(Baothanhhoa.vn) - Thời gian qua, công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC) trên địa bàn tỉnh đã đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng trong việc phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý nghiêm minh mọi hành vi vi phạm pháp luật hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức có liên quan trong thi hành pháp luật về XLVPHC.

Hiệu quả công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính

Thời gian qua, công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC) trên địa bàn tỉnh đã đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng trong việc phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý nghiêm minh mọi hành vi vi phạm pháp luật hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức có liên quan trong thi hành pháp luật về XLVPHC.

Hiệu quả công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính

Cục Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hóa phối hợp với các ngành liên quan tiến hành tiêu hủy sản phẩm quần áo các loại không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Đưa pháp luật đi vào cuộc sống

Để đạt được kết quả trên, UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh đã quan tâm chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật XLVPHC năm 2012; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật XLVPHC năm 2020; Nghị định số 118/2021/NĐ-CP ngày 23/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật XLVPHC và các nghị định quy định xử phạt VPHC theo từng lĩnh vực liên quan đến các ngành. Đồng thời, hằng năm, Chủ tịch UBND tỉnh đều ban hành kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật trên địa bàn tỉnh, trong đó có nội dung theo dõi thi hành pháp luật về XLVPHC.

Riêng năm 2023, UBND tỉnh đã chỉ đạo, giao Sở Tư pháp chủ trì và tổ chức 6 hội nghị tuyên truyền, phổ biến, bồi dưỡng, tập huấn, hướng dẫn về kỹ năng, nghiệp vụ, triển khai thi hành và áp dụng pháp luật XLVPHC. Các cơ quan, đơn vị, ngành đã tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến những quy định của Luật XLVPHC và các nghị định hướng dẫn thi hành đến tổ chức, cá nhân bằng các hình thức phù hợp với tình hình thực tế tại cơ quan, đơn vị và đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần đưa pháp luật XLVPHC đi vào cuộc sống, hạn chế vi phạm pháp luật, ổn định trật tự xã hội.

UBND các huyện, thị xã, thành phố cũng đã tổ chức tuyên truyền được 204 hội nghị với 27.632 người tham gia; phát trên sóng đài truyền thanh - truyền hình huyện 52.950 tin, trên hệ thống loa truyền thanh cơ sở 122.244 tin bài về XLVPHC. Ngoài ra, còn thực hiện lồng ghép công tác tuyên truyền qua các hội nghị chuyên ngành, hội nghị giao ban đến cán bộ, công chức về các nội dung có liên quan thiết thực đến đời sống, trong đó có nội dung pháp luật về XLVPHC. Qua đó, góp phần thay đổi nhận thức, nâng cao trách nhiệm trong thực thi công vụ về tổ chức thi hành pháp luật XLVPHC trong cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh

Tạo chuyển biến tích cực

Thực hiện các quy định của pháp luật và hướng dẫn, chỉ đạo của các bộ, ngành Trung ương, UBND tỉnh, năm 2023 các cơ quan, đơn vị, ngành cấp tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh đã ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện theo phạm vi quản lý.

Theo đánh giá của UBND thị xã Bỉm Sơn, năm 2023 việc tuân thủ các quy định về trình tự, thủ tục trong công tác XLVPHC trên địa bàn thị xã được các cơ quan, cá nhân có thẩm quyền thực hiện đầy đủ, nghiêm túc, đúng quy định của pháp luật. Vì vậy, công tác thi hành pháp luật nói chung, công tác thi hành pháp luật về XLVPHC nói riêng trên địa bàn thị xã có những chuyển biến tích cực, các vụ việc VPHC và XLVPHC xảy ra không nhiều. Các vụ việc VPHC và phải XLVPHC chủ yếu thuộc các lĩnh vực trật tự an toàn giao thông, quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản, xây dựng, đầu tư xây dựng, môi trường, phòng cháy, chữa cháy, vệ sinh an toàn thực phẩm... Năm 2023, UBND xã, phường và UBND thị xã Bỉm Sơn đã ban hành 112 quyết định xử phạt VPHC, trong đó đã thi hành 108 quyết định, với tổng số tiền theo quyết định xử phạt là hơn 1,1 tỷ đồng; số tiền thu được từ bán, thanh lý tang vật, phương tiện bị tịch thu là hơn 767 triệu đồng.

