Khắc phục tồn đọng trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để lấy lại niềm tin của người dân
Trước tình trạng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) tồn đọng nhiều gây bức xúc trong Nhân dân, ngày 30/5/2022 Thường trực HĐND tỉnh đã tổ chức phiên giải trình về tình hình cấp GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất trên địa bàn tỉnh. Sau khi chỉ rõ những hạn chế, yếu kém, Thường trực HĐND tỉnh ban hành Kết luận số 251/KL-HĐND ngày 2/6/2022 yêu cầu UBND tỉnh, các ban, sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan khẩn trương khắc phục để lấy lại niềm tin từ phía người dân.
Đồng chí Đinh Ngọc Thuý, Phó trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh trình bày báo cáo tại kỳ họp.
Vào cuộc đồng bộ, trách nhiệm
Theo báo cáo kết quả giám sát do Phó Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Đinh Ngọc Thúy trình bày tại kỳ họp thứ 24, HĐND tỉnh Khóa XVIII, việc thực hiện Kết luận số 251/KL-HĐND của Thường trực HĐND tỉnh về tình hình cấp GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất trên địa bàn tỉnh luôn nhận được sự quan tâm vào cuộc đồng bộ và trách nhiệm của các cấp, các ngành.
Để Kết luận số 251/KL-HĐND mang lại hiệu quả cao nhất, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch và giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, UBND cấp huyện theo hướng “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian giải quyết”.
Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh giám sát thực hiện Kết luận số 251/KL-HĐND tại Sở Tài nguyên và Môi trường (Ảnh Quốc Hương).
Ngoài tham mưu cho UBND tỉnh giải quyết dứt điểm nhiều trường hợp khó khăn, phức tạp tại xã Thiệu Giang (Thiệu Hóa), xã Hoạt Giang (Hà Trung), thôn Yên Bái, xã Tế Lợi (Nông Cống)..., lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), Văn phòng Đăng ký đất đai Thanh Hóa đã làm việc trực tiếp với UBND 16 huyện, thị xã, thành phố về công tác rà soát, thống kê, phân loại hồ sơ đăng ký đất đai tại địa phương; thường xuyên hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện đối với UBND các huyện, thị, thành phố và các Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai.
27/27 huyện, thị xã, thành phố đã thành lập Ban chỉ đạo hoặc Tổ công tác để chỉ đạo công tác cấp GCNQSDĐ; đồng thời xây dựng kế hoạch để giải quyết số hồ sơ tồn đọng. Duy trì giao ban với công chức địa chính cấp xã định kỳ hằng quý và 6 tháng để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện việc cấp giấy chứng nhận lần đầu cho hộ gia đình, cá nhân.
Bước chuyển trong giải quyết hồ sơ tồn đọng
Qua rà soát, thống kê, phân loại, hồ sơ tồn đọng về đăng ký biến động, cấp đổi, cấp lại GCNQSDĐ thuộc thẩm quyền giải quyết của Văn phòng Đăng ký đất đai Thanh Hóa là 11.159 hồ sơ. Đối với cấp huyện, năm 2022 là 67.773 trường hợp; năm 2023 là 75.068 trường hợp; năm 2024 là 55.623 trường hợp.
Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh giám sát thực hiện Kết luận số 251/KL-HĐND tại huyện Yên Định (Ảnh Quốc Hương).
Để giải quyết số hồ sơ tồn đọng rất lớn này, Sở TN&MT đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh, UBND cấp huyện xây dựng kế hoạch giải quyết. Đến nay, có 17 huyện, thị xã, thành phố đã xây dựng kế hoạch giải quyết các trường hợp tồn đọng đúng thời gian yêu cầu.
