(Baothanhhoa.vn) - Có một khóa học của những chàng trai, cô gái tromg một ngôi trường tọa lạc trên vùng đất trung du, nơi “dấy nghĩa” của vị “Anh hùng sơn cước”, sau này trở thành Bình Định Vương Lê Lợi – Lê Thái Tổ. Đó là khóa 13 (1972-1975) của trường cấp 3 Thọ Xuân 1 (THPT Lê Lợi).

Trai Lam Sơn trên đất “địa linh, nhân kiệt”!

Có một khóa học của những chàng trai, cô gái tromg một ngôi trường tọa lạc trên vùng đất trung du, nơi “dấy nghĩa” của vị “Anh hùng sơn cước”, sau này trở thành Bình Định Vương Lê Lợi – Lê Thái Tổ. Đó là khóa 13 (1972-1975) của trường cấp 3 Thọ Xuân 1 (THPT Lê Lợi).

Trai Lam Sơn trên đất “địa linh, nhân kiệt”!

Gần nửa thế kỷ đã trôi qua - từ khi xa mái trường yêu quý đã gắn bó tuổi thơ trong thời “bom rơi, đạn nổ”, hôm nay các cựu học sinh khóa 13 lại tề tựu về đây. Những mái đầu xanh tuổi trăng tròn năm nào giờ đây đã pha sương, thậm chí bạc trắng vì trải qua khốc liệt của chiến tranh và lo toan bộn bề của cuộc sống đời thường… Cuộc gặp mặt giữa thầy, cô với học trò cũ vô cùng cảm động. Mỗi bạn về đây đều có những tâm tư, tình cảm riêng nhưng hòa chung bầu không khí này là tâm trạng mừng vui khôn tả xen lẫn những khoảng lặng khi nhớ lại những bạn bè nay đã không còn vì đã hy sinh, bị bạo bệnh… Thật xúc động biết bao khi thấy những giọt nước mắt tràn mi của thầy mà giờ đây mái đầu đã bạc trắng; lăn trên gò má của trò mà tóc cũng hai phần điểm bạc…

Ngược dòng thời gian của 48 năm về trước, ngày nhập học cả khóa có 6 lớp, trên 300 học sinh, học trong các lán bé nhỏ, xung quanh đắp đất dày để tránh bom, đạn tại nơi sơ tán (xã Xuân Hòa). Năm 1973, khi hiệp định Pari được ký kết – “Một trời êm ả xanh không tưởng/ Mặt đất bình yên giấc trẻ thơ” - thầy, trò lại trở về “ngôi trường mơ ước” thời bấy giờ với khuôn viên thật đẹp và nên thơ… bên bờ sông Chu trong vắt, êm ả. Mỗi buổi sáng, trống trường lại điểm; đến khoảng 10 giờ, ve sầu lại kêu râm ran… nhưng vẫn không át được tiếng giảng bài say sưa của thầy và cô. Tình cảm gắn kết của các thầy giáo chúng tôi – đa số mới ra trường - tuổi đời và tuổi nghề còn rất trẻ; thầy chỉ hơn học trò lớn tuổi nhất khoảng 5-6 tuổi; nhưng quan hệ “thầy – trò” vẫn luôn là “tôn sư, trọng đạo”. Trò một mực yêu kính, tôn trọng thầy, thầy truyền lửa tri thức cho trò bằng tất cả sự say mê, yêu nghề và hết lòng yêu thương trò! Mỗi lần thầy về quê ăn Tết, phụ huynh lại gửi tặng bánh chưng, bánh tét, giò xào… Món quà tuy nhỏ bé nhưng chứa đựng biết bao nghĩa tình của học trò “chân quê” khiến thầy rưng rưng lệ…

