Gìn giữ các trò chơi dân gian đặc sắc
Mảnh đất Thiệu Trung (Thiệu Hóa) không chỉ là quê hương của nhà sử học Lê Văn Hưu và nghề đúc đồng truyền thống, mà từ lâu còn nổi tiếng là nơi lưu giữ được nhiều trò chơi dân gian đặc sắc và hấp dẫn.
Trò chơi thi nấu cơm nồi đất được tổ chức tại xã Thiệu Trung.
Đối với người dân xã Thiệu Trung, từ xưa đến nay các trò chơi dân gian truyền thống được lưu giữ và truyền từ đời này sang đời khác dường như đã là một phần không thể thiếu trong đời sống. Bởi vậy, nếu có dịp về đây mỗi khi xã có sự kiện, hay vào các dịp lễ, tết chắc chắn du khách sẽ được sống trong bầu không khí vô cùng sôi động, náo nhiệt từ việc tổ chức các trò chơi dân gian truyền thống của người dân như kéo co, bịt mắt bắt vịt, nấu cơm nồi đất... Mỗi trò chơi có một quy định riêng, mang sắc thái khác nhau và cũng phù hợp với sở thích của nhiều lứa tuổi vừa góp phần phát huy tinh thần thể thao, rèn luyện thể lực, sự nhanh nhẹn, khéo léo lại vừa phát huy được tình đoàn kết, gắn kết trong cộng đồng.
Trong số các trò chơi được người dân lưu giữ và tổ chức thì hấp dẫn nhất, tạo không khí sôi động nhất là trò chơi thi nấu cơm nồi đất. Mỗi lần trò chơi này được tổ chức đều thu hút được cả 6 đội/6 thôn trong xã tham gia. Để tham gia trò này, mỗi đội chơi sẽ chọn ra 3 người (2 nữ, 1 nam). Trước khi thi đấu các đội chuẩn bị các vật dụng như nồi đất, gạo, củi... Gạo được các đội lựa chọn để tham gia thi đấu là loại gạo ngon, dẻo và thơm. Khi bắt đầu chơi các đội sẽ cho gạo vào nồi đất và vo gạo thật sạch. Sau khi vo gạo xong, cho vào nồi đất thì các đội chơi sẽ lấy lá chuối và chiếc khăn để ủ gạo, rồi mới đậy vung của nồi đất lên trên. Sau đó, các đội chơi buộc nồi cơm vào chính giữa một chiếc gậy, nhóm lửa để nấu cơm. Khi trọng tài thổi còi bắt đầu cuộc thi, hai người nữ sẽ cầm hai bên chiếc gậy để khiêng nồi cơm, còn người nam sẽ cầm bó củi được châm lửa đi vòng quanh sân khấu. Mỗi đội chơi sẽ có 20 phút đi vòng quanh sân khấu để nấu cơm. Khi cơm chín, ban giám khảo sẽ thử cơm, nếu cơm của đội nào chín, ngon và có độ dẻo thì đội đó sẽ giành phần thắng. Từ xưa đến nay, trò chơi thi nấu cơm nồi đất không chỉ đơn thuần là một trò chơi có tính giải trí cao, mà còn phản ánh đậm nét đời sống lao động của cư dân trồng lúa.
Là người hay tham gia trò chơi này, bà Trần Thị Hằng, người dân xã Thiệu Trung, cho hay: "Chúng tôi rất thích khi tham gia trò chơi này. Khi tham gia chúng tôi và cả các đội chơi trong xã không đặt nặng vấn đề thắng, thua, mà mong muốn được giao lưu để cùng nhau giữ gìn phong tục, tập quán, hình thức sinh hoạt văn hóa tốt đẹp của địa phương mình".
