(Baothanhhoa.vn) - Với tinh thần chủ động, sáng tạo, quyết liệt và linh hoạt trong mọi hoàn cảnh, đến thời điểm này ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) tỉnh nhà đã xây dựng các phương án, “kế hoạch kép” sẵn sàng tâm thế cho năm học mới 2021-2022 với mục tiêu vừa đón học sinh tựu trường vào ngày 1-9 an toàn, vừa ứng phó hiệu quả trước diễn biến phức tạp, khó lường, khó đoán định của dịch bệnh COVID-19.

Sẵn sàng các điều kiện cho năm học mới 2021-2022: Bài 1 - Thực hiện “Kế hoạch kép”

Với tinh thần chủ động, sáng tạo, quyết liệt và linh hoạt trong mọi hoàn cảnh, đến thời điểm này ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) tỉnh nhà đã xây dựng các phương án, “kế hoạch kép” sẵn sàng tâm thế cho năm học mới 2021-2022 với mục tiêu vừa đón học sinh tựu trường vào ngày 1-9 an toàn, vừa ứng phó hiệu quả trước diễn biến phức tạp, khó lường, khó đoán định của dịch bệnh COVID-19.

Sẵn sàng các điều kiện cho năm học mới 2021-2022: Bài 1 - Thực hiện “Kế hoạch kép”Cơ sở vật chất phòng, lớp học tại Trường Tiểu học và THCS Hoằng Đức 1 (Hoằng Hóa) đã được chuẩn bị chu đáo sẵn sàng cho năm học mới 2021-2022. Ảnh: phong sắc

Chuẩn bị tốt các điều kiện

Nhằm bảo đảm cơ sở vật chất (CSVC) trường, lớp cho năm học mới, ngay sau khi kết thúc năm học 2020-2021, việc chỉnh trang khuôn viên, sửa chữa, xây mới hệ thống CSVC, mua sắm thêm các trang thiết bị phục vụ công tác giảng dạy và học tập được các nhà trường triển khai thực hiện. Ngoài sửa chữa, nâng cấp một số hạng mục nhỏ, như bổ sung bàn ghế, trang trí các phòng học, nhiều trường đã huy động hàng tỷ đồng từ xã hội hóa giáo dục và ngân sách địa phương đầu tư xây mới phòng học, nhà ăn bán trú, khuôn viên nhà trường... Tại huyện miền núi Lang Chánh, mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng thời gian qua, huyện đã dành nguồn kinh phí đầu tư cho giáo dục. Ông Lê Minh Thư, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Lang Chánh, cho biết: “Năm học này, từ nguồn vốn địa phương huyện Lang Chánh đã đầu tư xây mới 23 phòng học, phòng học bộ môn cho 7 trường học thuộc 3 cấp học mầm non, tiểu học và THCS. Ngoài ra, huyện cũng đã hỗ trợ kinh phí để các nhà trường mua sắm bổ sung trang thiết bị giáo dục, đáp ứng yêu cầu dạy và học. Dự kiến năm học 2021-2022, toàn huyện sẽ huy động 12.088 học sinh ra lớp, trong đó có 3.069 học sinh cấp mầm non; 4.552 học sinh tiểu học; 3.033 học sinh cấp THCS; 1.270 cấp THPT và 164 học sinh khối giáo dục thường xuyên.

Để chuẩn bị cho năm học mới, từ đầu tháng 6-2021, huyện Hoằng Hóa đã chỉ đạo Phòng GD&ĐT huyện phối hợp với các phòng, ban liên quan tổ chức khảo sát, thẩm định đối với những trường có nhu cầu tu sửa, nâng cấp CSVC và mua sắm trang thiết bị, đồ dùng dạy học, sắp xếp lại quy mô trường lớp. Qua đó xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng. Căn cứ vào kết quả kiểm tra, khảo sát, phòng giáo dục huyện đã tích cực chỉ đạo các nhà trường, nhất là những trường được huyện hỗ trợ kinh phí nâng cấp phòng học, chỉnh trang khuôn viên, xây dựng chuẩn quốc gia như: Trường THCS Hoằng Xuyên, Tiểu học Hoằng Thịnh, Mầm non Hoằng Phú... triển khai thực hiện hiệu quả, chất lượng các công trình đáp ứng yêu cầu dạy và học trong năm học mới. Đến thời điểm này, các công trình sửa chữa, nâng cấp và xây mới đã cơ bản hoàn thành, bảo đảm phục vụ tốt cho năm học mới 2021-2022.

