Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024: Đề thi tổ hợp Khoa học xã hội đòi hỏi sự sáng tạo của thí sinh
Sáng 28/6, các thí sinh lựa chọn tổ hợp Khoa học xã hội (Lịch sử - Địa lý - Giáo dục công dân) đã hoàn thành bài thi của mình. Theo đánh giá của nhiều thí sinh, đề tổ hợp các môn Khoa học xã hội đòi hỏi sự sáng tạo của thí sinh.
Bước ra khỏi phòng thi, tại điểm thi trường THPT Cẩm Thuỷ 1, thí sinh Phùng Diệu Linh cho biết: "Đề thi tổ hợp các môn Khoa học xã hội năm nay khá hay, học sinh có thể thể hiện sự sáng tạo của mình. Em làm được khoảng 90% cả 3 môn Lịch sử - Địa lý - Giáo dục công dân".
Tại điểm thi trường THPT chuyên Lam Sơn, thí sinh Lê Đăng Niên, cho hay: “Lịch sử chính là môn học thế mạnh của em, nên em làm khá tốt. Còn lại hai môn Địa lý và Giáo dục công dân, đề thi cũng khá vừa sức".
Tại điểm thi trường THPT Đào Duy Từ (TP Thanh Hoá), thí sinh Nguyễn Thị Hương Thảo cũng cho biết: Đề thi tổ hợp các môn Khoa học Xã hội năm nay tương đối vừa sức với học sinh, nên em làm bài khá tốt.
Nhận xét đề thi tổ hợp các môn Khoa học xã hội năm nay, cô giáo Đào Thị Lan, nhóm trưởng nhóm Lịch sử, Trường THPT Cẩm Thuỷ 1 (Cẩm Thuỷ), cho rằng: Đề thi tổ hợp các môn Khoa học xã hội năm nay bám sát cấu trúc đề minh hoạ của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố, đảm bảo mục tiêu xét công nhận tốt nghiệp THPT năm 2024, mức độ đề thi có tính chất phân hoá tốt, phù hợp cho mục tiêu xét tuyển Đại học.
Đề thi môn Lịch sử tương đối hay, từ câu 1 đến 30 câu hỏi rõ ràng, không đánh đố học sinh. Từ câu 31 trở đi ở mức độ vận dụng cao, có khoảng 2 câu tương đối khó so với học sinh, mang tính phân loại. Điểm mới của đề thi môn Lịch sử năm nay là tính hiện đại, có những câu chuyển giao và tiếp cận được phương thức của đề thi mới theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Cảnh sát giao thông phân luồng giao thông tạo thuận lợi cho thí sinh và phụ huynh rời khỏi điểm thi Trường THPT Tô Hiến Thành (TP Thanh Hóa).
Nhận xét đề thi môn Lịch sử, cô giáo Phạm Thị Hằng, Trường THPT Quan Sơn, cho rằng: Đề thi đảm bảo đúng cấu trúc đề của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hướng dẫn, gồm câu hỏi nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Dạng cấu trúc đề thi này rất quen thuộc, chủ yếu xoay quanh kiến thức sách giáo khoa lớp 12, trong đó có sự cân đối giữa phần lịch sử thế giới và lịch sử Việt Nam. Đề có nhiều câu dễ, tạo điều kiện cho các em học sinh có thể đạt 6 đến 7 điểm.
“Đề thi môn Lịch sử có tính phân hóa cao từ câu hỏi số 31 trở đi, đòi hỏi học sinh cần biết tổng hợp, vận dụng kiến thức đã học mới có thể lựa chọn được đáp án chính xác nhất. Mức độ câu hỏi khó tùy thuộc vào khả năng của mỗi học sinh, có thể dễ với em này nhưng lại khó với em khác... Năm nay theo tôi sẽ ít có điểm 10 hơn năm trước”, cô giáo Hằng nhận định.
Cũng theo cô giáo Phạm Thị Hằng, những câu vận dụng của đề thi Lịch sử có đưa những tư liệu vào, đòi hỏi học sinh phải hiểu khá tốt kiến thức mới có thể làm được, như câu 32 và 38 mã đề 305. Điều này cũng hướng tới cấu trúc đề thi mới cho năm 2025 khi bắt đầu thi kiến thức Chương trình Giáo dục Phổ thông 2018.
