(Baothanhhoa.vn) - Chống lạm thu là một trong những nhiệm vụ quan trọng mà ngành giáo dục đặt ra và yêu cầu các trường phải thực hiện nghiêm túc. Thế nhưng, vấn đề này vẫn “nóng” mỗi khi bước vào năm học mới và trở thành câu chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Quyết liệt chống lạm thu đầu năm học

Chống lạm thu là một trong những nhiệm vụ quan trọng mà ngành giáo dục đặt ra và yêu cầu các trường phải thực hiện nghiêm túc. Thế nhưng, vấn đề này vẫn “nóng” mỗi khi bước vào năm học mới và trở thành câu chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”.

Quyết liệt chống lạm thu đầu năm học

Siết chặt quản lý lạm thu, xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, xanh, sạch, đẹp và an toàn là giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo ở các nhà trường.

Những năm gần đây, kinh phí đầu tư cho giáo dục đã được nâng lên, song vẫn chưa đáp ứng yêu cầu thực tế. Việc phát triển cơ sở vật chất (CSVC), nâng cao chất lượng giảng dạy luôn là mong muốn của tất cả phụ huynh và các nhà trường. Để thực hiện được điều đó, các trường học đã đẩy mạnh công tác xã hội hóa, huy động sự đóng góp từ nhiều nguồn lực, trong đó có gia đình các em học sinh (HS). Tuy nhiên, trên thực tế nhiều khoản thu theo hình thức “tự nguyện” hay “xã hội hóa” lại khiến các bậc phụ huynh cảm thấy không hài lòng bởi đã là “tự nguyện” thì không được bình quân hóa, định ra một mức “sàn”. Điều đáng nói là danh mục các khoản thu mỗi năm lại được bổ sung và đôi khi lại có các khoản chồng chéo nhau. Ví như, đã có khoản tiền mua đồ dùng, đồ chơi, lại có khoản thu hỗ trợ trang trí lớp; đã có khoản xã hội hóa giáo dục lại có thêm khoản hỗ trợ mua ti vi, máy chiếu, xây dựng khuôn viên... Được biết, nhiều năm qua, hầu hết các trường học đều thu tiền xã hội hóa giáo dục, trường ít thì từ 200.000 đến 300.000 đồng, nhiều thì 500.000 đến 1 triệu đồng/HS. Điều này khiến cho không ít phụ huynh có hoàn cảnh khó khăn phải gồng mình để đóng góp, thậm chí có những khoản phải “Ngậm bồ hòn làm ngọt” chỉ với một lý do đơn giản là không muốn ảnh hưởng đến học tập của con mình.

Theo nhiều cán bộ quản lý giáo dục, nguyên nhân của tình trạng lạm thu là do kinh phí chi nghiệp vụ của các nhà trường hiện nay không đảm bảo 10%. Nhu cầu mua sắm, sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất ngày càng nhiều, trong khi không được “danh chính ngôn thuận” thu khoản tiền xây dựng khiến nhiều trường “lách luật”, đặt ra những khoản thu không có trong quy định nên mức thu mỗi nơi một kiểu... Thực tế, các khoản thu phải có sự đồng thuận của phụ huynh và các trường phải công khai, thống nhất với phụ huynh. Nếu có sự bất thường trong thu, chi thì phụ huynh chính là “kênh” giám sát quan trọng, trung thực nhất. Thế nhưng, trong khi các cấp chính quyền cũng như ngành giáo dục chưa xử lý triệt để, hay vẫn còn nhẹ tay đối với các đơn vị vi phạm, nhiều bậc phụ huynh HS bức xúc nhưng lại không mạnh dạn lên tiếng phản đối, nếu có làm đơn gửi các cơ quan chức năng cũng không ký tên. Cùng với đó là tâm lý “đóng góp cho xong chuyện” đã khiến cho tình trạng lạm thu vẫn “nóng” mỗi khi bước vào năm học mới.

