(Baothanhhoa.vn) - Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 25/10/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Xây dựng và phát triển TP Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” xác định: “TP Thanh Hóa đóng vai trò là trung tâm kinh tế, văn hóa, một “đầu tàu” đưa tỉnh Thanh Hóa thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị”. Để thực hiện “sứ mệnh” quan trọng này, với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, TP Thanh Hóa đã ghi nhiều dấu ấn nổi bật và toàn diện trên các lĩnh vực, đóng góp lớn vào việc thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh.

Khẳng định vị thế đô thị tỉnh lỵ xứ Thanh (Bài 2): “Đầu tàu” kết nối, trung tâm động lực phát triển của tỉnh

Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 25/10/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Xây dựng và phát triển TP Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” xác định: “TP Thanh Hóa đóng vai trò là trung tâm kinh tế, văn hóa, một “đầu tàu” đưa tỉnh Thanh Hóa thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị”. Để thực hiện “sứ mệnh” quan trọng này, với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, TP Thanh Hóa đã ghi nhiều dấu ấn nổi bật và toàn diện trên các lĩnh vực, đóng góp lớn vào việc thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh.

Khẳng định vị thế đô thị tỉnh lỵ xứ Thanh (Bài 2): “Đầu tàu” kết nối, trung tâm động lực phát triển của tỉnhNgười dân mua sắm tại Siêu thị GO!Thanh Hóa.

Dấu ấn nền kinh tế

Với mạch nguồn giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống được kết tinh qua thời gian và lưu giữ đến hôm nay, TP Thanh Hóa đang có trong mình “trụ đỡ” tinh thần quan trọng, nguồn lực nội sinh để phát triển mạnh mẽ. Xác định, thành phố phát triển đi lên không chỉ cho riêng mình, mà còn có trách nhiệm với cả xứ Thanh. Bởi vậy, khát vọng xây dựng TP Thanh Hóa ngày càng phát triển thịnh vượng được thể hiện ngay trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2020-2025 với lộ trình rất rõ ràng: “Đến năm 2025, TP Thanh Hóa nằm trong nhóm đô thị loại I trực thuộc tỉnh hàng đầu cả nước; đến năm 2030 cơ bản trở thành đô thị thông minh, văn minh, hiện đại”. Mục tiêu lớn cho chặng đường 10 năm, nhưng đó cũng là hướng đi tất yếu của sự phát triển mà TP Thanh Hóa phải vươn tới sau khi nhập huyện Đông Sơn vào TP Thanh Hóa.

Để hiện thực hóa mục tiêu lớn này, TP Thanh Hóa đã phát triển toàn diện các lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh. Đặc biệt, sau “cú sốc” đại dịch COVID-19, thành phố đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp, vì vậy nền kinh tế đã phục hồi và phát triển nhanh chóng. Minh chứng rõ nét nhất là năm 2024, kinh tế thành phố tiếp tục tăng trưởng, nhiều chỉ tiêu tăng cao so với cùng kỳ. Nổi bật là tổng giá trị sản xuất đạt 81.220 tỷ đồng, với con số này thành phố đứng thứ 2 cả tỉnh (sau thị xã Nghi Sơn) và chiếm tỷ trọng 18,4% giá trị sản xuất của toàn tỉnh (tăng 0,4% so với năm 2020). Tốc độ tăng giá trị sản xuất đạt 10,25%, xếp thứ 4 toàn tỉnh (tăng 2 bậc so với năm 2020). Trong bức tranh chung, ngành công nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò nền tảng của nền kinh tế. Mặc dù những khó khăn đặt ra cho ngành công nghiệp là không nhỏ, song công nghiệp - xây dựng vẫn đạt 53.101 tỷ đồng, tăng 10,44% so với cùng kỳ. Lĩnh vực sản xuất nông nghiệp có nhiều khởi sắc và đạt kết quả khá toàn diện. Bên cạnh duy trì diện tích gieo trồng hơn 5.200ha, thành phố đã tích tụ, tập trung được 140ha đất nông nghiệp để sản xuất quy mô lớn, vượt 75% so với kế hoạch tỉnh giao.

