(Baothanhhoa.vn) - Nhiều năm qua, công tác tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho học sinh (HS) phổ thông được ngành giáo dục tỉnh nhà và các đơn vị chức năng quan tâm thực hiện. Theo đó, các đơn vị trường đã tích cực định hướng và dạy học theo phương châm gắn lý thuyết với thực tiễn, giúp HS dễ dàng tiếp cận, tìm hiểu, lựa chọn ngành học, nghề học phù hợp với năng lực bản thân.

Quan tâm tư vấn hướng nghiệp vì tương lai tươi sáng

Nhiều năm qua, công tác tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho học sinh (HS) phổ thông được ngành giáo dục tỉnh nhà và các đơn vị chức năng quan tâm thực hiện. Theo đó, các đơn vị trường đã tích cực định hướng và dạy học theo phương châm gắn lý thuyết với thực tiễn, giúp HS dễ dàng tiếp cận, tìm hiểu, lựa chọn ngành học, nghề học phù hợp với năng lực bản thân.

Quan tâm tư vấn hướng nghiệp vì tương lai tươi sángGiới thiệu ngành nghề đào tạo cho các em học sinh trên địa bàn tỉnh tại chương trình tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp năm 2021 do Báo Tuổi trẻ phối hợp với ngành giáo dục và Tỉnh đoàn Thanh Hóa tổ chức.

Với HS cuối cấp, nhất là cấp THPT, thì đây là thời điểm quan trọng để đưa ra quyết định mang tính bước ngoặt cuộc đời. Theo con đường đại học; chuyển sang trường nghề; hay trực tiếp tham gia thị trường lao động phổ thông sau kỳ thi tốt nghiệp THPT?... Quyết định học gì, làm gì đương nhiên do chính các em lựa chọn. Song vai trò hướng nghiệp của người thầy, của nhà trường là không hề nhỏ. Từ định hướng của thầy, cô giáo, HS sẽ có cái nhìn đúng đắn, khách quan trong lựa chọn nghề nghiệp dựa trên năng lực, sở trường của mình, cũng như nhu cầu về nguồn nhân lực trong từng lĩnh vực của xã hội.

Qua tìm hiểu tại Trường THPT Quảng Xương 2 (Quảng Xương) chúng tôi nhận thấy, công tác hướng nghiệp cho HS được nhà trường triển khai thực hiện khá bài bản, nền nếp. Theo thầy giáo Nguyễn Văn Ngọc, hiệu trưởng nhà trường, hoạt động tư vấn, hướng nghiệp được thực hiện ngay từ khối 10 bằng việc thành lập và đưa vào hoạt động các câu lạc bộ gắn với sở thích, năng khiếu của HS. Qua đó giúp các em phát huy năng lực ở từng lĩnh vực và lựa chọn cho mình ngành nghề phụ hợp. Bên cạnh đó, theo phân phối chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hằng tháng, mỗi lớp đều có 1 tiết hướng nghiệp do giáo viên chủ nhiệm giảng dạy. Vì vậy nhà trường yêu cầu giáo viên chủ nhiệm chủ động lên kế hoạch, xây dựng nội dung và lựa chọn hình thức giáo dục hướng nghiệp cho HS một cách phù hợp. Đặc biệt, đối với HS khối 12, nhà trường còn phối hợp với các trường đại học, cao đẳng, trường nghề trong và ngoài tỉnh, tổ chức chương trình giao lưu trực tiếp, chia sẻ, nói chuyện về ngành nghề triển vọng nhằm giúp các em có được cái nhìn đầy đủ về nghề nghiệp cũng như ngành học mà mình lựa chọn. Ngoài ra, nhà trường cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khóa cho HS giúp các em lựa chọn ngành nghề phù hợp với năng lực bản thân...

