(Baothanhhoa.vn) - Khi công nghệ thông tin ngày càng phát triển, thư điện tử, mạng internet... đã trở nên quen thuộc với cuộc sống con người, ta cứ tưởng nghề bưu tá đang dần biến mất. Nhưng với vùng núi tỉnh Thanh, nhất là những nơi công nghệ thông tin chưa được “phủ sóng”, các bưu tá ở đây không quản ngại đường sá xa xôi, dù mưa hay nắng, họ vẫn miệt mài, rong ruổi đến từng thôn, bản, vùng sâu, vùng xa mang hàng loạt công văn, thư tín, báo chí, bưu phẩm, bưu kiện... giao tận tay người nhận.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Chuyện về bưu tá vùng cao

Khi công nghệ thông tin ngày càng phát triển, thư điện tử, mạng internet... đã trở nên quen thuộc với cuộc sống con người, ta cứ tưởng nghề bưu tá đang dần biến mất. Nhưng với vùng núi tỉnh Thanh, nhất là những nơi công nghệ thông tin chưa được “phủ sóng”, các bưu tá ở đây không quản ngại đường sá xa xôi, dù mưa hay nắng, họ vẫn miệt mài, rong ruổi đến từng thôn, bản, vùng sâu, vùng xa mang hàng loạt công văn, thư tín, báo chí, bưu phẩm, bưu kiện... giao tận tay người nhận.

Chuyện về bưu tá vùng cao

Hàng ngày, những bưu tá vẫn miệt mài, rong ruổi đến từng thôn, bản xa xôi mang hàng loạt các công văn, thư tín, báo chí... giao tận tay người nhận. Ảnh: Hoài Thu

Trong chuyến công tác về vùng cao Mường Lát, được chứng kiến anh Thao Văn Dinh (32 tuổi), dân tộc Mông, bản Pá Hộc, xã Nhi Sơn “làm nhiệm vụ”, chúng tôi mới thấu hiểu được phần nào nỗi khó khăn, vất vả của nghề bưu tá, đặc biệt ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Mỗi ngày, khi mặt trời lên đỉnh núi, cũng là lúc anh Dinh bắt đầu ngày làm việc của mình. Sau khi tiếp nhận sách báo, công văn, thư từ và bưu phẩm từ bưu điện huyện chuyển xuống, căn cứ vào địa chỉ người nhận, anh phân loại và sắp xếp thứ tự các giấy tờ, công văn, bưu phẩm theo các tuyến một cách hợp lý rồi lên đường.

Quệt ngang những giọt mồ hôi lấm lem trên khuôn mặt xạm đen vì nắng gió, anh Dinh bảo: “Dù thời tiết có nắng nóng đến mấy, nhưng so với những ngày mưa, đường trơn trượt thì vẫn còn dễ chịu hơn nhiều. Bởi trời mưa, ngoài việc đi lại khó khăn, người bưu tá còn phải bao bọc, che đậy một cách cẩn thận để đảm bảo “an toàn” cho thư từ, bưu phẩm. Người có thể ướt chứ công văn, giấy tờ thì không thể bị dính nước được”.

Dù làm nghề bưu tá chưa lâu, nhưng anh Dinh thuộc lòng bàn tay từng cái tên, từng ngôi nhà trên địa bàn mình phụ trách. Những ngày nắng còn đỡ, những ngày mưa thì vất vả vô cùng, có những lần mưa lũ, sạt lở phải ngủ nhờ nhà dân, chờ mưa tạnh anh mới băng suối về lại bản, rồi tiếp tục chở sách, báo, thư tín sang các bản làng lân cận.

Nghề bưu tá vất vả là thế, nhưng 14 năm qua, không kể mưa hay nắng, chị Vi Thị Duyên (35 tuổi), dân tộc Thái, xã biên giới Yên Khương (huyện Lang Chánh) vẫn miệt mài làm nhiệm vụ của mình. “Công việc bưu tá không theo giờ hành chính, khi nào chuyển hết thư, báo, bưu phẩm được giao thì mới kết thúc một ngày làm việc. Có những lúc bưu phẩm chuyển phát nhanh đến, dù có mưa bão hay đêm tối thì chúng tôi vẫn phải đưa đến tận tay người nhận. Vất vả, áp lực lớn nhưng nghề này đã để lại nhiều kỷ niệm vui, buồn khó quên, khiến tôi càng thêm gắn bó với nghề”, chị Duyên tâm sự.

