(Baothanhhoa.vn) - Sắp xếp mạng lưới trường, lớp học phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục là yêu cầu tất yếu trong giai đoạn hiện nay. Triển khai sắp xếp theo lộ trình với những giải pháp cụ thể, sát với thực tế mỗi địa phương sẽ là tiền đề quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) của tỉnh nhà.

Sắp xếp mạng lưới trường lớp đáp ứng yêu cầu phát triển

Sắp xếp mạng lưới trường, lớp học phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục là yêu cầu tất yếu trong giai đoạn hiện nay. Triển khai sắp xếp theo lộ trình với những giải pháp cụ thể, sát với thực tế mỗi địa phương sẽ là tiền đề quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) của tỉnh nhà.

Sắp xếp mạng lưới trường lớp đáp ứng yêu cầu phát triểnSau khi sáp nhập Trường Tiểu học và THCS Nguyễn Xuân Nguyên được chuyển về cơ sở mới khang trang đáp ứng yêu cầu đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục.

Sau khi rà soát thực tế, đầu năm học 2020-2021 ngành giáo dục huyện Quảng Xương quyết định sáp nhập Trường Tiểu học Quảng Giao với Trường THCS Quảng Giao trên địa bàn xã Quảng Giao và đổi tên thành Trường Tiểu học và THCS Nguyễn Xuân Nguyên. Việc sáp nhập vừa thực hiện kế hoạch của ngành, vừa tạo thuận lợi trong công tác quy hoạch, đầu tư cơ sở vật chất, chỉ đạo, điều hành, quản lý. Cô giáo Nguyễn Thị Liên, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Nguyễn Xuân Nguyên cho hay: Thực hiện thành công việc sắp xếp, sáp nhập trường tiểu học và THCS trên địa bàn thể hiện quyết tâm cao của các cấp ủy đảng, chính quyền, ngành giáo dục và Nhân dân địa phương cũng như sự nỗ lực cố gắng của các thầy, cô giáo và học sinh 2 nhà trường. Đặc biệt, sau khi sáp nhập được tiếp nhận cơ sở vật chất hết sức thuận lợi của Trường THPT Nguyễn Xuân Nguyên đã giải thể, nên nhà trường đã nhanh chóng đi vào ổn định, với nhiều hoạt động giáo dục được tổ chức hiệu quả, tạo chuyển biến trong chất lượng. Nội bộ nhà trường đoàn kết, thầy, cô giáo cũng xác định được trách nhiệm và quyết tâm thực hiện hiệu quả chủ trương sáp nhập trường của tỉnh, huyện và ngành giáo dục.

Được biết, cùng với Trường Tiểu học và THCS Nguyễn Xuân Nguyên, từ năm 2015 đến nay, ngành giáo dục huyện Quảng Xương đã phối hợp với các địa phương rà soát, sắp xếp, sáp nhập thành công nhiều đơn vị trường, như sáp nhập Trường THCS thị trấn với Trường THCS Quảng Tân thành Trường THCS Lưu Vệ; sáp nhập Trường THCS Quảng Vọng với Trường THCS Quảng Phúc; Trường Tiểu học Quảng Vọng với Trường Tiểu học Quảng Phúc; sáp nhập Trường Tiểu học Quảng Lĩnh với Trường Tiểu học Quảng Lợi thành Trường Tiểu học Tiên Trang. Theo đồng chí Nguyễn Thị Thu, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Quảng Xương, việc sắp xếp, sáp nhập trường học trên địa bàn huyện được thực hiện đúng pháp luật và bảo đảm các trình tự theo quy định; được sự đồng thuận của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân địa phương. Ngay sau khi sắp xếp, sáp nhập các đơn vị trường đã ổn định cả về tổ chức bộ máy cũng như các hoạt động giáo dục và từng bước nâng cao chất lượng dạy và học.

