(Baothanhhoa.vn) - Thanh Hóa có đường bờ biển 102km, dọc địa bàn 6 huyện, thị xã, thành phố. Vùng biển, ven biển của tỉnh diễn ra nhiều hoạt động phát triển kinh tế từ khai thác nuôi trồng và đánh bắt thủy, hải sản, giao thông vận tải biển, xây dựng cảng biển đến phát triển du lịch... Do vậy việc kiểm soát ô nhiễm, ứng phó với sự cố tràn dầu, hóa chất trên biển luôn được tỉnh và ngành chức năng quan tâm với nhiều giải pháp đã, đang được thực thi hiệu quả.

Kiểm soát ô nhiễm, ứng phó sự cố tràn dầu, hóa chất trên biển

Thanh Hóa có đường bờ biển 102km, dọc địa bàn 6 huyện, thị xã, thành phố. Vùng biển, ven biển của tỉnh diễn ra nhiều hoạt động phát triển kinh tế từ khai thác nuôi trồng và đánh bắt thủy, hải sản, giao thông vận tải biển, xây dựng cảng biển đến phát triển du lịch... Do vậy việc kiểm soát ô nhiễm, ứng phó với sự cố tràn dầu, hóa chất trên biển luôn được tỉnh và ngành chức năng quan tâm với nhiều giải pháp đã, đang được thực thi hiệu quả.

Kiểm soát ô nhiễm, ứng phó sự cố tràn dầu, hóa chất trên biểnHoạt động bốc dỡ, vận chuyển hàng hóa tại Cảng biển Nghi Sơn.

Đánh giá của ngành chức năng cho thấy, chất lượng môi trường biển của tỉnh những năm qua thường xuyên được kiểm soát, đánh giá thông qua chương trình quan trắc tổng hợp môi trường biển. Hằng năm, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) phối hợp với đơn vị liên quan tiến hành các đợt điều tra, khảo sát, lấy mẫu phân tích đánh giá hiện trạng môi trường và các hoạt động bảo vệ môi trường tại các cửa sông, cảng biển, cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão, cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá, khu nuôi trồng hải sản tập trung, khu du lịch biển và ven biển. Phạm vi khảo sát, lấy mẫu phân tích tại các khu nuôi hải sản tập trung, khu vực cửa sông, cảng biển, cảng cá, bến cá, khu neo đậu tránh trú bão thuộc các huyện Nga Sơn, Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Quảng Xương, thị xã Nghi Sơn và TP Sầm Sơn. Kết quả thực hiện những năm gần đây và mới nhất năm 2023 cho thấy, phần lớn các chỉ tiêu phân tích đều trong giới hạn cho phép (GHCP) theo QCVN 10:2023/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước biển. Tuy nhiên, vẫn có những vị trí có hàm lượng TSS, amoni và Fe vượt quy chuẩn cho phép. Đơn cử như tại các cảng biển, cảng cá, bến cá, khu neo đậu tránh trú bão hàm lượng amoni ở 2/23 vị trí vượt GHCP từ 1,34 lần đến 10,63 lần; hàm lượng Fe tại bến cá Ngư Lộc (Hậu Lộc) vượt GHCP 1,116 lần.

Song, nhìn chung chất lượng môi trường biển, đảo của tỉnh Thanh Hóa vẫn tương đối tốt. Tuy nhiên, với sự phát triển kinh tế - xã hội, dự báo môi trường biển của tỉnh sẽ chịu nhiều sức ép do sự gia tăng các chất thải từ các hoạt động phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch, vận tải biển, nuôi trồng, đánh bắt thủy, hải sản... Vì vậy, nhiệm vụ kiểm soát, quan trắc đánh giá chất lượng môi trường biển và nghiên cứu đề xuất các biện pháp nhằm giảm thiểu các tác động gây ô nhiễm môi trường biển vẫn phải được xác định là một trong nhiệm vụ trọng tâm.

Đối với việc phòng ngừa, ứng phó với sự cố tràn dầu, hóa chất trên biển, theo đại diện Chi cục Biển, Hải đảo, Khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu của Sở TN&MT, từ năm 2013 đến nay, UBND tỉnh đã phê duyệt 625 kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu của các kho, cảng, các cơ sở kinh doanh, vận chuyển xăng dầu có nguy cơ gây sự cố tràn dầu. Trên cơ sở đó, Sở TN&MT phối hợp với Trung tâm Ứng phó sự cố môi trường Việt Nam (SOS), Trung tâm Ứng phó sự cố tràn dầu khu vực miền Bắc tập huấn kỹ năng ứng phó sự cố tràn dầu cho các cơ sở kinh doanh, vận chuyển xăng dầu trên địa bàn tỉnh; phối hợp với Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tổ chức hội nghị phổ biến kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu tỉnh Thanh Hóa đến các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh. Thông qua hoạt động này nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức về công tác ứng phó, tăng cường khả năng phối hợp, hiệp đồng lực lượng giữa các cơ quan, đơn vị trong tổ chức, ứng phó, khắc phục, giải quyết hậu quả khi sự cố tràn dầu xảy ra.

Thực tế cho thấy, sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của kinh tế biển cũng đồng nghĩa với sự gia tăng các chất thải phát sinh ảnh hưởng đến môi trường biển, nhất là trong hoạt động công nghiệp, dịch vụ, du lịch, vận tải biển, nuôi trồng, đánh bắt thủy, hải sản... Đặc biệt, nếu xảy ra sự cố tràn dầu không chỉ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng xấu đến hệ sinh thái biển mà còn tác động tiêu cực đến các hoạt động kinh tế. Vì vậy, chủ động kiểm soát ô nhiễm, ứng phó với sự cố tràn dầu, hóa chất trên biển luôn là nhiệm vụ hết sức quan trọng và đòi hỏi sự vào cuộc tích cực, trách nhiệm từ nhiều phía. Trong đó ngành chức năng, chính quyền các địa phương cần tiếp tục chỉ đạo, kiểm tra, giám sát đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Các doanh nghiệp, nhất là khu vực cảng, khu khai thác cần nâng cao tính an toàn, hiệu quả trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Mỗi người dân cần nâng cao ý thức trong việc xả thải và bảo vệ môi trường nhằm góp phần bảo đảm cho kinh tế - xã hội vùng biển, ven biển của tỉnh phát triển bền vững.

Bài và ảnh: Phong Sắc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]