(Baothanhhoa.vn) - Trước khi bước vào cuộc sống hôn nhân, việc kiểm tra, đánh giá tổng quát sức khỏe của bản thân là điều cần thiết để phòng ngừa, phát hiện và điều trị sớm những căn bệnh nguy hiểm, góp phần cải thiện giống nòi, nâng cao chất lượng dân số.

Khám sức khỏe tiền hôn nhân để nâng cao chất lượng dân số

Trước khi bước vào cuộc sống hôn nhân, việc kiểm tra, đánh giá tổng quát sức khỏe của bản thân là điều cần thiết để phòng ngừa, phát hiện và điều trị sớm những căn bệnh nguy hiểm, góp phần cải thiện giống nòi, nâng cao chất lượng dân số.

Khám sức khỏe tiền hôn nhân để nâng cao chất lượng dân sốMột buổi nói chuyện chuyên đề chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên cho học sinh khối 9 Trường THCS xã Xuân Trường (Thọ Xuân).

Sau hơn 3 năm yêu nhau, chị N.T.M., 26 tuổi, ở xã Xuân Trường (Thọ Xuân) dự định kết hôn. Sau nhiều lần được người quen tư vấn, hướng dẫn nên đi khám sức khỏe tiền hôn nhân, chị M., đã thuyết phục người yêu đến bệnh viện kiểm tra sức khỏe. Tại bệnh viện, sau thăm khám và thực hiện các xét nghiệm, chị M., phát hiện bị u nang buồng trứng. Điều này có thể ảnh hưởng khả năng có thai tự nhiên, nhưng do phát hiện sớm nên chị M. đã được điều trị kịp thời. Hiện chị và người yêu đã kết hôn, đang chuẩn bị đón đứa con đầu lòng.

Chỉ còn hơn 2 tháng nữa, chị L.Th.Ng. và anh Ng.V.H., ở xã Tam Văn (Lang Chánh) sẽ tổ chức đám cưới. Thời điểm này, anh chị khá bận rộn để chuẩn bị cho công việc hệ trọng của cả cuộc đời.

Chị Ng., chia sẻ: “Trước khi tổ chức đám cưới, chúng tôi đã sắp xếp đi khám sức khỏe tổng quát cũng như đến gặp bác sĩ để tư vấn về sức khỏe sinh sản. Với tôi, đây là một việc rất quan trọng, nó sẽ quyết định rất nhiều đến hạnh phúc gia đình. Kết quả khám sức khỏe giúp vợ chồng tôi yên tâm và tự tin bước vào cuộc sống gia đình sau này”.

Bác sĩ chuyên khoa Bệnh viện Phụ sản Thanh Hóa cho biết, bệnh viện thường tiếp nhận nhiều trường hợp mắc u nang buồng trứng. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng may mắn như chị M., nhiều cặp đôi đến khám sau khi kết hôn nhiều năm mà không có con. Khi tuổi càng lớn, việc điều trị cho các bệnh lý liên quan chức năng sinh sản càng khó khăn.

Theo bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thị Thắm, Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Thanh Hóa, khám sức khỏe tiền hôn nhân đối với phụ nữ, thường gặp các bệnh lý liên quan buồng trứng như suy buồng trứng, u nang buồng trứng, viêm tắc vòi trứng...; còn đối với nam, thường gặp tình trạng tinh trùng yếu. Đáng chú ý, tỷ lệ này ngày càng nhiều. Vì thế, việc khám sức khỏe tiền hôn nhân giúp các cặp đôi trước khi kết hôn có thể bảo vệ sức khỏe, tầm soát, phòng ngừa, phát hiện sớm các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục; viêm gan B, C; giang mai; bệnh di truyền; tinh trùng yếu, nang buồng trứng... để điều trị kịp thời, bảo đảm sau khi kết hôn thì quá trình mang thai an toàn để sinh ra những đứa con khỏe mạnh.

