(Baothanhhoa.vn) - Bằng ý chí, nghị lực, tinh thần đoàn kết và sự quyết tâm, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức của các thế hệ cán bộ, giảng viên (CBGV), người học, trải qua 25 năm xây dựng và phát triển, Trường Đại học (ĐH) Hồng Đức không ngừng phát triển về mọi mặt, ngày càng khẳng định vai trò, vị thế trong hệ thống giáo dục ĐH nước nhà, góp phần quan trọng vào sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH quê hương, đất nước.

Trường Đại học Hồng Đức 25 năm xây dựng và phát triển

Bằng ý chí, nghị lực, tinh thần đoàn kết và sự quyết tâm, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức của các thế hệ cán bộ, giảng viên (CBGV), người học, trải qua 25 năm xây dựng và phát triển, Trường Đại học (ĐH) Hồng Đức không ngừng phát triển về mọi mặt, ngày càng khẳng định vai trò, vị thế trong hệ thống giáo dục ĐH nước nhà, góp phần quan trọng vào sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH quê hương, đất nước.

Trường Đại học Hồng Đức 25 năm xây dựng và phát triển

Lãnh đạo Trường ĐH Hồng Đức trao bằng thạc sĩ khóa 11 và khóa 12 cho các học viên. Ảnh: Phong Sắc

Cách đây tròn 25 năm, ngày 24-9-1997, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 797/QĐ-TTg thành lập Trường ĐH Hồng Đức trên cơ sở 3 trường cao đẳng (CĐ) có bề dày đào tạo hơn 40 năm gồm: CĐ Sư phạm, CĐ Kinh tế - Kỹ thuật và CĐ Y tế Thanh Hóa. Trường ĐH Hồng Đức là trường ĐH đầu tiên trong hệ thống giáo dục ĐH Việt Nam được thành lập theo mô hình mới: ĐH công lập, đa ngành, trực thuộc UBND tỉnh Thanh Hóa và chịu sự quản lý Nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT). Nhà trường vinh dự được mang niên hiệu Hồng Đức của Vua Lê Thánh tông - một trong những vị hoàng đế anh minh bậc nhất trong lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam.

Những ngày đầu thành lập, trường có 10 khoa đào tạo, 15 phòng, ban và trung tâm trực thuộc, tổ chức đào tạo 3 ngành ĐH (ĐHSP Toán, ĐHSP Ngữ văn và ĐH Trồng trọt) và 17 ngành CĐ. Sau 5 năm, nhà trường mở mới 13 ngành ĐH. Ngoài ra, trong giai đoạn 1998-2004, trường đã tổ chức đào tạo bậc trung cấp, CĐ nhóm ngành y - dược với 4.035 học sinh, sinh viên (HSSV) tốt nghiệp. Với sự nỗ lực vượt bậc trong xây dựng đội ngũ và cơ sở vật chất, mỗi năm nhà trường đã mở thêm các ngành đào tạo bậc ĐH mới để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực của xã hội; thành lập thêm các khoa và đơn vị trực thuộc phù hợp với sự phát triển của nhà trường. Đặc biệt, sau 10 năm thành lập, năm 2007 nhà trường đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép đào tạo bậc thạc sĩ đầu tiên (chuyên ngành Khoa học cây trồng). Đây là dấu mốc quan trọng khẳng định sự phát triển nhanh và vượt bậc của nhà trường. Đến năm 2014, nhà trường chính thức được phép đào tạo bậc tiến sĩ, đưa Trường ĐH Hồng Đức trở thành trường ĐH đầu tiên trong hệ thống các trường ĐH trực thuộc UBND tỉnh, thành phố trong cả nước có đào tạo bậc tiến sĩ và trở thành cơ sở đào tạo hoàn chỉnh có đầy đủ các bậc đào tạo trong hệ thống đào tạo quốc gia.