Sự sôi động của hoạt động du lịch gắn liền với các lễ hội, các sự kiện văn hóa do tỉnh và thành phố tổ chức như “Tuần văn hóa TP Thanh Hóa - TP Hội An”, chương trình “Điểm hẹn cuối tuần”, khai trương phố đi bộ Phan Chu Trinh và không gian văn hóa Quảng trường Lam Sơn... Nhờ đó, năm 2024 thành phố đã đón được 2,56 triệu lượt khách, tổng doanh thu từ du lịch đạt 4.800 tỷ đồng. Đặc biệt, với việc mở rộng thị trường của các doanh nghiệp, nhiều sản phẩm xuất khẩu chủ lực của thành phố duy trì mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ, như: Quần áo may sẵn tăng 10,9%, giày da các loại tăng 10,7%, tôm đông lạnh tăng 9,7%, mực đông lạnh tăng 9,2%... Đây chính là yếu tố quan trọng góp phần đưa tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa năm 2024 của TP Thanh Hóa đạt con số ấn tượng là 1.825 triệu USD, tăng 25,5% so với cùng kỳ, chiếm 27,5% giá trị xuất khẩu của tỉnh.

Trong năm, thành phố rất phấn khởi khi thu ngân sách Nhà nước đạt 4.158,8 tỷ đồng, đạt 141% dự toán tỉnh và đạt 118% dự toán thành phố giao. Huy động vốn đầu tư phát triển đạt 27.973 tỷ đồng, tăng 6,7% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 20,08% vốn đầu tư cả tỉnh. Doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân phát triển nhanh cả về số lượng, quy mô, cơ cấu ngành nghề hoạt động, đóng góp tích cực vào sự phát triển của thành phố. Thu nhập bình quân đầu người năm 2024 đạt 91,17 triệu đồng, tăng 21,17 triệu đồng so với năm 2020. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,03%, vượt chỉ tiêu tỉnh và thành phố giao. Những con số “biết nói” trên là minh chứng về một thành phố rất khác trong định hướng, tư duy và tầm nhìn phát triển, đồng thời khẳng định được vai trò “đầu tàu” trong phát triển kinh tế - xã hội của xứ Thanh.

Ưu thế vượt trội

Dịch vụ - thương mại từ lâu đã được khẳng định là ưu thế vượt trội trong cơ cấu kinh tế của TP Thanh Hóa. Những năm trở lại đây, các loại hình dịch vụ - thương mại phát triển nhanh chóng; mạng lưới bán lẻ truyền thống và hiện đại tiếp tục “phủ sóng” khắp các phường, xã. Chuỗi các nhà hàng, khách sạn, trung tâm tổ chức sự kiện quy mô lớn, hiện đại lần lượt ra đời. Đặc biệt là sự xuất hiện của những nhà đầu tư tên tuổi với hệ thống các siêu thị lớn như GO!Thanh Hóa, Co.opmart, Vinmart+, Điện máy xanh, HC Thanh Hóa... đã tạo nên hoạt động thương mại nhộn nhịp và sôi động, đồng thời cũng tạo ra bước đột phá, phù hợp với xu hướng mua sắm hiện đại của người dân phố thị.

TP Thanh Hóa có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển các ngành dịch vụ có giá trị tăng cao như dịch vụ du lịch - thương mại, bưu chính - viễn thông - công nghệ thông tin, giáo dục - đào tạo và dạy nghề, y tế, tài chính - ngân hàng, kinh doanh bất động sản... Để đưa hoạt động dịch vụ - thương mại trở thành một trong những trụ cột chính của nền kinh tế, Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2020-2025 đã lựa chọn “Phát triển các ngành dịch vụ, trọng tâm là dịch vụ du lịch và các loại hình dịch vụ có giá trị tăng cao” là 1 trong 3 chương trình trọng tâm để thực hiện. Trong 4 năm qua, thành phố đã rà soát, cập nhật, bổ sung các quy hoạch bảo đảm thống nhất, đồng bộ và kết nối, làm cơ sở để kêu gọi, thu hút đầu tư các trung tâm thương mại lớn. Trong đó, điểm nhấn là việc đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng và bàn giao đất cho Công ty TNHH AEONMALL Việt Nam khởi công dự án trung tâm dịch vụ thương mại hỗn hợp với quy mô 10,5ha, tổng vốn đầu tư 4.157 tỷ đồng trên địa bàn phường Quảng Thành. Dự án dự kiến đưa vào vận hành trong quý II/2026 hứa hẹn sẽ đóng góp tích cực vào việc nâng cao chất lượng cung ứng hàng hóa và dịch vụ cho người dân thành phố cũng như của cả tỉnh, đồng thời có tác động lan tỏa, thúc đẩy các ngành nghề liên quan trong chuỗi cung ứng phát triển mạnh mẽ.

