Trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh BRICS tại Brazil, ngày 6/7, lãnh đạo các nước đã ra tuyên bố chung, trong đó kêu gọi các thể chế toàn cầu cải cách, đồng thời bày tỏ ủng hộ chính sách ngoại giao đa phương trong bối cảnh các cuộc xung đột và căng thẳng thương mại tiếp diễn.

Lãnh đạo các nước BRICS kêu gọi cải cách các thể chế toàn cầu

Trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh BRICS tại Brazil, ngày 6/7, lãnh đạo các nước đã ra tuyên bố chung, trong đó kêu gọi các thể chế toàn cầu cải cách, đồng thời bày tỏ ủng hộ chính sách ngoại giao đa phương trong bối cảnh các cuộc xung đột và căng thẳng thương mại tiếp diễn.

Lãnh đạo các nước BRICS kêu gọi cải cách các thể chế toàn cầu

Lãnh đạo các nước BRICS chụp ảnh chung tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS ở Rio de Janeiro, Brazil. (Ảnh: THX/TTXVN)

Tuyên bố chung cảnh báo việc tăng thuế quan sẽ đe dọa đến thương mại toàn cầu, ám chỉ các chính sách thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Bên cạnh đó, lãnh đạo các nước BRICS bày tỏ ủng hộ Ethiopia và Iran gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), đồng thời kêu gọi khẩn cấp khôi phục khả năng của tổ chức đa phương này trong giải quyết các tranh chấp thương mại.

Tuyên bố chung cũng ủng hộ kế hoạch thí điểm cơ chế bảo lãnh do Ngân hàng Phát triển mới (NDB) bảo trợ nhằm giảm chi phí tài chính và thúc đẩy đầu tư vào các quốc gia thành viên.

Trong một tuyên bố riêng sau cuộc thảo luận về trí tuệ nhân tạo (AI), các nhà lãnh đạo kêu gọi áp dụng các biện pháp bảo vệ nhằm ngăn chặn việc sử dụng AI trái phép để tránh thu thập quá mức dữ liệu cá nhân, đồng thời cho phép thiết lập các cơ chế thanh toán công bằng.

Lãnh đạo các nước BRICS kêu gọi cải cách các thể chế toàn cầu

Tổng thống Brazil Lula da Silva chủ trì Phiên thảo luận cấp cao "Tăng cường chủ nghĩa đa phương, các vấn đề kinh tế-tài chính và trí tuệ nhân tạo." (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại châu Mỹ, trong một phát biểu tại hội nghị, Tổng thống nước chủ nhà Brazil Luiz Inácio Lula da Silva thẳng thắn chỉ trích mô hình kinh tế tân tự do và kêu gọi quản lý chặt chẽ AI nhằm ngăn chặn nguy cơ công nghệ này bị biến thành công cụ thao túng của giới siêu giàu.

Tổng thống Lula da Silva nhấn mạnh mô hình tân tự do đang ngày càng làm sâu sắc thêm bất bình đẳng toàn cầu. Ông dẫn số liệu cho biết chỉ trong vòng một thập kỷ qua, khoảng 3.000 tỷ phú trên thế giới đã thu về hơn 6.500 tỷ USD, trong khi dòng chảy hỗ trợ quốc tế sụt giảm và gánh nặng nợ của các nước đang phát triển gia tăng.

Nhà lãnh đạo Brazil cũng bày tỏ quan ngại trước vai trò của các thể chế tài chính toàn cầu như Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Ông cho rằng các cơ chế hiện tại đang tạo ra một “Kế hoạch Marshall ngược,” khi các nền kinh tế mới nổi thực chất đang tài trợ cho các nước phát triển.

Tổng thống Lula da Silva chỉ trích những bất công tại IMF, nhấn mạnh quyền biểu quyết của các quốc gia BRICS lẽ ra phải đạt tối thiểu 25%, thay vì chỉ 18% như hiện tại.

