(Baothanhhoa.vn) - Theo lộ trình năm học 2021-2022, Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 tiếp tục được triển khai đối với lớp 2 và lớp 6. Hiện, ngành giáo dục, chính quyền các địa phương đang tích cực chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, đội ngũ giáo viên... sẵn sàng thực hiện tốt yêu cầu chương trình GDPT mới đặt ra.

Tích cực chuẩn bị cho chương trình giáo dục phổ thông mới lớp 2 và lớp 6

Theo lộ trình năm học 2021-2022, Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 tiếp tục được triển khai đối với lớp 2 và lớp 6. Hiện, ngành giáo dục, chính quyền các địa phương đang tích cực chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, đội ngũ giáo viên... sẵn sàng thực hiện tốt yêu cầu chương trình GDPT mới đặt ra.

Tích cực chuẩn bị cho chương trình giáo dục phổ thông mới lớp 2 và lớp 6Trường Tiểu học và THCS Hoằng Đức I (Hoằng Hóa) chuẩn bị trang thiết bị phòng, lớp học sẵn sàng cho Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 2 và lớp 6.

Từ kết quả và kinh nghiệm triển khai Chương trình GDPT 2018 đối với lớp 1 trong năm học 2020-2021, Ban Giám hiệu Trường Tiểu học và THCS Hoằng Đức I (Hoằng Hóa) đã chủ động và sớm xây dựng kế hoạch triển khai chương trình đối với lớp 2 và lớp 6 trong năm học 2021-2022 tới. Cô giáo Lê Thị Bích Nga, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Hoằng Đức I, cho biết: Là trường có 2 cấp học nên công tác chuẩn bị triển khai có phần vất vả hơn các trường một cấp học. Tuy nhiên, nhờ kinh nghiệm thực hiện từ năm học 2020-2021 và sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng của 2 cấp học, nên nhà trường đang triển khai bài bản kế hoạch thực hiện chương trình mới ở cả lớp 2 và lớp 6. Về đội ngũ nhà giáo, quan điểm của nhà trường là ưu tiên những giáo viên cốt cán, giáo viên có chuyên môn vững vàng để tham gia giảng dạy lớp 2 và lớp 6. Đồng thời, tạo điều kiện để giáo viên tham gia đầy đủ các lớp tập huấn của ngành. Về cơ sở vật chất, để đáp ứng yêu cầu dạy và học, năm học 2021-2022 nhà trường ưu tiên, trang bị máy chiếu, ti vi cho lớp 2 và lớp 6, nâng cấp hệ thống mạng internet để các thầy cô giáo dễ dàng truy cập “sách mềm” giảng dạy cho học sinh một cách tốt nhất.

Ông Đoàn Đăng Khoa, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Hoằng Hóa, chia sẻ: Thực hiện Chương trình GDPT 2018 đối với lớp 2 và lớp 6, phòng giáo dục đã tham mưu cho UBND huyện dự trù kinh phí, huy động các nguồn lực mua sắm trang thiết bị, cơ sở vật chất, phấn đấu mỗi lớp 2 và lớp 6 sẽ được trang bị một ti vi màn hình rộng phục vụ việc dạy và học trước khi bắt đầu năm học 2021-2022. Cùng với đó, xây dựng kế hoạch tổ chức bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho cán bộ, giáo viên tất cả các trường học trên địa bàn về thực hiện chương trình sách giáo khoa (SGK) mới bảo đảm theo yêu cầu. Định hướng chung của ngành là từ cơ sở vật chất, trang thiết bị, người dạy, phương pháp dạy phải thực sự đồng bộ, việc dạy học của giáo viên phải chuyển từ truyền thụ kiến thức là chủ yếu sang dạy học phát triển phẩm chất, năng lực học sinh; mỗi giáo viên không ngừng đổi mới phương pháp giảng dạy phù hợp với năng lực học sinh, điều kiện và nhu cầu phát triển của xã hội.

Tại huyện Thọ Xuân, ngay sau khi có thông báo, hướng dẫn của Bộ GD&ĐT về Chương trình GDPT 2018 đối với lớp 2 và lớp 6, ngành giáo dục huyện đã triển khai thực hiện các bước theo yêu cầu và chỉ đạo sát sao của ngành, của tỉnh và huyện. Theo ông Lê Huy Nhị, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Thọ Xuân, việc triển khai Chương trình GDPT 2018 ở lớp 2 và lớp 6 trên địa bàn huyện có nhiều thuận lợi về cơ sở vật chất. Hiện nay, toàn huyện có 35 trường tiểu học, 32 trường THCS, 2 trường tiểu học và THCS đạt chuẩn quốc gia. Các trường tiểu học có đầy đủ phòng học đáp ứng học 2 buổi/ngày. Hệ thống trang thiết bị dạy học cũng được quan tâm đầu tư mua sắm, bổ sung tương đối đồng bộ, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Tính riêng từ năm học 2019-2020 đến nay, từ nhiều nguồn kinh phí, huyện Thọ Xuân đã đầu tư hàng chục tỷ đồng xây dựng mới, sửa chữa nhiều hạng mục công trình cho các nhà trường...