Ngoài dự án nổi bật trung tâm dịch vụ thương mại hỗn hợp, thành phố đã hoàn thành đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật và các hạng mục trang trí không gian phố đi bộ Phan Chu Trinh với tổng mức đầu tư 27,3 tỷ đồng. Hệ thống 37 chợ trên địa bàn thành phố được duy trì và hoạt động ổn định, trong đó Chợ Đầu mối rau quả thực phẩm Đông Hương đóng góp lớn vào việc cung ứng hàng hóa và dịch vụ cho người dân thành phố cũng như của cả tỉnh. Cùng với hàng loạt siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi được hình thành đã đưa tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu các ngành dịch vụ của thành phố đạt 49.117 tỷ đồng, xếp thứ nhất cả tỉnh. Những kết quả đó là nền tảng quan trọng đưa TP Thanh Hóa tiến những bước dài vững chắc để sớm trở thành trung tâm lớn về dịch vụ - thương mại của khu vực Nam đồng bằng Bắc bộ, Bắc Trung bộ vào năm 2030 như mục tiêu Nghị quyết số 05-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Xây dựng và phát triển TP Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã đề ra.

Đột phá hạ tầng đô thị

Nhiều người dân xứ Thanh trở về sau thời gian dài xa quê thực sự ngỡ ngàng trước vóc dáng mới của thành phố bên bờ sông Mã. Vẫn là Công viên Thanh Quảng, Công viên Hội An, Quảng trường Lam Sơn, hồ Đồng Chiệc... đấy, nhưng mọi thứ xung quanh thì đã khác quá nhiều. Các khu dân cư lụp xụp với hạ tầng thấp kém, các vùng ven đô đã trở thành khu dân cư mới đồng bộ, hiện đại, tạo điểm nhấn về kiến trúc đô thị cho thành phố. Tọa lạc tại vị trí đắc địa, Khu đô thị - thương mại Vincom Plaza Thanh Hóa là một trong những trung tâm thương mại sầm uất, đẳng cấp nhất xứ Thanh. Vinhomes Star City Thanh Hóa là một trong những dự án hiếm hoi hội tụ cả 3 yếu tố “cận lộ - cận giang - cận thị”, trở thành nơi ở lý tưởng cho nhiều cư dân đô thị. Khu đô thị Đông Hải kề bên Đại lộ Nam sông Mã lần lượt hiện hữu với lối kiến trúc hiện đại cùng không gian sống xanh, thân thiện với môi trường. Khu đô thị Nam TP Thanh Hóa chỉ sau vài năm đã trở thành một vùng dân cư mới trù phú, phát triển, làm nên giá trị của một khu đô thị mới. Công viên Bố Vệ được đưa vào sử dụng đã tạo nên điểm nhấn quan trọng về diện mạo đô thị khu vực phía Nam TP Thanh Hóa.

Bước sang giai đoạn phát triển mới, TP Thanh Hóa có nhiều cơ hội để phát triển nhanh về mọi mặt và trong tương lai, TP Thanh Hóa sẽ trở thành một thành phố “đáng sống” khi nhiều dự án “tầm cỡ” đang tiếp tục được quy hoạch và đầu tư. Trong đó, Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 khu đô thị mới tại 2 xã Hoằng Quang và Hoằng Long và Quy hoạch 1/500 khu dân cư, tái định cư số 2 xã Hoằng Đại với diện tích 40,95ha, tổng chi phí hơn 918 tỷ đồng kỳ vọng sẽ đáp ứng yêu cầu của cư dân TP Thanh Hóa và huyện Hoằng Hóa về một không gian sống đẳng cấp, thoát khỏi sự chật chội của đô thị. Cùng với hàng loạt các mặt bằng quy hoạch ở nhiều địa điểm khác đồng thời được thực hiện sẽ mang đến sự phát triển hài hòa, cân đối cho thành phố.