Tại Trường THPT Hậu Lộc 3 (Hậu Lộc), cùng với công tác phân luồng giáo dục, nhà trường đã chủ động nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của HS, qua đó, tư vấn, định hướng cho các em lựa chọn hướng đi đúng đắn, phù hợp. Bên cạnh đó, nhà trường thường xuyên mời đại diện một số trường đại học, trường dạy nghề có chất lượng, các công ty, doanh nghiệp trong tỉnh về tư vấn, phân tích cho các em HS hiểu rõ các vấn đề, như: Xã hội đang cần lao động ở những lĩnh vực nào? học nghề nào phù hợp với khả năng của các em và xu thế của thời đại?... Các buổi tư vấn được HS đón nhận và bước đầu tạo sự chuyển biến trong nhận thức của HS cũng như phụ huynh trong lựa chọn ngành nghề. Cách làm của Trường THPT Hậu Lộc 3 đã và đang mang lại kết quả tích cực, khi mỗi năm nhà trường có 45% HS sau khi tốt nghiệp THPT lựa chọn học nghề và lao động phổ thông; 55% HS theo học đại học, cao đẳng... Em Nguyễn Kim Anh, HS lớp 12B1, Trường THPT Hậu Lộc 3, chia sẻ: “Từ hoạt động tư vấn, hướng nghiệp của thầy, cô giáo em cũng như các bạn sớm xác định ngành nghề, trường đại học mà mình sẽ dự thi, xét tuyển phù hợp với năng lực của bản thân, điều kiện gia đình cũng như nhu cầu của xã hội. Từ đó, em phấn đấu học tập, rèn luyện để đạt được mục tiêu đề ra”.

Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, hiện nay, đa số HS và các bậc phụ huynh đều mong muốn sau khi tốt nghiệp THPT con em mình sẽ tham gia xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng. Bởi lẽ, con đường đi từ THPT tới đại học, cao đẳng ngày càng được rút ngắn. Thống kê của ngành chức năng cho thấy, số HS cuối cấp THPT trong toàn tỉnh có nhu cầu xét tuyển vào đại học, cao đẳng hiện vẫn chiếm khoảng 60%. Như vậy, vấn đề đặt ra là công tác tư vấn hướng nghiệp cần phải được thực hiện sớm và đồng bộ hơn nữa. Lâu nay các trường vẫn tích cực vào cuộc đẩy mạnh tư vấn, hướng nghiệp, nhưng kết quả triển khai ở nhiều trường còn thấp. Bởi, nhận thức của HS về nghề nghiệp, nhất là HS ở khu vực nông thôn và cả phụ huynh còn hạn chế. Trong khi đó giáo viên được giao nhiệm vụ này không coi trọng hoặc không có nhiều kiến thức, kỹ năng về hướng nghiệp; ít hiểu biết về hệ thống các trường cao đẳng, đại học, nhất là những ngành học mới và những dự báo ngành nghề nào phù hợp với nhu cầu xã hội trong tương lai. Đó là chưa kể đến điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị hỗ trợ giảng dạy hướng nghiệp ở nhiều trường chưa bảo đảm...

Thực tế cho thấy, làm tốt công tác hướng nghiệp cho HS không chỉ giúp các trường thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện, mà còn góp phần quan trọng trong việc phân luồng HS và phát triển nguồn nhân lực, phục vụ sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Để nâng cao hiệu quả công tác trên thiết nghĩ, mỗi đơn vị trường THPT cần xác định rõ vai trò, trách nhiệm và thực hiện thường xuyên, liên tục đồng bộ các giải pháp giúp HS và phụ huynh nhận thức đúng đắn trong việc học văn hóa, học nghề phù hợp, tránh lãng phí về kinh tế cho gia đình và xã hội; tăng cường liên kết với các trường đại học, cao đẳng, trung tâm nghề, trường trung cấp và các doanh nghiệp, để tư vấn, giúp HS hiểu về nghề nghiệp phù hợp với năng lực bản thân cũng như yêu cầu thực tiễn. Mỗi cơ sở đào tạo nghề cần thực hiện tốt phương châm đào tạo theo nhu cầu xã hội, theo địa chỉ sử dụng. Cùng với nhà trường, các bậc phụ huynh cũng cần chủ động tìm kiếm thông tin để phân tích, định hướng cho con em mình lựa chọn ngành nghề thích hợp để lập thân, lập nghiệp...

Chọn nghề sau tốt nghiệp THPT theo trào lưu, không theo năng lực, nguyện vọng và điều kiện bản thân không chỉ khiến HS lãng phí thời gian, công sức, tiền của mà còn gây mất cân bằng lao động xã hội. Đặc biệt, khi số lượng cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp vẫn còn nhiều, thì công tác phân luồng, hướng nghiệp cho HS cuối cấp càng trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Một quá trình hướng nghiệp lâu dài, xuyên suốt những năm học, cấp học sẽ định hướng chắc chắn cho HS về ngành nghề sẽ chọn. Để mỗi HS khi bước chân vào trường đại học, cao đẳng hay các trường dạy nghề, đều có thể yên tâm với việc lựa chọn đúng nghề vì tương lai sau này.

Bài và ảnh: Phong Sắc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]