Có thể thấy, so với mọi năm, công tác chuẩn bị CSVC cho năm học mới 2021-2022 ở các địa phương được thực hiện từ khá sớm. Khoảng cuối tháng 5 khi học sinh được nghỉ hè, nhiều trường học đã triển khai công tác nâng cấp, sửa chữa và xây dựng mới CSVC. Sự chủ động này, nhằm tránh tình trạng một số công trình lớn thực hiện không kịp phục vụ khai giảng năm học, hay khi vào học vẫn còn công trình xây dựng gây ảnh hưởng đến hoạt động học tập. Ngoài ra, để bảo đảm chất lượng dạy và học trong cả năm học, ngành GD&ĐT các huyện, thị xã, thành phố cũng đã thực hiện tốt khâu sắp xếp, ổn định đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên tại các nhà trường; tổ chức các lớp tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, giáo viên; đề ra các nhiệm vụ trọng tâm để tập trung thực hiện, như: Tổ chức tốt hoạt động giáo dục ở các cấp học; đổi mới mạnh mẽ phương pháp giảng dạy; tăng cường đầu tư CSVC, thiết bị giáo dục; quy hoạch, phát triển mạng lưới trường, lớp phù hợp với từng địa phương...

Ông Tạ Hồng Lựu, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, cho biết: Ngành đã chỉ đạo các phòng GD&ĐT, các đơn vị trường bố trí, sắp xếp giáo viên bảo đảm theo yêu cầu, trong đó đặc biệt quan tâm đến việc lựa chọn, sắp xếp giáo viên phụ trách các lớp đầu cấp, các lớp đang triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Cùng với đó, công tác tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cũng được ngành triển khai theo đúng kế hoạch và dưới nhiều hình thức khác nhau cả trực tiếp và trực tuyến, nhằm đáp ứng yêu cầu nâng cao kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ nhà giáo trước năm học mới. Quan điểm của ngành là từ CSVC, trang thiết bị, người dạy, phương pháp dạy phải thực sự đồng bộ, việc dạy học của giáo viên phải chuyển từ truyền thụ kiến thức là chủ yếu sang dạy học phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.

Ngoài việc tích cực chuẩn bị CSVC, năm nay, các trường học còn tập trung chuẩn bị các điều kiện cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 như trang bị đầy đủ máy đo thân nhiệt, dung dịch sát khuẩn, tập huấn quy trình phòng, chống dịch COVID-19, tiến hành phun khử trùng trường lớp; thường xuyên cập nhật tình hình sức khỏe học sinh khi các em đi học trở lại... Các nhà trường cũng đã xây dựng kế hoạch huy động giáo viên, vận động phụ huynh học sinh tham gia vệ sinh, sát khuẩn trường lớp; thực hiện tuyên truyền, nhắc nhở không chỉ với giáo viên, học sinh mà còn phổ biến rộng rãi cho cả phụ huynh học sinh để cùng chung tay phòng, chống và đẩy lùi dịch bệnh.

Sẵn sàng kích hoạt dạy online

Xác định dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp nên việc dạy, học chung với dịch là điều không thể tránh khỏi. Vì vậy các địa phương, đơn vị trường đã chủ động xây dựng kế hoạch, kịch bản cho nhiều tình huống có thể diễn ra do dịch. Ông Đoàn Đăng Khoa, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Hoằng Hóa, cho biết: “Song song với việc chuẩn bị CSVC trường, lớp học đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng dạy và học, phòng giáo dục huyện đã chỉ đạo, hướng dẫn các nhà trường đầu tư mua sắm đầy đủ trang thiết như máy đo thân nhiệt, khẩu trang, nước sát khuẩn... phục vụ cho công tác phòng, chống dịch COVID-19. Đồng thời, xây dựng phương án chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết, nguồn nhân lực phục vụ cho việc học online nếu trường hợp dịch bệnh kéo dài, học sinh không thể đến trường học tập trung. Qua ra soát thống kê, hiện tỷ lệ trường tiểu học và THCS trong huyện có thể tổ chức tốt việc dạy học online chiếm khoảng 65%”.

