Lên Yên Nhân nghe khặp Thái
Từ thị trấn huyện Thường Xuân, ngược ngàn thêm khoảng 50 km mới lên đến xã miền núi cao Yên Nhân, huyện Thường Xuân. Đây là địa bàn sinh sống của đại đa số đồng bào dân tộc Thái với nhiều giá trị văn hóa truyền thống còn được lưu giữ. Trong đó, khặp (khắp) là giá trị văn hóa nổi bật đang được người Thái ở Yên Nhân chú trọng bảo tồn, gìn giữ và truyền dạy.
Cùng với khặp Thái, thời gian qua nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào Thái trên địa bàn xã Yên Nhân cũng được chú trọng khôi phục, bảo tồn và phát huy giá trị.
Trong bảng lảng sương giăng trên những núi đồi trập trùng, Yên Nhân đẹp tựa bức tranh. “Bức tranh” ấy khiến người ta nhanh chóng quên đi cung đường xa xôi trước đó, để hòa mình vào cảnh sắc thiên nhiên, bản làng bình yên. Không ồn ào, náo nhiệt, “nhịp sống” ở Yên Nhân thật chậm, con người cũng thật tình cảm.
Yên Nhân có 6 thôn, bản. Trong đó, có đến gần 99% người dân là đồng bào dân tộc Thái. Theo chân người dẫn đường, chúng tôi ghé thăm thôn Na Nghịu - một trong những thôn cách xa trung tâm xã và Na Nghịu cũng là thôn có số “nghệ nhân” biết thổi khèn bè, sáo ôi, hát khặp đông nhất ở Yên Nhân.
Sau những câu khặp chào hỏi thân tình, ông Vi Quốc Tuyển, Phó Chủ nhiệm CLB Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Thái thôn Na Nghịu, cũng đồng thời là người thổi khèn bè hay nức tiếng trong cộng đồng người Thái trên địa bàn huyện Thường Xuân, giới thiệu: “Khặp là dân ca của người Thái. Khặp có nghĩa là hát, khặp để kể chuyện, khặp để tâm tình, để động viên nhau trong lao động và nhiều hoạt động của đời sống... Người ta khặp theo những bản trường ca, sự tích đã được “soạn” thành thơ (văn vần). Có nhiều bài khặp đã quen thuộc nhưng tùy hoàn cảnh mà người khặp có thể thêm, bớt hoặc thay đổi cho phù hợp. Và đặc biệt, khặp còn là sự “ứng tác” của người hát, đó cũng là cái giỏi của người nghệ nhân dân gian”. Nói rồi, người nghệ nhân khèn bè tâm tình với chúng tôi về... chuyện hát khặp.
Khặp gắn bó mật thiết trong đời sống của người Thái, từ khi những linh hồn mong muốn được đầu thai làm người, như: “Ở chốn Then cao lò đúc nên người/... Ở bản trời vía người thấy sầu/ Vía người ra suối mường trời ngắm hoa.../ Vía thấy hoa mường dưới rực hồng.../ Vía muốn xuống mường dưới mường thấp xa xa/ Hồn muốn xuống mường bằng xa lắc”.
Hay khi có khách quý đến nhà, để bày tỏ niềm vui, người ta khặp để chào khách: “Chẳng chê mường nghèo anh đến ngó/ Không chê mường khó anh đến thăm... Anh đến hôm nay em mắc đi nương/ Mắc đi nương ở chân núi đá/ Mắc đi ruộng cuối làng/ Em nghe chim chích đến kêu đầu nương/ Chim ri kêu đầu suối/ Chim lửa hót trong rừng/ Lòng bồn chồn nghe thương thấy nhớ... Đi nương bỏ cuốc em lại/ Đi ruộng bỏ bừa, bỏ cày em về”...
