(Baothanhhoa.vn) - Sau loạt bài “Nghi vấn gian lận tuổi cầu thủ nhí Nghệ An”, Báo Thanh Hóa nhận được nhiều bình luận, chia sẻ trên các nền tảng số của bạn đọc và cả phụ huynh có con em thi đấu tại các giải bóng đá thiếu niên, nhi đồng toàn quốc.

Nghi vấn gian lận tuổi cầu thủ “nhí” Nghệ An: Phụ huynh bức xúc, cần cơ quan chức năng vào cuộc

Sau loạt bài “Nghi vấn gian lận tuổi cầu thủ nhí Nghệ An”, Báo Thanh Hóa nhận được nhiều bình luận, chia sẻ trên các nền tảng số của bạn đọc và cả phụ huynh có con em thi đấu tại các giải bóng đá thiếu niên, nhi đồng toàn quốc.

Nghi vấn gian lận tuổi cầu thủ “nhí” Nghệ An: Phụ huynh bức xúc, cần cơ quan chức năng vào cuộc

Nhiều Fanpage có hàng trăm bình luận.

Người dùng mạng xã hội facebook (FB) có tên Nguyễn Duy Bảy bày tỏ quan điểm: “Buồn thật sự luôn. Làm bóng đá như vậy mất công bằng... Lấy đi của các bạn khác một cơ hội”.

FB Hồng Lĩnh Hà Tĩnh fans nhận định, đây không phải lần đầu mà cứ mỗi năm các giải trẻ triển khai thì lại lùm xùm vấn đề này mà người hâm mộ chưa thấy VFF có biện pháp xử lý.

Cũng có ý kiến cho rằng, hiện đã số hóa hệ thống dữ liệu dân cư nên rất khó để gian lận tuổi. Đáp lại quan điểm này, một số người dùng mạng xã hội đã “hiến kế” cho cơ quan chức năng nếu muốn làm rõ sự thật, có thể kiểm tra hồ sơ học sinh của các cầu thủ tại trường Tiểu học, THCS trước thời điểm các em được tuyển vào các lò đào tạo bóng đá trẻ tại các địa phương, đơn vị.

Nghi vấn gian lận tuổi cầu thủ “nhí” Nghệ An: Phụ huynh bức xúc, cần cơ quan chức năng vào cuộc

Tranh luận trên MXH về dấu hiệu gian lận tuổi cầu thủ “nhí” Nghệ An.

Không chỉ có phụ huynh của các đội bóng khác, ngay chính phụ huynh của một số cầu thủ “nhí” thuộc Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ Nghệ An cũng thể hiện sự bức xúc. Họ cho rằng, bất công thể hiện ở ngay các đội bóng trẻ thuộc lò đào tạo SLNA chứ không chỉ đối với các đội bóng khác khi thi đấu với các lứa cầu thủ trẻ xứ Nghệ.

Bất công với cả “người nhà”

Một ông bố có con từng tham gia lò đào tạo trẻ SLNA (đề nghị giấu tên) nói việc gian lận tuổi dẫn đến bất công với chính các cầu thủ trong đội. Em này đúng tuổi dẫu có tài năng nhưng không thể so sánh với các em khác lớn tuổi hơn. Không chỉ cạnh tranh không sòng phẳng khi thi đấu mà cả khi tập luyện cũng bị phân biệt. “Nhiều khi đưa con đi tập nhìn mà xót. Con nhổ cỏ trong sân, bố ngồi nhổ cỏ ngoài sân”, người cha buồn bã ví von.

Mẹ của một cầu thủ “nhí” từng là thành viên của các đội trẻ SLNA nói bà rất buồn, rất thất vọng và cảm thấy bất công khi con mình đúng tuổi không thể cạnh tranh với các bạn, đúng ra là các... anh trong cùng đội. Không ít cuộc họp phụ huynh, người mẹ này và một số phụ huynh khác đã lên tiếng, đề nghị lãnh đạo, HLV các đội trẻ SLNA cần kiểm tra, rà soát, trả lại đúng tuổi cho các em nhưng không ít lần, tiếng nói của họ rơi vào im lặng.

