(Baothanhhoa.vn) - Năm học mới đã cận kề, thế nhưng nỗi lo, sự bàng hoàng vẫn chưa hết với người dân và các em học sinh ở bản Sa Ná, xã Na Mèo (Quan Sơn) khi trận lũ dữ quét qua gây thiệt hại lớn về người, tài sản của người dân đồng thời cuốn trôi toàn bộ điểm trường tiểu học của bản này.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Sa Ná và nỗi lo trước thềm năm học mới

Sa Ná và nỗi lo trước thềm năm học mới

Trong chốc lát điểm Trường tiểu học khu Son, nơi học tập của 71 em học sinh bản Son và bản Sa Ná bị nước lũ cuốn tan hoang. Ảnh: Phong Sắc

Năm học mới đã cận kề, thế nhưng nỗi lo, sự bàng hoàng vẫn chưa hết với người dân và các em học sinh ở bản Sa Ná, xã Na Mèo (Quan Sơn) khi trận lũ dữ quét qua gây thiệt hại lớn về người, tài sản của người dân đồng thời cuốn trôi toàn bộ điểm trường tiểu học của bản này.

Cơn lũ đi qua đã cuốn phăng, vùi lấp khu nhà ở của giáo viên, các phòng học, phòng chức năng, toàn bộ trang thiết bị dạy học như: Bàn ghế, máy vi tính, ti vi, sách vở, đồ dùng học tập của học sinh, giáo viên... của điểm trường tiểu học thuộc Trường Tiểu học Na Mèo. Tại điểm Trường Mầm non Sa Ná, lũ cũng làm nứt và thấm dột, không còn khả năng sử dụng trong năm học mới. Trước cảnh tượng tan hoang của bản làng sau cơn lũ dữ, các thầy, cô giáo ngậm ngùi, xót xa, các em học sinh thẫn thờ khi biết mình không còn đồ dùng học tập để sử dụng trong năm học mới. Và nỗi buồn lớn hơn là có tới 3 học sinh bị nước lũ cuốn trôi, trong đó, em Hà Văn Quỳnh, học sinh lớp 4 khu Sa Ná, Trường Tiểu học Na Mèo đã tìm thấy thi thể; 2 em vẫn còn mất tích, gồm: Em Hà Văn Chấn, học sinh lớp 2 khu Sa Ná, Trường Tiểu học Na Mèo và em Thao Anh Xuân, học sinh lớp 3 khu Mùa Xuân thuộc Trường Tiểu học Sơn Thủy. Gia cảnh của cô giáo Nguyễn Thị Tiếm, giáo viên Trường Mầm non Na Mèo cũng vô cùng đáng thương. Nước lũ tràn về đã cuốn trôi đứa con trai 3 tháng tuổi của vợ chồng cô, đến nay vẫn chưa tìm thấy. Chồng cô bị nước cuốn làm gãy xương sườn, dập thận nặng, đang cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Những lo lắng, đau thương sau cơn lũ đã hằn rõ lên từng khuôn mặt của người dân nơi đây. Đứng dậy và bước tiếp là tất yếu, nhưng bước như thế nào vẫn đang là nỗi trăn trở và lo lắng của người dân và học sinh ở Sa Ná, nhất là khi năm học mới đang đến gần.

