(Baothanhhoa.vn) - Thực hiện lộ trình Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018, thời điểm này ngành giáo dục Thanh Hóa đã sẵn sàng các điều kiện khai giảng năm học và triển khai chương trình GDPT mới đối với lớp 2 và lớp 6 năm học 2021-2022.

Sẵn sàng các điều kiện cho năm học mới 2021-2022: Bài cuối - Thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 2 và lớp 6 - Chủ động tâm thế và nguồn lực

Thực hiện lộ trình Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018, thời điểm này ngành giáo dục Thanh Hóa đã sẵn sàng các điều kiện khai giảng năm học và triển khai chương trình GDPT mới đối với lớp 2 và lớp 6 năm học 2021-2022.

Sẵn sàng các điều kiện cho năm học mới 2021-2022: Bài cuối - Thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 2 và lớp 6 - Chủ động tâm thế và nguồn lựcTrường Tiểu học Điện Biên 1 (TP Thanh Hóa), đang xây dựng thêm phòng học, để đáp ứng cho chương trình dạy và học năm 2021-2022. Ảnh: Nguyễn Đạt

Tin liên quan:

Những thay đổi tích cực

Chương trình GDPT mới thực hiện đối với lớp 1 năm học 2020-2021, đã cho thấy những điểm mới, ưu việt của chương trình, sách giáo khoa (SGK) mới, cùng nhiều tín hiệu tích cực từ khả năng tiếp thu, tính chủ động, tích cực của học sinh. Tuy nhiên bên cạnh đó, vẫn còn không ít ý kiến gây tranh cãi bởi theo Thông tư 01/2020/TT-BGDĐT ngày 30-1-2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), việc chọn SGK lớp 1 năm học 2020-2021 do hội đồng trường lựa chọn, quyết định dẫn đến tình trạng “mỗi nơi một kiểu”. Đồng thời, gây nên không ít bất cập trong tổ chức dạy và học; sinh hoạt chuyên môn; tập huấn giáo viên. Trước thực trạng trên ngày 26-8-2020, Bộ GD&ĐT đã có Thông tư 25/2020/TT-BGDĐT về việc chọn SGK trong trường phổ thông.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Quyết định số 1766/QĐ-UBND ngày 26-5-2021 về Danh mục SGK lớp 1, lớp 2 và lớp 6 sử dụng trong cơ sở GDPT trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, năm học 2021-2022, gồm: Cánh diều (Nhà xuất bản Đại học Sư phạm và Nhà xuất bản Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh); Chân trời sáng tạo và bộ sách Kết nối tri thức với Cuộc sống (Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam). Việc lựa chọn SGK trong 3 bộ sách này được đánh giá là có tính “ưu việt” hơn so với SGK lớp 1 năm học 2020-2021. Bởi quan điểm chung trong việc lựa chọn SGK năm học 2021–2022, là phải có tính thống nhất, kế thừa và phát triển, phù hợp với đặc điểm điều kiện địa lý, kinh tế - xã hội cũng như điều kiện tổ chức dạy học ở các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh.

Từ sự thay đổi này, việc triển khai chương trình và SGK mới lớp 2, lớp 6 mang lại nhiều kỳ vọng về chất lượng, hiệu quả giáo dục. Đồng thời, cũng đặt ra nhiều thách thức cho các nhà trường, nhất là đội ngũ giáo viên.

Chia sẻ về vấn đề này, cô giáo Phạm Thị Mai Hoa, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Điện Biên 1 (TP Thanh Hóa), cho biết: Rút kinh nghiệm từ năm học trước, đối với SGK lớp 2 năm nay, Bộ GD&ĐT đã kiểm soát chặt việc thực nghiệm và lấy ý kiến rộng rãi với các bản mẫu SGK trước khi ban hành. Đồng thời, Bộ GD&ĐT cũng có quy định cấu trúc bài học trong SGK mới, bao gồm 4 thành phần cơ bản: Mở đầu, kiến thức mới, luyện tập và vận dụng. Do đó, khi học sinh học sách này, sau đó có chuyển sang học sách khác, về cơ bản học sinh cũng không gặp khó khăn và giáo viên cũng dễ dàng bắt nhịp với phương pháp dạy mới. Năm học 2021-2022, Trường Tiểu học Điện Biên 1 có 6 lớp 2, với 282 học sinh. Định hướng chung của trường từ cơ sở vật chất, trang thiết bị, người dạy, phương pháp dạy phải thực sự đồng bộ, việc dạy học của giáo viên phải chuyển từ truyền thụ kiến thức là chủ yếu sang dạy học phát triển phẩm chất, năng lực học sinh; mỗi giáo viên không ngừng đổi mới phương pháp giảng dạy phù hợp với năng lực học sinh, điều kiện và nhu cầu phát triển của xã hội.