“Trẻ con chỉ cần sinh đầu năm và cuối năm đã thấy chênh lệch cả về thể chất lẫn trình độ, nói gì hơn nhau 2 đến 3 tuổi. Càng nghĩ càng thương con, vì đam mê của cháu mình tôn trọng nhưng không thể mãi gánh chịu bất công. Con tôi đi đá, đi tuyển ở các lò đào tạo trẻ khác chỉ mươi mười lăm phút là họ nhận nhưng về SLNA thì chỉ dự bị. Vì đồng đội hơn 2 đến 3 tuổi thì cháu cạnh tranh vị trí làm sao được”, bà mẹ bức xúc.

Nghi vấn gian lận tuổi cầu thủ “nhí” Nghệ An: Phụ huynh bức xúc, cần cơ quan chức năng vào cuộc

U11 SLNA từng thắng “huỷ diệt” U11 Hà Giang 11-0 vào năm 2023. (Ảnh cắt từ clip).

Nói về tỷ số chênh lệch khi một số lứa trẻ của SLNA thi đấu giải toàn quốc với các đội bóng khác, vị phụ huynh kể, có lần tại vòng loại giải nhi đồng toàn quốc 2023, chứng kiến thủ môn đội U11 Hà Giang khóc khi phải nhận bàn thua thứ 8 từ U11 SLNA, rất nhiều phụ huynh cũng đã rơi nước mắt.

Trận đó U11 SLNA thắng U11 Hà Giang 11-0. Vì quá thất vọng khi nhận liên tiếp 8 bàn thua, thủ môn của đội nhi đồng Hà Giang đã khóc. Trọng tài phải cho tạm dừng trận đấu để động viên em tiếp tục thi đấu.

Nghi vấn gian lận tuổi cầu thủ “nhí” Nghệ An: Phụ huynh bức xúc, cần cơ quan chức năng vào cuộc

Năm 2023, Bị U11 SLNA “vùi dập” liên tiếp 8 bàn, thủ môn U11 Hà Giang đã khóc. (Ảnh cắt từ clip).

Vị phụ huynh nói, mẹ một cầu thủ có con trót gian lận tuổi nói lương tâm day dứt, mong CLB rút kinh nghiệm, làm nghiêm, làm lại, đừng vì thành tích, mong muốn con mình được trả lại tuổi thật. “Tôi biết, có không ít trường hợp làm lại giấy tờ đến 2-3 lần. Không hiểu xác nhận kiểu gì mà giấy nào cũng có dấu đỏ?”, bà mẹ có con từng tập luyện, thi đấu tại lò đào tạo trẻ SLNA đặt nghi vấn.

Cũng theo vị phụ huynh trên, tại nhiều trận đá giao hữu nhưng HLV vẫn cho cầu thủ quá tuổi thi đấu để lấy thành tích. Con trai bà chỉ được vào sân mấy phút cuối trận, ngay cả khi đi tập cũng... phải dự bị.

“Tôi cũng không hiểu sao năm ngoái dư luận lên tiếng mạnh như vậy nhưng vẫn không ai phải chịu trách nhiệm hay bị xử lý. Một số trường hợp hiện đã trả lại đúng lứa tuổi nhưng tôi tìm hiểu được biết, nếu đã sai, đã vi phạm điều lệ giải thì phải hủy kết quả, thu hồi giải thưởng, thậm chí phải cấm thi đấu chứ?”, phụ huynh này bày tỏ thắc mắc.

Hệ lụy khôn lường

Theo phản ánh, có trường hợp cầu thủ vì khai bớt tuổi, khi nghỉ bóng đá, muốn đi xuất khẩu lao động cũng không đi được vì... chưa đủ tuổi lao động. Hoặc nếu muốn làm lại hồ sơ, giấy tờ, trả lại tuổi thật nhưng không thể làm được.

Một hệ lụy đáng báo động nữa, có thể thấy ngay, đó là khi sửa sai bằng cách trả lại tuổi thật cho các cầu thủ “nhí”, các em không theo kịp, không đáp ứng được yêu cầu tập luyện của các đội lứa trên, cho dù có tài năng.