Phát huy kinh nghiệm trong tổ chức dạy học online của năm học trước, năm học 2021-2022 này, Trường THCS Điện Biên (TP Thanh Hóa) cũng đã chuẩn bị mọi điều kiện từ đội ngũ giáo viên, kế hoạch bài giảng đến CSVC cho việc dạy học trực tuyến khi có yêu cầu. Cô giáo Hoàng Thị Sơn Quyên, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Điện Biên, cho biết: “Được sự hỗ trợ của Viettel Thanh Hóa trong đợt dịch COVID-19 tháng 4-2020, nhà trường đã tổ chức dạy học online qua phần mềm ViettelStudy cho học sinh toàn trường. Việc làm này đã nhận được sự quan tâm, đồng thuận của cả giáo viên, học sinh, phụ huynh và đạt nhiều kết quả tích cực. Trước khi bước vào năm học mới 2021-2022, nhà trường cũng đã xây dựng phương án tổ chức dạy học online và triển khai đến toàn thể giáo viên để chủ động ứng phó trước diễn biến mới của dịch bệnh COVID-19. Hiện, giáo viên nhà trường đã được tập huấn và thành thạo kỹ năng dạy học online, triển khai soạn thảo bài giảng ở các môn học sẵn sàng kích hoạt hệ thống dạy học này khi có yêu cầu”.

Bàn về vấn đề dạy học online cho học sinh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Tạ Hồng Lựu, chia sẻ: Nhằm ứng phó với đại dịch COVID-19 trong năm học vừa qua, toàn ngành giáo dục đã rất nỗ lực vượt qua khó khăn và áp lực; đồng thời có thêm nhiều kinh nghiệm để triển khai thực hiện các nhiệm vụ năm học dưới nhiều hình thức, trong đó có việc dạy học online. Năm học mới 2021-2022 đã cận kề, trong khi dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, khó lường, vì vậy Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các nhà trường tổ chức lễ khai giảng năm học mới cho tất cả các cấp học ngay tại lớp học vào ngày 5-9 tới đây. Các nội dung khai giảng sẽ được thực hiện qua hệ thống loa truyền thanh của nhà trường hoặc trực tuyến. Đây là yêu cầu bắt buộc đối với mỗi đơn vị trường. Sau khai giảng, các nhà trường tổ chức dạy học bình thường và thực hiện nghiêm các khâu phòng, chống dịch COVID-19. Ngoài ra, ngành cũng đã chỉ đạo các nhà trường chuẩn bị tốt các điều kiện sẵn sàng kích hoạt hệ thống dạy học online bất kỳ thời điểm nào để không làm gián đoạn chương trình giáo dục. Vẫn biết nhiều địa phương, trường học, đặc biệt là khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn sẽ gặp khó khi triển khai nhiệm vụ này, nhưng đây là giải pháp tối ưu khi học sinh không học tập trung tại trường. Tới đây, ngành sẽ có hướng dẫn cụ thể về việc dạy, học online cho học sinh trên cơ sở quy định, hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.

Cũng theo ông Lựu, dù còn nhiều khó khăn và chịu ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, nhưng với trách nhiệm và sự nỗ lực của ngành giáo dục nói chung, của mỗi cán bộ, giáo viên, nhân viên nói riêng và sự quan tâm của các cấp chính quyền, sự đồng thuận của các tầng lớp Nhân dân, đến thời điểm này công tác chuẩn bị đã cơ bản hoàn thành, sẵn sàng đón học sinh bước vào năm học mới 2021-2022 với niềm tin mới, khí thế mới.

Phong Sắc

Bài 2: Các trường được sử dụng làm nơi cách ly tập trung gấp rút chuẩn bị cho ngày tựu trường.



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]