Khặp “hiển hiện” trong mọi sinh hoạt đời sống của người Thái, trong đó thường thấy nhất chính là những dịp trong bản làng có đám cưới, mừng nhà mới, đón nhận niềm vui. Để thể hiện lời chúc tốt đẹp trong những dịp vui của gia chủ, người Thái thường khặp, chúc nhau: “Tôi chúc cho sông mường chị nhiều cá/ Tôi chúc cho đồng ruộng mường chị mùa màng bội thu”.
Và đặc biệt, trong những dịp lễ tết, lễ hội của bản làng, trai gái còn khặp để giao duyên, bày tỏ tình cảm thầm kín, như: “Ta gieo hạt cải nơi đây liệu có nên trồng/ Gửi câu tán tỉnh liệu người thương có đáp”, rồi “Nhìn thấy cái áo muốn thử mặc/ Thấy chiếc khăn phơi trên sàn muốn cất/ Thấy người yêu dấu khao khát được đón về”.
Hay: “Em ơi/ Trăng sáng đến chân cột khung cửi/ Trăng luồn vào chuồng quấn chân trâu nghé/ Trăng lọt đến chiếu em nằm/ Trăng đưa chân anh lại... Anh nghe đồn cô (có) gái thanh xuân trắng ngần vừa lứa/ Ước được xem mặt, anh bèn đến ngắm/ Mong được thấy người anh muốn đến thăm/ Thăm người tóc bằng cài ngang vai”... Đáp lại lời chàng trai, cô gái ý nhị và cả “thăm dò”: “Anh ơi lúa tẻ nhà anh có đủ gặt?/ Lúa nước nhà anh có đủ hái/ Em nghe đồn gần vọng đồn xa... Con ruộng lớn nhà anh nhiều trâu tranh cày/ Cái rẫy lớn nhà anh nhiều dao tranh phát/ Em nghe đồn nhà anh có con gà cựa/ Gà đậu trên cành bương, ngọn giang/ Đuôi óng ánh buông xuống mượt mà/ Em muốn bắt sợ gà kêu... Muốn đưa mắt sợ có người ghen”.
Như muốn nói với cô gái, rằng mình còn một mình, chàng trai bày tỏ: “Em ơi/ Lúa tẻ nhà anh chưa đủ ngâm trong áng/ Nếp cái nhà anh chưa đủ gặt/ Nước mắt rớt áo gối anh nằm/ Nước mắt rơi tà áo anh mặc/ Bởi tay cầm đũa, đũa còn thiếu bạn/ Hiu quạnh một mình đũa muốn có đôi”... Cứ như vậy, những cuộc khặp có thể kéo dài nhiều giờ, thậm chí từ sáng đến tối, nếu chưa thỏa, người ta còn hẹn nhau khặp ở những cuộc gặp lần sau.
Là một loại hình dân ca, nên khi hát khặp, người Thái thường chọn khèn bè và sáo ôi là hai loại nhạc cụ để đệm cho khặp. Ở Yên Nhân, nếu như “nghệ nhân” Vi Quốc Tuyển được biết đến là người thổi khèn bè hay nức tiếng thì “nghệ nhân” Lữ Minh Duân lại nổi tiếng bởi tiếng sáo ôi du dương, xao xuyến lòng người. Và khi “kết hợp” với tài năng hát khặp của nữ “nghệ nhân” Vi Thị Muôn khiến người nghe say mê, chẳng muốn dời chân đi.
Chia sẻ với chúng tôi, bà Vi Thị Muôn cho biết: “Bà không nhớ là biết khặp từ bao giờ. Ngày nhỏ ở nhà nghe ông bà, cha mẹ khặp rồi nhớ, lớn lên theo người làng đến các cuộc vui, nghe khặp rồi yêu, cứ như thế, khặp “ngấm” vào mình lúc nào không hay”.