Khắp các bản trên, xóm dưới ở mảnh đất vùng biên đều ghi dấu chân người bưu tá tận tụy này. Ngày nào chị cũng vượt hàng chục cây số đường rừng, “làm bạn” với bao ngọn đèo, con suối để đưa thư, gửi báo đến các bản làng, đơn vị ở những vùng xa xôi, hẻo lánh. Điểm khó khăn nhất với người đưa thư này là tuyến đường đi đã xuống cấp, lắm bụi và nhiều “ổ voi, ổ gà”, đó là chưa kể đến những ngôi nhà nằm trên đồi cao, dốc... chị lại phải gửi xe đi bộ. Chị Duyên bảo, sẽ cảm thấy day dứt dù chỉ một tờ báo hay một bức thư tín trong ngày chưa phát xong. Vì vậy, dù rất khó khăn, vất vả nhưng không một ngày chị bỏ công việc quen thuộc của mình.

Với chị Duyên, một lá thư, trang báo cũng là tài sản của người dân nên luôn cẩn trọng giữ gìn. Vì vậy, tất cả phải được sắp xếp, bảo quản ngăn nắp, an toàn, bảo đảm khi đến tay khách hàng không bị rách, nhàu nát.

Theo Chị Duyên, ngoài việc được đóng bảo hiểm, mỗi tháng chị được nhận hơn 1 triệu đồng tiền phụ cấp của ngành bưu điện, còn lại hưởng theo doanh số. Nhưng với những xã vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới như chị Duyên để đạt được chỉ tiêu thì cực kỳ khó. “Sau khi trừ tiền xăng xe, điện thoại, số tiền còn lại cũng không đáng là bao. Có những hôm trời mưa gió, chuyển phát nhanh đến chậm còn phải bù số tiền chuyển phát, đó là chưa kể đến những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, họ chưa có tiền trả phải cho nợ lại... Hay không may gặp tháng đen đủi xe hỏng một vài lần, có khi không còn tiền mà sửa. Rồi có lần đang đi vào thôn vùng sâu, bị hỏng dọc đường phải dắt bộ vài cây số. Cực nhất là những hôm trời mưa, đường trơn dốc trượt, muỗi, vắt... Dù vậy, tôi vẫn yêu thích công việc này. Nếu không yêu thích thì không thể làm được vì khó khăn thì nhiều mà đồng lương quá ít ỏi. Nhưng mình tìm thấy niềm vui khi đưa từng trang báo, phong thư đến tay người nhận, đó không chỉ là trách nhiệm mà còn là niềm tự hào. Nếu người thân không thông cảm, chắc tôi rất khó bám trụ được với nghề”, chị Duyên chia sẻ.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Sung Văn Lự (hơn 60 tuổi), bản Cặt, xã Nhi Sơn, cho biết: “Bao nhiêu năm nay, niềm vui của tôi là chờ đợi báo đến. Nhờ có bưu tá mà đồng bào ở vùng sâu, vùng xa như chúng tôi vẫn nắm bắt kịp thời được thông tin, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, của xã triển khai xuống; biết thêm tình hình của nhiều địa phương, cũng như đời sống của đồng bào các dân tộc trong cả nước từ những tờ báo mà chúng tôi nhận được kịp thời”.

Ông Lương Văn Xích, Chủ tịch UBND xã Nhi Sơn, bộc bạch: “Ở thời điểm nào, hình ảnh những bưu tá tận tụy luôn để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng nhân dân. Nhi Sơn là một xã có vùng cao, có địa bàn rộng, tương đối phức tạp nên để những cánh thư, tờ báo, bưu phẩm... về đến tay người nhận người bưu tá phải mất rất nhiều công sức. Với nghề bưu tá, phải yêu thì mới có thể làm được”.

Không riêng gì chị Duyên, anh Dinh... mà đây là nỗi niềm chung của tất cả các bưu tá vùng cao. Nhưng bằng tình yêu và trách nhiệm với nghề, hàng ngày họ vẫn âm thầm “cõng” trên lưng mình những cánh thư, trang báo, đưa thông tin đến với các thôn, bản xa xôi, làm cầu nối quan trọng đưa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến với người dân.

Bao nhiêu năm nay, niềm vui của tôi là chờ đợi báo đến. Nhờ có bưu tá mà đồng bào ở vùng sâu, vùng xa như chúng tôi vẫn nắm bắt kịp thời được thông tin, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, của xã triển khai xuống; biết thêm tình hình của nhiều địa phương, cũng như đời sống của đồng bào các dân tộc trong cả nước từ những tờ báo mà chúng tôi nhận được kịp thời.

Bài và ảnh: Hoài Thu


Bài Và Ảnh: Hoài Thu

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]