(Baothanhhoa.vn) - Di sản chỉ có giá trị khi nó được “sống” cùng đời sống đương đại và những cách làm gần đây đang mở đường cho di sản văn hóa được đến gần hơn với công chúng.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Mở đường để di sản đến gần hơn với công chúng

Di sản chỉ có giá trị khi nó được “sống” cùng đời sống đương đại và những cách làm gần đây đang mở đường cho di sản văn hóa được đến gần hơn với công chúng.

Với 36 nghề, 118 làng nghề, trong đó có nhiều nghề tinh xảo, nức tiếng, nhưng qua những biến thiên của lịch sử khiến cho nhiều nghề, làng nghề ở xứ Thanh chỉ còn tồn tại trên giấy hoặc còn ít người biết đến. Ký ức làng nghề cần được đánh thức, tiến tới khôi phục để phục vụ sản xuất, đời sống, thúc đẩy phát triển du lịch.

Vượt lên những cách làm truyền thống theo kiểu “bưng bê, kê đặt” hiện vật trong bốn bức tường, những năm gần đây Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức nhiều không gian trưng bày ngoài trời tại khuôn viên của bảo tàng. Nhất là vào những dịp lễ tết, bảo tàng đã tổ chức những không gian văn hóa đặc biệt tái hiện những hoạt động văn hóa đặc trưng xứ Thanh xưa. Mới nhất, dịp đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, bảo tàng đã tái hiện không gian văn hóa làng nghề làm hương tết để phục vụ khách tham quan. Rất nhiều người đã hào hứng hòa mình vào không gian đặc biệt này, cho thấy sự thành công trong cách tiếp cận du khách của bảo tàng.

Tái hiện không gian văn hóa xưa, những nghề thủ công truyền thống của địa phương cũng là cách làm mà nhiều khu, điểm du lịch trong tỉnh hướng tới. Du lịch làng nghề cũng bắt đầu manh nha ở một số địa phương trong tỉnh như ở làng nghề đúc đồng truyền thống Trà Đông, xã Thiệu Trung (Thiệu Hóa), một số làng nghề chiếu cói, làng nghề chế biến mắm...

Thông qua không gian nghề xưa, người cũ, phần nào phản ánh trình độ, kỹ năng nghề nghiệp cũng như lối sống, phong cách ứng xử của người dân làng nghề, từ đó truyền tải những giá trị văn hóa tốt đẹp cho thế hệ hôm nay, tạo sự kết nối giữa văn hóa truyền thống và đời sống đương đại. Vượt lên việc tạo ra một sản phẩm du lịch, thì đây là cách mà những người tổ chức muốn góp phần bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa một cách trực quan, kết hợp giữa những câu chuyện quá khứ và trải nghiệm thực tế.

Dù còn có những câu chuyện buồn trong việc ứng xử với di sản văn hóa thời gian qua. Bên cạnh đó là những ràng buộc do sự lạc hậu của quy định pháp luật khiến nhiều di sản văn hóa chưa thể phát huy hết công năng, giá trị trong đời sống... Thế nhưng, vượt lên rào cản đó, tinh thần vì di sản vẫn được nhiều người làm công tác văn hóa và người dân đam mê sáng tạo thông qua những cách làm. Điều này rồi sẽ được “tiếp sức” thêm khi đúng dịp kỷ niệm Ngày di sản văn hóa Việt Nam (23/11) năm nay, Quốc hội sẽ thông qua Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV; tạo ra khung khổ pháp lý cao hơn, sát thực tiễn đời sống hơn, để di sản văn hóa có điều kiện đến gần công chúng hơn, phát huy giá trị nhiều hơn trong cuộc sống.

Tuệ Minh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]