Hướng đến sự minh bạch và tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân, công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) được chú trọng thực hiện bằng nhiều hình thức như: Niêm yết đầy đủ bộ TTHC về đăng ký, cấp giấy chứng nhận; lắp camera giám sát và công khai số điện thoại đường dây nóng tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả; công khai, minh bạch các thành phần hồ sơ, đơn giản hóa quy trình giải quyết; kịp thời xứ lý các phản ánh, thắc mắc của người dân; tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm cán bộ, công chức, viên chức có biểu hiện gây phiền hà, sách nhiễu khi giải quyết TTHC. Hiện nay, 100% hồ sơ tiếp nhận và giải quyết được theo dõi trạng thái xử lý trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh. Tại Sở TN&MT có 5 TTHC lĩnh vực đất đai thuộc thẩm quyền giải quyết được cắt giảm thời từ 20 - 40% so với quy định.
Tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính về đất đai tại bộ phận “một cửa” huyện Nông Cống.
Những năm trước đây, câu chuyện “bôi trơn” hay “lót tay” khi giải quyết TTHC lĩnh vực đất đai đã trở thành “thông lệ”. Để xử lý nghiêm tình trạng này, Sở TN&MT đã thành lập Tổ kiểm tra, giám sát và hỗ trợ hoạt động đăng ký, cấp GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của Văn phòng Đăng ký đất đai Thanh Hóa và thực hiện kiểm tra tại 7 Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai cấp huyện. UBND các huyện, thị xã, thành phố cũng thực hiện nghiêm túc công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý, giải quyết đơn thư của công dân. Cùng với tiếp công dân theo quy định, lãnh đạo các huyện tăng cường đối thoại trực tiếp với công dân nhằm giải quyết các kiến nghị, phản ánh kịp thời, hiệu quả.
Với sự vào cuộc đồng bộ và trách nhiệm, từ 1/6/2022 đến 30/6/2024, toàn tỉnh tiếp nhận 488.784 hồ sơ về cấp giấy chứng nhận cho hộ gia đình và cá nhân. Kết quả, đã giải quyết 435.587 hồ sơ đạt (đạt 89,1%), trong đó quá hạn 4.667 hồ sơ (chiếm 1,07% so với tổng số hồ sơ đã giải quyết).Tình trạng hồ sơ quá hạn tuy chưa được khắc phục một cách triệt để bởi nhiều lý do, song từ con số hơn 2,4% giai đoạn 2019 – 2021 giảm còn 1,07% giai đoạn 2022 - 2024 cho thấy sự nỗ lực không ngừng của Văn phòng đăng ký đất đai từ tỉnh đến cơ sở cũng như UBND các cấp. Qua đó cho thấy, niềm tin của người dân cũng đang dần được tạo dựng.
Nêu cao hơn nữa trách nhiệm thực thi công vụ
Phấn khởi trước những con số ấn tượng về sự thay đổi, song thẳng thắn nhìn nhận, việc cấp GCNQSDĐ vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc bởi sự mâu thuẫn, chồng chéo, không thống nhất, không đồng bộ giữa pháp luật về đất đai và các pháp luật khác có liên quan, như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng, Luật Nhà ở... Việc rà soát, phân loại tồn đọng về cấp GCNQSDĐ còn thủ công, việc nắm bắt, cập nhật thông tin không kịp thời, dẫn đến số liệu thường xuyên thay đổi. Cơ sở dữ liệu địa chính chưa hoàn thiện, đồng bộ; hồ sơ bản đồ địa chính không đầy đủ, không đúng thực tế. Công tác quản lý đất đai trước đây qua các thời kỳ chưa chặt chẽ; việc quản lý, lưu trữ hồ sơ địa chính, hồ sơ cấp giấy chứng nhận chưa được quan tâm, vì vậy nhiều hồ sơ bị hư hỏng, thất lạc...
Hoạt động xử lý hồ sơ cho các tổ chức, cá nhân tại Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Thanh Hóa.
