(Baothanhhoa.vn) - Trong những năm qua, đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh ta đã phát huy truyền thống đoàn kết, tích cực thực hiện đường lối đổi mới của Đảng và đạt được nhiều kết quả trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. Phong trào thi đua “Sản xuất giỏi, công tác xã hội tốt” đã phát triển rộng khắp, thu hút đông đảo đồng bào DTTS tích cực tham gia.

Đồng bào dân tộc thiểu số với phong trào “Sản xuất giỏi, công tác xã hội tốt”

Trong những năm qua, đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh ta đã phát huy truyền thống đoàn kết, tích cực thực hiện đường lối đổi mới của Đảng và đạt được nhiều kết quả trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. Phong trào thi đua “Sản xuất giỏi, công tác xã hội tốt” đã phát triển rộng khắp, thu hút đông đảo đồng bào DTTS tích cực tham gia.

Đồng bào dân tộc thiểu số với phong trào “Sản xuất giỏi, công tác xã hội tốt”Mô hình chăn nuôi vịt cho hiệu quả kinh tế cao của hộ gia đình anh Hà Văn Sinh, thôn La Ca, xã Cổ Lũng (Bá Thước).

Nhờ đó, kinh tế và các hoạt động xã hội của đồng bào DTTS có những bước phát triển mới bền vững hơn, từng bước đáp ứng nhu cầu của Nhân dân, diện mạo nông thôn, đặc biệt là vùng nông thôn miền núi, vùng sâu vùng xa có nhiều đổi mới; đời sống vật chất và tinh thần của bà con từng bước được cải thiện.

Có thể thấy, nét nổi bật trong phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi trong đồng bào DTTS đó là đã chuyển đổi được nhận thức, thay đổi được tập quán canh tác lạc hậu từ độc canh “phát, đốt, cốt, trỉa”, sản xuất “tự cung, tự cấp” sang thâm canh tăng vụ và sản xuất hàng hóa. Đồng bào tích cực phát huy thế mạnh của địa phương, giúp nhau vốn, vật tư, cây, con giống, kinh nghiệm sản xuất, ngày công lao động để chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, mở mang ngành nghề, giải quyết việc làm...

Nhiều hộ gia đình đã tranh thủ các nguồn vốn vay của Nhà nước, sự giúp đỡ của cộng đồng, cùng với tinh thần cần cù, năng động, sáng tạo, đổi mới nếp nghĩ, cách làm, khai thác tiềm năng thế mạnh về lao động, đất đai vùng đồi, vùng rừng, tích cực áp dụng khoa học – kỹ thuật, đưa cây, con giống có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất nhằm tạo ra giá trị cao trong sản phẩm hàng hóa. Với những bước chuyển biến quan trọng, phong trào đã góp phần tăng trưởng kinh tế nông thôn miền núi, xóa đói, giảm nghèo, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh.

Từ phong trào, đã xuất hiện ngày càng nhiều những tấm gương đồng bào DTTS tiêu biểu, trở thành tấm gương sáng để bà con học tập, noi theo. Bác Tôn Thị Hồng Việt, thôn Ngọc Trạo, xã Ngọc Trạo (Thạch Thành) là một điển hình như thế. Vốn là người luôn chịu khó tìm tòi, học hỏi cách làm ăn, tích cực tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học – kỹ thuật để tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm trong sản xuất, bác đã mạnh dạn nhận trồng, chăm sóc 19 ha keo, nuôi 130 đàn ong, mỗi năm thu được 1,3 tấn mật, thu nhập hàng năm khoảng 900 triệu đồng. Nhờ kinh tế phát triển bác đã mua sắm đầy đủ các tiện nghi trong gia đình, đầu tư cho con ăn học và giúp đỡ bà con lối xóm trong lúc hoạn nạn khó khăn. Nhiều năm liên tục bác được Ủy ban MTTQ tỉnh công nhận là điển hình về sản xuất, kinh doanh giỏi, công tác xã hội tốt.

