(Baothanhhoa.vn) - Người Mường tôi cúng “ma nhà” tổ tiên không quá cầu kỳ. Mâm cỗ lễ thì nấu cho người sống ăn món gì sẽ đem cúng ma món đó. Nhà giàu có mâm cao, cỗ đầy, thì mâm cúng cũng thịnh soạn. Nhà nào khó khăn, phải dành dụm, chắt chiu cho bữa tết chính mùng một, mùng hai thì tối ba mươi ăn đơn sơ, mâm cúng cũng đơn sơ.

Lễ nghĩa gia tiên - ấm áp tết Mường

Người Mường tôi cúng “ma nhà” tổ tiên không quá cầu kỳ. Mâm cỗ lễ thì nấu cho người sống ăn món gì sẽ đem cúng ma món đó. Nhà giàu có mâm cao, cỗ đầy, thì mâm cúng cũng thịnh soạn. Nhà nào khó khăn, phải dành dụm, chắt chiu cho bữa tết chính mùng một, mùng hai thì tối ba mươi ăn đơn sơ, mâm cúng cũng đơn sơ.

Lễ nghĩa gia tiên - ấm áp tết Mường

Lễ hội của người Mường. Ảnh: T.L

Những ngày sắp tết, khắp mường Tạ, Ngọc Lặc quê tôi nhà nào cũng bận bịu. Bận từ nương ruộng, đồng bãi bận về gian bếp, gầm sàn, bận từ vườn tược, rau màu bận ra chợ búa, phố huyện. Nhưng, không nhà nào quên chuẩn bị cho việc thờ cúng gia tiên chu đáo, đủ đầy. Ngày cạn, tháng hết, dầu có vội vã, tất bật dọn nương, phát rãy cho kịp xuống hạt, gieo mùa thì con cháu cũng phải dành ngày 25 tháng chạp tập trung về đồng mả dọn “nhà”, dọn mộ “cố tá”, gia tiên cho quang đãng, sạch gọn. Sớm ngày 25 tháng chạp, nếu đàn bà, con nít trong Mường từ tinh sương đã náo nức xuống chợ tết thì đàn ông, con trai lại tất bật chuẩn bị trầu, rượu, hương hang, bánh trái, dao, cuốc... đi dọn mả tổ tiên. Dù lòng có náo nức chợ tết bao nhiêu, những người đàn ông trong nhà cũng phải lo xong nhiệm vụ, hiếu nghĩa nơi cửa mả mới tính đến chuyện vui phố, vui chợ. Năm nào cũng vây, vào ngày 25 tháng chạp, đi suốt từ đầu bản này, đến cuối làng nọ, người ta sẽ bắt gặp những bóng người lom khom, bận rộn trên những bãi mả. Và chỉ sau một ngày, các khu mộ rậm rạp, hoang u, lạnh lẽo đã trở nên quang đãng, sạch sẽ, ấm áp hơn. Mùi nhang khói phảng phất trong gió núi, hương đồng như tín hiệu đầu tiên làm lòng người nôn nao, rạo rực rằng, tết đã bắt đầu từ bữa ấy.

Cũng những ngày cuối cùng của tháng chạp này, nhà nhà dù bận bịu sửa sang mái vách cho mới, lau rửa thang gỗ bậc cửa, sàn nhà cho sạch, cho bóng cũng không quên việc hệ trọng là sửa soạn, dọn dẹp lại gian thờ, tỉ mẩn, chăm chút từng bát hương, cái chén, hộp đèn, mâm gỗ... cho tươm tất, gọn gàng. Những người phụ nữ trong mỗi nhà tất bật, chắt chiu bao nhiêu buổi chợ sớm, chợ chiều, lo bán con gà, gánh cải, đon lá dong... để sắm đủ thứ chè, rượu, hoa, tranh, bánh, mật... về làm tết, nhưng luôn phải ghi nhớ để mua đầu tiên là những bó hương nhang thơm mới, nửa gù dầu đèn trong xanh. Trong gánh đồ tất bật, ngập tràn những hồ hởi, háo hức, vui sướng với áo mới, váy hoa cho người lớn, trẻ nít cũng không thể thiếu manh chiếu mới nhỏ nhắn để trải bàn thờ tiên tổ, không thể không có tấm vải lụa trắng dâng biếu cho “các cụ” may quần áo, mặc chơi năm mới ở mường trời.

