởi nghiệp, cơ sở sản xuất của gia đình thuộc dạng nhỏ lẻ, lối làm mắm truyền thống có phần lạc hậu. Anh đã sớm xác định trách nhiệm của mình với nghề truyền thống là phải tìm cách đột phá để phát triển. Lấy ngắn nuôi dài, anh dần phát triển quy mô sản xuất, mua đất mở rộng thêm nhà xưởng. Đến năm 2009, anh đã mạnh dạn thành lập Công ty TNHH Chế biến hải sản Ba Làng, trở thành bước đột phá mà khi ấy, nhiều chủ cơ sở sản xuất ở địa phương chưa nghĩ tới. Tiếp đó, anh đã đăng ký nhãn hiệu sản phẩm nước mắm, mắm tôm, mắm tép của công ty với tên thương mại Tuyến Hòa. Khi sản phẩm có tên tuổi, nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ nên dần mở rộng được thị trường trong tỉnh, rồi vượt ra khỏi địa giới hành chính Thanh Hóa để đến nhiều địa phương lân cận. Nhằm tạo sự liên kết cạnh tranh, năm 2015, anh Tuyến cùng một số chủ cơ sở sản xuất lớn ở địa phương đã chủ động liên kết các cơ sở sản xuất mắm địa phương để thành lập Hiệp hội nước mắm Do Xuyên - Ba Làng. Thời điểm hiện tại, hiệp hội đã có 80 hội viên là các chủ cơ sở sản xuất tham gia, tạo việc làm cho gần 400 lao động, hàng năm cung ứng ra thị trường gần 5 triệu lít nước mắm và 4.000 tấn mắm tôm.

Sau 10 năm thành lập công ty, đã gặt hái được nhiều thành công, nhưng anh cũng sớm nhận ra những nhược điểm của nước mắm địa phương cũng như miền Bắc nói chung. “Miền Bắc có mùa đông lạnh giá, cá muối trong bể khó phân hủy được, dẫn đến chất lượng nước mắm không cao như ở các tỉnh phía Nam”, giám đốc Nguyễn Văn Tuyến chia sẻ. Từ tháng 9–2019, anh đã đầu tư giàn pin mặt trời để áp dụng vào muối mắm – trở thành người đầu tiên ở Thanh Hóa thử nghiệm cách làm mới này. Theo nguyên lý hoạt động, pin sẽ thu ánh sáng mặt trời tạo thành nhiệt năng. Nước mắm trong các bể được chảy qua các ống dẫn tự động về hệ thống tụ nhiệt, rồi được hệ thống bơm tự động luân chuyển về bể thành dòng khép kín. Dù những ngày đông lạnh giá, nhưng nhiệt độ trong các bể mắm đều duy trì khoảng 30 độ C trở lên.

Theo anh Tuyến, khi nhiệt độ trong bể mắm được duy trì cao trong cả 4 mùa, sẽ giúp các vi khuẩn có lợi hoạt động nhanh hơn. Trước đây, thời gian ủ mỗi mẻ mắm phải mất 18 tháng, thì nay rút ngắn còn khoảng 1 năm. Thời gian muối ngắn lại, đồng nghĩa vốn xoay vòng sẽ nhanh và lợi nhuận sẽ cao hơn. Một lợi ích khác khi áp dụng giàn pin mặt trời trong muối mắm là hằng ngày không phải mở thùng ra phơi nắng, tiết giảm được hàng chục công lao động, lại không bị côn trùng, ruồi bọ gây ô nhiễm như trước kia. Trong suốt quá trình muối, dòng nước mắm liên tục được rút ra bơm vào nên tự náo đảo, đúng theo phương pháp muối mắm của các tỉnh phía Nam. Khâu khuấy đảo thủ công không cần thực hiện nên cũng không làm nát chượp cá gây màu đen cho nước mắm.

Áp dụng công nghệ pin mặt trời vào muối mắm – nghe có vẻ đơn giản nhưng đây chính là sáng tạo mang tính đột phá trong nâng cao chất lượng nước mắm phía Bắc. Trên thực tế, nhược điểm cố hữu của nghề sản xuất nước mắm phía Bắc là có mùa đông lạnh làm giảm chất lượng nước mắm, nay đã có hướng khắc phục. Những lợi ích mang lại trong thực tiễn của anh Tuyến đã thuyết phục được hội đồng chung khảo gồm đại diện lãnh đạo Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, các nhà khoa học, chuyên gia trong quá trình kiểm tra, bình chọn.

Được biết, mục tiêu của cuộc bình chọn “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2021” nhằm thúc đẩy sự thay đổi của người nông dân thích ứng với điều kiện mới, gắn sản xuất, chế biến với phát triển thị trường cho sản phẩm. Cuộc thi tôn vinh những nông dân đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng chú trọng nông nghiệp thông minh, sản xuất an toàn, áp dụng công nghệ cao, số hóa, truy xuất nguồn gốc và xây dựng thương hiệu quốc gia ở một số nông sản trọng điểm, có thế mạnh. Những nông dân được tôn vinh như anh Nguyễn Văn Tuyến sẽ góp phần lan tỏa tinh thần cần cù, sáng tạo, chịu thương chịu khó của nông dân Việt, góp phần xây dựng, phát triển nền nông nghiệp hiện đại.

Bài và ảnh: Lê Đồng



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]