(Baothanhhoa.vn) - Ngôn ngữ hay sự giao tiếp hàng ngày vốn dĩ là điều tự nhiên và quen thuộc đến nỗi, có đôi khi, ta quên mất rằng, đó mới chính là nhân tố kết nối thực sự giữa người với người. Vậy nên, không phải bằng các tin nhắn trên SMS hay zalo, facebook – vốn đang là cách thức giao tiếp gián tiếp khá thịnh hành hiện nay, nhất là trong giới trẻ - ở rất nhiều nơi và với những người tôi từng gặp ấy, ngôn ngữ bản địa và sự giao tiếp trực tiếp chính là chìa khoá giúp họ hoàn thành công việc, thậm chí là xa hơn thế. Và, tôi gọi họ là những người chắt chiu con chữ, để bắc một nhịp cầu mang tên “thấu hiểu”, nối “lòng ta” với “hồn người”!

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nói cho dân tôi nghe

Ngôn ngữ hay sự giao tiếp hàng ngày vốn dĩ là điều tự nhiên và quen thuộc đến nỗi, có đôi khi, ta quên mất rằng, đó mới chính là nhân tố kết nối thực sự giữa người với người. Vậy nên, không phải bằng các tin nhắn trên SMS hay zalo, facebook – vốn đang là cách thức giao tiếp gián tiếp khá thịnh hành hiện nay, nhất là trong giới trẻ - ở rất nhiều nơi và với những người tôi từng gặp ấy, ngôn ngữ bản địa và sự giao tiếp trực tiếp chính là chìa khoá giúp họ hoàn thành công việc, thậm chí là xa hơn thế. Và, tôi gọi họ là những người chắt chiu con chữ, để bắc một nhịp cầu mang tên “thấu hiểu”, nối “lòng ta” với “hồn người”!

Nói cho dân tôi nghe

Thầy giáo Hà Văn Cát trong giờ lên lớp.

Chuyện của thầy giáo cắm bản

Gần tròn 30 năm công tác tại huyện miền núi cao đặc biệt khó khăn Mường Lát, cũng là ngót ngét chừng ấy thời gian thầy giáo Hà Văn Cát (quê Quan Hóa) gắn bó với các bản người Mông khắp từ Tam Chung nghèo khó đến Mường Lý một thời lay lắt. Không có một câu chuyện ly kỳ nào giúp lý giải cho sự khởi đầu cái hành trình dằng dặc thời gian ấy; cũng chẳng có một lý do đặc biệt nào được anh lục lọi lại từ cái phần ký ức mấy chục năm, có thể giúp trải lòng về “sự nghiệp trồng người” âm thầm và cao cả, mà người ta vẫn dành để ngợi ca những người thầy có thâm niêm “cắm bản” dạn dày như anh. Tất cả diễn ra một cách tự nhiên và chân thực như chính cuộc sống, như lối suy nghĩ, như tình cảm của những học trò người Mông dành cho anh và anh dành cho chúng vậy. Thế nhưng, khi tôi băn khoăn “vì sao anh lại gắn bó với các bản người Mông đến vậy?”, thì thầy giáo Hà Văn Cát lại nhanh chóng có đáp án: “Vì công việc đòi hỏi và thói quen”. Giản đơn và chân thành, đó là điều tôi cảm nhận được ở con người anh qua câu chuyện anh kể về “công việc” và “thói quen” đã trở thành cuộc đời, thậm chí là lẽ sống mà có thể anh không nhận ra?!

