(Baothanhhoa.vn) - Mặc dù dịch COVID-19 đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động giáo dục của các nhà trường, thế nhưng, công tác lựa chọn sách giáo khoa (SGK) lớp 1 sử dụng cho năm học 2020-2021 vẫn được triển khai tích cực.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Lựa chọn sách giáo khoa lớp 1 cho năm học mới:

Vẫn còn băn khoăn, lo lắng

Vẫn còn băn khoăn, lo lắng

Cán bộ, giáo viên Trường Tiểu học Cẩm Phong, thị trấn Phong Sơn (Cẩm Thủy) nghiên cứu lựa chọn SGK cho năm học mới 2020-2021.

Mặc dù dịch COVID-19 đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động giáo dục của các nhà trường, thế nhưng, công tác lựa chọn sách giáo khoa (SGK) lớp 1 sử dụng cho năm học 2020-2021 vẫn được triển khai tích cực.

Việc lựa chọn cũng được thực hiện theo Thông tư 01/2020/TT-BGD&ĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) và gợi ý các tiêu chí phù hợp với thực tế địa phương theo Quyết định số 1365 của UBND tỉnh.

Tích cực nghiên cứu lựa chọn

Thời gian qua, bên cạnh việc chủ động trong phòng, chống dịch COVID-19, ban giám hiệu Trường Tiểu học (TH) Ba Đình (thị xã Bỉm Sơn) đã chỉ đạo cán bộ cốt cán, giáo viên (GV) khối lớp 1 nghiên cứu, đánh giá lựa chọn 1 trong 5 bộ SGK lớp 1 của Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới mà Bộ GD&ĐT đã phê duyệt. Cô giáo Võ Đào Hoa, hiệu trưởng nhà trường cho biết: Ngay khi có hướng dẫn lựa chọn SGK của ngành giáo dục và UBND tỉnh, nhà trường đã thành lập hội đồng lựa chọn sách, giao các thành viên, nhất là GV cốt cán, GV khối lớp 1 nghiên cứu đánh giá, so sánh giữa 5 bộ SGK mới để lựa chọn ra 1 bộ phục vụ giảng dạy, học tập trong năm học 2020-2021. Qua nghiên cứu, đánh giá, bộ sách nào cũng có những điểm mạnh, điểm yếu riêng. Ví như, với bộ sách “Kết nối tri thức với cuộc sống”, phản ánh được những vấn đề của cuộc sống, tiếp cận với cuộc cách mạng công nghệ 4.0; tạo không gian mở, linh hoạt và sáng tạo cho cả thầy và trò... Nhưng, lượng kiến thức đưa vào bài học quá lớn so với năng lực của học sinh (HS) lớp 1. Với bộ sách “Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục”, được thiết kế theo hướng bình đẳng, các HS có cơ hội như nhau trong tiếp cận các nguồn tri thức thông qua các nguồn học liệu mở. HS tự chủ trong học tập, tự do sáng tạo, chủ động giải quyết vấn đề... Song, lượng kiến thức ở một số môn lại quá nhẹ nhàng. Hay như, bộ sách “Cánh diều”, có quan điểm xuyên suốt “mang cuộc sống vào bài học, đưa bài học vào cuộc sống”. Thế nhưng, bộ sách này lại có lượng kiến thức khá nặng với một số HS khu vực miền núi khó khăn... Trên cơ sở phân tích, đánh giá các bộ sách, hội đồng lựa chọn sách nhà trường đã thống nhất chọn bộ sách “Cánh diều”. Hy vọng, với sự nỗ lực của cán bộ, GV và HS, bộ sách này sẽ sớm phát huy hiệu quả trong quá trình dạy và học.

Tại Trường TH Cẩm Phong, thị trấn Phong Sơn (Cẩm Thủy) theo cô giáo Ngô Thị Hương, hiệu trưởng nhà trường, việc lựa chọn SGK phù hợp với kế hoạch giáo dục của nhà trường, đối tượng HS, vùng miền sẽ thúc đẩy quá trình dạy học, phương pháp giảng dạy và nâng cao hiệu quả giáo dục. Vì vậy, đội ngũ cán bộ, GV nhà trường được giao nhiệm vụ đã nêu cao tinh thần trách nhiệm trong nghiên cứu, đánh giá để lựa chọn ra 1 bộ SGK mới phù hợp nhất. Qua nghiên cứu, đánh giá, hầu hết GV nhà trường đều có chung quan điểm là không chọn 1 bộ SGK của 1 đơn vị, 1 nhà xuất bản mà có thể chọn sách Toán của nhà xuất bản này, tiếng Việt của nhà xuất bản kia... gộp thành 1 bộ sách đầy đủ để sử dụng trong năm học tới. Hiện, nhà trường vẫn chưa đi đến quyết định cuối cùng sẽ lựa chọn những cuốn sách nào trong 5 bộ SGK mới. Nhưng, quan điểm là bộ sách được lựa chọn phải bảo đảm phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất của trường, với năng lực của đội ngũ GV và đối tượng HS.

