Làm giàu từ đồng đất quê hương
Là người năng động, dám nghĩ và dám làm, anh Lê Đình Thuận đã trở thành tấm gương điển hình trong phong trào sản xuất giỏi của phường Đông Cương (TP Thanh Hóa).
Mô hình trồng rau trong nhà màng của anh Lê Đình Thuận (phường Đông Cương) cho thu nhập cao.
Chúng tôi đến thăm mô hình sản xuất của gia đình anh Thuận khi anh đang loay hoay với công việc thường ngày của mình. Dành thời gian ngắn để tiếp chúng tôi, anh Thuận chia sẻ: “Để có được kết quả như hôm nay, vợ chồng tôi đã phải lăn lộn rất vất vả. Mỗi ngày bắt đầu từ tờ mờ sáng cho đến tối mịt, bất kể mưa hay nắng. Ngày nối ngày, vợ chồng tôi bám vườn, bám ruộng, có vất vả nhưng vui vì những giọt mồ hôi đổ xuống đã làm nên những trái ngọt đáng quý”.
Anh Thuận sinh ra và lớn lên từ đồng ruộng nên anh có một tình yêu rất lớn với nông nghiệp. Đó là lý do khiến anh từ bỏ công việc ở công ty khai thác đá với thu nhập 20 triệu đồng/tháng để trở về gắn bó với đồng đất quê hương. Nhớ lại thời điểm cách đây hơn chục năm về trước, anh Thuận cho biết: “Từ những năm 2012, tốc độ đô thị hóa ở TP Thanh Hóa đã diễn ra rất nhanh. Dân số đông chính là thị trường tiêu thụ rất tiềm năng nên tôi quyết định chọn hướng trồng rau, củ, quả để cung cấp cho người dân. Trồng rau vốn đầu tư ít nhưng hiệu quả lại cao, rủi ro không nhiều và nếu rủi ro thì cũng không thua lỗ nặng, thời gian lấy lại vốn nhanh. Hơn 10 năm qua, hướng đi này đã giúp gia đình tôi có “của ăn, của để” và đến nay tôi thấy mình vẫn lựa chọn đúng đắn”.
Tháng 7/2012, anh Thuận bắt tay vào trồng rau để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân thành phố. Đến năm 2014, phường Đông Cương thực hiện chủ trương dồn điền đổi thửa, anh Thuận đi tiên phong trong việc nhận thầu toàn bộ 2 ha diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả của người dân để mở rộng vùng trồng. Khu vực anh nhận thầu vốn là đồng trũng nên anh đào 1 mẫu làm ao để lấy nước tưới và lấy đất san lấp những chỗ sâu trũng. Chẳng bao lâu sau, vườn nhà anh Thuận xanh tươi với đủ các loại rau muống, mồng tơi, súp lơ, su hào, bắp cải, dưa chuột, cà chua, hành, tỏi... Dưới ao anh nuôi cá, phía trên ao anh làm giàn trồng các loại cây leo như bầu, bí. Ngoài trồng rau, củ, quả theo mùa vụ, anh còn trồng 400 gốc ổi, 1.000 trụ thanh long để tăng thu nhập cho gia đình.
“Thời đại của nông nghiệp công nghệ cao đã biến rất nhiều điều không thể thành có thể. Vì thế, tôi tiếp tục đi đầu trong việc xây dựng hệ thống nhà màng để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm ở địa phương”, anh Thuận cho biết. Năm 2020, khi diện tích trồng thanh long không còn mang lại hiệu quả như trước, anh đầu tư 1 tỷ đồng xây dựng hệ thống nhà màng trồng các loại rau và dưa vàng. Với nhiều ưu điểm vượt trội, việc trồng rau, củ, quả trong nhà màng đã cho sản lượng cao gấp nhiều lần so với trồng thông thường vì tránh được sự khắc nghiệt của thời tiết, tránh được côn trùng, giảm việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, đất lại luôn tơi xốp...
Với kiến thức, kinh nghiệm học hỏi được từ thực tiễn cùng công sức và đôi bàn tay lao động chăm chỉ suốt nhiều năm qua, vợ chồng anh Thuận đã biến vùng đất sản xuất kém hiệu quả thành vùng đất màu mỡ, trù phú, được nhiều người biết đến. Ngoài rau là cây trồng chủ lực, anh Thuận trồng thêm dưa vàng và hoa. Khác với các gia đình xung quanh mỗi năm trồng 3 vụ, anh Thuận chỉ trồng 1 một vụ duy nhất. Chia sẻ về điều này, anh Thuận cho biết: “Đông Cương là vùng chuyên trồng hoa nên tôi chỉ chọn thời điểm giáp Tết Nguyên đán, lượng tiêu thụ rất lớn mới trồng để bảo đảm hiệu quả chắc chắn. Đầu tư trồng hoa tốn kém hơn nhiều so với trồng rau, khu vực này lại trũng nên rất dễ thất bại nếu gặp mưa lớn. Dưa vàng tôi cũng tính toán thời điểm thích hợp và trồng 1 vụ/năm nên hạn chế được rủi ro”.
Từ nguồn vốn vay ít ỏi ban đầu, qua nhiều năm phát triển theo hình thức lấy ngắn nuôi dài, đến nay anh Thuận đã tạo dựng được một mô hình sản xuất hiệu quả, được cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá cao. Điều đáng phấn khởi là toàn bộ nguồn vốn đầu tư là vốn tự có của gia đình, không phải vay mượn. Theo tính toán khiêm tốn của anh Thuận, từ năm 2020 đến nay, với 2 ha cây trồng các loại, mỗi năm gia đình anh thu về hơn 600 triệu đồng tiền lãi.
Chia sẻ bí quyết thành công của mình, anh Thuận cho biết: “Điều đầu tiên phải có của người làm nông nghiệp là tình yêu với ruộng vườn. Cùng với đó là sự chăm chỉ, không ngại khó, không ngại khổ; năng động, sáng tạo, chủ động nắm bắt thị trường tiêu thụ thì sẽ không bị thua lỗ. Làm nông nghiệp vẫn giàu, chậm nhưng mà chắc”.
Bài và ảnh: Tố Phương
{name} - {time}
-
2024-12-13 09:37:00
Nữ “thủ lĩnh” công đoàn tận tâm
-
2024-12-07 10:39:00
Thầy giáo gương mẫu, tận tâm với nghề
-
2024-01-08 09:34:00
Người nâng tầm cây dược liệu bản địa
Gặp chàng trai của “Việc tử tế”
Những nữ thủ lĩnh “trọn việc nước, tròn việc dân”
Bí thư chi bộ, trưởng bản mẫu mực bảo vệ đường biên, cột mốc
Nữ đảng viên 24 năm làm bí thư chi bộ
Hơn 20 năm nỗ lực vì cộng đồng
Tích cực tuyên truyền xóa bỏ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống
Giảng viên về quê gây dựng trang trại chăn nuôi hiện đại
Y sĩ đông y Hoàng Thị Chon tận tâm với nghề
Phát huy vai trò của đội ngũ người có uy tín, trưởng thôn, bản, trưởng dòng họ, nhân sĩ trí thức, doanh nhân trong đồng bào DTTS&MN