(Baothanhhoa.vn) - Để giữ rừng bình yên, việc làm tốt công tác dân vận với bà con sinh sống ở vùng liền kề đóng vai trò rất quan trọng. Bởi, khi bà con đã hiểu thì sẽ tự giác cùng lực lượng kiểm lâm tham gia bảo vệ rừng. Mà muốn dân tự giác ủng hộ thì phải làm dân tin, cán bộ phải là những tấm gương, những người bạn đồng hành phát triển kinh tế - xã hội, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Bí quyết giữ rừng của lính kiểm lâm Vườn Quốc gia Bến En

Để giữ rừng bình yên, việc làm tốt công tác dân vận với bà con sinh sống ở vùng liền kề đóng vai trò rất quan trọng. Bởi, khi bà con đã hiểu thì sẽ tự giác cùng lực lượng kiểm lâm tham gia bảo vệ rừng. Mà muốn dân tự giác ủng hộ thì phải làm dân tin, cán bộ phải là những tấm gương, những người bạn đồng hành phát triển kinh tế - xã hội, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân.

Bí quyết giữ rừng của lính kiểm lâm Vườn Quốc gia Bến EnCán bộ kiểm lâm Vườn Quốc gia Bến En hỗ trợ dân trồng các loại cây đặc sản rừng vừa mang lại lợi ích kinh tế, vừa phủ xanh đất trống. Ảnh: tăng thúy

No ấm nhờ rừng

Những ngày cuối năm, hàng chục chiếc xe máy của thương lái nối nhau về thôn Ba Bái, xã Xuân Thái (Như Thanh) mua: dê, hươu sao, mật ong, dổi ăn quả... Nhận hơn 20 triệu đồng bán hươu sao từ tay thương lái, ông Hà Văn Thuyên mỉm cười, yên tâm về một cái tết đủ đầy. Dưới ngôi nhà sàn ngăn nắp, gọn gàng của mình, ông Thuyên chia sẻ: “Tôi khởi đầu với chỉ đôi tay và cái cuốc, bây giờ tôi có vài chục con hươu sao, 2 ha trồng cây dổi thơm và bương mốc. Cuộc sống gia đình tôi như vầy là tạm ổn, không phải thấp thỏm lo âu về cái ăn, cái mặc”.

Vừa dẫn chúng tôi đi thăm vườn dổi thơm đang vào độ kết quả, ông Thuyên vừa kể lại ký ức của gần 10 năm trước: “Ngày ấy, việc nhận đất rừng ở đây bị người ta coi là dại khờ vì rừng hầu như không mang lại lợi ích gì ngoài khoản tiền hỗ trợ hàng năm chỉ đáng giá mấy cân gạo cho mỗi ha rừng khoanh nuôi, bảo vệ. Vì thế, nhiều hộ không muốn nhận đất rừng vì không biết làm gì. Chính tôi ngày ấy cũng lúng túng lắm...”.

Ông Thuyên hiểu, bản thân đã nhận đất rừng thì phải trồng rừng để phủ xanh đất trống - đồi núi trọc. Nhưng bữa cơm còn chưa no, cái áo mặc còn chưa đủ ấm, sức đâu ra mà trồng rừng? Phải tìm ra cách để cánh rừng ấy cho mình miếng ăn thì mới làm tốt được. Được sự động viên, hướng dẫn của các cán bộ kiểm lâm Vườn Quốc gia Bến En, ông Thuyên trồng 2 ha dổi thơm, bương mốc và nuôi hươu sao. Ông Thuyên chia sẻ: “Lúc đầu tôi chỉ nuôi 5 con hươu sao, năm đầu tiên xuất bán, thấy khá hơn gấp mấy lần nuôi lợn, gà. Thế là năm sau, tôi gây đàn và bây giờ duy trì từ 10 đến 15 con, mỗi năm cung cấp cả chục con giống ra thị trường. Thu nhập hàng năm từ việc nuôi hươu sao, trồng dổi thơm, bương mốc đạt trên 150 triệu đồng”.