Hay như anh Hà Văn Sinh, dân tộc Thái, thôn La Ca, xã Cổ Lũng (Bá Thước), với đức tính cần cù, nhạy bén trong công việc, anh luôn tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm làm ăn của bà con miền xuôi. Khai thác lợi thế dòng suối Nủa chảy qua, anh đã đầu tư chăn nuôi vịt Cổ Lũng - một sản vật nổi tiếng mà bất kỳ du khách nào khi đặt chân đến vùng đất Pù Luông cũng mong muốn được thưởng thức. Nhờ áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào chăn nuôi, đàn vịt Cổ Lũng của gia đình anh hiện có gần 500 con, cho hiệu quả kinh tế rất cao. Để khuyến khích người dân cùng nuôi vịt Cổ Lũng, năm 2017, anh đã thành lập HTX phát triển chăn nuôi vịt Cổ Lũng với 12 thành viên, nuôi từ 2.000 - 2.500 con theo quy trình nghiêm ngặt từ sản xuất giống, chọn giống, bố trí, vệ sinh chuồng trại, chế độ ăn đến cách tiêm phòng, trị bệnh... Anh Sinh cũng chính là người cung cấp con giống, hướng dẫn kỹ thuật nuôi, xây dựng chuồng trại, chăm sóc và bao tiêu sản phẩm. Hiện thu nhập của mỗi thành viên trong HTX trung bình đạt từ 100 - 150 triệu đồng mỗi năm. Học theo anh Hà Văn Sinh, mấy năm trở lại đây, không chỉ 900 hộ dân ở xã Cổ Lũng mà các xã lân cận cũng đến để mua giống vịt Cổ Lũng về chăn nuôi, phát triển kinh tế.

Và còn rất nhiều những tấm gương đồng bào DTTS táo bạo, “dám nghĩ dám làm” trong việc bứt phá tìm đường làm giàu hợp pháp; những tấm gương luôn tích cực hoạt động vì cộng đồng, góp phần quan trọng vào sự phát triển của làng bản, trở thành tấm gương sáng để mọi người noi theo như: chị Phạm Thị Huệ, dân tộc Mường, thôn Bái Thất, xã Xuân Phúc (Như Thanh), anh Bùi Như Nam, thôn Thác Làng, xã Vạn Xuân (Thường Xuân), bác Phạm Văn Chinh, dân tộc Mường, xã Ngọc Liên (Ngọc Lặc), bà Đặng Thị Thêm, chi hội phó phụ nữ thôn Đồng Mực, xã Vĩnh Hùng (Vĩnh Lộc), ông Bùi Thanh Luân, xã Thọ Bình (Triệu Sơn)...

Dù bằng nhiều con đường khác nhau dẫn đến thành công, song nét chung nhất của các gương điển hình “Sản xuất giỏi, công tác xã hội tốt” trong đồng bào DTTS tỉnh ta là sự nỗ lực phấn đấu vươn lên, chủ động, sáng tạo, mạnh dạn, chịu khó, biết tận dụng thời cơ kinh doanh dịch vụ, thế mạnh vườn đồi, vườn rừng để sản xuất, làm ăn có hiệu quả, nâng cao thu nhập cho gia đình, vươn lên thoát nghèo bền vững và làm giàu của đồng bào. Những kết quả đạt được trong phong trào thi đua “Sản xuất giỏi, công tác xã hội tốt” đã góp phần làm chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, bộ mặt nông thôn miền núi có nhiều đổi mới. Đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào DTTS từng bước được cải thiện, bà con phấn khởi, hăng hái tham gia lao động sản xuất, xóa đói, giảm nghèo, tích cực tham gia các hoạt động xã hội, nhân đạo từ thiện, các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động; góp phần củng cố an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Gương mẫu đi đầu trong phát triển kinh tế gia đình, tích cực tham gia công tác xã hội

Đồng bào dân tộc thiểu số với phong trào “Sản xuất giỏi, công tác xã hội tốt”