Đến nay, sau 25 năm thành lập, nhà trường đã được phép tự tổ chức đào tạo 5 chuyên ngành tiến sĩ, 20 chuyên ngành thạc sĩ, 1 chương trình thạc sĩ liên kết với ĐH Soongsil của Hàn Quốc, 34 ngành đào tạo kỹ sư, cử nhân bậc ĐH và 18 ngành cử nhân bậc CĐ. Quy mô đào tạo hằng năm của nhà trường giai đoạn 2011-2021 đạt từ 8.600 đến 15.000 người học. Năm học 2021-2022, quy mô đào tạo của nhà trường là gần 11.000 người học (gần 8.000 SV hệ chính quy, 3.000 SV hệ vừa làm vừa học, hơn 600 học viên cao học và 18 nghiên cứu sinh) thuộc 5 lĩnh vực: Sư phạm/Giáo dục; Kinh tế, Quản lý, Luật; Khoa học Tự nhiên; Kỹ thuật, Công nghệ, Nông Lâm Ngư nghiệp; Xã hội nhân văn, Hành vi.

Cùng với việc đa dạng hóa loại hình đào tạo, ngay từ khi thành lập, Trường ĐH Hồng Đức đặc biệt coi trọng đổi mới nội dung, chương trình đào tạo nhằm bảo đảm tính liên thông, hiện đại, bám sát thực tiễn và yêu cầu của các đơn vị tuyển dụng lao động. Đồng thời, đổi mới mạnh mẽ phương pháp giảng dạy theo hướng tích cực, ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học. Qua đó, chất lượng đào tạo có nhiều chuyển biến tích cực; tỷ lệ SV tốt nghiệp có việc làm sau 1 năm tốt nghiệp đạt từ 70% đến 90%. Sau 25 năm xây dựng và phát triển, nhà trường đã đào tạo hơn 80 nghìn kỹ sư, cử nhân, thạc sĩ... đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung.

Bên cạnh hoạt động đào tạo, công tác nghiên cứu khoa học (NCKH) và chuyển giao công nghệ của nhà trường cũng có những bước phát triển vượt bậc. Trong 10 năm trở lại đây, nhà trường đã chủ trì thực hiện 2 dự án quốc tế, 18 đề tài, dự án cấp Nhà nước và tương đương; 44 đề tài, dự án cấp bộ; 68 đề tài, dự án cấp tỉnh và 437 đề tài cấp cơ sở. Một số sản phẩm từ kết quả nghiên cứu của nhà trường đã được thương mại hóa, ứng dụng, chuyển giao rộng rãi ra một số tỉnh, thành trong cả nước như: Giống lúa Hồng Đức 9, Bơm thủy năng HĐBT, Công nghệ xử lý môi trường, Bộ chế phẩm Trico - HDU, giống ngô QT55... SV toàn trường cũng đã thực hiện 1.080 đề tài NCKH cấp Bộ GD&ĐT, đạt 3 giải nhì, 9 giải ba và 7 giải khuyến khích. CBGV nhà trường công bố 3.218 bài báo; trong đó có 366 bài công bố trên tạp chí quốc tế (273/366 bài thuộc danh mục Web of Scicence, Scopus). Trong xu hướng toàn cầu hóa mạnh mẽ, để bắt kịp tiến trình hội nhập, nhà trường cũng đặc biệt chú trọng phát triển hoạt động hợp tác quốc tế. Trong 25 năm qua, nhà trường đã mở rộng hợp tác với hơn 50 đối tác tại trên 25 quốc gia với các đối tác trọng tâm từ CHLB Đức, Pháp, Singapore, Ba Lan, Hoa Kỳ, Hàn Quốc... với nhiều chương trình hợp tác về đào tạo, NCKH, trao đổi CBGV, SV và chương trình công nhận tín chỉ như: Đề án “Liên kết đào tạo nguồn nhân lực trình độ ĐH và sau ĐH với các trường ĐH nước ngoài”; chương trình phối hợp NCKH và đào tạo với Trường ĐH Zielona Gora, Ba Lan...

Để giữ vững và phát huy những thành quả trong đào tạo, NCKH và hợp tác quốc tế, công tác xây dựng đội ngũ được nhà trường đặc biệt quan tâm, chú trọng. Theo đó, đảng ủy, ban giám hiệu nhà trường qua các thời kỳ đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và có những quyết sách đúng đắn, ban hành nhiều nghị quyết, quy định về công tác đào tạo, bồi dưỡng CBGV; xây dựng quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng CBGV qua từng giai đoạn và cụ thể hóa thành kế hoạch hàng năm hướng vào 3 mục tiêu: Đạt chuẩn trình độ, đạt chuẩn ngành đào tạo và mở ngành mới. Khi mới thành lập, trường chỉ có 11 tiến sĩ và 80 thạc sĩ, đến nay có 23 phó giáo sư và 162 tiến sĩ (tăng gấp 15 lần so với những ngày đầu thành lập). Hiện nhà trường có 651 CBGV và người lao động, trong đó giảng viên là 407 người (chiếm 62,51%), tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ đạt 39,8%, trong đó có 28 tiến sĩ được đào tạo hoàn toàn ở nước ngoài; 139 giảng viên có thể sử dụng thành thạo ngoại ngữ trong giảng dạy. Đây là đội ngũ mạnh so với nhiều trường ĐH trong nước, là nền tảng vững chắc để nhà trường phát triển ngành nghề, quy mô đào tạo và nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu xã hội.