Người Mường tôi cúng “ma nhà” tổ tiên không quá cầu kỳ. Mâm cỗ lễ thì nấu cho người sống ăn món gì sẽ đem cúng ma món đó. Nhà giàu có mâm cao, cỗ đầy, thì mâm cúng cũng thịnh soạn. Nhà nào khó khăn, phải dành dụm, chắt chiu cho bữa tết chính mùng một, mùng hai thì tối ba mươi ăn đơn sơ, mâm cúng cũng đơn sơ. Có khi chỉ miếng thịt luộc nho nhỏ, đĩa rau xào, bát canh, đĩa xôi trắng, lưng gù rượu, đĩa trầu, que tăm, chén nước, mấy đồng tiền dương là có mâm lễ linh thiêng, ấm áp.

Ở mường, tùy vào các hoạt động, tập tục, nghi lễ mà người ta sẽ dùng bài khấn cúng hay bài tơm, lởi, mo... Riêng gọi mời ma gia tiên về ăn ngày tết thì phải dùng đến bài “tơm ma”. Đó là một bài cúng ma có kết cấu, bố cục, nội dung bài bản, đầy đủ với giai điệu, vần vè nhất định. Trong bản, thường chỉ người già mới học và biết các bài tơm ma, tuy nhiên không phải mọi người già đều có thể làm được. Nhà nào không có người biết bài tơm thì phải đi nhờ, đi mượn người già nhà khác về tơm giúp.

Nghi lễ thờ cúng tổ tiên ngày tết của người Mường Tạ quê tôi được bắt đầu từ chiều ba mươi tết, lễ cúng tơm diễn ra trước bữa cơm tất niên gia đình. Khi nhà nhà bắt đầu châm đèn sáng từ đầu thang rạng lên cửa vóng thì cũng là lúc bắt đầu nghe rì rầm, ngân nga giọng tơm khấn trên mỗi ban thờ. Tôi thích nghe cha tơm ma, nên giờ ấy cứ quanh quẩn vào ra bên ban thờ để lắng được rõ từng lời trầm thiêng của cha. Lời khấn rằng, hôm nay ngày cùng tháng hết, con cháu làm lễ đón ông bà, gia tiên về nhà ăn mừng năm mới, ăn vơi năm cũ. Các cố tá có thấy “cun” hương đến gọi, cun khói đến mời thì mau mau theo về bàn thờ nhà con. Nếu giờ này còn đang dở đồng nương, mùa màng thì gác lại, bỏ tạm. Nếu còn mải vui chợ mường ma, mải chơi bông, chơi hoa ở hội mường trời thì mau giã bạn, hẹn lần sau, bữa khác, để về cho kịp bữa đầu đêm với cháu con. Qua lời khấn, cha dặn ma cố tá gia tiên kỹ lưỡng đường đi, nẻo lại. Để về nhà thì phải đi qua đồi Bái, truông Ngô, qua năm ngã ba, qua chín ngã bảy, vượt suối Vược, khe Moong, qua đồng Bến cao, qua bãi Chiềng thấp. Đến lối nào thì phải rẽ, khúc nào đừng qua. Rồi cha dặn, về đến đầu ngõ, cửa thang thì rửa chân ở máng khạ, lên nhà bằng cửa chính thang gỗ như người ngày sống, đừng đi ngõ sau, đừng lên vóng cái, vóng tông như vong, như ma ngày chết về rừng.

Sau khi mời cố tá, gia tiên về đến bàn thờ, cha tôi gọi hết con cháu trong nhà ra để chào ma. Đàn ông con trai sẽ xếp hàng chào trước bằng bốn cái lạy cao, đàn bà, con gái ngồi quỳ dập đầu bằng bốn cái lạy thấp, trẻ nít chắp tay bái nhẹ bốn lần. Con cháu chào lạy xong, cha tôi lại tiếp tục lên giọng tơm khấn mời ma ăn bữa cơm tối. Nghi lễ tơm khấn kết thúc được khoảng ba mươi phút trở đi thì người trong nhà sẽ lên mâm thờ xin lại đồ ăn đã cúng ma. Đều này có ý nghĩa rằng, con cháu ăn lại để lấy lộc, lấy may.