Khi các khoản thu ngoài quy định bị “phanh phui” thì câu trả lời quen thuộc của lãnh đạo các nhà trường là nhà trường không quy định, hội phụ huynh HS tự bàn bạc, tự thu và tự chi. Trong khi Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT ngày 22-11-2011 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) ban hành điều lệ ban đại diện cha mẹ học sinh (CMHS) quy định rất rõ, ban đại diện CMHS không có chức năng thu, chi tài chính trong trường học, dù đó là khoản thu tự nguyện. Vậy trách nhiệm thuộc về ai?. Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Dũng, Chánh Thanh tra Sở GD&ĐT cho biết: “Để siết chặt tình trạng lạm thu trong trường học, hằng năm, Sở GD&ĐT đều có văn bản chỉ đạo và yêu cầu các nhà trường quán triệt, nắm vững, thực hiện nghiêm túc các quy định của ngành; thực hiện công khai, dân chủ các khoản thu, chi tới phụ huynh nhằm tạo sự đồng thuận trong Nhân dân. Đồng thời, yêu cầu các nhà trường không được đặt ra các khoản thu không có trong quy định, quá cao và kiên quyết xử lý nếu đơn vị vi phạm. Năm học 2020-2021, Sở GD&ĐT chỉ đạo các trường học trong tỉnh phải chấm dứt việc lợi dụng danh nghĩa ban đại diện CMHS để thu các khoản thu ngoài quy định”.

Theo chỉ đạo của Sở GD&ĐT, ban đại diện CMHS không được thu tiền bảo vệ CSVC và an ninh trường học; khen thưởng cán bộ, giáo viên, nhân viên; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ, giáo viên, nhân viên; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường. Sở GD&ĐT cũng yêu cầu các nhà trường không thu đóng góp của CMHS để phục vụ chi thường xuyên mà ngân sách Nhà nước đã bố trí theo quy định như: Chi hỗ trợ hoạt động giáo dục, điện sáng, bảo vệ trường, nước sinh hoạt, hoạt động tập thể, thi đua khen thưởng, phụ đạo HS yếu, bồi dưỡng HS giỏi (văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao...). Không được thu tiền vệ sinh trường, lớp và các công trình vệ sinh (đối với HS THCS, THPT, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên, Trung tâm Giáo dục thường xuyên, Trung tâm KTTH-HN tỉnh), các trường phải tổ chức cho HS lao động để rèn luyện kỹ năng sống, giáo dục ý thức giữ gìn vệ sinh và bảo vệ CSVC trường, lớp theo Chỉ thị số 15/CT-UBND ngày 27-8-2018 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa...

Văn bản chỉ đạo là vậy, song, thực tế, vẫn còn nhiều trường chưa thực hiện nghiêm túc. Sau hơn 1 tháng bước vào năm học mới 2020-2021 đã có không ít trường học đưa ra những khoản thu khiến phụ huynh HS bất bình, như: Tiền trang trí lớp, tiền hỗ trợ giáo viên đi thi giáo viên giỏi, phí phát triển trường, tiền học tiếng Anh ngoài giờ lên lớp, tiền cắt tỉa cây, đổ rác... Thực tế này đòi hỏi ngành giáo dục, chính quyền các địa phương cần tăng cường kiểm tra, rà soát chấn chỉnh tình trạng lạm thu để vấn đề đóng góp đầu năm không còn là nỗi “ám ảnh” đối với nhiều phụ huynh HS.

Bài và ảnh: PS


Bài Và Ảnh: PS

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

1 bình luận

 Lê Thị Hương - 15:48 10/10/21

 Trả lời

Báo nói đúng lắm. Thực tế vẫn còn nhiều trường chưa thực hiện việc thu đúng. (Trường Tiểu học Đông Hải 2 là một ví dụ). Bản thân tôi là phụ huynh cũng rất bức xúc nhưng không dám lên tiếng.

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]