(Baothanhhoa.vn) - Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Y Thanh Hóa năm 1994 chuyên ngành y sĩ đa khoa, chàng trai Hồ Văn Trọng ở thị trấn Rừng Thông (Đông Sơn) về quê phụ giúp bố cắt thuốc đông y. Đến năm 1998, theo tiếng gọi của ngành y tế Thanh Hóa, Trọng lên đường nhận công tác ở huyện Mường Lát và gắn bó với ngành y tại đây những năm tháng đẹp nhất của cuộc đời góp phần chăm sóc sức khoẻ cho bà con các dân tộc nơi vùng cao biên giới.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Bác sĩ Hồ Văn Trọng với sự nghiệp y tế vùng cao

Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Y Thanh Hóa năm 1994 chuyên ngành y sĩ đa khoa, chàng trai Hồ Văn Trọng ở thị trấn Rừng Thông (Đông Sơn) về quê phụ giúp bố cắt thuốc đông y. Đến năm 1998, theo tiếng gọi của ngành y tế Thanh Hóa, Trọng lên đường nhận công tác ở huyện Mường Lát và gắn bó với ngành y tại đây những năm tháng đẹp nhất của cuộc đời góp phần chăm sóc sức khoẻ cho bà con các dân tộc nơi vùng cao biên giới.

Bác sĩ Hồ Văn Trọng với sự nghiệp y tế vùng cao

Ảnh minh họa.

Buổi đầu công tác xa nhà, Trọng gặp rất nhiều khó khăn vất vả, bởi cung đường từ quê lên đến huyện Mường Lát chỉ hơn 200 cây số nhưng phải đi mất 3 ngày đường, mỗi tuần chỉ có một chuyến xe, vì vậy những lần về thăm bố mẹ còn khó hơn so với sang tỉnh Sơn La hay nước bạn Lào. Nhưng với sức trẻ, niềm đam mê được cống hiến, Trọng đã vượt qua gian khổ, quyết tâm đi học nâng cao trình độ chuyên môn ở Đại học Y Thái Bình, chuyên ngành bác sĩ đa khoa. Sau 4 năm đèn sách, năm 2009, Trọng cầm tấm bằng đại học trên tay, không như nhiều người khác tìm cách để trở về xuôi mà anh trở lại công tác tại Bệnh viện Đa khoa huyện Mường Lát, phụ trách khoa nội lây. Để tiếp tục nâng cao tay nghề, anh Trọng học thêm chuyên khoa sơ bộ ngoại ở Khoa Ngoại tổng hợp Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa. Trang bị cho mình kiến thức chuyên môn vững, anh đã cùng đồng nghiệp tại Bệnh viện Đa khoa Mường Lát phát huy khả năng trong chẩn đoán và điều trị bệnh cho bệnh nhân, nhiều ca phẫu thuật khó, như: Đạn bắn xuyên bụng, chấn thương do tai nạn, hỏa khí, một số bệnh ngoại khoa nặng, viêm phúc mạc do thủng dạ dày, ruột thừa, đóng hậu môn nhân tạo, phẫu thuật ghép xương ở bệnh nhân bị gẫy xương cẳng chân, tay, xương đòn, mổ sỏi bàng quang... đã được anh cùng đồng nghiệp phẫu thuật và điều trị thành công. Bên cạnh đó, anh còn quan tâm tới công tác truyền thông sức khoẻ, góp phần thay đổi nhận thức người dân phải đến viện điều trị mỗi khi mắc bệnh. Với những nỗ lực cống hiến trong công việc, tháng 1-2010, bác sĩ Hồ Văn Trọng được bổ nhiệm làm trưởng khoa ngoại, phụ trách phòng kế hoạch tổng hợp, sau đó làm trưởng phòng kế hoạch tổng hợp kiêm trưởng khoa ngoại; đến tháng 11-2011, anh được bổ nhiệm Phó Giám đốc kiêm trưởng phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Đa khoa Mường Lát; tháng 6-2013 làm Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Mường Lát.

Chuyển sang công tác trên “Trận tuyến” mới - y tế dự phòng ở một địa bàn giao thông cách trở, địa hình phức tạp, dân cư sống thưa thớt, nhận thức về bảo vệ sức khỏe trong nhân dân còn hạn chế, buộc bác sĩ Hồ Văn Trọng phải cùng các đồng nghiệp bám cơ sở, cùng ăn, cùng ở với bà con để tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cho người dân về chăm sóc sức khoẻ ban đầu, giúp họ ngày càng có cuộc sống tốt hơn.

