(Baothanhhoa.vn) - Không gian mạng chứa đựng kho kiến thức khổng lồ, song nếu không biết khai thác và sử dụng mạng Internet đúng cách sẽ tiềm ẩn nhiều nguy hại khó lường. Do đó, để có thể sử dụng mạng Internet an toàn, hiệu quả trong học tập, học sinh cần được trang bị phương pháp học tập với máy tính và mạng Internet.

Giúp học sinh sử dụng mạng Internet an toàn, hiệu quả

Không gian mạng chứa đựng kho kiến thức khổng lồ, song nếu không biết khai thác và sử dụng mạng Internet đúng cách sẽ tiềm ẩn nhiều nguy hại khó lường. Do đó, để có thể sử dụng mạng Internet an toàn, hiệu quả trong học tập, học sinh cần được trang bị phương pháp học tập với máy tính và mạng Internet.

Giúp học sinh sử dụng mạng Internet an toàn, hiệu quảCô Trần Thị Huyền, Trường THCS Cẩm Bình hướng dẫn học sinh trong giờ học môn Tin học.

Hướng dẫn sử dụng thay vì cấm sử dụng

Nhiều năm làm công tác chủ nhiệm và dạy học môn Toán, cô Nguyễn Thị Mơ, giáo viên Trường THCS Phú Hải Toại, xã Lĩnh Toại (Hà Trung), cho biết: “Một vài năm trở lại đây tình trạng học sinh sử dụng điện thoại thông minh, máy tính trong quá trình học tập khá phổ biến, đặc biệt là sử dụng các app giải bài tập. Vẫn biết Internet mang lại rất nhiều lợi ích, tuy nhiên Internet là một không gian mở, thông tin tập hợp từ rất nhiều nguồn, có cả những thông tin xấu, độc hại, không có sự kiểm soát. Nếu không sử dụng Internet đúng cách sẽ rất dễ dẫn đến “phản tác dụng”. Do đó, trong các buổi sinh hoạt đầu giờ, sinh hoạt ngoại khóa, tôi đã hướng dẫn cho học sinh cách sử dụng Internet hiệu quả trong học tập như: chỉ sử dụng app giải bài tập với mục đích kiểm tra bài đã làm có đúng kết quả hay không chứ không nên chép nguyên xi bài của app giải bài tập để đối phó cho đủ bài; học sinh có thể tham gia các diễn đàn học tập trên mạng để cùng chia sẻ, học tập những cách giải hay; có thể học tập trực tuyến ở mọi lúc, mọi nơi trên các trang web hữu ích phục vụ học tập đã được kiểm duyệt. Tuy nhiên, khi tham gia các diễn đàn này phải tuân thủ nguyên tắc lịch sự và chấp hành các nội quy của diễn đàn; tự giác và tuân thủ nguyên tắc học tập do chính mình đặt ra... Từ đó, kỹ năng khai thác thông tin từ mạng Internet phục vụ việc học tập của học sinh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Ngoài việc tìm hiểu thêm về các cách giải bài tập, học sinh còn tự tìm thêm các dạng bài khác nhau để giải và nhờ cô giáo kiểm tra hoặc giảng giải thêm qua zalo hoặc messenger...”.

Thực tế, có một số học sinh không chịu học, sử dụng app giải bài tập để đối phó cho đủ bài. Đến khi cô giáo kiểm tra, cho giải lại bài thì không làm được. Đây là một thực tế tồn tại không hiếm gặp.

Cô Lê Thị Thúy, Phó hiệu trưởng Trường THCS Phú Hải Toại cho rằng: Hệ lụy khi học sinh lạm dụng các ứng dụng giải bài tập trên mạng Internet là không nhỏ. Các em sẽ không được rèn kỹ năng tư duy, đức tính kiên nhẫn... dẫn đến việc lười học, lười suy nghĩ. Chúng ta không thể ngăn cản việc học sinh áp dụng công nghệ vào học tập, song chúng ta có thể hướng dẫn các em sử dụng công nghệ đúng cách để việc học tập với Internet đạt hiệu quả.

Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo về Điều lệ trường học quy định học sinh THCS, THPT được dùng điện thoại trong giờ học để phục vụ học tập khi được giáo viên cho phép. Đồng thời, giáo viên không còn bị cấm sử dụng điện thoại di động khi đang dạy trên lớp. Vấn đề đặt ra cho ngành giáo dục là quản lý như thế nào vừa để phát huy tối đa mặt tích cực, đồng thời ngăn chặn tác động tiêu cực từ vấn đề này.

Cô Trần Thị Huyền, giáo viên Tin học, Trường THCS Cẩm Bình (Cẩm Thủy), chia sẻ: Trong quá trình dạy học cho học sinh, đối với những bài hoặc những phần chưa cần dùng đến Internet thì giáo viên sẽ tắt mạng để học sinh không thể tự ý vào mạng được. Đối với bài học cần sử dụng Internet thì cho học sinh sử dụng theo hướng dẫn và thường xuyên giám sát để học sinh không tự ý vào riêng các phần khác.

Phụ huynh cùng vào cuộc

Bên cạnh thời gian học tập trên lớp, thời gian vui chơi giải trí và học tập ở nhà cũng rất cần sự vào cuộc của phụ huynh trong việc giám sát học sinh sử dụng Internet trong giải trí và học tập đúng cách.

Chị Nguyễn Thị Xuân ở phường Hàm Rồng (TP Thanh Hóa) chia sẻ: “Tôi có hai con trai đang học cấp 2 và cấp 3. Cũng như các bạn cùng trang lứa, các con rất thích và thường xuyên sử dụng điện thoại thông minh, máy tính có kết nối mạng Internet trong học tập cũng như để giải trí. Vì bận công việc cũng như khoảng cách thế hệ, tôi không thể thường xuyên giám sát các con sử dụng Internet, do đó tôi đã quán triệt các con phải tuân thủ một số quy định như: không xem hoặc vào các trang mạng không phù hợp lứa tuổi; quy định thời gian giải trí trên mạng bởi mạng Internet có quá nhiều sự hấp dẫn và cám dỗ nếu không chủ động và quản lý tốt thì con sẽ rất dễ bị “nghiện” Internet; thường xuyên tâm sự, trao đổi, cảnh báo cho con về những nguy hiểm có thể gặp phải khi sử dụng mạng xã hội...”.

Đối với việc giải bài tập về nhà cho học sinh, anh Vũ Văn Tiến ở phường Nam Ngạn (TP Thanh Hóa) cho rằng thầy cô nên thay đổi cách giao bài tập cho học sinh, không giao những bài tập đã có sẵn, như vậy học sinh có thể dễ dàng dùng app để giải bài tập. Thầy cô nên cân nhắc giao bài tập cho học sinh làm sao để các em phát triển năng lực bản thân, hội tụ những yêu cầu về các yếu tố sáng tạo, đưa ra cách thức giải quyết bài tập chứ không phải là thực hiện bài tập đó. Bởi nếu chỉ yêu cầu cách thức giải quyết thì các app giải bài tập không thể thực hiện được.

Không thể phủ nhận vai trò của công nghệ thông tin cũng như sử dụng Internet trong quá trình dạy và học. Đây là một xu thế tất yếu của nền giáo dục hiện đại, thể hiện sự bắt nhịp xu hướng cũng như hội nhập toàn cầu... Tuy nhiên, để học sinh sử dụng mạng Internet an toàn, hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập cần rất nhiều ý thức, quyết tâm từ chính bản thân học sinh cũng như sự hướng dẫn, định hướng từ thầy cô và gia đình.

Bài và ảnh: Linh Hương



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]