(Baothanhhoa.vn) - Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện mô hình “kết nghĩa bản - bản” trên tuyến biên giới Thanh Hóa - Hủa Phăn đã khẳng định tính đúng đắn trong công tác đối ngoại Nhân dân, để lại dấu ấn đặc biệt về tình đoàn kết, hữu nghị truyền thống Việt - Lào gắn bó keo sơn nơi phên dậu Tổ quốc.

Kết nghĩa cụm bản để giữ vững biên cương Tổ quốc (Bài 1): Thắm tình kết nghĩa nơi phên dậu Tổ quốc

Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện mô hình “kết nghĩa bản - bản” trên tuyến biên giới Thanh Hóa - Hủa Phăn đã khẳng định tính đúng đắn trong công tác đối ngoại Nhân dân, để lại dấu ấn đặc biệt về tình đoàn kết, hữu nghị truyền thống Việt - Lào gắn bó keo sơn nơi phên dậu Tổ quốc.

Kết nghĩa cụm bản để giữ vững biên cương Tổ quốc (Bài 1): Thắm tình kết nghĩa nơi phên dậu Tổ quốcĐồn Biên phòng Bát Mọt hướng dẫn kỹ thuật trồng cây ăn quả cho Nhân dân bản Thà Láu cụm Phôn Xay, huyện Sầm Tớ, tỉnh Hủa Phăn. Ảnh: Xuân Minh

Gắn kết tình thân nơi biên giới

Kể từ ngày “hẹn ước” chia ngọt sẻ bùi giữa hai bản Khẹo, xã Bát Mọt (Thường Xuân) và bản Thà Láu, cụm Phôn Xay, huyện Sầm Tớ, tỉnh Hủa Phăn (nước CHDCND Lào), Nhân dân hai bản lại càng thêm gắn bó keo sơn. Nghĩa tình của đồng bào hai bên biên giới không chỉ thể hiện ở cử chỉ, lời nói, mà bằng những việc làm cụ thể thiết thực như tương trợ nhau trong lúc khó khăn, hoạn nạn; chia sẻ kinh nghiệm trong phát triển kinh tế, xua đi cái đói, cái nghèo; chung tay bảo vệ đường biên, mốc giới...

Trong tâm trí ông In Pan Thít Thau Bụng, người dân bản Thà Láu, cụm Phôn Xay vẫn còn nhớ như in hình ảnh buổi lễ kết nghĩa giữa hai bản Thà Láu - Khẹo được tổ chức vào ngày 28/5/2014. Tới dự buổi lễ có đại diện lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể liên quan cấp tỉnh, huyện, xã, cụm và Nhân dân hai bên biên giới. Trong 13 nội dung ký kết thỏa ước, ông In Pan Thít Thau Bụng luôn ghi nhớ về quy định tạo điều kiện để Nhân dân hai bên qua lại thăm thân, trao đổi hàng hóa; giúp nhau xóa đói, giảm nghèo, phát triển sản xuất, kinh tế hộ gia đình để từ đó nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân.

Ông In Pan Thít Thau Bụng năm nay 69 tuổi, là người có nhiều “duyên nợ” với mảnh đất Thường Xuân. Ông cho biết, Việt Nam như là quê hương thứ hai của mình, bởi vì cụ thân sinh ra ông đã lấy vợ người thị trấn Thường Xuân. Hai cụ sống với nhau hơn chục năm nhưng không có con, thế rồi cụ ông trở về quê hương lập nghiệp. Tuy hai cụ không còn sống bên nhau, nhưng không vì thế mà tình cảm phai nhạt, ngược lại hai bên gia đình vẫn năng qua lại, tình thân vì thế mà ngày càng thêm gắn bó. Mỗi năm gia đình con cháu ông In Pan Thít Thau Bụng sang thăm gia đình “mẹ hai” ở Việt Nam một lần. Và ngược lại, vào ngày tết cổ truyền Bunpimay của người Lào, con cháu “mẹ hai” từ huyện Thường Xuân lại sang thăm, cùng nhau đón tết, gắn kết tình thân.

Ông In Pan Thít Thau Bụng có 4 người con thì có 2 người học tập ở Việt Nam, sau khi về nước đã có công việc ổn định ở thủ đô Viêng Chăn. Hàng năm, 2 con ông vẫn thường xuyên tham gia các đoàn công tác của nước CHDCND Lào sang Việt Nam tham gia các chương trình tập huấn, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ.

Đã từ lâu, ông In Pan Thít Thau Bụng cũng gắn bó với mảnh đất Thường Xuân, bởi ông mở cửa hàng kinh doanh tạp hóa. Hàng chục năm qua, cứ đều đặn mỗi tháng một lần ông lại sang thị trấn Thường Xuân để lấy hàng về phục vụ bà con Nhân dân trong vùng. Ông bán đầy đủ các mặt hàng tiêu dùng, từ gạo, muối, mì tôm, xà phòng, dầu gội đến những mặt hàng nhỏ như pin, bàn chải đánh răng, khăn mặt... Ông bảo, người dân bản mình rất thích hàng hóa Việt Nam, vừa chất lượng mà giá cả cũng phải chăng. Mình sang Việt Nam mua hàng đã trở thành người thân quen, bây giờ đại lý có thể cho nợ đến kỳ sau sang thanh toán cũng được.

