(Baothanhhoa.vn) - Nguyên nhân, giải pháp chuyển dịch cơ cấu cây trồng trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới để có các vùng trồng cây nông, lâm nghiệp quy mô lớn, có hiệu quả kinh tế cao và thương hiệu sản phẩm - là một trong những nội dung được chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh khoá XVIII, nhiệm kỳ 2021-2026. Theo đó, để  khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh, tạo động lực thúc đẩy nông nghiệp của tỉnh phát triển, ngành nông nghiệp đã và đang tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, đưa các loại cây có năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất để thay thế những diện tích sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả. Qua đó, góp phần gia tăng giá trị canh tác, từng bước cải thiện, nâng cao thu nhập cho nông dân.

Tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hình thành vùng sản xuất tập trung quy mô lớn

Nguyên nhân, giải pháp chuyển dịch cơ cấu cây trồng trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới để có các vùng trồng cây nông, lâm nghiệp quy mô lớn, có hiệu quả kinh tế cao và thương hiệu sản phẩm - là một trong những nội dung được chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh khoá XVIII, nhiệm kỳ 2021-2026. Theo đó, để khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh, tạo động lực thúc đẩy nông nghiệp của tỉnh phát triển, ngành nông nghiệp đã và đang tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, đưa các loại cây có năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất để thay thế những diện tích sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả. Qua đó, góp phần gia tăng giá trị canh tác, từng bước cải thiện, nâng cao thu nhập cho nông dân.

Tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hình thành vùng sản xuất tập trung quy mô lớnNhân dân xã Cẩm Tú (Cẩm Thủy) tích cực chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả trên đất đồi sang trồng cây gai xanh nguyên liệu quy mô lớn. Ảnh: Hải Đăng

Hiệu quả từ chuyển dịch cơ cấu cây trồng

Phát huy lợi thế, tiềm năng về đất đai, từ năm 2020 đến nay, toàn tỉnh đã tích tụ, tập trung 16.240ha đất nông nghiệp; chuyển đổi hơn 11.138ha đất lúa, gần 3.270ha đất trồng mía, 1.412ha đất trồng sắn, 4.969,6ha đất trồng cao su sang trồng các cây có giá trị kinh tế cao gắn với các cơ sở chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, đẩy mạnh cải tạo vườn tạp liền kề thành những vùng sản xuất tập trung, mở rộng và phát triển các vùng sản xuất quy mô lớn nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế. Nhờ đó, trên địa bàn tỉnh đã xây dựng được vùng lúa thâm canh năng suất, chất lượng cao 158.000ha, ngô thâm canh 20.000ha, mía thâm canh 12.000ha, rau an toàn 13.000ha, hoa cây cảnh công nghệ cao 325ha, cây ăn quả tập trung 8.500ha, cây thức ăn chăn nuôi 15.000ha... Nhiều diện tích sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với các cơ sở chế biến và tiêu thụ, nhiều sản phẩm được chế biến sâu, như tinh bột sắn, ớt tươi, sợi gai... có giá trị gia tăng cao và tham gia vào thị trường xuất khẩu đạt hàng chục triệu USD/năm. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh đã hình thành nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt hiệu quả kinh tế vượt trội, với lợi nhuận trung bình đạt 200 triệu đồng/ha/năm đối với mô hình trồng trọt, gấp 2,5 đến 3 lần so với sản xuất nông nghiệp thông thường.

Ông Nguyễn Hữu Tuất, Phó Chủ tịch UBND huyện Như Xuân, cho biết: Thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng và áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu ngay trên chính đồng đất của mình. Đây cũng là chủ trương nhằm tổ chức lại sản xuất nông nghiệp ở một số khu vực để khai thác những tiềm năng, lợi thế về đất đai và lao động của địa phương. Đồng thời, đẩy mạnh thu hút các doanh nghiệp liên kết với người dân hình thành các chuỗi giá trị khép kín trong sản xuất. Đến nay, huyện Như Xuân đã phát triển được gần 400ha trồng cây ăn quả tập trung, trong đó có 210ha cam, 93ha bưởi, 25ha ổi, 52ha xoài... Các hộ đã mạnh dạn đầu tư sử dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm, hệ thống tưới tiêu tự động... sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, tạo ra sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường và doanh thu hàng năm đạt từ 600 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/ha.