“Với mong muốn bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của người Thái nói chung, khặp Thái nói riêng, mới đây CLB Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Thái thôn Na Nghịu đã được thành lập với 25 thành viên ở nhiều lứa tuổi khác nhau. Không chỉ sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, CLB ở thôn Na Nghịu với sự nhiệt tình, năng nổ của các nghệ nhân dân gian còn tổ chức truyền dạy cho các bạn trẻ. Từ thôn Na Nghịu, thời gian tới mô hình CLB sẽ được thành lập ở các thôn trong xã”, bà Lương Thị Trọng, công chức văn hóa - xã hội xã Yên Nhân cho biết.
Cũng theo bà Trọng, cái khó nhất trong công tác bảo tồn, truyền dạy khặp Thái hiện nay ở Yên Nhân là người biết thổi khèn bè quá ít, chỉ còn duy nhất nghệ nhân Vi Quốc Tuyển, nhưng đã ở tuổi 70. Trong khi đó, việc mua sắm nhạc cụ (khèn bè) lại tốn nhiều kinh phí, vì thế mà càng thêm khó khăn.
Nhắc đến người Thái ở xứ Thanh nói chung, người ta nhớ đến khặp (khắp). Theo đó, khặp được hiểu là lối hát (dân ca) dùng thanh nhạc làm hình thức biểu đạt nội dung thơ (bài thơ, truyện thơ...) và ứng tác. Trong đó, lời khặp theo lối thơ tự do nên không bị bó buộc bởi luật bằng trắc. Thay vào đó, khặp chú trọng vào “thanh âm” trầm bổng, cân đối, nhịp nhàng. Khặp được lớp lớp những người Thái sáng tạo, trao truyền và gìn giữ cho đến ngày hôm nay.
Tuy vậy, cũng như nhiều loại hình văn hóa văn nghệ truyền thống ở các địa phương, nhiều năm qua khặp Thái nói chung và khặp Thái trên địa bàn xã Yên Nhân nói riêng cũng không tránh khỏi nguy cơ mai một. Ngày càng có ít người Thái hiểu khặp, yêu khặp. Ngay cả những nghệ nhân dân gian như ông Vi Quốc Tuyển, Lữ Minh Duân, Vi Thị Muôn, dù rất nỗ lực nhưng cũng không tránh khỏi những lúc buồn lòng vì tâm huyết của mình đôi khi chưa được đạt được kết quả như mong muốn... Dẫu vậy, tôi vẫn nhớ chia sẻ của nghệ nhân Vi Quốc Tuyển: “Thành lập CLB đã khó, duy trì hoạt động CLB còn khó. Bây giờ làm đã khó, để sau này làm càng khó. Nên dù khó cũng phải làm. Làm vì say mê, trân quý và cả niềm tự hào về những giá trị văn hóa trao truyền của người Thái”.
Bài và ảnh: Khánh Lộc
{name} - {time}
-
2024-12-14 22:13:00
Ngày hội Văn hóa các dân tộc Việt Nam: “Sắc màu hội tụ” tại đất thiêng Quảng Trị
-
2024-12-14 19:00:00
[Podcast] Truyện ngắn: Câu chuyện tâm linh
-
2024-01-20 11:07:00
Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh kỷ niệm 30 năm ngày thành lập
Không gian văn hóa vùng cao giữa lòng thành phố
[E-Magazine] – Trăng đợi xuân về
Hòa mình vào không gian văn hóa vùng cao Điện Biên tại Thanh Hoá
Triển lãm ảnh “Thanh Hóa với chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954”
Mang văn hóa truyền thống đến gần hơn với du khách dịp Tết Nguyên đán
Phú Quốc “chơi” lớn: Ra mắt show diễn trị giá hàng nghìn tỷ đồng cuối tháng 1 này
Chung kết Miss Global 2023: Đoàn Thu Thủy giành danh hiệu Á hậu 4
Thêm 29 hiện vật, nhóm hiện vật được công nhận là Bảo vật Quốc gia
Tổng duyệt Chương trình Lễ khai mạc Tuần Văn hóa, Du lịch Điện Biên - Thanh Hóa