Về Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), ông kêu gọi cải cách khẩn cấp, cho rằng tình trạng tê liệt của WTO cùng với việc dung túng chủ nghĩa bảo hộ đang tạo ra những bất lợi nghiêm trọng cho các nước đang phát triển.

Lãnh đạo các nước BRICS kêu gọi cải cách các thể chế toàn cầu

Tổng thống Brazil Lula da Silva chủ trì Phiên thảo luận cấp cao "Tăng cường chủ nghĩa đa phương, các vấn đề kinh tế-tài chính và trí tuệ nhân tạo." (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Đề cập đến AI, Tổng thống Lula da Silva cảnh báo công nghệ này không thể trở thành “đặc quyền của một số ít quốc gia” hay "công cụ thao túng nằm trong tay các tỷ phú."

Ông kêu gọi thiết lập một khung quản trị toàn cầu đối với AI theo hướng công bằng, bao trùm và bảo vệ chủ quyền quốc gia. Ông chia sẻ rằng BRICS đang thúc đẩy hệ thống thanh toán xuyên biên giới nhanh chóng, tiết kiệm và an toàn hơn để hỗ trợ thương mại.

Về phần mình, phát biểu qua cầu truyền hình, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng mô hình toàn cầu hóa tự do đang dần trở nên lỗi thời.

Ông Putin kêu gọi các nước BRICS tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực, bao gồm tài nguyên thiên nhiên, logistics, thương mại và tài chính.

Trong khi đó, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường cho rằng các nước BRICS nên nỗ lực tiên phong trong thúc đẩy cải cách quản trị toàn cầu, trong bối cảnh thế giới đang chứng kiến những thay đổi nhanh chưa từng thấy trong một thế kỷ, các quy tắc và trật tự quốc tế đang bị thách thức nghiêm trọng, thẩm quyền cũng như tính hiệu quả của các thể chế đa phương tiếp tục suy yếu.

Theo ông Lý Cường, các nước BRICS cũng nên tập trung vào phát triển và củng cố các động lực tăng trưởng kinh tế, tích cực đi đầu trong hợp tác phát triển và khai thác tiềm năng tăng trưởng của các lĩnh vực mới nổi.

Lãnh đạo các nước BRICS kêu gọi cải cách các thể chế toàn cầu

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh BRICS lần thứ 17 ở thành phố Rio de Janeiro, Brazil ngày 6/7/2025. (Ảnh: ANI/TTXVN)

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cũng nhấn mạnh BRICS cần tiếp tục yêu cầu cải cách các thể chế quốc tế, đặc biệt là đối với Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, WTO và các ngân hàng phát triển đa phương.

Theo ông Modi, hơn 60% dân số thế giới hiện chưa được đại diện đầy đủ trong các thể chế toàn cầu được hình thành từ thế kỷ 20, khiến các tổ chức này không đủ khả năng đối phó với những thách thức của thế kỷ 21.

Ông kêu gọi xây dựng một trật tự thế giới đa cực, toàn diện hơn, bắt đầu từ việc cải tổ sâu rộng các tổ chức toàn cầu, bao gồm thay đổi cơ cấu quản trị, quyền biểu quyết và vai trò lãnh đạo, đồng thời ưu tiên các vấn đề của các nước đang phát triển. Ông cũng mời các nhà lãnh đạo BRICS tham dự Hội nghị tiếp theo tại Ấn Độ năm 2026.

Hiện BRICS gồm 10 thành viên chính thức và nhiều đối tác, chiếm gần 40% GDP toàn cầu và gần một nửa dân số thế giới.

Hội nghị Thượng đỉnh BRICS năm 2025 diễn ra từ ngày 6-7/7 tại Rio de Janeiro, với chủ đề “Tăng cường hợp tác Nam Bán cầu vì quản trị bao trùm và bền vững hơn”./.

Theo TTXVN



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]