Trong sản xuất lâm nghiệp, từ năm 2020 đến nay, toàn tỉnh đã tích tụ, tập trung 13.152ha đất lâm nghiệp và đưa các loại giống mới có năng suất cao thay thế các loại giống có năng suất, chất lượng thấp vào sản xuất. Với việc đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, năng suất, sản lượng khai thác gỗ hàng năm tăng mạnh (năm 2019 đạt 700.000m3, năm 2021 đạt 780.000m3, năm 2022 ước đạt 860.000m3); giá trị trên một ha rừng trồng hàng năm tăng (năm 2019 đạt 70 triệu đồng/ha/chu kỳ, năm 2021 đạt 79 triệu đồng/ha/chu kỳ, năm 2022 ước đạt 87 triệu đồng/ha). Các sản phẩm lâm nghiệp được chú trọng xây dựng thương hiệu, có 10 sản phẩm thuộc lĩnh vực lâm nghiệp được xếp hạng OCOP cấp tỉnh từ 3 sao trở lên; hình thành liên kết giữa người trồng rừng và các cơ sở chế biến, tiêu thụ sản phẩm lâm nghiệp (hình thành 5 chuỗi liên kết giữa chủ rừng là hộ gia đình, nhóm hộ với các nhà máy, chế biến), gắn với quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng FSC; xây dựng chỉ dẫn địa lý, thương hiệu cho sản phẩm Quế ngọc Thường Xuân.

Vẫn còn những khó khăn, thách thức

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong khi tỉnh Thanh Hóa có diện tích đất nông nghiệp, lâm nghiệp rất lớn, nhưng việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng còn chậm, chưa có các vùng trồng cây nông nghiệp, lâm nghiệp quy mô lớn; có giá trị gia tăng cao gắn với thương hiệu sản phẩm như một số tỉnh phía Bắc, nhất là trên địa bàn trung du, miền núi. Qua tìm hiểu thực tế, nguyên nhân do diện tích tự nhiên của tỉnh rộng, địa hình phức tạp, nhiều khu vực bị chia cắt bởi đồi núi, sông suối; diện tích đất để sản xuất nông nghiệp nhìn chung còn manh mún, nhỏ lẻ, diện tích trồng cây hàng năm có tưới còn ít. Việc ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, đẩy mạnh cơ giới hóa trong nông nghiệp, nhất là khu vực miền núi còn hạn chế. Thị trường, giá cả nông sản không ổn định, nhiều loại nông sản có thời điểm giá xuống rất thấp ảnh hưởng lớn đến tâm lý, đầu tư phát triển sản xuất cũng như kết quả thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Mặc dù, các huyện, thị xã, thành phố đã triển khai thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, trong đó có việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng nông nghiệp, lâm nghiệp nhưng mức độ khác nhau, kết quả chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của từng địa phương. Tâm lý giữ đất, ngại thay đổi trong Nhân dân; tâm lý ngại khó, ngại khổ, sợ sai của một bộ phận cán bộ vẫn còn tồn tại. Nguồn lực để thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp nói chung, chuyển dịch cơ cấu cây trồng nông nghiệp, lâm nghiệp nói riêng còn hạn chế. Một số bật cập, hạn chế của Luật Đất đai và các quy định liên quan đến sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp đã làm hạn chế khả năng đầu tư của doanh nghiệp, HTX. Thực tế đã chứng minh việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng chỉ diễn ra nhanh và hiệu quả, bền vững khi có doanh nghiệp tham gia vào thu mua, chế biến, tạo dựng và phát triển thương hiệu.

Tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hình thành vùng sản xuất tập trung quy mô lớnCông ty TNHH Trung tâm Nghiên cứu & Phát triển công nghệ cao Lam Sơn (Thọ Xuân) trồng dưa vàng ứng dụng công nghệ cao cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao.