Ở vùng quê này, có những học trò đi học không có nổi đôi dép (các bạn thường trêu là đi “chân chim”); nhưng chỉ 25 năm sau, nhờ sự quyết chí và may mắn, đã trở thành “bà chủ bất động sản”; nhưng vẫn giữ tấm lòng thơm thảo với bà con, họ hàng; có cán bộ an ninh cấp cao, khi về quê hương luôn giúp đỡ những bạn không “may mắn”; có học trò là chiến sĩ lái xe ở các chiến trường K, B…, khi trở lại đời thường lại quyết chí vượt khó để thành “doanh nhân”; có sinh viên khi sắp tốt nghiệp đại học, lên đường chống giặc phương Bắc; sau này đã trở thành giám đốc giỏi. Có học trò “may mắn” hơn, du học ở CHLB Đức, trở về làm giảng viên Đại học sư phạm kỹ thuật và là “nhạc trưởng” trong chiến dịch “tặng sách” cho học trò THPT Lê Lợi…

Sau gần nửa thế kỷ, khi gặp lại nhau những ký ức đẹp đẽ ấy lại hiện về như một cuốn phim quay chậm…

Những học trò chăm chỉ “dùi mài kinh sử”, sau vài chục năm đã trở thành cán bộ cấp cao quân đội, tiến sỹ, kỹ sư, bác sĩ, thầy giáo, doanh nhân, nông dân sản xuất giỏi…

Một điều rất đặc biệt của lứa học trò khóa này là khi học chưa xong lớp cuối cấp đã lên đường chống giặc Mỹ. Lớp trai Lam Sơn ra đi đã lập nhiều chiến công trên các chiến trường và không ít trong số đó đã “Cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh”! Các anh mãi mãi ra đi ở tuổi 20 mà chưa hề “được nắm tay bạn gái của mình” để nói một lời hẹn ước… Có những lúc cả thầy – Bí thư chi bộ và trò đều hành quân về miền Nam chống giặc…

Bốn năm sau (1979 – 1980), một số trai Lam Sơn – bấy giờ đã là sinh viên năm cuối của các trường Đại học – theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc lại lên đường, chiến đấu ở biên giới phía Bắc. Trong cuộc chiến này, không ít chàng trai trí thức tuổi mới ngoài đôi mươi cũng đã vĩnh viễn nằm xuống trên đất Mẹ, lấy máu đào “tô thắm thêm cho lá cờ Tổ quốc”! Cả khóa học có hơn 50 bạn gia nhập quân đội, công an và hàng chục trong số đó đã anh dũng hy sinh!

Lần về quê hương này, cựu học sinh của THPT Lê Lợi (ở các tỉnh phía Nam) đã làm một việc rất nhân văn là quyên góp (cả 2 đợt) được 4.500 đầu sách (tổng giá trị 145 triệu đồng) với tâm niệm “ không có sách thì không có tri thức” để hình thành “văn hóa đọc” và rèn luyện bản thân cho học trò trường Lê Lợi.

Thạc sĩ Trần Văn Đồng, Trưởng ban liên lạc – nguyên Phó bí thư Đảng ủy THPT Lê Lợi đã xúc động nói: “… Thật hạnh phúc vì đã được gặp lại các thầy, cô; được cùng các bạn sống lại khoảnh khắc của tuổi thanh xuân dưới mái trường cấp 3 Thọ Xuân 1 năm xưa… Dẫu rằng xa cách núi sông/ Mái đầu đã bạc, nhưng lòng nào quên/ Một thởi khổ học mà nên/ Thọ Xuân ơi lại càng thêm nặng tình…”.

Trước khi phải xa các học trò yêu quý, một thầy giáo đã nhắn nhủ các em: “… Dù cho tung cánh muôn phương/ Ơn thầy, tình bạn, nghĩa trường đinh ninh!”. Sau gần nửa thế kỷ, học trò đáp lại: “ 45 năm tốt nghiệp ra trường/ Về đây ôn lại thân thương một thời/ Dẫu cho vật đổi sao dời/ Tình thầy, nghĩa bạn suốt đời sáng trong!”

Cuộc gặp mặt sau hơn nửa đời người của cựu học sinh Thọ Xuân đã để lại một ấn tượng vô cùng đẹp cho các thầy, cô và các bạn bè. Cảm ơn tấm lòng của “đất học” Lam Sơn.

Võ Quốc Hiển


Võ Quốc Hiển

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]