(Baothanhhoa.vn) - Theo thống kê, tỉnh Thanh Hóa hiện thiếu hơn 10.000 giáo viên khi năm học mới 2022-2023 đã đến. Điều này đang đặt ra không ít khó khăn, thách thức cho toàn ngành giáo dục tỉnh nhà trong việc giữ vững và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo.

Thiếu giáo viên trước thềm năm học mới 2022-2023 (Bài 1): Bài toán khó

Theo thống kê, tỉnh Thanh Hóa hiện thiếu hơn 10.000 giáo viên khi năm học mới 2022-2023 đã đến. Điều này đang đặt ra không ít khó khăn, thách thức cho toàn ngành giáo dục tỉnh nhà trong việc giữ vững và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo.

Thiếu giáo viên trước thềm năm học mới 2022-2023 (Bài 1): Bài toán khóCô và trò Trường Tiểu học Ban Công (Bá Thước) những ngày đầu tựu trường năm học mới 2022-2023. Ảnh: Linh Hương

Thiếu giáo viên ở tất cả các cấp học

Bắt đầu từ năm học 2022-2023, Tiếng Anh và Tin học trở thành môn học bắt buộc từ lớp 3 thay vì là môn tự chọn như trước đây. Tuy nhiên, việc thiếu trầm trọng giáo viên môn Tin học đang là “bài toán khó” đối với các địa phương. Trường Tiểu học Thành Yên là trường học thuộc khu vực 2 của huyện Thạch Thành. Nhà trường hiện có 2 điểm trường, điểm trường chính và điểm trường Thành Tân. Điểm trường Thành Tân cách khu trung tâm 8,5 km và cách trung tâm huyện hơn 30 km. Bên cạnh cơ sở vật chất đang được huyện quan tâm đầu tư thì khó khăn lớn nhất hiện nay của nhà trường là thiếu giáo viên. Thầy giáo Lê Huy Tiễn, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: Năm học mới 2022-2023, nhà trường có 15 lớp nhưng hiện chỉ có 13 cán bộ quản lý, giáo viên (có 7 giáo viên văn hóa, 1 giáo viên Thể dục, 1 giáo viên Âm nhạc), như vậy, theo quy định, nhà trường hiện thiếu 13,5 giáo viên. Để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Trường Tiểu học Thành Yên chưa có phòng Tin học, chưa có giáo viên Tin học. Đây cũng là khó khăn chung của huyện Thạch Thành khi cả huyện còn thiếu khoảng 400 giáo viên theo biên chế tỉnh giao, còn nếu tính theo nhu cầu thực tế thì số giáo viên còn thiếu cao hơn nhiều.

Thầy giáo Phạm Văn Hưng, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Thạch Thành, cho biết: Huyện Thạch Thành hiện thiếu nhiều nhất là giáo viên văn hóa và giáo viên Tin học. Chuẩn bị cho năm học mới, Phòng GD&ĐT huyện đã rà soát và tham mưu cho Phòng Nội Vụ, UBND huyện tuyển mới giáo viên theo phương án đã được UBND tỉnh chấp thuận. Tuy nhiên, khó nhất hiện nay là không có nguồn để tuyển giáo viên nên chắc chắn sau khi tuyển dụng, huyện Thạch Thành vẫn sẽ thiếu giáo viên. Và như vậy, bài toán thiếu giáo viên tại huyện Thạch Thành vẫn chưa có lời giải.