Cũng như thị xã Bỉm Sơn, việc áp dụng pháp luật về XLVPHC của các lực lượng chức năng có thẩm quyền XLVPHC đều tuân thủ các quy định của pháp luật về XLVPHC trong thực thi quyền hành và nhiệm vụ được giao. Các sở, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố đã chủ động triển khai và thi hành pháp luật XLVPHC thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ quản lý. Năm 2023, toàn tỉnh thi hành 11.841 quyết định xử phạt VPHC, với tổng số tiền phạt thu được là hơn 71 tỷ đồng. Riêng lĩnh vực tài nguyên môi trường, toàn tỉnh đã ban hành 269 quyết định xử phạt VPHC; trong đó Chủ tịch UBND tỉnh ban hành 15 quyết định xử phạt VPHC trong các lĩnh vực môi trường, khoáng sản, biển đảo đối với 15 tổ chức, cá nhân, với tổng số tiền phạt là hơn 3,6 tỷ đồng; Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường đã ban hành 53 quyết định xử phạt VPHC trong các lĩnh vực môi trường, khoáng sản và tài nguyên nước đối với 50 tổ chức, cá nhân, với tổng số tiền phạt là hơn 1,7 tỷ đồng; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố đã ban hành 201 quyết định xử phạt VPHC trong các lĩnh vực đất đai, môi trường và khoáng sản đối với 201 tổ chức, cá nhân với tổng số tiền phạt là hơn 7,5 tỷ đồng.

Từ những số liệu trên cho thấy, thời gian qua, công tác thi hành pháp luật về XLVPHC trên địa bàn tỉnh đã đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng ổn định trật tự, an toàn xã hội và kỷ cương trên các lĩnh vực, phục vụ công tác quản lý Nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện công tác XLVPHC trên địa bàn tỉnh cũng còn không ít những khó khăn, bất cập như: trình độ, năng lực của một bộ phận công chức tư pháp, pháp chế chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ; pháp luật về XLVPHC, pháp luật về quản lý chuyên ngành thuộc các lĩnh vực chưa thực sự ổn định, thường xuyên sửa đổi, bổ sung dẫn đến khó khăn cho người có thẩm quyền trong tổ chức thực hiện cũng như người có thẩm quyền kiểm tra khó xác định vi phạm. Các phương tiện kỹ thuật, công cụ hỗ trợ cho việc xác định hành vi vi phạm trong một số lĩnh vực như môi trường, giao thông, vệ sinh an toàn thực phẩm... chưa đảm bảo, trong khi đó các đối tượng vi phạm ngày càng tinh vi, che giấu hành vi vi phạm nên khó khăn cho lực lượng chức năng trong phát hiện và xử lý vi phạm.

Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật được triển khai đồng bộ, tuy nhiên, vẫn còn thiếu tính chuyên sâu, chưa có nhiều đổi mới về hình thức tuyên truyền gắn với tình huống trong thực tiễn đời sống, chưa phù hợp với đặc thù từng nhóm đối tượng, trong khi lĩnh vực quản lý hành chính rộng, có nhiều văn bản hướng dẫn thi hành nên khó khăn cho việc tuyên truyền, phổ biến đầy đủ, thường xuyên đến cán bộ và Nhân dân. Việc tuyên truyền pháp luật XLVPHC đến đối tượng lao động tự do, đồng bào dân tộc thiểu số còn bất cập do thiếu chủ động trong tiếp cận pháp luật...

Bài và ảnh: Ngân Hà



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]