(Baothanhhoa.vn) - Từ trước đến nay, người Hoằng Hóa luôn coi trọng sự học. Có thể vì lẽ đó Hoằng Hóa đã trở thành vùng đất hiếu học, đất khoa bảng, nơi sản sinh ra nhiều văn thần, võ tướng tài năng, có nhiều cống hiến, đóng góp cho dân tộc.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Phát huy truyền thống hiếu học trên quê hương Hoằng Hóa

Từ trước đến nay, người Hoằng Hóa luôn coi trọng sự học. Có thể vì lẽ đó Hoằng Hóa đã trở thành vùng đất hiếu học, đất khoa bảng, nơi sản sinh ra nhiều văn thần, võ tướng tài năng, có nhiều cống hiến, đóng góp cho dân tộc.

Phát huy truyền thống hiếu học trên quê hương Hoằng HóaĐại diện lãnh đạo huyện Hoằng Hóa trao thưởng cho các em học sinh giỏi các cấp năm học 2018-2019.

Truyền thống khoa bảng

Người Hoằng Hóa cho đến hôm nay vẫn mãi thuộc lòng câu ca dao: “Dạy con từ thuở tiểu sinh/ Gần thầy, gần bạn, tập tành lễ nghi/ Học hành cách vật, trí tri/ Văn chương, chữ nghĩa nghĩ gì cũng thiêng”, hay “Cơm cha, áo mẹ, chữ thầy”, hay “Muốn sang thì bắc cầu Kiều/Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy”...

Không chỉ gia đình, dòng họ khuyến khích con cái học hành, mà mỗi cộng đồng làng, xã trên vùng đất này đều chăm lo, khuyến khích việc học của lớp trẻ, thể hiện qua các điều lệ, điều luật trong các hương ước còn được lưu giữ đến ngày nay. Các trướng văn của các làng, xã ở vùng đất này đều được viết với tinh thần tự cường về truyền thống của làng, trong đó có truyền thống hiếu học. Rất nhiều làng, xã đã xây dựng từ chỉ, văn chỉ để bày tỏ lòng tôn kính, ngưỡng mộ các bậc tiên hiền đã tạo dựng, hun đúc nền học vấn của quê hương, hy vọng, khuyên bảo con cháu dốc công học tập, rèn luyện để mong ngày hiển đạt.

Đầu thế kỷ XV, Bảng Môn Đình đã được xây dựng trên đất Hoằng Hóa. Đây là nơi hội tụ, nơi tổ chức các hoạt động đào luyện những người theo nho học, những trí thức của làng thông qua những sinh hoạt như giảng sách, bình văn, lý giải kinh nghĩa. Bảng Môn Đình ở Hoằng Lộc là minh chứng cho việc vinh quy bái tổ, là nơi đón tiếp những người đỗ đạt khi về làng trước đây. Đây là nơi tôn vinh, đề cao việc học theo một khuôn phép nghiêm ngặt của lệ làng, lấy trình độ học vấn để phân biệt ngôi thứ, đậu cao thì ngồi chiếu trên, đậu thấp thì ngồi chiếu dưới, không phụ thuộc vào chức tước.

Chính vì lẽ đó mà từ lâu đời Hoằng Hóa được xem là vùng đất hiếu học, đất khoa bảng, nơi sản sinh ra nhiều văn thần, võ tướng tài năng, có nhiều cống hiến, đóng góp cho dân tộc. Dân gian Thanh Hóa vẫn lưu truyền câu “Thi Hoằng Hóa, khóa Đông Sơn”, hay “thầy đồ Hoằng Hóa, thầy khóa Đông Sơn”, nhằm khẳng định thành tích học hành, khoa bảng thuộc hàng đầu của 2 huyện Hoằng Hóa và Đông Sơn.

Luôn khát vọng vươn lên lĩnh hội tri thức

Ngày nay, phát huy truyền thống hiếu học, giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) Hoằng Hóa luôn được các cấp ủy, chính quyền từ huyện xuống đến thôn, xóm quan tâm, tạo điều kiện phát triển. Nhiều nghị quyết về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục đã được huyện ủy ban hành nhằm phát huy truyền thống quê hương, để Hoằng Hóa luôn là huyện nằm trong tốp đầu về GD&ĐT của tỉnh, đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước. Trong số đó, có Chỉ thị số 03 của huyện ủy về phát triển toàn diện sự nghiệp giáo dục, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH giai đoạn 2006-2010 và Nghị quyết số 05 về phát triển GD&ĐT giai đoạn 2012-2015, định hướng đến năm 2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện.

Cô Nguyễn Thị Nguyệt, quyền Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Hoằng Hóa, cho biết: Được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, ngành GD&ĐT huyện đã triển khai đồng bộ các giải pháp đưa sự nghiệp GD&ĐT phát triển theo hướng toàn diện từ quy mô, chất lượng đội ngũ, chất lượng giáo dục cũng như các điều kiện dạy và học. Ngành tập trung thực hiện tốt 5 nhóm nhiệm vụ, đó là: Rà soát, sắp xếp mạng lưới trường lớp; nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục; đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý giáo dục; phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh.

