Hỗ trợ địa phương xử lý môi trường và phòng, chống dịch bệnh sau bão Wipha
Nhằm hỗ trợ các đơn vị kiểm soát, ngăn chặn hiệu quả các bệnh truyền nhiễm có thể xảy ra trong và sau mưa lũ, chiều 24/7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thanh Hóa tổ chức đoàn cán bộ hỗ trợ xử lý môi trường và triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm sau bão lụt tại các xã Thường Xuân, Luận Thành, Xuân Chinh, Thắng Lộc, Tân Thành.
Cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh hướng dẫn cơ sở xử lý nguồn nước sinh hoạt sau ngập lụt cho người dân xã Luận Thành.
Theo báo cáo của Trung tâm Y tế Thường Xuân, từ ngày 21/7/2025 đến ngày 23/7/2025, do ảnh hưởng cơn bão số 3, trên địa bàn có mưa rất to, gây sạt lở và ngập lụt tại 14 thôn của các xã: Luận Thành, Tân Thành, Vạn Xuân..., với 117 hộ bị ngập lụt. Đến nay, một số nơi nước lũ đã rút, Trung tâm đã tham mưu cho chính quyền các địa phương tập trung chỉ đạo tổng vệ sinh môi trường, tổ chức phun hóa chất tiêu độc khử trùng.
Tuy nhiên, do địa bàn các xã miền núi khi nước rút để lại nhiều bùn đất nên công tác tiếp cận hộ gia đình để vệ sinh môi trường, tiêu độc khử trùng gặp khó khăn. Thêm vào đó, hiện các xã thiếu hóa chất để tiêu độc khử trùng diện rộng. Vì vậy, nguy cơ dịch bệnh phát sinh trên địa bàn là rất lớn.
Phun hóa chất tiêu độc khử trùng tại hộ gia đình sau ngập lụt ở xã Luận Thành.
Để đáp ứng công tác phòng, chống dịch bệnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã hỗ trợ 5.000 viên khử khuẩn nước Aquatab và 35kg CloraminB cho các địa phương. Tuy nhiên, về lâu dài, các địa phương đề nghị tiếp tục được hỗ trợ hóa chất khử khuẩn để đáp ứng công tác phòng, chống dịch bệnh.
Cán bộ y tế hướng dẫn người dân vệ sinh môi trường, loại bỏ vật dụng chứa nước đọng để hạn chế muỗi phát sinh gây bệnh.
Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch tại địa bàn, ông Hoàng Bình Yên, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đề nghị cơ sở tiếp tục rà soát, đánh giá tình hình ngập lụt tại địa bàn để có giải pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả với các tình huống khẩn cấp về y tế, môi trường và dịch bệnh có thể phát sinh trong và sau mưa bão, không để dịch bệnh bùng phát; tiến hành khử khuẩn, xử lý, bảo đảm nguồn nước sạch cho các hộ bị ngập; kịp thời báo cáo tình huống khẩn cấp để Sở Y tế nắm bắt và có chỉ đạo kịp thời.
Bên cạnh đó, chính quyền và ngành y tế địa phương cần tích cực tuyên truyền, hướng dẫn nhằm nâng cao nhận thức cho người dân trong vùng bị ảnh hưởng của mưa lũ chủ động bảo vệ và chăm sóc sức khỏe, biết các biện pháp xử lý vệ sinh môi trường, xử lý nguồn nước ăn uống sinh hoạt, đảm bảo vệ sinh cá nhân, phòng chống dịch bệnh...
Tô Hà
{name} - {time}
-
2025-07-25 15:30:00
Tạm dừng lưu thông viên sủi Apiroca-B quảng cáo bổ sung vitamin nhóm B
-
2025-07-25 13:26:00
Tổ chức chiến dịch bổ sung Vitamin A cho trẻ đợt 1 năm 2025
-
2025-07-24 11:11:00
Chủ động phòng, chống dịch sởi