Cũng như nhiều người dân khác ở thôn Ba Bái, gia đình ông Thuyên từng sống dựa vào rừng trong rất nhiều năm. Họ cần tiền để trang trải cuộc sống hằng ngày, để trả tiền nợ phân bón, giống. Vì thế, họ phải khai thác lâm sản từ Vườn Quốc gia Bến En, Ban Quản lý rừng phòng hộ Như Xuân, như: chặt cây lấy gỗ để bán, phá rừng mở rộng đất trồng ngô, lúa hoặc săn bắt thú rừng... để tăng thêm thu nhập. Nhưng từ khi được cán bộ kiểm lâm Vườn Quốc gia Bến En tuyên truyền, vận động tham gia các dự án phát triển kinh tế gia đình gắn với bảo vệ rừng thì tình trạng người dân khai thác lâm sản trái phép giảm đi đáng kể.

Ngoài các mô hình trồng rừng đặc sản và chăn nuôi một số loài có giá trị kinh tế cao như: trồng măng bương mốc, cây dổi thơm; nuôi hươu sao, ong mật... đã và đang phát triển rất tốt, Vườn Quốc gia Bến En còn triển khai cho hàng chục hộ gia đình các thôn khác phát triển cây khôi tía, cây bò khai, chè vằng... Ông Thuyên chia sẻ: “Càng nhiều người trồng các loại cây rừng đặc sản thì càng dễ bán, dễ mua nên tôi chỉ mong dân trong xã, thôn cùng nhau trồng để vừa xóa đói nghèo, vừa giữ rừng thêm xanh tốt. Gần 10 năm qua, tôi nghiệm ra rằng, phát triển cây trồng phải đi đôi với bảo vệ rừng. Bởi, rừng có tốt thì cây trồng mới tốt tươi, con người mới có nguồn nước sạch”.

Rời xã Xuân Thái, chúng tôi đến thôn Hợp Thành, xã Bình Lương (Như Xuân) thăm mô hình nuôi ong mật nội theo lời giới thiệu của một cán bộ kiểm lâm Vườn Quốc gia Bến En.

Theo lời anh Trần Văn Nghĩa, cán bộ kiểm lâm Vườn Quốc gia Bến En, cách đây 2 năm, thôn chỉ có 5-7 hộ gia đình nuôi ong nội lấy mật theo cách truyền thống, nhỏ lẻ dưới 5 đàn/hộ, sản lượng không cao. Nhận thấy việc nuôi ong nội mang lại nguồn kinh tế cao, đồng thời giảm các nguy cơ từ việc người dân vào rừng đốt ong dễ gây cháy rừng, Vườn Quốc gia Bến En đã giao cho Hạt Kiểm lâm Bến En xây dựng, phát triển mô hình nuôi ong nội tại địa phương. Nhận nhiệm vụ từ Hạt Kiểm lâm Bến En, anh Nghĩa hướng dẫn, trực tiếp cùng người dân nuôi và phát triển đàn ong theo hướng thương mại hóa, áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật. Hiện tại, thôn đang có hơn 150 đàn ong. Riêng năm 2020, sản lượng mật ước đạt 1.500 kg. Mật ong bán giá 250.000 đồng/kg, nhiều nhà thu nhập hàng chục triệu đồng/năm từ việc nôi ong nội.

Ngoài việc giúp dân xây dựng, phát triển các mô hình kinh tế mới có thu nhập cao, trong những năm qua, Vườn Quốc gia Bến En đã hỗ trợ hầu hết các thôn, bản trong xây dựng nông thôn mới: từ làm đường giao thông (bê tông hóa), lắp hệ thống đường điện chiếu sáng đến sửa chữa, nâng cấp hệ thống tưới tiêu nông nghiệp, sửa sang nhà văn hóa...

Cùng dân giữ rừng

Men theo con đường dẫn lối xuyên giữa khu rừng già, chúng tôi choáng ngợp trước sự đa dạng, phong phú của hệ động, thực vật nơi đây. Những cây đinh, lim, sến, táu, hương... sừng sững, có cây ba bốn người ôm không xuể. Càng đi sâu, vẻ đẹp càng hoang sơ. Theo lời anh Lê Xuân Thái, Phó hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Vườn Quốc gia Bến En, nếu đi sâu vào lõi Vườn Quốc gia Bến En, chúng tôi còn được “mục sở thị” nhiều loài cây quý hiếm khác nữa, thậm chí có thể bắt gặp một số loài động vật rừng hoặc dấu vết của chúng như: báo lửa, hoẵng, lợn rừng, khỉ, sóc, nhím...