Là ủy viên Ủy ban MTTQ huyện, người có uy tín, Chủ nhiệm Câu lạc bộ cựu chiến binh giúp nhau phát triển kinh tế xã Giao Thiện (Lang Chánh), tôi luôn xác định cần gương mẫu đi đầu trong phát triển kinh tế gia đình và các phong trào, các cuộc vận động để bà con học tập, noi theo, tránh xa các tệ nạn xã hội, vươn lên làm giàu chính đáng. Cùng với việc đầu tư các phương tiện vận tải hàng hóa, thu mua các nông, lâm sản, nguyên liệu phục vụ bà con trên địa bàn, hiện gia đình còn trồng, chăm sóc 30 ha keo, 5 ha luồng... đem lại nguồn thu hàng trăm triệu đồng/tháng, giải quyết việc làm thường xuyên cho 22 lao động với mức thu nhập 5 - 10 triệu đồng/người/tháng. Cùng với việc làm giàu cho gia đình, bao tiêu sản phẩm cho bà con, hàng năm, tôi còn ứng trước hơn 800 triệu đồng giúp hơn 100 hộ dân trong vùng đầu tư cây, con giống, phân bón và hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây trồng.

Trong xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, tôi đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền, MTTQ và đoàn thể cơ sở tuyên truyền, vận động bà con đoàn kết chung sống hòa thuận, giữ gìn truyền thống văn hóa tốt đẹp của người Thái, người Mường; tích cực đấu tranh với các luận điệu xuyên tạc, bãi bỏ những tập quán lạc hậu; vận động con cháu, gia đình, dòng họ chấp hành các quy định pháp luật, ký cam kết phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội. Thông qua các buổi họp dân, sinh hoạt cộng đồng, thường xuyên nhắc nhở bà con nâng cao tinh thần cảnh giác, không tin, không nghe lời kẻ xấu xúi giục; báo cáo với cơ quan chức năng khi phát hiện những cá nhân phát tán thông tin độc hại, bịa đặt, vi phạm pháp luật. Đến nay, trên địa bàn huyện đã xây dựng được 58/78 khu dân cư đạt chuẩn “Không phát sinh tội phạm”; 61/78 khu dân cư không phát sinh người nghiện ma túy.

Lê Văn Chiến

Ủy viên Ủy ban MTTQ huyện,

người có uy tín thôn Poọng, xã Giao Thiện, huyện Lang Chánh

Tuyên truyền, vận động để bà con đổi mới nếp nghĩ, cách làm

Đồng bào dân tộc thiểu số với phong trào “Sản xuất giỏi, công tác xã hội tốt”

Chi bộ thôn Bù Đồn có 25 đảng viên. Với vai trò là bí thư chi bộ, người có uy tín, trưởng thôn Bù Đồn, xã Vạn Xuân (Thường Xuân), thời gian qua, tôi luôn trách nhiệm, gương mẫu đi đầu trong các phong trào thi đua, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tìm hướng đi phù hợp để tăng thu nhập cho Nhân dân. Tôi cùng với đảng viên trong chi bộ tích cực tuyên truyền để người dân trong thôn đổi mới nếp nghĩ, cách làm và phát huy tiềm năng, lợi thế về đất đai, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất để thâm canh, tăng năng suất cây trồng. Do đó tỷ lệ hộ nghèo trong thôn giảm còn 5%, hộ khá, giàu tăng; thu nhập bình quân đầu người đạt 40 triệu đồng/năm.

Trên cương vị trưởng thôn, người có uy tín, bản thân tôi luôn vận động các hộ dân trong thôn, con cháu và người thân trong gia đình gương mẫu, chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước cũng như thực hiện các nội quy, quy định của địa phương; thực hiện tốt các cuộc vận động do các cấp, các ngành phát động, đặc biệt là Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Giai đoạn 2014–2019, Nhân dân thôn Bù Đồn đã hiến đất, góp tiền, công lao động bê tông hóa 100% đường giao thông nông thôn, xây mới nhà văn hóa thôn... với tổng trị giá gần 2 tỷ đồng. Năm 2019, thôn Bù Đồn được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Cùng với việc mở rộng cơ sở kinh doanh dịch vụ thương mại, hiện gia đình tôi đang trồng, chăm sóc hơn 8 ha rừng, chăn nuôi 10 con trâu, bò... cho nguồn thu ổn định hàng năm hơn 500 triệu đồng. Nhiều năm liền, gia đình tôi được công nhận là gia đình văn hóa và hộ gia đình tiêu biểu trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, vươn lên xóa đói, giảm nghèo.