Bên cạnh cơ sở vật chất, công tác chuẩn bị về đội ngũ cũng được ngành giáo dục huyện đặc biệt chú trọng. Ông Nhị cho rằng, yếu tố quan trọng nhất góp phần triển khai thành công chương trình mới là chất lượng đội ngũ giáo viên, do đó công tác này được đặt lên hàng đầu. Yêu cầu đặt ra của ngành giáo dục huyện là các nhà trường phải ưu tiên lựa chọn những giáo viên có năng lực chuyên môn sâu, kỹ năng tốt, có khả năng ứng dụng công nghệ thông tin, nhạy bén, tiếp thu và áp dụng tốt các phương pháp dạy học mới để đảm nhiệm giảng dạy khối lớp 2, lớp 6. Bên cạnh đó, khuyến khích giáo viên nâng cao tính chủ động, sáng tạo, tự trau dồi kiến thức, kỹ năng, phương pháp dạy học mới, tạo nguồn cho triển khai chương trình mới ở những học năm sau. Về việc lựa chọn SGK, phòng giáo dục huyện quán triệt và thực hiện nghiêm túc theo Thông tư số 25/2020/TT-BGDĐT ngày 26-8-2020 của Bộ GD&ĐT.

Được biết, để chuẩn bị tốt các điều kiện cho thực hiện Chương trình GDPT 2018 đối với lớp 2 và lớp 6, cùng với sự chủ động từ mỗi địa phương, thời gian qua, Sở GD&ÐT đã triển khai nhiều giải pháp như tăng cường bồi dưỡng, tập huấn nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên; tập huấn triển khai Chương trình GDPT 2018; rà soát toàn bộ hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, thực trạng đội ngũ giáo viên, qua đó từng bước bổ sung, tăng cường nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới... Năm 2021, Sở GD&ĐT đã tham mưu và được UBND tỉnh phê duyệt 145 tỷ đồng mua sắm trang thiết bị dạy học tối thiểu cho lớp 2 và lớp 6 cho các nhà trường. Theo đó, trường học có từ 1 - 4 lớp 2, lớp 6 được cấp 1 gói thiết bị dạy học tối thiểu, trường có từ 5 lớp 2, lớp 6 trở lên được cấp 2 gói thiết bị dạy học tối thiểu... Ngoài ra, Sở GD&ĐT đã hướng dẫn, chỉ đạo sát sao việc lựa chọn SGK theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ GD&ĐT. Ông Trịnh Vĩnh Long, Trưởng Phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD&ĐT cho biết: Năm học 2020-2021, việc chọn SGK lớp 1 được thực hiện theo Thông tư số 01/2020/TT-BGDĐT ngày 30-1-2020 của Bộ GD&ĐT. Theo đó, quá trình chọn SGK giao quyền chủ động cho các trường học. Tuy nhiên, năm học 2021-2022, việc lựa chọn SGK được thực hiện theo Thông tư 25/2020/TT-BGDĐT ngày 26-8-2020 của Bộ GD&ĐT. Theo đó, UBND tỉnh sẽ chịu trách nhiệm quyết định lựa chọn SGK dựa trên đề xuất của hội đồng lựa chọn SGK để sử dụng ổn định trong cơ sở GDPT. Căn cứ nội dung thông tư cũng như chỉ đạo của UBND tỉnh, thời gian qua, việc lựa chọn SGK được thực hiện nghiêm túc, thuận lợi. Hiện, Sở GD&ĐT đã tổng hợp kết quả lựa chọn từ các địa phương, các nhà trường và đang trình UBND tỉnh xem xét quyết định. Có thể khẳng định, ngoài khó khăn về việc thiếu giáo viên ở cấp tiểu học, hiện nay, công tác chuẩn bị cho Chương trình GDPT 2018 đối với lớp 2 và lớp 6 trên địa bàn tỉnh diễn ra khá thuận lợi, bảo đảm yêu cầu.

Theo đánh giá của nhiều cán bộ quản lý và giáo viên các nhà trường, sau quá trình triển khai ở lớp 1 trong năm học 2020-2021, việc chuẩn bị cho Chương trình GDPT 2018 đối với lớp 2 và lớp 6 trong năm học tới được ngành và chính quyền các cấp thực hiện sớm hơn, chủ động hơn. Các địa phương, ngành giáo dục và các nhà trường đã chủ động rà soát cơ sở vật chất, trang thiết bị; lựa chọn, bố trí nguồn lực hợp lý. Mặc dù thiếu giáo viên, thế nhưng, ngành giáo dục các huyện, thị xã, thành phố cũng đã ưu tiên, lựa chọn giáo viên đủ về số lượng, bảo đảm về chất lượng tham gia giảng dạy lớp 2 và lớp 6 trong năm học 2021-2022. Tâm thế của đội ngũ nhà giáo cũng đã sẵn sàng thực hiện với mục tiêu đạt kết quả cao nhất.

Hy vọng, với sự chuẩn bị đầy đủ về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực, sự quyết tâm của toàn ngành, sự nỗ lực từ mỗi cán bộ, giáo viên, Chương trình GDPT 2018 đối với lớp 2 và lớp 6 sẽ được triển khai hiệu quả tại trường học trên địa bàn tỉnh trong năm học tới và những năm tiếp theo.

Bài và ảnh: Phong Sắc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]