Sự đổi thay “vóc dáng” TP Thanh Hóa hôm nay còn hiện hữu bởi những công trình giao thông có tính kết nối cao giữa các dải đô thị, khu vực nông thôn và 6 trung tâm của TP Thanh Hóa với các vùng kinh tế trọng điểm trong, ngoài tỉnh như Đại lộ Nguyễn Hoàng, Đại lộ Hùng Vương, Đại lộ Nam sông Mã, Đại lộ Võ Nguyên Giáp, đường tránh phía Tây, tuyến đường Đông Tây, tuyến đường nối TP Thanh Hóa với Cảng Hàng không Thọ Xuân... Ngoài ra, nhiều dự án lớn theo Nghị quyết số 05-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Nghị quyết 303/NQ-HĐND của HĐND tỉnh như Dự án Cung văn hóa thiếu nhi và Trung tâm thể dục, thể thao thành phố; Dự án Cải tạo, nâng cấp Công viên Hội An; Dự án Cầu vượt đường sắt Bắc - Nam; Dự án cải tạo, mở rộng Đại lộ Lê Lợi... đã và đang triển khai sẽ tạo được “sức hút” của thành phố đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Ngoài ngân sách Nhà nước, thành phố đã huy động tối đa các nguồn lực trong Nhân dân để phát triển. Sau hơn 2 năm thực hiện Đề án “Huy động nguồn lực xã hội hóa để đầu tư, nâng cấp đường giao thông, rãnh thoát nước, vỉa hè trên địa bàn TP Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025”, nhiều dự án hạ tầng đã được hình thành, bảo đảm sự phát triển hài hòa, cân đối giữa các phường nội thành, ngoại thành và tạo sự khớp nối giữa hạ tầng giao thông trong khu dân cư với hạ tầng của các khu đô thị mới.

Để thể hiện rõ vai trò “đầu tàu” kết nối, trung tâm động lực phát triển mọi lĩnh vực của tỉnh, thành phố tiếp tục triển khai hiệu quả Quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2040, đồng thời đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ để khởi công, thi công các dự án trọng điểm như dự án xây dựng TP Thanh Hóa trở thành đô thị thông minh, Dự án Đại lộ Nam sông Mã giai đoạn 2, Dự án mở rộng Đại lộ Đông Tây đoạn từ cầu Cao đến phường Rừng Thông... Hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để thành lập Cụm Công nghiệp phía Bắc thành phố, Khu Công nghiệp - đô thị phía Tây thành phố để thu hút đầu tư các dự án công nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao.

Nhìn rõ thời cơ và vận hội mới sau khi nhập huyện Đông Sơn vào TP Thanh Hóa, với niềm tin và kỳ vọng từ thế và lực mới của đô thị loại I có bề dày truyền thống văn hóa, cách mạng, TP Thanh Hóa sẽ vượt mọi thách thức, tiếp tục vững bước đi lên để bước nhanh, bước mạnh sang một chương mới, góp phần cùng Nhân dân các dân tộc trong tỉnh xây dựng Thanh Hóa trở thành tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại; tỉnh phát triển toàn diện và kiểu mẫu của cả nước.

Bài và ảnh: Tố Phương

Bài cuối: Đô thị thông minh - động lực cho phát triển bền vững

Tin liên quan:
  • Khẳng định vị thế đô thị tỉnh lỵ xứ Thanh (Bài 2): “Đầu tàu” kết nối, trung tâm động lực phát triển của tỉnh
    Khẳng định vị thế đô thị tỉnh lỵ xứ Thanh (Bài 1): Vùng đất giàu truyền thống ...

    Nói về vị trí đắc địa và vẻ đẹp trữ tình của vùng đất Hạc Thành xưa, TP Thanh Hóa nay, người xưa có câu: “Thanh Hoa thắng địa là nơi/ Rồng vờn hạt ngọc, Hạc bơi chân Thành”. Để rồi, trải qua hàng nghìn năm với vô vàn biến thiên, vùng đất cổ trên lưng chim Hạc vẫn là cội nguồn phát tích của những truyền thống, những vẻ đẹp đắm say lòng người.



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]