Nếu như đội ngũ CBGV là khâu then chốt quyết định chất lượng đào tạo thì việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất được nhà trường xác định là yếu tố quan trọng để thực hiện chiến lược phát triển. Từ khi thành lập đến nay, Trường ĐH Hồng Đức đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng, phòng thí nghiệm, thư viện khang trang, hiện đại đáp ứng nhu cầu dạy, học, NCKH của CBGV và HSSV. Đặc biệt, để không ngừng cải tiến và nâng cao chất lượng hoạt động, khẳng định uy tín, vị thế và hội nhập toàn cầu, nhà trường luôn quan tâm đến công tác kiểm định chất lượng giáo dục. Tính đến tháng 7-2022, nhà trường đã kiểm định chất lượng 14 chương trình đào tạo đạt chuẩn; đăng ký kiểm định chất lượng trường (chu kỳ 2) và trở thành một trong số ít các trường ĐH trong cả nước đã thực hiện và đạt chuẩn kiểm định chất lượng trường ĐH chu kỳ 2. Kết quả này là nền tảng để nhà trường không ngừng cải tiến, nâng cao chất lượng đào tạo, khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường lao động, đồng thời bảo đảm cho sự phát triển bền vững của nhà trường.

Với những cố gắng, nỗ lực không ngừng và thành tích đạt được trong 25 năm xây dựng và phát triển, Trường ĐH Hồng Đức đã vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương Lao động hạng Nhì (năm 2011), Huân chương Lao động hạng Nhất (năm 2017); Cờ thi đua và Bằng khen của Chính phủ, Bộ GD&ĐT và các bộ, ngành Trung ương; Cờ thi đua và Bằng khen của Tỉnh ủy... Năm 2019, nhà trường xếp hạng 49/256 cơ sở giáo dục ĐH có công bố quốc tế tốt nhất Việt Nam. Năm 2017, nhà trường được Webometrics xếp thứ 45/100 trường ĐH tốt nhất Việt Nam, năm 2020 xếp thứ 36 và năm 2022 xếp thứ 32/100 trường ĐH tốt nhất tại Việt Nam.

Nhìn lại chặng đường 25 năm - một 1/4 thế kỷ xây dựng và phát triển, đến nay có thể khẳng định, Trường ĐH Hồng Đức đã trở thành cơ sở đào tạo, NCKH và chuyển giao công nghệ mạnh của tỉnh Thanh Hóa và khu vực Bắc Trung bộ, tạo được chỗ đứng và vị thế vững chắc trong hệ thống các trường ĐH Việt Nam, xứng đáng với niềm tin và sự kỳ vọng của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Con đường phía trước còn nhiều khó khăn, thử thách, song với thành tích và truyền thống đáng tự hào. Đặc biệt, mới đây Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có Kết luận số 953-KL/TU ngày 5-9-2022 về “Xây dựng và phát triển Trường ĐH Hồng Đức đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; UBND tỉnh cũng đã có Quyết định số 3169/QĐ-UBND ngày 22-9-2022 ban hành Đề án “Xây dựng và phát triển Trường ĐH Hồng Đức đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” với những quan điểm chỉ đạo, mục tiêu và các nhóm giải pháp cụ thể. Đây là cơ sở để Nhà trường sẵn sàng “Vững vàng đi tới”, xây dựng Trường ĐH Hồng Đức từng bước trở thành ĐH tự chủ, có hệ thống quản trị hiện đại, thông minh và chuyên nghiệp, là một trung tâm lớn về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, NCKH, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo của tỉnh, khu vực và cả nước.

PGS, TS Bùi Văn Dũng

Hiệu trưởng Trường ĐH Hồng Đức


PGS, TS Bùi Văn Dũng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]