Trên cương vị là người quản lý, bác sĩ Trọng đã quan tâm xây dựng nội quy, quy chế làm việc, xây dựng kế hoạch hoạt động của các khoa, hướng dẫn các khoa từng b­ước củng cố về chuyên môn, nêu cao y đức, tinh thần, thái độ phục vụ người bệnh, thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ được giao. Trong công tác tổ chức cán bộ, thường xuyên kiểm tra, giám sát công tác chuyên môn, bố trí sắp xếp cán bộ ở các phòng, ban phù hợp với trình độ chuyên môn của mỗi người; chủ động xây dựng các giải pháp để nâng cao chất lượng phòng, chống dịch bệnh, tích cực chỉ đạo các phòng, ban giám sát chặt chẽ các ca bệnh đầu tiên, khống chế, kiểm soát không để dịch bệnh xảy ra trên địa bàn, thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các chương trình mục tiêu y tế quốc gia, nâng cao hiệu quả chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân ở tuyến y tế cơ sở; chỉ đạo trạm y tế các xã, thị trấn tăng cường công tác truyền thông giáo dục sức khỏe tới cộng đồng dân cư trên địa bàn huyện, tăng cường các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, nhất là các bản ở vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, nâng cao hiệu quả tư vấn cộng đồng trong chương trình HIV/AIDS, tăng cường công tác phục vụ giảm hại trong cộng đồng, do đó từ nhiều năm nay trên địa bàn huyện Mường Lát không có vụ dịch bệnh nào xảy ra.

Các chương trình mục tiêu y tế đạt 90% kế hoạch trở lên, tuyến y tế cơ sở không để xảy ra sai sót trong chuyên môn, đảm bảo thường trực 24/24 giờ, nâng cao y đức, đạo đức nghề nghiệp, tác phong làm việc của đội ngũ cán bộ, đảng viên chuẩn mực, gọn gàng, nói đi đôi với làm, không có ai mắc vào các tệ nạn xã hội, nâng cao việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính, được các cấp ủy đảng và nhân dân đánh giá cao.

Là huyện trọng điểm về HIV/AIDS, trên địa bàn huyện sự kỳ thị đối với người nhiễm không nặng nề, nhưng tâm lý mặc cảm, né tránh của người nhiễm, người nghiện chích ma tuý rất lớn, nhất là trong đồng bào Mông, vì thế bác sĩ Trọng cùng các đồng nghiệp đã bám cơ sở tìm hiểu phong tục tập quán, tâm tư, hoàn cảnh để khéo léo động viên, thuyết phục, rồi phối hợp với người có uy tín ở địa phương làm “hậu thuẫn” để người dân hiểu, đồng thuận trong công tác phòng chống dịch. Trong đợt mưa lũ hồi cuối tháng 8, đầu tháng 9 năm 2018, huyện Mường Lát bị thiệt hại nặng nề, ngoài phun hóa chất toàn bộ các bản nguy cơ cao bùng phát dịch bệnh như bản Poọng (Tam Chung), bản Mìn (Trung Lý), bản Qua (Quang Chiểu), trung tâm đã huy động hơn 150 cán bộ, nhân viên y tế trong huyện trực tiếp tham gia, hướng dẫn người dân các địa phương xử lý môi trường... Vì thế, trên địa bàn huyện không phát sinh các loại bệnh thường gặp sau mưa lũ như cúm, đau mắt đỏ, rối loạn đường tiêu hóa.

Trong chương trình hợp tác quốc tế, bác sĩ Trọng đã xây dựng kế hoạch chỉ đạo cán bộ, viên chức từ trung tâm xuống đến y tế xã, thôn, bản tăng cường các hoạt động truyền thông phòng, chống dịch bệnh nâng cao sức khỏe nhân dân, đặc biệt là 7 xã có đường biên giới giáp với huyện Sốp Bâu, Viêng Xay tỉnh Hủa Phăn, nước CHDCND Lào. Hàng năm, trung tâm còn tham mưu cho huyện tổ chức các hội nghị và ký kết các văn bản hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau về công tác y tế; hỗ trợ công tác chuyên môn, trang thiết bị, vật tư y tế cho các cụm giáp biên với tổng trị giá trên 300 triệu đồng/năm. Từ những việc làm thiết thực đó đã góp phần không nhỏ trong việc giữ gìn mối đoàn kết thắm tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước Việt - Lào.

Với sự năng động trong công tác quản lý, tận tình của một thầy thuốc, luôn đặt cái tâm của mình vào người bệnh, công việc nên ở lĩnh vực công tác nào, bác sĩ Trọng cũng luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, được chính quyền địa phương ghi nhận, đánh giá cao, được đồng nghiệp quý mến, bệnh nhân tin tưởng.

Hà bắc


Hà Bắc

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]