Cầm Bá Mười

Bí thư chi bộ, người có uy tín,

trưởng thôn Bù Đồn, xã Vạn Xuân, huyện Thường Xuân

Tích cực vận động Nhân dân tham gia các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước

Đồng bào dân tộc thiểu số với phong trào “Sản xuất giỏi, công tác xã hội tốt”

Trong những năm qua, các hộ dân trong tổ dân phố Ngọc Sơn, thị trấn Phong Sơn (Cẩm Thủy) đã tích cực tham gia các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước do MTTQ phát động.

Với vai trò là phó ban công tác mặt trận, chi hội trưởng người cao tuổi tổ dân phố, tôi đã tham mưu cho cấp ủy, chi bộ và ban công tác mặt trận thôn tuyên truyền, vận động Nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong sản xuất; mạnh dạn vay vốn đầu tư phát triển kinh tế trang trại, gia trại, góp phần đưa thu nhập bình quân đầu người (năm 2020) đạt 50 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 0,19%. Đặc biệt, hưởng ứng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, từ năm 2018 đến nay, tôi đã tuyên truyền, vận động bà con Nhân dân tổ dân phố Ngọc Sơn hiến 2.500m2 đất, hàng ngàn ngày công đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, bê tông hóa hơn 3,7 km đường giao thông nông thôn.

Với đặc thù tổ dân phố có 100% hộ gia đình là người Dao sinh sống, tôi đã chủ động và phối hợp tuyên truyền, vận động bà con giữ gìn những tập quán, tín ngưỡng tốt đẹp riêng của người Dao, như: giữ gìn chữ viết, trang phục, lễ hội, lễ cấp sắc, lễ tết nhảy, lễ tạ mã, lễ thượng thiền, tết thanh minh... Không chỉ tích cực tham gia công tác xã hội, tôi còn tích cực tham gia phát triển kinh tế gia đình. Hiện gia đình đang trồng, chăm sóc 5 ha rừng keo, cây ăn quả và các loại cây trồng khác làm thức ăn chăn nuôi như: ngô, sắn; chăn nuôi 150 con gà, 30 con lợn, 50 con nhím, hàng năm cho nguồn thu trên 650 triệu đồng; giải quyết việc làm, thu nhập ổn định cho 4 lao động trong gia đình và 7 lao động thời vụ.

Phùng Sinh Kim

Phó Ban công tác mặt trận, Chi hội trưởng người cao tuổi

tổ dân phố Ngọc Sơn, thị trấn Phong Sơn, huyện Cẩm Thủy

Tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc

Đồng bào dân tộc thiểu số với phong trào “Sản xuất giỏi, công tác xã hội tốt”