Thiếu giáo viên, hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin, mạng internet - một trong những điều kiện dạy học môn Tin học chưa đồng bộ... cũng là thực trạng tại huyện Bá Thước. Địa phương này hiện còn thiếu khoảng 120 giáo viên các cấp học. Riêng giáo viên môn Tin học bậc tiểu học, huyện mới chỉ có 2 giáo viên trên tổng số 22 trường tiểu học và 2 trường liên cấp tiểu học và THCS. Để chuẩn bị cho năm học mới, Phòng GD&ĐT huyện Bá Thước đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn các địa phương, nhà trường chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên; xây dựng các kế hoạch, phương án thực hiện dạy học môn Tiếng Anh, môn Tin học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đúng lộ trình quy định. Tuy nhiên, nhiều trường học trên địa bàn huyện Bá Thước vẫn đang loay hoay với bài toán thiếu giáo viên. Thầy giáo Nguyễn Tất Dũng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ban Công, cho biết: Trước thực trạng thiếu giáo viên, những năm học trước, nhà trường đã sắp xếp cho học sinh học 2 ca sáng, chiều. Tuy nhiên, từ năm học 2022-2023, thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 yêu cầu học sinh phải học 2 buổi/ngày đang đặt ra cho nhà trường rất nhiều khó khăn trong việc phân công giảng dạy, đặc biệt là việc sắp xếp lịch dạy của giáo viên sao cho hợp lý tại cả 3 điểm trường.

Theo báo cáo từ Sở GD&ĐT, hiện toàn tỉnh có hơn 53.000 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Trong khi đó, năm học 2022-2023 dự tính có tổng số hơn 914.000 học sinh. Nếu tính theo quy định của Bộ GD&ĐT, nhu cầu đội ngũ cán bộ, giáo viên công lập năm học 2022-2023 là 63.088 người, trong đó giáo viên là 52.673. Như vậy so với số lượng giáo viên hiện thiếu 10.276 giáo viên (mầm non thiếu 4.510 giáo viên, tiểu học thiếu 4.011 giáo viên, THCS thiếu 1.377, THPT thiếu 378 giáo viên). Còn tính theo quy định của tỉnh, nhu cầu đội ngũ cán bộ, giáo viên công lập là 59.332 người, trong đó có 48.881 giáo viên, thiếu 6.484 giáo viên so với số giáo viên hiện có (mầm non thiếu 2.036 giáo viên, tiểu học thiếu 3.241, THCS thiếu 974, THPT thiếu 233). Việc thiếu giáo viên ở tất cả các bậc học đã và đang đặt ra cho ngành GD&ĐT Thanh Hóa không ít khó khăn, thách thức.

Những vấn đề đặt ra

Tình trạng thiếu giáo viên khiến các địa phương gặp nhiều khó khăn trong việc bố trí chuyên môn, quản lý con người và tổ chức các hoạt động giáo dục... đặc biệt là khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Cô giáo Lê Thúy Lan, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Như Thanh, cho biết: Tình trạng thiếu giáo viên khiến cho các cơ sở giáo dục gặp không ít khó khăn trong việc phân công chuyên môn, nhiều nhà trường phải tiếp nhận giáo viên liên trường, thậm chí có trường phải tiếp nhận từ 4 đến 5 giáo viên liên trường. Điều này gây khó khăn trong việc sắp xếp thời gian, quản lý con người và chất lượng giáo dục. Ngoài ra, nguồn nhân lực thiếu khiến các nhà trường không có thời gian tổ chức các hoạt động bồi dưỡng, phụ đạo cho học sinh năng khiếu cũng như học sinh yếu kém. Từ đó ảnh hưởng đến việc tăng cường các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của các nhà trường theo các đề án mà huyện, sở đã ban hành.

Chia sẻ về những khó khăn, thách thức do việc thiếu giáo viên, ông Lò Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Bá Thước, nhấn mạnh: Việc thiếu giáo viên đã, đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của cả giáo viên và “sức khỏe” chất lượng giáo dục huyện nhà do giáo viên phải dạy liên trường rất vất vả, không còn thời gian đầu tư sâu cho chuyên môn, đổi mới phương pháp giảng dạy. Trong khi đó, Bá Thước vẫn còn là huyện nghèo, địa bàn rộng, địa hình phức tạp; quy mô trường lớp nhỏ, nhiều điểm lẻ; cơ sở vật chất ở các điểm lẻ xuống cấp nghiêm trọng, nhiều trường học còn thiếu nhà hiệu bộ, phòng học bộ môn, thư viện... cũng đã ảnh hưởng không nhỏ đến mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục.