Khác với chương trình tiểu học, chương trình lớp 6 có nhiều đổi mới hơn so với chương trình hiện hành. Bởi sẽ bắt đầu triển khai dạy các môn tích hợp như môn Lịch sử và Địa lí, Khoa học tự nhiên, cùng hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp. Đánh giá việc tích hợp các môn học trong SGK lớp 6 mới phù hợp với thực tiễn và yêu cầu đổi mới, cũng như hứa hẹn sẽ đem lại hiệu quả tích cực đối với sự phát triển của học trò, tuy nhiên, cô Trịnh Thị Diệp, Hiệu trưởng Trường THCS Cẩm Giang (Cẩm Thủy), cho rằng, sẽ có khó khăn bước đầu cho đội ngũ giáo viên, nhất là giáo viên dạy các môn tích hợp, trong khi các nhà trường lại đang thiếu giáo viên. Mặc dù vậy, để triển khai chương trình lớp 6 đạt hiệu quả cao nhất, ban giám hiệu nhà trường đã sớm lựa chọn giáo viên “cứng” về chuyên môn để giảng dạy khối 6. Mặt khác, cử giáo viên tham dự đầy đủ các lớp tập huấn do ngành tổ chức; đồng thời yêu cầu giáo viên tự tìm tòi, nghiên cứu và đề xuất các phương pháp giảng dạy để đạt hiệu quả cao nhất.

Sẵn sàng cho năm học mới

Huyện Cẩm Thủy hiện có 55 trường từ bậc học mầm non đến THCS, trong đó khối lớp 2 có 69 lớp, với 2.016 học sinh; khối 6 có 38 lớp, với 1.383 học sinh. Để thực hiện hiệu quả Chương trình GDPT 2018 đối với lớp 2 và lớp 6, ông Lưu Xuân Hồng, Phó trưởng Phòng GD&ĐT Cẩm Thủy, chia sẻ: Bên cạnh đội ngũ giáo viên thì cơ sở vật chất là một trong những điều kiện quyết định sự thành công khi triển khai Chương trình GDPT 2018. Do đó, ngành GD&ĐT huyện đã thực hiện rà soát, đánh giá thực trạng quy mô, mạng lưới trường lớp, học sinh; nhu cầu cơ sở vật chất, phòng học, phòng chức năng, thiết bị dạy học để có sửa chữa, bổ sung kịp thời. Qua rà soát, tất cả các trường trên địa bàn huyện đều đã có tivi và lắp đặt mạng internet; nhiều trường đã có phòng máy vi tính đáp ứng được nhu cầu dạy và học của bộ môn Tin học...

Năm học mới 2021-2022, TP Thanh Hóa có tổng số 176 lớp 2, với 7.103 học sinh; 141 lớp 6 với 5.344 học sinh. Ông Lê Thành Đồng, Phó Trưởng Phòng GD&ĐT TP Thanh Hóa, cho biết: Ngành giáo dục TP Thanh Hóa đã hoàn thành việc xét tuyển sinh lớp 1, lớp 6 đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng; SGK khối lớp 2 và lớp 6 đã được phân bổ về các trường để phát cho học sinh; phòng GD&ĐT đang phối hợp, chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn rà soát, tu sửa cơ sở vật chất trường, lớp học, sửa chữa, mua sắm trang thiết bị, đồ dùng dạy học phục vụ năm học mới, đặc biệt ưu tiên cho việc thực hiện chương trình GDPT mới. Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, các nhà trường cũng đã tiến hành vệ sinh trường lớp, chuẩn bị đầy đủ khẩu trang, nước sát khuẩn tay, máy đo thân nhiệt... đảm bảo an toàn cho học sinh khi bước vào năm học mới.

Để đáp ứng yêu cầu đặt ra của Chương trình GDPT 2018, Sở GD&ĐT đã tăng cường tập huấn, hướng dẫn giáo viên về nội dung hình thức, phương pháp dạy học; phát huy tính chủ động, tích cực, tự học của học sinh thông qua việc thiết kế tiến trình dạy học thành các hoạt động học, thực hiện cả ở trong lớp và ngoài lớp học. Bên cạnh đó, Sở GD&ĐT và các địa phương quan tâm đầu tư cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT. Sở GD&ĐT đã tham mưu, trình UBND tỉnh phê duyệt kinh phí 145 tỷ đồng mua sắm trang thiết bị dạy học tối thiểu của lớp 2 và lớp 6 cho các nhà trường. Theo đó, trường học có từ 1 - 4 lớp 2, lớp 6 được cấp 1 gói thiết bị dạy học tối thiểu; trường có từ 5 lớp 2, lớp 6 trở lên được cấp 2 gói thiết bị dạy học tối thiểu... Đồng thời, Sở GD&ĐT cũng chỉ đạo các trường đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chương trình SGK mới tới phụ huynh, học sinh nhằm tạo sự đồng thuận khi thực hiện chương trình mới.

Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị triển khai chương trình GDPT mới đã được tiến hành đồng bộ, toàn diện, gồm các điều kiện về đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất. Thành công của chương trình sẽ góp vào thành công chung của ngành giáo dục Thanh Hóa trong năm học mới 2021–2022.

Nguyễn Đạt



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]