Vẫn còn những băn khoăn

Theo đánh giá của nhiều GV, các bộ SKG mới có thiết kế mới, hấp dẫn về hình thức, cấu trúc. Nội dung sách bám sát yêu cầu chuẩn kiến thức kỹ năng, tinh thần đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tích hợp khi lồng ghép dạy kiến thức văn hóa với nhiều vấn đề khác của đời sống, như: Bình đẳng giới, quyền trẻ em, biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, an toàn giao thông... Hầu hết cán bộ, GV đều đồng tình, ủng hộ chủ trương một trường chọn 1 bộ SGK và đây là sự lựa chọn tự chủ, công khai, minh bạch. Tuy nhiên, quá trình thực hiện vẫn còn những băn khoăn, lo lắng. Đó là năng lực tiếp cận của một bộ phận GV còn hạn chế; cơ sở vật chất, việc ứng dụng công nghệ thông tin ở một số trường, nhất là trường thuộc khu vực miền núi còn nhiều khó khăn, chưa đáp ứng tiêu chí dạy và học theo Chương trình GDPT mới. Trên cùng một địa bàn huyện, thị xã, thành phố một lúc ứng dụng nhiều bộ sách chắc chắn sẽ dẫn đến những khó khăn trong quản lý, đánh giá chất lượng dạy và học... Cô giáo Nguyễn Thị Nhẫn, Phó trưởng Phòng GD&ĐT thị xã Bỉm Sơn cho hay: “Nếu cho các trường lựa chọn sẽ tăng tính tự chủ của nhà trường và bản thân người thực dạy sẽ được lựa chọn bộ sách mà mình thấy phù hợp. Thế nhưng, việc làm này sẽ thiếu sự đồng bộ trong một địa bàn, khi đó nếu HS chuyển từ trường này sang trường khác sẽ gặp khó khăn trong việc dùng SGK, hoặc có sự chênh lệch về mặt kiến thức bởi mỗi bộ SGK đều có những ưu điểm khác nhau, có bộ trội về môn này, có bộ lại trội môn kia. Ngoài ra, khi các trường trên cùng địa bàn, trong 1 tỉnh tổ chức giao lưu hoặc thi GV giỏi cũng sẽ gặp khó khăn trong đánh giá chất lượng”.

Được biết, để triển khai hiệu quả Chương trình GDPT mới, Sở GD&ĐT đã rà soát toàn bộ hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, thực trạng đội ngũ GV. Đặc biệt, những năm qua, ngành giáo dục đã chỉ đạo thực hiện đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới công tác kiểm tra, đánh giá kết quả học tập và rèn luyện của HS theo hướng phát triển năng lực. Đây là bước đệm quan trọng để triển khai áp dụng Chương trình GDPT mới. Ông Trịnh Vĩnh Long, Trưởng Phòng Giáo dục TH, Sở GD&ĐT cho biết: “Việc lựa chọn bộ SGK lớp 1 theo chương trình mới cần phải đạt các tiêu chí, như: Phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của địa phương và phù hợp với điều kiện tổ chức dạy và học ở các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh; phù hợp với năng lực học tập của HS; thuận tiện, hiệu quả đối với GV; các yếu tố đi kèm với SGK phải bảo đảm chất lượng dạy và học. Theo đó, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục nghiên cứu, tìm hiểu kỹ 5 bộ sách và lựa chọn ra những bộ sách phù hợp nhất với đơn vị, địa phương mình. Hiện, các đơn vị trường trong tỉnh đang tích cực tiến hành lựa chọn để báo cáo về Sở GD&ĐT”.

Theo kế hoạch, trước 30-4, các trường phải cho biết kết quả việc lựa chọn sách để Sở GD&ĐT báo cáo Bộ GD&ĐT vào đầu tháng 5-2020. Sau đó, Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT sẽ hướng dẫn các trường sử dụng bộ sách được lựa chọn. Sở GD&ĐT cũng sẽ thống kê các đầu sách được các trường lựa chọn báo cáo UBND tỉnh, cung cấp thông tin cho nhà xuất bản để cung ứng đầy đủ trước khi khai giảng năm học 2020 – 2021. Thanh Hóa là tỉnh có dân số đông, địa bàn rộng, trải 27 huyện, thị xã, thành phố, trong đó có tới 11 huyện miền núi. Thời gian không còn nhiều, việc lựa chọn SGK là một trong những khâu quan trọng trong thực hiện Chương trình GDPT mới. Chính vì vậy, các nhà trường cần phải xem xét, đánh giá kỹ lưỡng khi chọn sách để phù hợp với đặc điểm vùng, miền, năng lực của HS và GV... Đồng thời thực hiện một cách bài bản, công khai, minh bạch, đúng quy định, bảo đảm có tính liên thông và thống nhất, nhất là sự nhất quán giữa các trường học trong huyện, thị xã, thành phố, vùng miền, nhằm tạo thuận lợi cho công tác quản lý, chỉ đạo và tạo tâm lý yên tâm cho phụ huynh HS. Bên cạnh đó, các địa phương, trường học cũng cần chú trọng chuẩn bị tốt nhất các điều kiện về cơ sở vật chất, tập huấn cho đội ngũ GV, bởi GV chính là nhân tố quyết định sự thành bại của Chương trình GDPT mới.

Phong Sắc


Phong Sắc

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]