Theo nhiệm vụ chuyên môn, năm học 2022-2023, cô giáo Phạm Thị Thúy, giáo viên Trường Tiểu Ban Công (Bá Thước) tiếp tục được phân công dạy môn Mỹ thuật tại 3 khu của Trường Tiểu học Ban Công; ngoài ra, cô còn được phân công nhiệm vụ dạy liên trường tại Trường THCS Thành Lâm (xã Thành Lâm) cách Trường Tiểu học Ban Công nơi cô công tác khoảng 8 km. Chia sẻ về việc dạy liên trường, cô Thúy cho biết: “Do thiếu giáo viên Mỹ thuật nên tôi và một số đồng nghiệp cùng dạy môn Mỹ thuật trên địa bàn huyện đều phải dạy liên trường. Việc dạy liên trường với quãng đường đi lại xa khiến tôi gặp không ít khó khăn. Đấy là chưa nói đến việc dạy liên trường, liên cấp phải đầu tư khá nhiều thời gian vào việc nghiên cứu soạn thảo giáo án, phương pháp giảng dạy, đồ dùng dạy học phù hợp ở cả hai cấp học... Vẫn biết, việc thiếu giáo viên là khó khăn chung của toàn ngành, tuy nhiên, nếu được bố trí dạy liên trường trong xã thì giáo viên sẽ đỡ vất vả hơn và có nhiều thời gian cho việc nghiên cứu chuyên môn, nâng cao chất lượng giảng dạy chương trình mới”.

Năm học 2022–2023 là năm thứ 3 ngành giáo dục thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và cũng là năm đầu tiên triển khai đối với lớp 10. Thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, học sinh lớp 10 sẽ học 8 môn bắt buộc gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng - an ninh, Hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp, Nội dung giáo dục của địa phương, Lịch sử. Với các môn tự chọn, học sinh chọn học 5 môn khác từ 3 nhóm môn (mỗi nhóm chọn ít nhất một môn): Khoa học xã hội (Địa lý, Giáo dục kinh tế và Pháp luật); Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học); nhóm môn Công nghệ và Nghệ thuật (Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật - Âm nhạc và Mỹ thuật). Như vậy học sinh sẽ có nhiều lựa chọn cho mình, song đó cũng là trăn trở của mỗi nhà trường khi thiếu giáo viên đứng lớp. Thầy giáo Lê Đăng Điển, Hiệu trưởng Trường THPT Thiệu Hóa, chia sẻ: Do những năm trước không dạy các môn thuộc nhóm Công nghệ và Nghệ thuật nên nhà trường không có giáo viên biên chế các môn này. Việc hợp đồng giáo viên cũng sẽ nảy sinh rất nhiều vấn đề cần như: Nếu không có giáo viên nghệ thuật, nhà trường sẽ không đáp ứng được nhu cầu của học sinh. Tuy nhiên, nếu tuyển giáo viên mà trò không chọn học thì lại dôi dư giáo viên. Do đó, trong giai đoạn đầu triển khai dạy các môn tự chọn, nhà trường chưa thể triển khai dạy hai môn Âm nhạc và Mỹ thuật. Những năm sau, dựa vào hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT, nhà trường sẽ bổ sung dần giáo viên trong các nhóm còn thiếu để mở rộng các tổ hợp, giúp học sinh có nhiều lựa chọn hơn.

Khó khăn là điều đang hiện hữu, tuy nhiên, để hoàn thành mục tiêu giáo dục toàn diện, toàn ngành giáo dục tỉnh nhà vẫn đang nỗ lực, quyết tâm cùng các ngành, các địa phương thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.

Linh Hương



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]