(Baothanhhoa.vn) - Những năm gần đây, huyện Thiệu Hóa tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ các chủ trương, chính sách hỗ trợ của tỉnh, huyện nhằm phát triển sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn và theo hướng bền vững. Trong đó, trọng tâm là tích tụ, tập trung đất đai, thu hút doanh nghiệp (DN) đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp, tiêu thụ nông sản.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Tích tụ, tập trung đất đai, thu hút doanh nghiệp đầu tư sản xuất nông nghiệp ở huyện Thiệu Hóa

Những năm gần đây, huyện Thiệu Hóa tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ các chủ trương, chính sách hỗ trợ của tỉnh, huyện nhằm phát triển sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn và theo hướng bền vững. Trong đó, trọng tâm là tích tụ, tập trung đất đai, thu hút doanh nghiệp (DN) đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp, tiêu thụ nông sản.

Tích tụ, tập trung đất đai, thu hút doanh nghiệp đầu tư sản xuất nông nghiệp ở huyện Thiệu Hóa

Nông dân thị trấn Thiệu Hóa chăm sóc rau an toàn.

Thực hiện các chính sách khuyến khích của tỉnh về việc tích tụ, tập trung đất đai để phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao, huyện Thiệu Hóa đã tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện và đạt được những kết quả đáng khích lệ. Đến nay, toàn huyện đã tích tụ, tập trung đất đai để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao được 360 ha; trong đó, lúa 220 ha, ngô 100 ha, các loại cây trồng khác 40 ha. Ngoài ra, một số vùng có tiềm năng tích tụ, tập trung đất đai để sản xuất quy mô lớn, như: Vùng rau an toàn tập trung, vùng cây ăn quả tập trung... Đi đôi với đó, huyện tạo thuận lợi để thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Hiện nay, toàn huyện có 40 DN đang tham gia vào chuỗi sản xuất nông nghiệp, chủ yếu là đảm nhận các khâu như cung ứng vật tư đầu vào, chuyển giao khoa học - kỹ thuật hoặc chế biến và tiêu thụ nông sản... Trong đó, có 20 DN liên kết chặt chẽ, thường xuyên với các hộ nông dân trên địa bàn; các nội dung liên kết chủ yếu là đầu tư vật tư đầu vào và bao tiêu sản phẩm. Điển hình, như: Công ty CP Mía đường Lam Sơn tổ chức thuê lại 160 ha đất sản xuất lúa của Nhân dân thị trấn Thiệu Hóa để sản xuất lúa hữu cơ. Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao tổ chức liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm cây ngô ngọt với một số xã, thị trấn, diện tích khoảng 30 ha/năm. Công ty CP Nông sản Phú Gia, đầu tư trang trại chăn nuôi lợn ngoại tại xã Thiệu Phú, với diện tích 41.000m2, quy mô 500 con lợn nái và 2.000 lợn thương phẩm...

Đại diện Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Thiệu Hóa, cho biết: Kết quả liên kết kinh tế giữa DN với các hộ nông dân trên địa bàn huyện những năm gần đây mới đạt được một số kết quả bước đầu. Và chủ yếu được thực hiện theo 3 nội dung, (1), DN liên kết với hộ nông dân để cung ứng các yếu tố đầu vào như giống, vật tư nông nghiệp và chuyển giao khoa học - kỹ thuật (10-15 DN); (2) DN liên kết với hộ nông dân để cung ứng giống, vật tư nông nghiệp và chuyển giao khoa học - kỹ thuật, đồng thời tiêu thụ sản phẩm đầu ra cho hộ nông dân như cây khoai tây, ngô sinh khối (10 - 12 DN); (3) DN liên kết với hộ nông dân trong việc tiêu thụ sản phẩm nông sản, như cây ngô ngọt, các loại lúa, ớt xuất khẩu, rau an toàn (10 - 15 DN). Hình thức liên kết đang thực hiện là qua đầu mối trung gian HTX, tổ hợp tác hoặc DN trực tiếp ký kết hợp đồng với hộ nông dân. Phương thức ký hợp đồng liên kết sản xuất là thông qua hợp đồng kinh tế giữa DN và các HTX nông nghiệp trên địa bàn huyện có xác nhận của UBND các xã, thị trấn.