Công tác xã hội hóa được tăng cường, cùng với ngân sách Nhà nước đầu tư cơ sở vật chất, tu sửa, nâng cấp, xây mới các phòng học, phòng chức năng, sân chơi, sân tập phục vụ dạy và học. Đến nay, toàn huyện có 2.569 phòng học, phòng chức năng, trong đó 2.515 phòng cao tầng, kiên cố, 24 phòng học cấp 4. Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học được đầu tư theo hướng tiên tiến, hiện đại như: máy chiếu, ti vi, phòng học tiếng Anh chuyên dụng...; 100% các trường triển khai và thực hiện hiệu quả Kế hoạch 99 của UBND huyện, xây dựng môi trường giáo dục “sáng - xanh - sạch - đẹp và thân thiện” và được lắp camera, đèn năng lượng; 100% các phòng học của 41/43 trường mầm non được lắp điều hòa, toàn huyện có 125/130 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt 96,2%.

Cùng với tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị, ngành chú trọng đổi mới công tác quản lý giáo dục, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, đẩy mạnh thực hiện đổi mới phương pháp dạy học theo hướng lấy chất lượng, hiệu quả làm trọng tâm, tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy. 100% cán bộ quản lý, giáo viên có trình độ đạt chuẩn trở lên; trên 90% cán bộ, giáo viên tự trang bị máy vi tính và kết nối Internet, sử dụng thành thạo máy vi tính, hỗ trợ cho việc đổi mới phương pháp dạy học, khai thác tài liệu trên mạng phục vụ dạy học. Đặc biệt, Phòng GD&ĐT đã tham mưu cho UBND huyện ban hành Đề án “Nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh cấp Tiểu học, THCS trên địa bàn huyện giai đoạn 2019-2025”, Đề án xây dựng trường chất lượng cao THCS. Theo đó, huyện đổi tên Trường THCS Nhữ Bá Sỹ - thị trấn Bút Sơn thành Trường THCS Nhữ Bá Sỹ - huyện Hoằng Hóa và xây dựng nhà trường trở thành một trong những trường dẫn đầu của tỉnh về phong trào dạy và học, đảm bảo cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tiên tiến, hiện đại; có đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên giỏi, sáng tạo, trách nhiệm, tâm huyết; học sinh có tư duy sáng tạo, được trang bị những kỹ năng cần thiết và có khát vọng vươn tới xuất sắc và phù hợp với xu thế phát triển của giáo dục hiện nay.

Cô Nguyễn Thị Nguyệt tự hào: “Với việc triển khai và thực hiện đồng bộ các giải pháp, ngành GD&ĐT huyện Hoằng Hóa tiếp tục khẳng định chất lượng giáo dục toàn diện được nâng cao, chất lượng đại trà chuyển biến tích cực, tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình tiểu học đạt 100%; tốt nghiệp THCS, THPT, BTTHPT đạt 99% trở lên; tỷ lệ học sinh đậu đại học trên 50%; chất lượng giáo dục mũi nhọn được giữ vững, học sinh giỏi cấp THCS liên tục được xếp thứ nhất toàn tỉnh, 2 trường THPT luôn trong tốp 10 đơn vị dẫn đầu khối THPT. Mỗi năm học, có hàng trăm học sinh đạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia, hàng nghìn học sinh đạt giải cấp huyện. Phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập tiếp tục được phát huy hiệu quả. Hiện nay, trên địa bàn huyện có nhiều cơ sở giáo dục ngoài công lập đạt chất lượng cao theo tiêu chuẩn quốc tế. Nhờ sự quan tâm đầu tư trọng tâm và kịp thời của huyện, sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành, địa phương, những năm qua, ngành GD&ĐT huyện nhà luôn được Sở GD&ĐT đánh giá là một trong những đơn vị dẫn đầu trong tỉnh về chất lượng học sinh giỏi, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia”.

Những thành tích đạt được trong sự nghiệp GD&ĐT huyện Hoằng Hóa ngày hôm nay là từ truyền thống hiếu học của ông cha, là công sức, trí tuệ của đội ngũ cán bộ, giáo viên đã cống hiến cho sự nghiệp “trồng người”, là sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương trong việc ban hành các chỉ thị, nghị quyết, chính sách phát triển sự nghiệp GD&ĐT... Tất cả những yếu tố đó là nền tảng vững chắc để các thế hệ học trò trên vùng đất “địa linh nhân kiệt” tiếp tục khát vọng vươn lên lĩnh hội tri thức để viết nên những trang vàng mới trong sự nghiệp “trăm năm trồng người”.

Bài và ảnh: Tô Dung



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]