“Với đề Lịch sử năm nay, đối với học sinh khu vực miền núi như học sinh trường THPT Quan Sơn là tương đối khó. Điểm trung bình của học sinh nhà trường sẽ chỉ ở ngưỡng 5 đến 6 điểm”, cô giáo Hằng chia sẻ.
Thí sinh trao đổi sau khi thi xong.
Đi sâu vào phân tích đề thi môn Địa lý, cô giáo Hoàng Hà My, giáo viên môn Địa lí, trường Tiểu học, THCS, THPT Đông Bắc Ga (TP Thanh Hoá), cho biết: Đề thi môn Địa Lý năm 2024 bao gồm 40 câu trắc nghiệm phân bố từ mức độ nhận biết đến mức độ vận dụng cao. So với đề thi tham khảo mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố trước đó, đề thi chính thức bám sát ma trận, nội dung nằm hoàn toàn trong chương trình học phổ thông. Mức độ các câu hỏi được sắp xếp phù hợp, tăng dần về độ khó, giúp dễ dàng phân loại thí sinh theo trình độ. Trong đề có các câu hỏi yêu cầu thí sinh phải sử dụng kĩ năng thực hành địa lí như: phân tích bảng số liệu, sử dụng Atlat. Nhìn chung đề thi không khó với thí sinh có năng lực khá trở lên, đề vừa quen thuộc vừa có sự phân hoá đòi hỏi thí sinh cần, đọc kĩ câu hỏi và tư duy mạch lạc để đạt điểm tuyệt đối. Với đề thi này thí sinh có thể đạt được điểm cao, từ 8, 9 điểm trở lên.
Thầy giáo Hoàng Văn Nhu, giáo viên Trường THPT Quan Sơn (Quan Sơn), cho rằng: Đề thi môn Địa lý có tính phân hoá thí sinh. Trong đó, chủ yếu là các câu hỏi ở dạng nhận biết. Trong đề cũng có 6 câu hỏi vận dụng cao. Đối với thí sinh miền núi có thể làm được đề từ mức trung bình trở lên. Tuy nhiên, tỷ lệ thí sinh đạt từ 8 điểm trở lên sẽ không nhiều.
Thí sinh hoàn thành bài thi các môn Khoa học xã hội tại điểm thi trường THPT Quan Sơn.
Đề thi Giáo dục công dân được nhận xét dễ, gần gũi với học sinh và là môn thi cuối cùng trong bài thi tổ hợp các môn Khoa học xã hội. Thí sinh chỉ cần nắm vững kiến thức trong sách giáo khoa là có thể đạt điểm 7-8.
Chiều nay, thí sinh tiếp tục dự thi môn Ngoại ngữ - môn cuối của Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 với thời gian làm bài 60 phút.
Nhóm PV
- 2024-09-08 15:09:00
Hợp tác và liên kết đào tạo ở Trường Đại học Hồng Đức
- 2024-09-08 11:30:00
Kết nối với các vườn ươm, làng đổi mới sáng tạo, startup, SME, hợp tác xã, làng nghề trên cả nước
- 2024-06-28 11:05:00
Thí sinh hoàn thành buổi thi Tổ hợp Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội
Môn Toán Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024: Đề thi khó, thí sinh vui ít, buồn nhiều
Ngày đầu Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế
Đề thi môn Ngữ Văn Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024: Ngữ liệu an toàn nhưng vẫn đủ thú vị
99,43% thí sinh dự thi môn Ngữ Văn Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024
Đề thi chính thức môn Ngữ văn Kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm 2024
Gần 39.000 thí sinh Thanh Hóa bước vào môn thi đầu tiên kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024
Thi tốt nghiệp THPT: Hơn 1 triệu thí sinh cả nước làm bài thi đầu tiên
Tỷ lệ thí sinh đến làm thủ tục dự thi đạt 99,07%
Tăng cường hợp tác quốc tế ở Trường Đại học Hồng Đức