Nhiều năm qua Trường THCS Châu Lộc (Hậu Lộc) chỉ duy trì 4 lớp với trên dưới 150 học sinh; Trường THCS Triệu Lộc cũng chỉ có 8 lớp với hơn 200 học sinh, không bảo đảm số lớp học theo quy định. Vì vậy, cuối năm 2020, 2 trường này được sáp nhập và lấy tên là Trường THCS Triệu Lộc. Thầy giáo Lê Trọng Sửu, Hiệu trưởng Trường THCS Triệu Lộc, chia sẻ: Trước khi sáp nhập, cán bộ quản lý, giáo viên các nhà trường và cả phụ huynh luôn đặt ra câu hỏi: Liệu việc đi lại của học sinh ở những thôn cách xa trường hơn 4km có được bảo đảm?. Thế nhưng, ngay sau khi sáp nhập, chính quyền địa phương đã quy hoạch xây dựng mới tuyến đường giao thông, rút ngắn khoảng cách một số thôn trong xã khi đến trường. Cùng với đó là sự nỗ lực, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn của đội ngũ cán bộ, giáo viên và học sinh, nên sau một học kỳ sáp nhập các hoạt động giáo dục của nhà trường vẫn được giữ vững và có nhiều chuyển biến tích cực. Kết thúc năm học 2020-2021, nhà trường được đánh giá và xếp đứng đầu cụm thi đua số 1 vùng đồi của huyện. Đây là kết quả mà 3 năm học qua nhà trường chưa đạt được. Điều này cũng minh chứng cho thành quả của việc sáp nhập trường. Bởi sau khi sáp nhập quy mô trường lớp tăng lên; đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên được sắp xếp hợp lý; các hoạt động đoàn thể cũng phong phú hơn, chất lượng sinh hoạt tổ chuyên môn được nâng lên. Qua đó, tạo không khí thi đua sôi nổi, thúc đẩy thầy và trò tích cực hơn trong giảng dạy, học tập và rèn luyện.

Theo thống kê của Sở GD&ĐT, từ năm 2015 đến nay, toàn tỉnh đã giảm được hơn 130 trường mầm non, tiểu học và THCS công lập. Đối với cấp THPT, trong năm 2018 và 2019, toàn tỉnh giảm được 13 trường, đơn cử như: Trường THPT Đinh Chương Dương (Hậu Lộc), THPT Lê Văn Linh (Thọ Xuân), THPT Triệu Sơn 6 (Triệu Sơn), THPT Trần Khát Chân (Vĩnh Lộc), THPT Trần Ân Chiêm (Yên Định), THPT Nguyễn Xuân Nguyên (Quảng Xương)... Hầu hết các trường sau khi sáp nhập đều tập trung nâng cao công tác quản lý; tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ, giáo viên dạy chéo môn được khắc phục tối đa; chất lượng sinh hoạt tổ, nhóm chuyên môn không ngừng được nâng lên; quy mô các nhà trường sau sáp nhập đủ lớn để thực hiện các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ trong nhà trường. Công tác quản lý Nhà nước, quản lý giáo dục được tăng cường, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông, nâng cao chất lượng giáo dục.

Tuy nhiên, hiện nay mạng lưới trường mầm non, tiểu học, THCS và trường phổ thông có nhiều cấp học của tỉnh vẫn tồn tại một số hạn chế, đó là: một số trường mầm non, tiểu học ở khu vực miền núi còn nhiều khu lẻ, cơ sở vật chất không bảo đảm cho việc dạy và học theo yêu cầu đổi mới; số trường tiểu học, THCS có quy mô nhỏ (hạng 2, hạng 3) còn lớn. Theo thống kê, toàn tỉnh còn 130 trường tiểu học, THCS có quy mô nhỏ (tiểu học dưới 10 lớp, THCS dưới 8 lớp). Trong đó cấp tiểu học có 33 trường, tập trung ở các huyện như Thạch Thành, Hà Trung, Nông Cống, Thọ Xuân... Cấp THCS có 97 trường thuộc các huyện như Quan Hóa, Bá Thước, Hậu Lộc, Nga Sơn... Quy mô trường lớp nhỏ đã và đang gây khó khăn trong việc sắp xếp, bố trí giáo viên, nhất là trong hoạt động chuyên môn, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục.

Mục tiêu đặt ra của ngành giáo dục tỉnh nhà là đến năm 2025, tổng số trường học từ bậc mầm non đến bậc THCS trên địa bàn tỉnh giảm còn 1.803 trường (giảm 67 trường so với năm 2021). Để đạt được mục tiêu này, ngoài việc xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện cũng như nỗ lực của ngành giáo dục, cần sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt hơn nữa của các cấp chính quyền, sự đồng thuận của các tầng lớp Nhân dân. Quan điểm của tỉnh và ngành giáo dục là việc sắp xếp phải phù hợp với tình hình thực tế, bảo đảm sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả các nguồn lực, cơ sở vật chất ngày càng tốt hơn, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh cũng như thực hiện hiệu quả mục tiêu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục.

Bài và ảnh: Phong Sắc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]