Có thể khẳng định, hoạt động tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân không chỉ mang lại lợi ích cho các cặp vợ chồng trong cuộc sống hôn nhân mà còn có ý nghĩa quan trọng đối với việc nâng cao chất lượng dân số. Tại Thanh Hóa, hoạt động này được lồng ghép trong Đề án “Mở rộng tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh”.

Bà Trần Thị Lâm, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Thọ Xuân cho biết, năm 2022, đề án được triển khai tại 17 xã, thị trấn trên địa bàn huyện, đã tổ chức 20 cuộc tư vấn cung cấp kiến thức về sức khỏe sinh sản trước hôn nhân, các biện pháp phòng tránh thai an toàn, phòng, chữa bệnh phụ khoa, phòng chống điều trị vô sinh, làm mẹ an toàn, trách nhiệm làm cha mẹ, nuôi con khỏe, dạy con ngoan... cho 1.000 người là nam, nữ thanh niên chuẩn bị kết hôn và mới kết hôn tham dự. Cùng với đó là tổ chức khám, kiểm tra sức khỏe, tư vấn các nguy cơ sinh con khuyết tật dị tật cho 440 ca là nam, nữ chuẩn bị kết hôn (Hỗ trợ xét nghiệm viên gan B)... Qua đó đã giúp các cặp vợ chồng chuẩn bị kết hôn phát hiện bệnh lý liên quan đến vấn đề sinh sản.

Tại huyện Lang Chánh, đề án được triển khai tại 5 xã Lâm Phú, Tam Văn, Trí Nang, Giao Thiện, Đồng Lương. Tại các xã đã tổ chức 5 buổi sinh hoạt Câu lạc bộ sức khỏe tiền hôn nhân, với 250 lượt người tham dự; tổ chức 5 buổi tư vấn khám sức khỏe tiền hôn nhân, thực hiện 110 ca xét nghiệm viên gan B trong đó phát hiện 17 ca dương tính.

Tiền hôn nhân là thời điểm từ lúc một người bắt đầu có khả năng sinh sản đến trước khi kết hôn. Trong giai đoạn này, các cặp đôi chưa có kinh nghiệm sâu về đời sống vợ chồng cũng như chưa có kiến thức về sức khỏe sinh sản. Vì vậy, việc khám sức khỏe tiền hôn nhân có nhiều lợi ích cho các cặp vợ chồng, trước hết nó sẽ giúp hạn chế được tỷ lệ mắc các dị tật bẩm sinh do di truyền từ cha mẹ, điển hình là bệnh tan máu bẩm sinh. Bên cạnh đó, việc khám sức khỏe tiền hôn nhân sẽ phát hiện và điều trị các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục (nếu có); giúp các bác sĩ có thể đánh giá được khả năng sinh sản và hỗ trợ điều trị các bệnh liên quan đến sinh sản một cách kịp thời. Tuy nhiên hiện nay việc thực hiện các quy định kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân chủ yếu do vận động là chính, chưa có quy định bắt buộc trước khi kết hôn phải kiểm tra sức khỏe nên một bộ phận người dân chưa thấy tầm quan trọng của vấn đề này, thường bỏ qua hoặc không quan tâm vì vậy số người tự tìm đến các cơ sở y tế để khám sức khỏe trước hôn nhân còn rất ít.

Việc khám sức khỏe tiền hôn nhân là thực hiện những xét nghiệm để phát hiện ra những dấu hiệu bất lợi về sức khỏe để tư vấn và điều trị kịp thời. Việc khám sức khỏe tiền hôn nhân không chỉ giảm nỗi lo bệnh tật mà còn tạo ra tâm lý thoải mái cho cuộc sống vợ chồng sau đám cưới và biết rõ sức khỏe của mình để có kế hoạch sinh con hợp lý. Theo các chuyên gia y tế các cặp đôi nên có kế hoạch khám trước khi cưới khoảng 3 - 6 tháng. Đặc biệt đối với những người dự định sinh con ngay sau khi kết hôn thì việc khám sức khỏe tiền hôn nhân là rất quan trọng để bảo đảm sức khỏe cho con sau này.

Bài và ảnh: Tô Hà



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]