(Baothanhhoa.vn) - Thực hiện Kế hoạch 135/QĐ-UBND ngày 16-8-2017 của UBND tỉnh về xây dựng mô hình thí điểm an toàn thực phẩm; Quyết định 335/QĐ-UBND ngày 24-1-2018 của UBND tỉnh về việc giao chỉ tiêu thực hiện công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, TP Thanh Hóa đã thành lập được 91 cửa hàng so với chỉ tiêu được giao là 20 cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn (TPAT).

Tin liên quan

Đọc nhiều

TP Thanh Hóa phát triển hệ thống cửa hàng thực phẩm an toàn

TP Thanh Hóa phát triển hệ thống cửa hàng thực phẩm an toàn

Sản xuất rau an toàn tại Công ty CP Nông nghiệp hiện đại Tiến Nông.

Thực hiện Kế hoạch 135/QĐ-UBND ngày 16-8-2017 của UBND tỉnh về xây dựng mô hình thí điểm an toàn thực phẩm; Quyết định 335/QĐ-UBND ngày 24-1-2018 của UBND tỉnh về việc giao chỉ tiêu thực hiện công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, TP Thanh Hóa đã thành lập được 91 cửa hàng so với chỉ tiêu được giao là 20 cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn (TPAT).

Sau khi có chỉ đạo của UBND tỉnh, UBND TP Thanh Hóa đã chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị chuyên môn và UBND các phường, xã rà soát, tổng hợp và bố trí được 13 điểm tại 13 phường, xã gồm: Nam Ngạn, Trường Thi, Quảng Thắng, Đông Hưng, Đông Hương, Đông Hải, Đông Sơn, Hàm Rồng, Lam Sơn, Quảng Thành, Đông Vệ, Hoằng Lý, Ba Đình và đã báo cáo UBND tỉnh. Bên cạnh đó, TP Thanh Hóa đã xây dựng cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp, cá nhân phát triển các cửa hàng kinh doanh TPAT trong các khu đô thị, khu phố; bố trí quỹ đất để mở rộng diện tích trồng rau an toàn, đa dạng thêm nhiều loại thực phẩm để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. Ngoài ra, TP Thanh Hóa còn tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn, xác nhận kiến thức cho người trực tiếp kinh doanh thực phẩm, cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm... góp phần đáp ứng nhu cầu thực phẩm sạch ngày càng cao của người dân thành phố.

Tính đến 15-3-2019, trên địa bàn TP Thanh Hóa đã hình thành được 91 cửa hàng TPAT, vượt khá cao so với chỉ tiêu đặt ra. Các thực phẩm được bán tại các cửa hàng kinh doanh TPAT được kiểm soát chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ. Đối với sản phẩm nông sản phải được sản xuất theo quy trình VietGAP, GlobalGAP... và được dán tem xác nhận “Sản phẩm chuỗi cung ứng TPAT”. Nhiều chuỗi cửa hàng đã ghi nhận được sự tin cậy của người tiêu dùng và phát triển, lan tỏa nhanh, như: Chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch AT food , Pic food, ATC food... Chị Lê Thị Hằng, chủ cửa hàng TPAT Hằng Định, phường Đông Vệ, chia sẻ: Thời gian đầu khi mới bắt tay vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, cửa hàng gặp không ít khó khăn do giá của sản phẩm cao hơn các thực phẩm cùng loại tại chợ truyền thống. Bên cạnh đó, việc nhập các sản phẩm đầu vào bảo đảm tiêu chuẩn cũng gặp khó khăn. Tuy nhiên, với sự nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ nên doanh số của sản phẩm đã bắt đầu tăng đều khoảng 20%/tháng từ đầu năm nay. Cửa hàng cũng đã tìm kiếm thêm được nhiều nguồn cung cấp TPAT từ các vùng lân cận để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Với điều kiện về dân số và thu nhập, việc thực hiện mục tiêu xây dựng các cửa hàng kinh doanh TPAT của TP Thanh Hóa không khó như các địa phương khác. Hiện thành phố đang khuyến khích các cửa hàng kinh doanh TPAT quy mô hộ gia đình chuyển đổi hoạt động theo mô hình doanh nghiệp để chuyên nghiệp hóa trong các khâu kinh doanh, tạo uy tín đối với người tiêu dùng.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Phòng Kinh tế, UBND TP Thanh Hóa, bên cạnh các chuỗi hệ thống cửa hàng TPAT hoạt động ổn định, dần khẳng định được thương hiệu và không ngừng mở rộng quy mô kinh doanh, vẫn còn nhiều cửa hàng TPAT không khai thác được thị trường tiêu thụ, hoạt động không hiệu quả, buộc phải nghỉ kinh doanh, hoặc hoạt động cầm chừng. Bên cạnh đó, do hình thành tự phát nên sự phân bố hệ thống cửa hàng TPAT không đồng đều ở các phường, xã trên địa bàn. Có phường, xã tập trung từ 3-5 cửa hàng như Đông Vệ, Đông Thọ, Trường Thi...; một số phường, xã không có cửa hàng như Quảng Hưng, Quảng Thắng, Đông Cương, Hàm Rồng... Công tác quản lý nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa cũng gặp không ít khó khăn. Những vướng mắc về thực hiện chính sách hỗ trợ chưa được tháo gỡ.

Để tiếp tục phát triển tốt hệ thống các cửa hàng TPAT, cung ứng đa dạng nguồn thực phẩm sạch cho nhân dân, TP Thanh Hóa đang tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi về hỗ trợ mặt bằng, kinh phí, hồ sơ chứng nhận... đối với các doanh nghiệp, hộ kinh doanh tham gia phát triển cửa hàng TPAT. Bên cạnh đó, tiếp tục nâng cao công tác tuyên truyền đến các hộ, đơn vị kinh doanh thực hiện nghiêm về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm. Tăng cường công tác kiểm soát nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, nhất là các mặt hàng thực phẩm nhập khẩu, tăng niềm tin của người tiêu dùng đối với sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ.

Bách Nguyên


Bách Nguyên

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]