Bản Cha Khót, xã Na Mèo (Quan Sơn) là bản thuộc xã vùng cao biên giới, đặc biệt khó khăn, với 53 hộ người dân tộc Thái sinh sống. Với vai trò vừa là già làng, người có uy tín, là đảng viên trong bản, tôi luôn tích cực phối hợp cùng ban quản lý bản, chính quyền xã, Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Na Mèo tuyên truyền, vận động gia đình và Nhân dân chấp hành pháp luật, các quy định về biên giới; tham gia tuần tra, phát quang đường biên, bảo vệ cột mốc; cung cấp thông tin và tham gia tuyên truyền, giải thích các hành vi có dấu hiệu vi phạm nhằm ngăn chặn kịp thời các vụ vi phạm pháp luật xảy ra, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Với 75 tuổi đời, tôi rất tự hào vì đã có 22 năm được đóng góp công sức nhỏ bé của mình trong việc bảo vệ đường biên, cột mốc. Đặc biệt, từ năm 2006, khi có chủ trương của cấp trên về tăng dày thêm và tôn tạo các mốc biên giới, tôi đã vận động cả gia đình, dòng họ và bà con dân bản tham gia giúp các đồng chí biên phòng cắm mốc, vận chuyển vật liệu, làm đường để bảo vệ cột mốc... Trong phát triển kinh tế, tôi đã cùng với gia đình nhận chăm sóc, bảo vệ 5 ha đất rừng, chăn nuôi lợn, trâu, bò... hàng năm cho thu nhập trên 150 triệu đồng. Không những tích cực trong bảo vệ đường biên, cột mốc, phát triển kinh tế, tôi còn tích cực tham gia công tác xã hội, gương mẫu đi đầu trong công tác vận động Nhân dân xây dựng nếp sống văn hóa mới ở khu dân cư; thực hiện việc cưới, việc tang theo nếp sống mới; không tàng trữ buôn bán ma túy; không vượt biên trái phép; đóng góp tiền, ngày công lao động tu sửa, nâng cấp đường giao thông, xây dựng nông thôn mới; vận động Nhân dân tạo điều kiện, giúp đỡ nhiều hộ gia đình trong bản xây mới, sửa chữa nhà cửa, phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Hiện trong bản có 40/53 hộ có nhà sàn bán kiên cố; 100% hộ có xe máy, ti vi...

Vi Văn Hợi

Người có uy tín bản Cha Khót,

xã Na Mèo, huyện Quan Sơn

Khởi nghiệp từ mô hình “Vườn rừng bản Thổ”

Đồng bào dân tộc thiểu số với phong trào “Sản xuất giỏi, công tác xã hội tốt”

Là một người trẻ sinh ra và lớn lên trong một gia đình dân tộc Thổ tại thôn Thanh Xuân, xã Hóa Quỳ, huyện miền núi Như Xuân, ngay từ thời sinh viên tôi luôn trăn trở ước mơ một ngày nào đó sẽ về quê phát triển kinh tế rừng, sau đó hướng dẫn lại kiến thức cho bà con để cùng phát triển sản xuất, giảm nghèo.

Năm 2018, quyết định về quê lập nghiệp, tôi đã đầu tư cải tạo 3 héc ta đất đồi bố mẹ cho mượn để xây dựng mô hình “Vườn rừng bản Thổ”. Đây là mô hình trồng trọt và chăn nuôi trên đất đồi tự nhiên, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất, những khu rừng sau khi trồng sẽ giúp đất đai bổ sung lại chất hữu cơ, tái sinh rừng và phủ xanh núi đồi, góp phần phòng, chống lũ quét và sạt lở đất. Điểm đặc biệt ở mô hình vườn rừng này là chỉ trồng dặm cây chứ không phá, vì vậy, cùng với việc duy trì những giống cây bản địa, tôi còn trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao kết hợp với các loài cây rừng quý có tác dụng khôi phục lại các mạch nước ngầm dưới lòng đất, cây hoa màu làm thức ăn chăn nuôi và các loại cây dược liệu. Hiện nay, “Vườn rừng bản Thổ” đã có hơn 50 loài cây rừng bản địa như lim, lát, dẻ, trám, mắc khẻn, dổi..., cùng các loài cây ăn quả gồm cam, quýt, bưởi và các loài dược liệu, cây nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi. Với việc chú trọng sản xuất các dược liệu, nông sản, đặc sản của địa phương, góp phần nâng cao giá trị, lợi thế của vùng, mô hình đã cho nguồn thu 500 đến 600 triệu đồng/năm, tạo việc làm cho 4 lao động thường xuyên và 10 lao động thời vụ với mức thu nhập ổn định 5 triệu đồng/tháng.

Tại chung kết Cuộc thi dự án khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn năm 2020 do Trung ương Đoàn tổ chức, mô hình “Vườn rừng bản Thổ” của tôi đã đoạt giải đặc biệt, cá nhân tôi được Ban Thường vụ Tỉnh đoàn tặng Bằng khen.

Nguyễn Lê Ngọc Linh

(Thôn Thanh Xuân, xã Hóa Quỳ, huyện Như Xuân)

Bài và ảnh: Phan Nga



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]