“Những em đang đá U11, sau khi rà soát đưa lên U13, U14, dù đúng tuổi thật nhưng không đá được. Lý do là lâu nay đá với các ... em quen rồi, nay đá với các... anh không theo kịp. Giáo án, chương trình tập luyện của các lứa U13, U14 khác so với U10, U11”, một phụ huynh nói.

Chính ông Trần Quang Dũng, Giám đốc Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ SLNA từng chia sẻ khi làm việc với PV Báo Thanh Hóa: “Có những em hơn 4 tuổi, kể cả sau này trở thành cầu thủ chuyên nghiệp thì 26 tuổi mới được tự do (hết hợp đồng đào tạo trẻ - PV) nhưng thực tế tuổi thật lúc đó đã 29-30. Làm như thế có phải tội cho các em, thiệt cho các em không?”.

Cần cơ quan chức năng vào cuộc

Sau loạt bài “Nghi vấn gian lận tuổi cầu thủ nhí Nghệ An?”, Báo Thanh Hóa đã nhận được nhiều phản hồi của bạn đọc. Đa số các ý kiến đề nghị cơ quan chức năng, trực tiếp là BTC giải bóng đá thiếu niên và nhi đồng toàn quốc, Ban kỷ luật Liên đoàn bóng đá Việt Nam cần vào cuộc kiểm tra, xác minh, làm rõ các vấn đề báo nêu để trả lại môi trường trong sạch, lành mạnh cho bóng đá trẻ Việt Nam, đảm bảo sự công bằng cho các cầu thủ “nhí” khi tham gia các giải đấu cùng lứa tuổi.

Nếu sự việc tiếp tục rơi vào im lặng sẽ ảnh hưởng đến niềm tin của các đội bóng trẻ cũng như uy tín của giải đấu, của bóng đá trẻ Việt Nam. Nghiêm trọng hơn cả là ảnh hưởng trực tiếp đến tương lai của các cầu thủ trẻ khi giấc mơ trở thành cầu thủ chuyên nghiệp dang dở. Ai sẽ trả lại tên tuổi thật cho các em? Đến khi trưởng thành, rẽ sang một hướng đi mới, lý lịch không rõ ràng sẽ là một cản trở lớn trên con đường lập thân, lập nghiệp.

Lãnh đạo một trung tâm đào tạo bóng đá trẻ từng nhiều năm tham dự các giải bóng đá nhi đồng toàn quốc bày tỏ lo ngại, nếu BTC giải chỉ kiểm tra hồ sơ cầu thủ tham dự các giải bóng đá trẻ qua hệ thống tư pháp hoặc mã định danh cá nhân trên dữ liệu số thì vẫn còn khe hở để các đội bóng có thể gian lận tuổi.

Nghi vấn gian lận tuổi cầu thủ “nhí” Nghệ An: Phụ huynh bức xúc, cần cơ quan chức năng vào cuộc

Các cầu thủ nhí cần có sân chơi công bằng, đúng độ tuổi theo quy định. (Ảnh cắt từ clip)

Cách hiệu quả nhất, cho thông tin chính xác nhất theo vị lãnh đạo này là kiểm tra thời gian học tại các trường Tiểu học, THCS nơi các em bắt đầu đi học, trước thời điểm được tuyển về Trung tâm đào tạo trẻ của các địa phương, đơn vị. Hiện nay tất cả các trường đều sử dụng dữ liệu điện tử để quản lý hồ sơ học sinh. Đây là căn cứ chính xác để biết, học sinh – cầu thủ đó sinh ngày, tháng, năm nào? Tiến trình học các lớp, thời gian chuyển trường ra sao. Khớp nối, so sánh thông tin với CCCD mới làm hiện nay sẽ cho ra kết quả chính xác. Qua đó sẽ xác định sai sót, vi phạm nếu có là do nhà trường, phụ huynh hay đội bóng, cơ quan chủ quản đội bóng.

Nhóm PV



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]