Trên đường trở về, anh Thái chia sẻ, diện tích rừng thuộc Ban Quản lý Vườn Quốc gia Bến En quản lý rộng tới hàng chục nghìn ha, trải dài trên các xã Xuân Thái, Bình Lương, Tân Bình, Hóa Quỳ, Xuân Hòa... thuộc huyện Như Xuân và Như Thanh. Vì thế, nếu không được người dân chung tay giữ rừng thì lực lượng kiểm lâm có đông đến mấy, có căng mình ra làm việc thì cũng rất khó khăn, vất vả.

Ai cũng biết, rừng có tầm quan trọng trong việc giữ gìn môi trường sinh thái, phòng chống thiên tai, bảo vệ nguồn gen sinh vật rừng, danh lam thắng cảnh phục vụ du lịch, thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương. Vì vậy, việc quản lý, bảo vệ nguyên vẹn diện tích rừng tự nhiên không chỉ là trách nhiệm của lực lượng kiểm lâm mà còn là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Nhận thức rõ điều đó, trong những năm qua, Ban Quản lý Vườn Quốc gia Bến En đã tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền thực hiện những biện pháp đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền các tầng lớp Nhân dân ở tất cả các địa bàn tiếp giáp với rừng cùng vào cuộc để bảo vệ rừng. Trong đó, công tác xã hội hóa về bảo vệ rừng được chú trọng và đầu tư mạnh mẽ.

Cùng với những chính sách của Nhà nước về bảo vệ rừng thì vườn quốc gia đã chủ động cùng với Nhân dân tìm ra những mô hình phát triển kinh tế mới, đem lại lợi ích cao hơn. Lực lượng kiểm lâm ở cơ sở sẽ là những cán bộ hỗ trợ công tác khuyến nông, khuyến lâm. Họ là những người cùng với địa phương hoạch định các chính sách phát triển kinh tế. Từ đó, mối quan hệ giữa địa phương, Nhân dân và kiểm lâm ngày một khăng khít, bền chặt. Nhân dân hoàn toàn tin tưởng, tín nhiệm và coi cán bộ kiểm lâm như những người thân trong gia đình. Có lẽ vì thế mà người dân chủ động hơn trong công tác bảo vệ rừng, họ lên án mạnh mẽ các hành vi xâm hại tài nguyên rừng.

Anh Lê Trọng Mai, thôn Hợp Thành, xã Bình Lương, huyện Như Xuân - chủ hộ gia đình nhận khoán bảo vệ rừng Vườn Quốc gia Bến En, chia sẻ: “Tuy rừng gần như thế nhưng người dân trong thôn không ai dám tự tiện khai thác đâu. Kể cả việc lấy củi khô trong rừng cũng không còn nữa; khi lấy măng rừng, người dân cũng chỉ lấy đủ để phục vụ, cải thiện bữa ăn trong ngày. Cách đây chưa lâu, có nhóm người từ nơi khác đưa máy cưa lên chuẩn bị hạ một cây cổ thụ trong thôn. Thấy người lạ vào phá rừng, một người dân phát hiện, gọi cả thôn kéo lên ngăn chặn. Sau đó, báo với kiểm lâm phối hợp với chính quyền địa phương kịp thời ngăn chặn. Từ đó đến nay, không thấy các đối tượng đến thôn nữa”.

Nhờ thực hiện tốt công tác dân vận nên nhiều năm qua, trên địa bàn Vườn Quốc gia Bến En không xảy ra vụ vi phạm lâm luật lớn và không để xảy ra cháy rừng. Hiệu quả của công tác dân vận trong bảo vệ rừng đã góp phần quan trọng để Vườn Quốc gia Bến En được giữ gìn, bảo tồn. Thành quả này chính là nhờ sự chung tay, ý thức giữ rừng cũng như giữ bản của người dân nơi đây. “Chúng tôi đánh giá cao và trân trọng ý thức bảo vệ rừng của người dân ở địa phương và xem đây là điển hình để tuyên truyền nhân rộng...”, anh Thái nhấn mạnh.

Tăng Thúy


Tăng Thúy

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]