(Baothanhhoa.vn) - Bằng sức trẻ, ý chí nghị lực, nhiều đoàn viên, thanh niên vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) tỉnh Thanh Hóa đã và đang lựa chọn con đường khởi nghiệp từ khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Họ dám nghĩ, dám làm, dám theo đuổi đam mê, vượt qua khó khăn trở ngại và hiện nay nhiều thanh niên đã bắt đầu “hái quả ngọt” trên vùng đất khó.

Khát vọng khởi nghiệp của thanh niên vùng dân tộc thiểu số và miền núi

Bằng sức trẻ, ý chí nghị lực, nhiều đoàn viên, thanh niên vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) tỉnh Thanh Hóa đã và đang lựa chọn con đường khởi nghiệp từ khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Họ dám nghĩ, dám làm, dám theo đuổi đam mê, vượt qua khó khăn trở ngại và hiện nay nhiều thanh niên đã bắt đầu “hái quả ngọt” trên vùng đất khó.

Khát vọng khởi nghiệp của thanh niên vùng dân tộc thiểu số và miền núiChung kết cuộc thi “Dự án khởi nghiệp trong đoàn viên, thanh niên tỉnh Thanh Hóa” năm 2023.(Ảnh: Tỉnh đoàn Thanh Hóa cung cấp)

Khởi nghiệp trên vùng đất khó

Những ngày tháng 4 khu vườn mắc ca của gia đình anh Đỗ Trọng Học và chị Phạm Thị Thu ở thôn Vân Hòa, xã Cát Vân (Như Xuân) bắt đầu cho ra những quả đầu mùa. Những chùm mắc ca hứa hẹn một năm nhiều “trái ngọt”. Không chỉ có mắc ca, anh Học, chị Thu còn trồng các loại cây ổi, cam, mít Thái, cây chè và nuôi ong lấy mật dưới tán cây. Khu đồi xanh mướt chứng minh cho những nỗ lực không ngừng nghỉ, dám nghĩ, dám làm của những người trẻ như anh Học, chị Thu.

Chị Thu là người con dân tộc Mường quê ở Lang Chánh, theo chồng về Như Xuân sinh sống. Anh Học và chị Thu từng tốt nghiệp chuyên ngành sư phạm, rồi cơ duyên đã đưa hai vợ chồng khởi nghiệp, theo đuổi con đường làm nông nghiệp. Để có được thành quả như hôm nay, gia đình anh chị đã trải qua thời kỳ khó khăn khi mới đưa cây mắc ca lên vùng đồi Như Xuân, rồi dịch bệnh COVID-19 bùng phát. Dù thị trường tiêu thụ khó khăn, nhưng bằng sự nhanh nhạy, sáng tạo, sản phẩm mắc ca vẫn đến với người tiêu dùng.

Năm 2021, dự án “trồng cây mắc ca kết hợp vườn - ao - chuồng gắn với phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường” của đoàn viên Phạm Thị Thu lọt tốp 10 dự án vào vòng chung kết Cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp trong đoàn viên, thanh niên tỉnh Thanh Hóa (nay gọi là Cuộc thi “Dự án khởi nghiệp trong đoàn viên, thanh niên tỉnh Thanh Hóa”). Năm 2022 HTX mắc ca Thành Phát được thành lập với 12 thành viên và hiện nay đã tăng lên 25 thành viên. Sản phẩm của HTX mắc ca Thành Phát đã được công nhận sản phẩm OCOP.

Toàn huyện Như Xuân có khoảng 35ha mắc ca được trồng ở các xã Cát Vân, Cát Tân, Thanh Hòa, Thanh Sơn, Hóa Quỳ... Riêng diện tích trồng cây mắc ca của gia đình chị Phạm Thị Thu là hơn 5ha. Ngoài trồng cây mắc ca cho thu hoạch, hàng năm gia đình chị còn ươm hơn 1.500 cây giống phục vụ cho bà con Nhân dân trong và ngoài huyện. Trừ chi phí, mỗi năm lợi nhuận từ các sản phẩm mắc ca và các sản phẩm nông nghiệp của gia đình chị đạt khoảng 300 triệu đồng. Không chỉ là đoàn viên, thanh niên tiêu biểu trong phát triển kinh tế hộ gia đình, giúp đỡ đoàn viên thanh niên trong xã, tạo việc làm cho lao động địa phương, chị còn là đại biểu HĐND huyện Như Xuân khóa XXI, nhiệm kỳ 2021-2026.

Về huyện miền núi Thạch Thành, chúng tôi biết đến chị Trần Thị Mai, Phó Bí thư Đoàn xã Thành Tân. Đây là cán bộ đoàn năng động, nhiệt tình trong công tác, và là thanh niên khởi nghiệp thành công, xây dựng được thương hiệu “Thịt trâu gác bếp 36 Sinh Mai”. Thịt trâu gác bếp là món ăn yêu thích của đồng bào các DTTS&MN và ngày càng phát triển thành sản phẩm đặc sản, được thị trường đón nhận.