Thực tế cho thấy, việc triển khai thực hiện khá đồng bộ các chủ trương, chính sách của tỉnh, huyện trong việc hỗ trợ phát triển nông nghiệp trên địa bàn huyện nên đã thu hút, khuyến khích được ngày càng nhiều DN tham gia vào việc liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản cho nông dân, góp phần tăng thu nhập và tạo việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, do các chính sách, các nghị quyết hỗ trợ sản xuất cho nông dân, DN của tỉnh và huyện mới giới hạn hỗ trợ một số loại cây, con nên chưa thực sự tạo thành động lực mạnh mẽ cho việc liên kết kinh tế giữa DN và nông dân trong sản xuất, tiêu thụ nông sản. Vấn đề khó khăn hiện nay là, làm thế nào thu hút được nhiều hơn các DN tích cực tham gia vào các chuỗi sản xuất, tiêu thụ nông sản cho nông dân. Đồng thời, đáp ứng nhu cầu liên kết với nhiều nội dung và ngày càng mở rộng về quy mô, sản lượng, đa dạng về sản phẩm, như: các loại cây trồng xuất khẩu có giá trị kinh tế cao; các loại gia súc, gia cầm có lợi thế... Quy mô thực hiện liên kết kinh tế giữa DN chế biến, tiêu thụ nông sản với hộ nông dân hiện mới đạt ở mức nhỏ và vừa, chưa tương xứng với nhu cầu và tiềm năng của các hộ nông dân trên địa bàn huyện. Việc liên kết kinh tế hiện chưa phổ biến ở tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn, mới chỉ dừng lại ở một số xã, thị trấn với một số loại nông sản có điều kiện nhất định, như lúa F1, lúa hữu cơ, ngô ngọt, ớt, khoai tây đông, ngô sinh khối, rau quả an toàn; trong khi tiềm năng về đất đai, lao động, các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn còn lớn. Chất lượng thực hiện liên kết còn nhiều bất cập, tỷ lệ số hộ nông dân bỏ liên kết sau một đến hai vụ liên kết với DN còn khá lớn. Tỷ lệ hộ nông dân không chịu bán 100% sản lượng hàng hóa cho DN đúng theo hợp đồng cam kết vẫn còn khá cao, nhất là khi giá cả thị trường của sản phẩm cao hơn giá DN thu mua. Mặc dù hình thành và phát triển được nhiều mô hình sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao, song việc triển khai thực hiện các mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện vẫn đang gặp phải một số khó khăn, như: các mặt hàng nông sản có giá trị xuất khẩu cao vẫn còn phụ thuộc vào đối tác tỉnh ngoài, nên tính ổn định chưa cao, gây khó khăn trong quá trình thực hiện liên kết. Mặt khác, một số xã, thị trấn có lúng túng trong thực hiện kêu gọi DN và đôi khi các DN vào làm việc gặp khó khăn. Đầu tư sản xuất nông nghiệp hiệu quả không cao, tính rủi ro lớn, bên cạnh đó là chính sách hỗ trợ cho DN đầu tư vào sản xuất nông nghiệp chưa đủ mạnh nên đa phần các DN lớn còn chưa mặn mà đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Việc liên kết giữa DN và người sản xuất chưa bền vững do chưa có cơ chế chia sẻ lợi nhuận, rủi ro và chủ yếu vẫn liên kết theo hình thức thương thảo thuận mua, vừa bán. Tình trạng tiêu thụ sản phẩm vẫn còn qua nhiều khâu trung gian phân phối nên giá bán thực tế cao hơn nhiều so với giá thu mua tại cơ sở sản xuất và dẫn đến sức cạnh tranh chưa cao, chưa chiếm được lòng tin của người tiêu dùng.

Để khai thác tiềm năng phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, Phó Chủ tịch UBND huyện Thiệu Hóa Nguyễn Thế Anh, cho biết: Huyện đã và đang tập trung chỉ đạo thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng phát triển sản xuất hàng hóa; liên kết với các DN để tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, như: chuỗi sản xuất lúa, gạo thương phẩm chất lượng cao gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm ở thị trấn Thiệu Hóa, các xã Thiệu Phúc, Thiệu Phú, Thiệu Long, quy mô trên 230 ha, sản lượng hơn 2.000 tấn gạo; sản xuất rau an toàn tập trung 10 vùng với diện tích 30 ha, tập trung ở thị trấn Thiệu Hóa, các xã Thiệu Hợp, Thiệu Phúc, Tân Châu, Thiệu Toán, Minh Tâm, doanh thu hơn 200 triệu/ha/năm; mô hình sản xuất rau, quả công nghệ cao trong nhà màng 3,2 ha, thu nhập 3 tỷ đồng/ha/năm, ở thị trấn Thiệu Hóa, các xã Thiệu Phú, Thiệu Duy, Thiệu Thành. Vùng sản xuất lúa tập trung quy mô lớn theo chuỗi giá trị, với diện tích gieo cấy hàng năm hơn 800 ha; đồng thời, chuyển đổi 551 ha đất trồng lúa hiệu quả thấp sang trồng các loại cây trồng khác hiệu quả kinh tế cao hơn hoặc trồng lúa kết hợp nuôi thủy sản, thủy cầm và đang được tiếp tục nhân rộng, phát triển. Huyện tập trung chỉ đạo chuyển mạnh từ chăn nuôi phân tán, nhỏ lẻ sang chăn nuôi trang trại tập trung quy mô lớn.

Bài và ảnh: Xuân Hùng


Bài Và Ảnh: Xuân Hùng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]