(Baothanhhoa.vn) - Thời gian qua, tình hình vi phạm Luật Giao thông và vi phạm các chuẩn mực văn hóa giao thông, nhất là trong giới trẻ diễn ra khá phổ biến. Điều này là một trong những nguyên nhân dẫn đến tai nạn và mất an toàn trong tham gia giao thông.

Nâng cao ý thức văn hóa giao thông

Thời gian qua, tình hình vi phạm Luật Giao thông và vi phạm các chuẩn mực văn hóa giao thông, nhất là trong giới trẻ diễn ra khá phổ biến. Điều này là một trong những nguyên nhân dẫn đến tai nạn và mất an toàn trong tham gia giao thông.

Nâng cao ý thức văn hóa giao thôngTiết học tuyên truyền về Luật Giao thông đường bộ cho học sinh Trường THPT Hoằng Hóa 4.

Đang bực bội vì đi đường gặp phải tình huống giao thông do người điều khiển phương tiện giao thông thiếu văn hóa giao thông, chị Nguyễn Như Quỳnh – đồng nghiệp trong phòng tôi, khó chịu phàn nàn “Đúng là giới trẻ thời nay, đi ra đường còn kèn cựa với cả người già...”.

Chị kể, bình thường trên đoạn đường đi đón con tan học về, 2 ô tô có thể tránh nhau được nhưng hôm nay vì có tiệc ăn cưới nên một phần đường sát mép sông, ô tô đỗ dài chiếm gần 1km. Trước khi đi qua đoạn đường hẹp, chị đã quan sát đằng trước không có xe nên mới đi, nhưng đi gần hết đoạn đường thì một chiếc ô tô Hyundai SantaFe tự nhiên lao từ trong ngõ ra, dấn ga lên giành đường với chị. Mặc dù, chị đã xuống xe, đi lại gần nói với nam thanh niên lái chiếc xe SantaFe lùi lại cho chị đi qua, vì đoạn đường sau xe bạn ấy chỉ vướng có một chiếc ô tô, còn đằng sau xe chị là một dãy dài xe, nếu lùi lại sẽ mất rất nhiều thời gian.

Trái ngược với lời chị nói, nam thanh niên không lùi xe mà vẫn cố tình dấn ga chặn trước đầu xe chị, bắt chị phải lùi xe cho xe của anh ấy qua. Thấy thái độ mất lịch sự của người lái xe SantaFe, mọi người đi dự tiệc cưới chứng kiến sự việc thấy khó chịu nên lại gần nói lý lẽ với nam thanh niên, lúc này người thanh niên mới chịu lùi xe cho chị đi qua.

Nghe xong câu chuyện của chị, các đồng nghiệp trong phòng ai cũng ái ngại trước nhận thức và văn hóa ứng xử khi tham gia giao thông của một bộ phận thanh niên hiện nay. Mọi người cũng kể ra những câu chuyện khi họ bắt gặp trong quá trình tham gia giao thông, như trường hợp anh Lê Bá B. (SN 1974), ở phường Quảng Thịnh, TP Thanh Hóa là một ví dụ. Cách đây gần 2 năm, anh điều khiển xe ô tô chở người thân xuống làng dưới chơi. Đến đoạn đường qua ngõ nhà anh Nguyễn Trọng H. (SN 1987) thấy có xe máy dựng lấn chiếm lòng đường của lối đi, anh B. bấm còi nên anh H. từ trong nhà đi ra để dắt xe máy vào. Lúc đó, giữa 2 người đã xảy ra mâu thuẫn, xô xát, ẩu đả dẫn đến việc anh B. lấy 1 con dao lê có sẵn trong xe đâm vào hông anh H. rồi lên xe bỏ trốn khỏi hiện trường. Sau khi bị anh B. đâm trúng, người dân đưa anh H. đi bệnh viện cấp cứu nhưng do vết thương quá nặng đã tử vong. Còn anh B. thì phải chịu án phạt tù vì tội cố ý giết người.

Qua sự việc trên, nhiều người cho rằng văn hóa giao thông của một bộ phận người dân, đặc biệt là giới trẻ hiện đang có nhiều vấn đề cần bàn. Bởi, khi tham gia giao thông, nhất là vào giờ cao điểm, đường hẹp, người đông rất dễ xảy ra va quệt. Nếu những người có nhận thức, văn hóa tham gia giao thông tốt thì xử lý sự việc một cách nhẹ nhàng, nhưng gặp những người thiếu ý thức văn hóa giao thông thì sự việc lại bị đẩy lên cao, họ sẵn sàng xử lý bằng cách “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” với người khác, không cần phân biệt phải trái, không cần lực lượng chức năng tới giải quyết, dẫn đến các hành vi phạm pháp hình sự, như: cố ý gây thương tích, hủy hoại tài sản...