Theo báo cáo của Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Quan Sơn, trận mưa lũ vừa qua khiến hệ thống cơ sở vật chất một số trường học trên địa bàn huyện bị thiệt hại nặng nề, trong đó có 5 trường mầm non, 3 trường tiểu học, 1 trường TH&THCS, 1 trường THCS, ước tính thiệt hại khoảng trên 8 tỷ đồng. Năm học mới đã cận kề, cấp ủy, chính quyền và ngành giáo dục địa phương đang gấp rút chuẩn bị các điều kiện để các em học sinh ở những điểm trường bị ảnh hưởng bởi mưa lũ trong toàn huyện nói chung và gần 130 học sinh mầm non, tiểu học của bản Son và bản Sa Ná nói riêng được tựu trường đúng kế hoạch. Ông Lê Đình Xuân, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện, cho hay: Để ổn định công tác dạy và học tại các điểm trường bị thiệt hại do thiên tai, Phòng GD&ĐT huyện đã thành lập đoàn đi kiểm tra thực tế, chỉ đạo các đơn vị báo cáo với địa phương, lên phương án khắc phục hậu quả để bảo đảm điều kiện dạy và học được ổn định ngay trước khi bước vào năm học mới. Đối với điểm Trường Mầm non Sa Ná, không còn cách nào khác, trước mắt nhà trường và địa phương khắc phục thấm dột để có phòng học cho học sinh. Đối với điểm trường tiểu học thuộc Trường Tiểu học Na Mèo, toàn bộ cơ sở vật chất đã bị lũ cuốn trôi. Phương án sử dụng nhà văn hóa bản Son để làm phòng học đã được đưa ra nhưng không khả thi bới không đảm bảo an toàn cho việc học tập, khi tường nhà văn hóa bị nứt nghiêm trọng. Do vậy, để có nơi tổ chức dạy học cho học sinh, phòng GD&ĐT đã lên phương án mượn tạm 4 nhà dân, đồng thời kêu gọi ủng hộ, sử dụng bàn ghế, trang thiết bị của các đơn vị hỗ trợ phục vụ cho năm học mới. Ngoài ra, phương án lắp ghép các phòng học tạm cũng đã được phòng GD&ĐT, chính quyền địa phương tính đến trong trường hợp việc tổ chức dạy, học ở nhà dân không bảo đảm. Cũng theo ông Xuân, về lâu dài để có cơ sở vật chất bảo đảm cho dạy và học ở những điểm trường bị hư hại, Phòng GD&ĐT huyện đã tham mưu cho UBND huyện đề nghị tỉnh, ngành chức năng hỗ trợ đầu tư kinh phí xây mới 5 phòng học, 3 phòng nhà ở giáo viên và các công trình phụ trợ; cấp trang thiết bị, bàn ghế và đồ dùng dạy học cho điểm trường tiểu học, thuộc Trường Tiểu học Na Mèo. Xây mới 4 phòng học, 1 bếp ăn bán trú cho học sinh và các công trình phụ trợ, trang cấp trang thiết bị và đồ dùng dạy học cho điểm trường mầm non khu Chè, thuộc Trường Mầm non Trung Tiến. Xây mới 5 phòng học, 2 phòng nhà ở giáo viên, 1 bếp ăn bán trú cho học sinh và các công trình phụ trợ, cung cấp trang thiết bị và đồ dùng dạy học cho điểm trường mầm non khu Sa Ná, thuộc Trường Mầm non Na Mèo.

Được biết, ngoài huyện Quan Sơn, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, một số huyện miền núi của tỉnh như: Mường Lát, Quan Hóa, Bá Thước, Cẩm Thủy cũng bị thiệt hại về cơ sở vật chất ở các nhà trường. Trong đó, huyện Mường Lát có 9 trường bị ảnh hưởng, gồm: 1 trường mầm non, 3 trường tiểu học, 5 trường THCS. Riêng Trường Tiểu học Nhi Sơn có 2 phòng học đang xây dựng bị vùi lấp. Tổng kinh phí huyện Mường Lát đề xuất khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra tại các trường trên địa bàn huyện là 12,9 tỷ đồng. Huyện Quan Hóa có 3 trường bị ảnh hưởng, gồm: 1 trường mầm non, 1 trường tiểu học, 1 trường THCS. Tổng kinh phí đề xuất để khắc phục là 450 triệu đồng. Huyện Bá Thước có 9 trường học bị ảnh hưởng, gồm: 5 trường mầm non, 3 trường tiểu học, 1 trường THCS. Kinh phí đề xuất để khắc phục là 3,98 tỷ đồng. Tại huyện Cẩm Thủy có Trường TH&THCS Cẩm Lương bị nước ngập sâu 1,5m vào khu nhà hiệu bộ, khu phòng học làm hư hỏng 160 bộ bàn ghế 2 chỗ ngồi...

Ông Hoàng Văn Thi, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết, để chuẩn bị cho năm học mới 2019-2020, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các đơn vị, trường học huy động nhân lực, vật lực khắc phục hậu quả mưa lũ, bảo đảm các điều kiện phục vụ năm học mới. Riêng các điểm trường thuộc bản Son và bản Sa Ná, xã Na Mèo, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo Phòng GD&ĐT huyện, đồng thời cử đoàn công tác nắm bắt tình hình, phối hợp với chính quyền địa phương khắc phục hậu quả theo phương án mà Phòng GD&ĐT huyện Quan Sơn đã xây dựng. Cùng với đó, tích cực tham mưu với UBND tỉnh triển khai thực hiện đề xuất của huyện Quan Sơn về xây dựng cơ sở vật chất lâu dài cho các điểm trường. Trước mắt ưu tiên mọi nguồn lực của sự nghiệp giáo dục tập trung khắc phục kịp thời cho các điểm trường thuộc bản Son, bản Sa Ná và bằng mọi giá phải có nơi học cho học sinh khi vào năm học mới.

Năm học mới 2019-2020 sắp bắt đầu, nhưng thầy và trò các trường học bị ảnh hưởng bởi mưa lũ, nhất là các điểm trường ở bản Son, bản Sa Ná đang đứng trước bộn bề khó khăn. Sự quan tâm kịp thời của cấp ủy, chính quyền các cấp và các nhà hảo tâm lúc này là hết sức cần thiết để thầy và trò các nhà trường vững tin bước vào năm học mới; để các em học sinh nơi vùng cao biên giới có thêm động lực phấn đấu vươn lên vì một tương lai tươi sáng.

Phong Sắc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]