Nghĩa tình nơi biên giới cũng được minh chứng qua trường hợp của em Bun Xu Lường Pun Ma, 11 tuổi ở bản Thà Láu, cụm Phôn Xay, huyện Sầm Tớ. Gia đình em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, cả bố và mẹ bị khuyết tật bẩm sinh câm điếc, thường xuyên ốm đau, bệnh tật, mất khả năng lao động... Gia đình thiếu thốn trăm bề, cái đói, cái nghèo luôn rình rập, bởi vậy Bun Xu đứng trước nguy cơ phải nghỉ học. Thế nhưng, bằng sẻ chia thiết thực của chi hội phụ nữ kết nghĩa bản Khẹo tặng sách vở, đồ dùng học tập; tháng 1/2023 Đồn Biên phòng Bát Mọt nhận hỗ trợ Bun Xu 500.000 đồng/tháng cho đến hết lớp 12 theo chương trình “Nâng bước em tới trường”, đã mang đến cho Bun Xu niềm tin và hy vọng để em thực hiện ước mơ của mình.

Ông Húng Nạ Khon Si Khăm, trưởng bản Thà Láu, cụm Phôn Xay, huyện Sầm Tớ, cho biết: Thà Láu có 22 hộ, gần 150 nhân khẩu, trước khi kết nghĩa, bản ta và bản Khẹo đã có mối quan hệ thân tộc, gắn bó với nhau từ lâu đời. Bởi vậy, bà con thường xuyên giao lưu, thăm thân, rồi hỗ trợ trong phương pháp làm ăn, cùng nhau giữ gìn an ninh - trật tự hai bên biên giới. Mỗi khi dân bản Thà Láu cần giúp đỡ gì thì các bạn Việt Nam đều tận tình hỗ trợ. Việc này càng làm cho Nhân dân hai bản ngày thêm gắn bó.

Ông Vi Văn Sáng, bí thư chi bộ, trưởng bản Khẹo, xã Bát Mọt, cũng khẳng định: Sau 10 năm kết nghĩa, cặp bản Khẹo - Thà Láu vẫn duy trì tốt mối quan hệ; hai bên vẫn thường xuyên tổ chức giao ban theo định kỳ; phối hợp cùng nhau tổ chức các hoạt động thăm hỏi, tặng quà nhân các ngày lễ, tết, để từ đó xây dựng được mối quan hệ anh em láng giềng ngày càng thân thiết, gần gũi.

Xây dựng cơ sở trong lòng dân

Là đơn vị đứng chân trên địa bàn xã Bát Mọt, Đồn Biên phòng Bát Mọt được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ 17,492km đường biên giới với 7 cột mốc và 2 mốc tiếp giáp; trên địa bàn xã có 4 bản giáp biên gồm bản Đục, bản Vịn, bản Khẹo và bản Ruộng, tiếp giáp với 5 bản của cụm Phôn Xay, huyện Sầm Tớ, tỉnh Hủa Phăn, là bản Thà Láu, bản Cân, bản Hang, bản Phô Say và bản Na Tooc.

Trong nhiều năm qua, Đồn Biên phòng Bát Mọt đã huy động nguồn hỗ trợ xây tặng nhà tình nghĩa cho hộ dân có hoàn cảnh khó khăn ở bản Thà Láu; nhận đỡ đầu các cháu học sinh Lào; hỗ trợ xi măng, vật tư y tế... Đơn vị cũng phối hợp với xã Bát Mọt hỗ trợ, giúp đỡ Nhân dân hai bản kết nghĩa phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo; giúp đỡ khi Nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai; hỗ trợ khám, chữa bệnh; trao đổi, học tập kinh nghiệm trong lãnh đạo, quản lý của cấp ủy đảng, chính quyền...

Đơn vị cũng thực hiện tốt phương châm “3 bám, 4 cùng” với Nhân dân, giúp Nhân dân hai bên biên giới xây dựng các mô hình sinh kế bền vững; đồng thời phát động các phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc”, bảo vệ biên giới quốc gia, xây dựng cơ sở vững mạnh ngay trong lòng dân...

Thiếu tá Trần Văn Sỹ, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Bát Mọt, cho biết: Việc kết nghĩa bản - bản hai bên biên giới là một chủ trương đúng đắn, khẳng định vị trí, vai trò to lớn của quần chúng Nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia. Mô hình kết nghĩa trở thành mẫu hình tiêu biểu, góp phần vun đắp tình đoàn kết hữu nghị Thanh Hóa - Hủa Phăn trong giai đoạn phát triển mới.

Có thể khẳng định, mô hình kết nghĩa này đã và đang tạo sự gắn kết tình thân nơi biên giới, mang đến ấm no, hạnh phúc cho đồng bào vùng biên. Đó cũng là minh chứng sinh động cho mối quan hệ hữu nghị truyền thống, tình đoàn kết đặc biệt, thủy chung son sắt giữa hai dân tộc, hai đất nước Việt Nam - Lào mà sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Cay Xỏn Phôm Vi Hản cùng các thế hệ lãnh đạo, Nhân dân hai nước đã dày công vun đắp.

Xuân Minh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]