Đến nửa đêm ba mươi, người trong nhà sẽ đem vài cái bánh chưng mới luộc cùng mật mía dâng lên mâm thờ mời các cố tá ăn đêm cho khỏi đói và đem quần áo ra cho “các cụ” mặc thay, mặc thêm. Quần áo này là quần áo thật của những người được thờ cúng. Ở Mường, khi một người già chết đi, sẽ được đem chôn theo mọi trang phục, áo quần, duy chỉ để lại một bộ đầy đủ để con cháu đem ra thờ vào các dịp lễ tết. Và mua thêm một miếng vải lụa mới cho các cụ “đem về” chốn mường ma may quần áo mới.

Cũng kể từ giây phút mâm thờ lên hương mời gia tiên về ăn tết thì trên bàn thờ hương lúc nào cũng phải thắp đều, đèn dầu lúc nào cũng phải rạng tỏ, dù đó là đêm hay ngày, cứ thế, kéo dài ròng rã cho đến khi tiễn ma về đồng mả. Việc thờ cúng ma ăn tết bao nhiêu ngày là tùy vào từng gia đình, nhưng thường chỉ đến mùng hai, mùng ba là đưa.

Lễ nghĩa gia tiên - ấm áp tết Mường

Một góc mâm cơm cúng gia tiên truyền thống người Mường. Ảnh: T.L

Từ sáng mùng một trở đi, mâm cúng lễ sẽ được dọn mới theo từng bữa ăn gia đình, với tất cả những thứ dành dụm sang trọng, đủ đầy nhất cho ngày tết, dù giàu hay nghèo mâm cúng đều phải có xôi, gà. Và cứ trước giờ ăn, người già trong nhà đều phải lên giọng tơm khấn gọi, mời.

Trong những ngày này, nhà nào có con gái, cháu gái đi lấy chồng thì họ phải về dâng lễ tết, thắp hương gia tiên. Tất cả đồ lễ theo quy định phong tục, bên nhà chồng cô gái sắm, sẽ phải dọn hết lên bàn thờ để mời cố tá, gia tiên ăn trước. Và bất kỳ khi nào có đồ lễ mới của con cháu đặt lên bàn thờ, người già trong nhà cũng phải có lời tơm khấn giới thiệu, mời ma ăn.

Mỗi gia đình sẽ chọn một ngày phù hợp để dọn bữa cỗ thờ cúng cuối cùng làm lễ đưa “cố tá” trở lại đồng mả, coi như kết thúc ngày tết với bên ma. Ở mường Tạ tôi, lúc tơm khấn tiễn đưa, người già sẽ nhắc bảo ma rằng, ăn xong thì gói lấy xôi, đùm lấy bánh, đồ ăn, thức uống, trầu rượu còn thừa đem về đồng mả mà ăn chiều, ăn sớm. Nhưng chỉ mời bằng lời suông. Còn ở vùng mường Cẩm Thủy, quê chồng tôi thì khi dọn mâm lễ cúng tiễn, phải dọn lên quanh bàn thờ tất cả những thứ xôi, cơm, bánh trái, trầu rượu... còn có trong nhà, kể cả đồ mới hay đồ đã cũ nấu lại, để nguội từ bữa trước. Cùng với đó là sắm thêm một chiếc đòn gánh, một chiếc quang giắng (quang gánh) và một cái thúng để cạnh mâm thờ, với ý nghĩa rằng, để cho người ma khiêng, gánh những đồ ăn ấy về đồng mả mà ăn hết ngày tết, ăn thỏa tháng giêng. Bài khấn kết thúc, quẻ âm dương gieo xác nhận các cụ đã về tới mả, tới đồng thì toàn bộ mâm lễ đồ đạc trên bàn thờ sẽ được dọn sạch và việc thờ cúng gia tiên ăn tết kết thúc.

Với người Mường tôi, những ngày tết, mâm thờ lúc nào cũng rạng đèn, thơm hương là điều làm cho không khí gia đình trở nên đầm ấm, thiêng liêng hơn. Và trong tâm cảm của mỗi người Mường chỉ cảm thấy nhà mình có tết, có xuân, chỉ thấy lòng rạo rực, ấm áp, bình an, hạnh phúc khi bước chân về đầu thang đã thấy mâm thờ tổ tiên ngạt ngào khói hương.

Tú Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]