(Baothanhhoa.vn) - Trong vai trò chắn sóng, ngăn gió, những cánh rừng phi lao, rừng ngập mặn đã và đang bảo vệ cuộc sống của hàng ngàn hộ dân ven biển xã Đa Lộc (Hậu Lộc). Vì thế, người dân nơi đây luôn bảo vệ và không ngừng mở rộng diện tích "lá chắn xanh" ấy.

Người dân biển bảo vệ “lá chắn xanh”

Trong vai trò chắn sóng, ngăn gió, những cánh rừng phi lao, rừng ngập mặn đã và đang bảo vệ cuộc sống của hàng ngàn hộ dân ven biển xã Đa Lộc (Hậu Lộc). Vì thế, người dân nơi đây luôn bảo vệ và không ngừng mở rộng diện tích “lá chắn xanh” ấy.

Người dân biển bảo vệ lá chắn xanhHệ sinh thái dưới cánh rừng ngập mặn là sinh kế của nhiều người dân xã Đa Lộc (Hậu Lộc).

Xã Đa Lộc có 3 mặt tiếp giáp với biển và sông, là nơi quần cư của 2.300 hộ dân, với 9.420 nhân khẩu. Với vị trí địa lý và địa hình khá đặc biệt, nơi đây được xem là “rốn” bão của huyện Hậu Lộc. Còn nhớ, năm 2005 khi cơn bão số 7 đổ bộ đã phá vỡ hầu hết hệ thống đê đất chạy dọc các thôn Đông Tân, Đông Hải, Ninh Phú. Duy chỉ còn hơn 100m đê nằm bên trong những cánh rừng phi lao, rừng ngập mặn được bảo vệ an toàn.

Cơn bão đi qua, ai cũng nhìn thấy vai trò của những cánh rừng phi lao, rừng ngập mặn dưới chân đê. Đó là “lá chắn xanh” ngăn triều cường, chống sạt lở, nước biển xâm thực và giảm thiểu rủi ro thiên tai từ biển. Vì thế, nhiều năm sau, dọc tuyến đê biển qua xã Đa Lộc đã có thêm nhiều diện tích rừng ngập mặn nhờ các chương trình, dự án đầu tư của một số tổ chức phi chính phủ. Chẳng mấy chốc những khu vực đầm hoang, bãi triều thuộc địa bàn xã đã được phủ một màu xanh của cây bần, sú vẹt. Ngoài ra, khu rừng phi lao, rừng ngập mặn còn giúp tăng lượng phù sa, nâng cao cốt đất và mở rộng diện tích bãi bồi ven biển.

Theo ông Vũ Văn Trung, Phó Chủ tịch UBND xã Đa Lộc, việc trồng rừng ngập mặn mang lại nhiều lợi ích, từ việc bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên ven biển đến việc tạo sinh kế cho người dân địa phương. Mỗi ngày, khi nước ròng là hàng trăm người tiến ra biển, lẩn sâu vào cánh rừng ngập mặn để tìm bắt cua, cáy, cá còi, ốc len... Những loài thủy sản này là nguồn sinh kế của nhiều hộ nghèo trong xã. Diện tích rừng ngập mặn của Đa Lộc lớn cùng với độ mặn phù hợp được xem là nơi lý tưởng cho các loài ốc, cáy, cua, vẹm sinh sản, phát triển quanh năm và người dân có thể khai thác suốt bốn mùa. Nguồn lợi ấy không chỉ là nguồn lợi cải thiện thu nhập cho nhiều gia đình khó khăn, không có tàu thuyền đi biển, mà còn góp phần vào sự phát triển kinh tế của địa phương.

Vài năm trở lại đây, cánh rừng phi lao còn được người dân địa phương tận dụng để kinh doanh các dịch vụ du lịch trong mùa hè. Giữ nguyên cảnh quan thoáng mát dưới tán rừng, người dân sử dụng những chiếc võng để du khách nghỉ ngơi, tận hưởng không gian yên bình, thơ mộng, thoáng mát của vùng quê giáp biển.

Người dân biển bảo vệ lá chắn xanhHệ sinh thái dưới cánh rừng ngập mặn là sinh kế của nhiều người dân xã Đa Lộc (Hậu Lộc).

Hàng chục năm qua, cánh rừng phi lao, rừng ngập mặn đã bền bỉ đứng vững, chống chọi với bão tố, sóng dữ từ ngoài khơi xô đập vào bờ để giữ đất, giữ làng. Nhờ thế, người dân ở đây ăn nên làm ra, thiên tai, thiệt hại cũng ít đi, đất đai được ngăn chặn cát xâm lấn, được thau chua rửa mặn lại thêm màu mỡ. Tận dụng nguồn thức ăn từ cánh rừng phi lao và rừng ngập mặn, người dân trong xã đã, đang phát triển mô hình nuôi ong lấy mật, nuôi vịt... Năm 2021, tổ hợp tác nuôi ong xã Đa Lộc được thành lập với 20 thành viên. Tháng 3/2023, sản phẩm mật ong rừng ngập mặn sú vẹt đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao. Đến nay, tổ hợp tác đang nuôi hơn 2.000 đàn ong nội, mỗi năm cung ứng khoảng 12 - 15 tấn mật hoa sú vẹt ra thị trường. Ông Trung chia sẻ thêm: “Cây sú vẹt ra hoa từ tháng 5 đến tháng 7. Cây bần chua ra hoa quanh năm. Trên địa bàn xã Đa Lộc, nhiều gia đình tận dụng được nguồn hoa khổng lồ từ những cánh rừng ngập mặn ven biển để phát triển nghề nuôi ong lấy mật và đã vươn lên thoát nghèo, có thu nhập ổn định”.

Thấy được lợi ích từ những cánh rừng sú vẹt, rừng bần chua, rừng phi lao mang lại, xã Đa Lộc luôn tuyên truyền, vận động Nhân dân tích cực tham gia các dự án phục hồi và phát triển rừng ngập mặn, rừng phòng hộ ven biển. Trong 5 năm trở lại đây, người dân trong xã đã trồng mới và chăm sóc 235ha rừng ngập mặn. Qua đó, nâng tổng diện tích rừng ngập mặn của xã lên 452ha. Để rừng mãi xanh và phát triển, xã Đa Lộc tiếp tục quan tâm, đồng hành cùng người dân trong việc giữ gìn, bảo vệ rừng phi lao, rừng ngập mặn cũng như thực hiện trồng mới thêm nhiều diện tích. Đồng thời, luôn nhắc nhở, giáo dục thế hệ trẻ địa phương hiểu được tầm quan trọng của rừng ngập mặn, rừng phi lao chắn sóng, từ đó thêm yêu và chung tay bảo vệ tấm “lá chắn xanh”.

Bài và ảnh: Tăng Thúy



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]