Ngoài nguyên nhân khách quan nêu trên cũng phải nhấn mạnh đến nguyên nhân mang tính chủ quan là đó là:Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện của cơ quan chuyên môn là Sở TN&MT; Văn phòng đăng ký đất đai, UBND cấp huyện, cấp xã chưa thực sự quyết liệt. Việc lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành của chính quyền cấp huyện, cấp xã có lúc, có nơi thiếu chặt chẽ. Một số UBND cấp huyện chậm xây dựng kế hoạch giải quyết tồn đọng hoặc xây dựng kế hoạch không trên cơ sở kết quả rà soát, thống kê, phân loại, nội dung kế hoạch còn sơ sài, chưa rõ lộ trình, chưa giao nhiệm vụ cụ thể và thiếu khả thi. Công tác rà soát, thống kê, phân loại số liệu cụ thể đến từng thửa đất còn chậm, chưa chính xác.
Kết quả việc cấp giấy lần đầu cho các trường hợp tồn đọng còn rất chậm, chưa đáp ứng yêu cầu, nhiều nội dung đạt rất thấp. Vẫn còn trường hợp yêu cầu người dân cung cấp thêm các thành phần hồ sơ ngoài quy định. Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về đất đai thuộc thẩm quyền của địa phương còn chậm, tình trạng công dân gửi đơn khiếu nại vượt cấp diễn ra nhiều. Một số công chức, viên chức còn có thái độ hách dịch, sách nhiễu, gây dư luận không tốt trong Nhân dân; có biểu hiện né tránh, đùn đẩy trách nhiệm khi giải quyết TTHC về đất đai còn. Công tác thẩm tra hồ sơ cấp giấy chứng nhận còn sai sót, trả lại hồ sơ quá một lần, thời gian giải quyết hồ sơ kéo dài. Cá biệt có một số cán bộ, công chức, viên chức vi phạm pháp luật phải xử lý hình sự.
Chậm cấp GCNQSDĐ không phải là vấn đề mới nhưng luôn là vấn đề “nóng”, thường xuyên nhận được sự quan tâm của đông đảo Nhân dân. Sau 2 năm thực hiện Kết luận số 251/KL-HĐND của Thường trực HĐND tỉnh đã tạo được bước chuyển rõ nét trong giải quyết hồ sơ tồn đọng. Để hình thành vững chắc tư duy phục vụ trong đội ngũ cán bộ, viên chức, từng cấp, từng ngành và từng cá nhân cần nêu cao hơn nữa tinh thần, trách nhiệm trong thực thi công vụ nhằm tạo dựng niềm tin từ người dân và doanh nghiệp.
Tố Phương
{name} - {time}
-
2024-12-12 16:21:00
Thống nhất phương án cưỡng chế đối với Công ty TNHH Tây Đô
-
2024-12-12 15:31:00
Những kết quả nổi bật của tỉnh Thanh Hóa năm 2024
-
2024-12-12 12:09:00
Công tác thi đua, khen thưởng đã phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị của tỉnh
Thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế: Còn nhiều việc phải làm
Bảo đảm việc giải quyết các kiến nghị của cử tri được trả lời kịp thời, thực chất, hiệu quả, đồng bộ thống nhất từ tỉnh đến cơ sở
Nhiều kiến nghị trên lĩnh vực quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng, đô thị được giải quyết
Cử tri, Nhân dân đánh giá cao sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự vào cuộc có hiệu quả của MTTQ và hệ thống chính trị
Kiến nghị của cử tri về lĩnh vực đất đai, bồi thường GPMB được giải quyết rõ căn cứ và có lộ trình
Tập trung trí tuệ, thảo luận nhiều ý kiến tâm huyết, chất lượng, chất vấn đúng, trúng và sát các vấn đề cử tri và Nhân dân quan tâm, đóng góp vào thành công chung của kỳ họp (*)
Khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ 24, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII
Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm năm 2024 của tỉnh Thanh Hóa đứng thứ 2 cả nước
Hôm nay có gì? - Sự kiện nổi bật ngày 12/12/2024