Kéo co cũng là một trong những trò chơi được người dân trong xã tổ chức thường xuyên, thu hút đông đảo Nhân dân và du khách đến xem, cổ vũ. Để tham gia thi đấu, các đội trong xã sẽ lựa chọn những chàng trai, cô gái khỏe mạnh. Khi tiếng còi của trọng tài cất lên thì cả hai bên đội chơi đều phải dồn hết sức mạnh để kéo dây thừng về phía mình. Trò chơi thường được chia làm 3 vòng thi đấu. Mỗi vòng thi kéo dài có thể chỉ vài giây cho đến vài phút. Bên nào kéo phần vải đã được đánh dấu trên dây thừng về nhiều hơn thì sẽ dành chiến thắng. Khi kéo cũng có rất nhiều luật lệ được đặt ra cho người chơi, như không được phép nằm, đè lên dây, không được dùng các “thủ thuật” gian lận... Thông thường, các đội sẽ có những cách bố trí chiến thuật chơi khác nhau, người đội trưởng thường đứng đầu làm chỗ dựa cho các thành viên...
Từng tham gia trò chơi kéo co và giành giải nhất về cho đội mình, ông Lê Văn Thành, người trong xã chia sẻ: Trò chơi kéo co đòi hỏi sức bền rất lớn và tinh thần đoàn kết cao của đồng đội. Trò chơi này rèn luyện cho con người tính dẻo dai, khỏe mạnh và tinh thần thể thao. Đồng thời, cũng tạo không khí sôi nổi, vui vẻ cho người dân sau những ngày lao động vất vả.
Thông qua việc tổ chức các trò chơi dân gian, các môn thể thao vui tươi, lành mạnh thu hút đông đảo bà con và du khách tham gia đã tạo điều kiện để người dân có dịp gặp gỡ, giao lưu, từ đó tăng thêm tình đoàn kết trong cộng đồng. Đồng thời, góp phần quan trọng trong việc bảo tồn, phát huy và giới thiệu, quảng bá những nét đẹp văn hóa truyền thống của địa phương. Do đó, những năm qua xã Thiệu Trung đã có nhiều cách làm linh hoạt, sáng tạo để gìn giữ và ngày càng phát huy giá trị của các trò chơi dân gian. Đặc biệt, xã đã đẩy mạnh tuyên truyền về ý nghĩa của trò chơi dân gian đối với đời sống xã hội. Chú trọng đến việc đầu tư hệ thống thiết chế văn hóa, sân chơi bãi tập tại các thôn để phục vụ cho hoạt động vui chơi, giải trí của người dân. Cùng với đó, thường xuyên duy trì tổ chức lễ hội truyền thống, lồng ghép với việc tổ chức các hội thi thể thao, trò diễn dân gian. Ngoài ra, xã cũng hướng đến việc xây dựng mỗi trò chơi dân gian là một sản phẩm du lịch trải nghiệm phục vụ khách du lịch, góp phần quảng bá mảnh đất, con người, phong tục, tập quán của địa phương...
Bài và ảnh: Nguyễn Đạt
{name} - {time}
-
2025-01-22 16:05:00
Chi tiết các điểm bắn pháo hoa tại các địa phương trong đêm Giao thừa Tết Ất Tỵ
-
2025-01-22 09:04:00
Phim “Hẹn ước ngày xuân” tôn vinh văn hóa bản địa vùng cao
-
2024-07-07 14:44:00
Tiếp nối, nhân lên mạch nguồn văn hóa xứ Thanh
[Podcast] Truyện ngắn: Ánh sáng cuối đường
[E-Magazine] – Gác nhỏ yêu thương
Các cặp đôi nô nức rủ nhau tham gia trải nghiệm xu hướng cưới mới tại Almaz Wedding Fair 2024
Sun World Sam Son: Thiên đường giải trí cực hot dành cho gia đình mùa hè này
Khám phá tiệm sách cũ đặc biệt tại TP. HCM
[Podcast] - Tản văn: Xa xăm lắm nhưng dễ gì phai nhạt
Tình người...
Nguyễn Thị Thảo - Quán quân Dòng nhạc trẻ tại Chương trình Tài năng Âm nhạc Việt Nam năm 2024
Những khoảnh khắc “bất phân thắng bại” trong phần thi pháo hoa của hai đội lọt vào chung kết DIFF 2024