Điều này cho thấy thái độ và ứng xử của người tham gia giao thông với nhau chưa có sự chuẩn mực và tôn trọng. Thậm chí, nhiều người khi chứng kiến các vụ ẩu đả không kịp thời can ngăn, không báo các cơ quan chức năng, cảnh sát giao thông đến giải quyết, thay vào đó, họ đứng xem, quay clip, livestream để chia sẻ trên mạng xã hội. Nhiều người gây tai nạn giao thông, không đưa người bị nạn đi cấp cứu kịp thời mà bỏ trốn khỏi hiện trường vụ tai nạn. Việc lái xe sử dụng điện thoại, uống rượu, bia, không đội mũ bảo hiểm, bấm còi inh ỏi, phóng nhanh, vượt ẩu khi tham gia giao thông... vẫn xảy ra hằng ngày trên đường, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông cho bản thân và người tham gia giao thông.

Sự việc đau lòng mới xảy ra hơn một tháng trước đã để lại nỗi đau không gì vơi được trong gia đình anh Nguyễn Văn Q., ở phường Quảng Thắng, TP Thanh Hóa. Con trai anh đang học lớp 12, do vừa điều khiển xe máy vừa bấm điện thoại để nhắn tin cho bạn nên không chú ý quan sát đường đã đâm vào cột mốc ở lề đường và tử vong ngay tại chỗ. Chứng kiến sự tang thương trong gia đình, không ai kìm nỗi nước mắt.

Chia sẻ với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Hằng, công nhân Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Thanh Hóa, cho biết: Do làm công nhân chăm sóc cây cảnh dọc các đường trên địa bàn TP Thanh Hóa, nhất là các tuyến đường đôi, chị và các đồng nghiệp thường xuyên chứng kiến những vụ tai nạn giao thông mà nguyên nhân chủ yếu là do các nam thanh, nữ tú khi tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm, lạng lách, đánh võng, vừa điều khiển xe vừa nhắn tin, nghe điện thoại. Có hôm đi làm về muộn đến đoạn đường gần nhà, chị thấy nhóm thanh niên tụ tập, nẹt pô xe, la hét ầm ĩ, nằm rạp xuống xe, lao như tên bắn giữa đường. Để an toàn cho bản thân, chị xuống xe, nép vào lề đường, đợi nhóm thanh niên đi qua chị mới lên xe về nhà. “Không biết khi chúng nó làm thế có nghĩ đến công sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ hay không....?” – chị Hằng thở dài.

Từ thực trạng thiếu văn hóa khi tham gia giao thông của một bộ phận thanh niên như trên đã dẫn đến những vụ tai nạn giao thông đáng tiếc, để lại nhiều hệ lụy cho bao gia đình và xã hội. Theo số liệu của Ban An toàn giao thông tỉnh, năm 2022, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 316 vụ tai nạn giao thông và va chạm giao thông, làm chết 123 người, bị thương 288 người. Các lực lượng chức năng của tỉnh tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát và đã xử phạt 81.157 trường hợp vi phạm các quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, với số tiền hơn 180 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ. Theo đánh giá dựa vào thống kê của các cơ quan chức năng cho thấy, lỗi gây ra tai nạn giao thông chủ yếu do ý thức chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông của người dân còn hạn chế, trong đó các lỗi thường gây tai nạn giao thông là đi không đúng phần đường, làn đường; sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông...

Được biết, để nâng cao ý thức, văn hóa tham gia giao thông của người dân, nhất là giới trẻ, thời gian qua các cơ quan chức năng, đặc biệt là các đơn vị công an trong tỉnh đã phối hợp với đoàn thanh niên và các nhà trường tổ chức tuyên truyền, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông thông qua việc lồng ghép vào các bài trong môn học đạo đức và các buổi ngoại khóa như: chào cờ, hoạt động ngoài giờ, hướng dẫn học sinh chấp hành các quy tắc giao thông khi chạy xe máy điện, xe đạp điện... Qua đó, trang bị những kiến thức cơ bản về giao thông đường bộ cho học sinh, góp phần nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành Luật Giao thông, phòng ngừa vi phạm và tai nạn giao thông. Tuy nhiên, để góp phần kìm chế, kéo giảm các vụ việc và các thiệt hại do tai nạn giao thông gây ra và hình thành văn hóa giao thông, việc đẩy mạnh các hoạt động nhằm xây dựng và hình thành nếp văn hóa khi tham gia giao thông, nâng cao ý thức tham gia giao thông của mỗi người dân là vô cùng cấp bách và có ý nghĩa quan trọng. Việc này đòi hỏi phải bền bỉ, lâu dài và đặc biệt là cần phải có sự chung tay cùng vào cuộc của không chỉ mỗi cá nhân, mà cần sự tham gia tích cực của các gia đình, cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc lên án, tẩy chay các hành vi tụ tập điều khiển phương tiện vi phạm trật tự, an toàn giao thông, đặc biệt là các hành vi lạng lách, đánh võng, đua xe trái phép gây nguy hiểm cho xã hội, đe dọa trực tiếp đến tính mạng, tài sản của công dân.

Bài và ảnh: Ngân Hà



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]