Chị Mai cho biết, được Đoàn thanh niên xã tín chấp, ngân hàng chính sách đã cho chị vay 150 triệu đồng để khởi nghiệp. Năm 2022 sản phẩm “Thịt trâu gác bếp Sinh Mai” đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. Hiện nay, cơ sở sản xuất của gia đình tạo việc làm ổn định cho 9 lao động địa phương với mức lương từ 6 đến 15 triệu đồng/người/tháng.

Trên địa bàn vùng đồng bào DTTS&MN xứ Thanh còn rất nhiều tấm gương đoàn viên thanh niên tiêu biểu, mạnh dạn khởi sự, khởi nghiệp. Tiêu biểu như Nguyễn Lê Ngọc Linh, dân tộc Thổ ở xã Hóa Quỳ (Như Xuân) đã xây dựng thành công mô hình “Vườn rừng bản Thổ” và thành lập HTX Bản Thổ; Dương Ngọc Trường ở xã Thạch Sơn (Thạch Thành) lựa chọn con đường khởi nghiệp từ sản xuất tinh dầu, dược liệu và các sản phẩm thiên nhiên từ vùng nguyên liệu sạch xứ Thanh. Hiện nay, Trường là Tổng Giám đốc Công ty CP Befine; Phạm Thị Thanh Nhàn, dân tộc Thái ở xã Trung Sơn (Quan Hóa) xây dựng và phát triển thương hiệu rượu chuối men lá Mường Páng; Hà Thị Thanh Nhàn, Hà Hồng Nhung ở thị trấn Cành Nàng (Bá Thước) đã cùng gia đình xây dựng thành công thương hiệu trà quýt hoi - sản phẩm từ núi rừng Pù Luông...

Khơi dậy ý tưởng khởi nghiệp trong đoàn viên, thanh niên

Nhằm cổ vũ, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, phát triển kinh tế của thanh niên, thời gian qua Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã chỉ đạo đoàn cơ sở tăng cường công tác phối hợp, tổ chức các diễn đàn đối thoại với thanh niên để giải đáp những băn khoăn, vướng mắc của thanh niên về chính sách khuyến khích, ưu đãi đối với vấn đề thanh niên khởi nghiệp. Đồng thời là cơ hội để thanh niên được các doanh nhân thành đạt, chủ mô hình kinh tế tiêu biểu trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm trong quá trình khởi nghiệp, qua đó tiếp thêm động lực cho thanh niên có mong muốn khởi nghiệp phấn đấu thực hiện.

Khát vọng khởi nghiệp của thanh niên vùng dân tộc thiểu số và miền núiĐoàn viên Phạm Thị Thu ở xã Cát Vân (Như Xuân) thành công từ trồng cây mắc ca. Ảnh: TN

Để khuyến khích những thanh niên có ý tưởng xây dựng các mô hình kinh tế, ươm mầm, thúc đẩy những ý tưởng có tính khả thi, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn phối hợp với các sở, ngành tổ chức cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp trong đoàn viên thanh niên tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2017-2022”. Thông qua cuộc thi đã có nhiều ý tưởng xuất sắc nhận được sự đỡ đầu, tài trợ của doanh nghiệp, và hơn 180 tác giả đã thành lập doanh nghiệp; 31 sản phẩm của thanh niên được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh; doanh nghiệp do thanh niên làm chủ hiện chiếm khoảng 30% trong số 3.000 doanh nghiệp trong tỉnh thành lập mới mỗi năm. Từ thành công của cuộc thi, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ lựa chọn 4 ý tưởng tham gia Cuộc thi Techfest khu vực Bắc Trung bộ do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức, có 1 ý tưởng đoạt giải triển vọng; đồng thời lựa chọn các ý tưởng khả thi tham gia các cuộc thi khởi nghiệp do Trung ương Đoàn tổ chức.

Năm 2023 Ban Thường vụ Tỉnh đoàn tổ chức cuộc thi “Dự án khởi nghiệp trong đoàn viên, thanh niên tỉnh Thanh Hóa”. Trong số 10 dự án xuất sắc nhất được tham gia vòng chung kết, ở các huyện miền núi có nhóm tác giả Trịnh Thị Hải Yến, Cao Thùy Dương ở xã Bát Mọt (Thường Xuân) với dự án "Ứng dụng kinh tế tuần hoàn để xây dựng hệ sinh thái ong rừng vui vẻ tại thung lũng ong Karubee”; tác giả Trần Thị Mai ở huyện Thạch Thành với ý tưởng “Thịt trâu gác bếp 36 Sinh Mai”... Thông qua các cuộc thi đã thúc đẩy, cổ vũ tinh thần khởi nghiệp, khát vọng làm giàu chính đáng của đoàn viên, thanh niên trên địa bàn tỉnh, góp phần hình thành đội ngũ doanh nhân trẻ trong tương lai.

Ngọc Huấn



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]