Trước thực trạng trên, đồng chí Cao Văn Cường, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: Để khắc phục những hạn chế nêu trên, thời gian tới, ngành nông nghiệp xác định tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp, như nỗ lực thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng để có các vùng trồng cây nông nghiệp, lâm nghiệp quy mô lớn, có giá trị gia tăng cao gắn với thương hiệu sản phẩm, nhất là trên địa bàn trung du, miền núi. Trong đó, trọng tâm là tiếp tục phổ biến, quán triệt sâu sắc đường lối, chủ trương của Đảng, Tỉnh ủy về nông nghiệp, nông dân, nông thôn nói chung, chuyển dịch cơ cấu cây trồng nông nghiệp, lâm nghiệp nói riêng đến các ngành, địa phương và người dân. Tăng cường vai trò, trách nhiệm của lãnh đạo các ngành, địa phương, khuyến khích sự tham gia của các tổ chức xã hội nhằm tạo sức mạnh tổng hợp để tổ chức thực hiện hiệu quả chủ trương, định hướng này. Rà soát, sửa đổi, bổ sung, kéo dài thời gian thực hiện các chính sách ngành nông nghiệp, giai đoạn 2020-2025 phù hợp với thực tiễn, tạo động lực cho sản xuất phát triển. Rà soát, điều chỉnh các vùng sản xuất tập trung để tích hợp vào quy hoạch tỉnh, thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tập trung chuyển dịch các đối tượng cây trồng, vật nuôi ở các lĩnh vực sản xuất theo hướng quy mô lớn, nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, sản xuất liên kết theo chuỗi gắn với thương hiệu sản phẩm. Tiếp tục đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đai. Trên cơ sở kết quả xây dựng bản đồ nông hóa, rà soát, điều chỉnh kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với lợi thế, nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu ở từng địa phương. Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức xúc tiến thương mại, trong đó chú trọng công tác thông tin thị trường, xử lý thông tin nhanh và dự báo chính xác tình hình cung - cầu, giá cả thị trường, rào cản kỹ thuật thương mại... nhằm giúp doanh nghiệp chủ động hội nhập kinh tế, giảm rủi ro trong xuất khẩu hàng hóa.

Các đơn vị trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ giống, quy trình sản xuất và chế biến, tiêu thụ; ứng dụng công nghệ thông minh, công nghệ số để phát triển mạnh nông nghiệp công nghệ cao; xây dựng khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao làm đầu tàu cho phát triển; tạo đột phá về năng suất, chất lượng cây trồng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và nâng cao khả năng cạnh tranh, hiệu quả, bảo vệ sức khỏe, quyền lợi của người tiêu dùng, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế. Khẩn trương hoàn thiện và triển khai thực hiện các phương án tổng thể sắp xếp, đổi mới các công ty nông nghiệp, lâm nghiệp để ổn định sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng thành vùng sản xuất lớn. Quan tâm đến việc xây dựng thương hiệu sản phẩm nông sản xứ Thanh; quảng bá sản phẩm để bán trên thị trường phục vụ tiêu dùng và cạnh tranh trên thị trường; xây dựng thiết lập mã vùng trồng nội địa và xuất khẩu, xây dựng thương hiệu, truy xuất nguồn gốc hàng nông sản; đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp. Tổ chức các hoạt động kết nối cung cầu, kết nối giữa vùng sản xuất với hệ thống phân phối; kết nối thị trường trong tỉnh, ngoài tỉnh và quốc tế. Tạo điều kiện tốt hơn nữa để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, để đẩy nhanh việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, nhất là khu vực trung du, miền núi. Tích cực phối hợp với các bộ, ngành Trung ương, các nhà tài trợ tranh thủ sự hỗ trợ, nhằm thu hút vốn đầu tư phát triển nông nghiệp để chuyển dịch cơ cấu cây trồng nông nghiệp, lâm nghiệp.

Hải Đăng



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]