Đó là năm 1996, thầy giáo trẻ Hà Văn Cát được cử vào bản Phái (xã Tam Chung) để thực hiện một nhiệm vụ không hề dễ dàng lúc bấy giờ: Mở lớp dạy học. “Hồi ấy, cả bản Phái chỉ có khoảng 37 hộ, mà phần lớn là người Mông từ Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang di cư đến. Khi thấy mình vào bản, người lớn trốn không gặp, trẻ con thì chạy hết, thậm chí đến ông trưởng bản cũng tránh mặt vì tưởng mình là công an vào đuổi họ đi” – thầy Cát kể lại. Bất đắc dĩ, anh phải tìm gặp Giàng A Sự - người đã sinh sống lâu năm ở bản, để nhờ ông giúp giải thích với bà con “mình không phải công an mà là thầy giáo người Thái” và nhờ ông giới thiệu xuống dân, giúp “phiên dịch” để bàn bạc với họ việc mở lớp và cho con em đi học. Sau nhiều tháng đi về trong dân, hết vận động đến thuyết phục, cuối cùng một lớp học bằng nứa và sàn đất cũng được dựng lên, với 13 học sinh đầu tiên ra lớp. Ấy vậy nhưng, đó mới là khởi đầu cho những thách thức, mà thầy giáo trẻ có 5 năm kinh nghiệm đứng lớp chưa thể lường hết được: Sự bất đồng ngôn ngữ.

Thầy Cát tâm sự: “Đó là những ngày lên lớp đầy khó khăn của mình. Giáo án, kiến thức và việc dạy học bắt buộc phải sử dụng tiếng phổ thông, trong khi những học sinh lớp 1 này, nhiều em lần đầu tiếp xúc với tiếng Kinh, khiến mình rất hoang mang”. Thế là, suốt nhiều tháng, thầy giáo trẻ phải nhờ trưởng bản Tráng A Tụa - một trong số ít người hiểu tiếng Kinh - làm “phiên dịch viên” cùng đứng lớp. Mà khó khăn nào đã hết, học sinh không hiểu hết bài, thấy khó nên ngại học rồi trốn học. Vậy là cứ sau giờ ra chơi, thay vì lên lớp, thầy Cát lại rối ruột lên vì phải tìm học sinh, “tìm được đứa nào thì mang về lớp khoá cửa lại rồi đi tìm tiếp”. Cái hành trình vừa hài hước, vừa bi đát với không ít mồ hôi, nước mắt chảy ngược vào trong của thầy Cát, thật khó mà nói hết bằng lời. “Sau cùng, mình nghiệm ra rằng, phải nói với họ bằng ngôn ngữ của họ mới mong ổn định được lớp học để dạy dỗ học sinh”.

Thế là thầy giáo trẻ ấy bắt đầu việc tự học tiếng nói của người Mông, kết hợp học trong sách và qua trò chuyện mỗi ngày với người dân và học sinh, tích tiểu thành đại, dần dà thầy Cát cũng đã có thể giao tiếp thông thạo bằng ngôn ngữ bản địa và dùng ngôn ngữ ấy hỗ trợ việc giảng dạy, quản lý học sinh. Và, với việc nói thông thạo tiếng Mông, dần hiểu được tâm lý, tình cảm, phong tục tập quán của họ mà thầy Cát được bà con dân bản xem là anh em, là con cháu để đùm bọc, giúp đỡ như người trong nhà. “Mình nhớ những khi hết gạo, bà con lại gom góp đem cho. Nhất là tết năm đó, cả bản làm thịt 11 con lợn, mỗi nhà cho thầy một vài cân rồi bắt thầy ở lại ăn tết, không cho về quê”.

Quãng thời gian nhiều vất vả nhưng cũng không ít kỷ niệm ấy, giờ đã trở thành hồi ức đẹp. Bởi nhờ đó, thay vì xem việc ở lại bản dạy học như một công việc, thầy giáo Hà Văn Cát đã dần gắn bó với nơi đến, với học trò bằng sự sẻ chia, cảm thông và tình cảm chân thành, để rồi được đền đáp lại cũng bằng sự chân thành của những tình cảm tốt đẹp. Và, không hẳn là “thói quen” như anh nói, đó phải là sự thân thuộc hay một lẽ sống – dù rất đỗi giản dị - đã được gieo xuống âm thầm trong những ngày khó khăn nhất, để lớn lên dù lặng lẽ nhưng vô cùng bền bỉ. Và rồi, hành trang giúp người thầy ấy mải miết “cắm bản” suốt mấy chục năm qua, bên cạnh kinh nghiệm, kiến thức được tích lũy là vốn ngôn ngữ bản địa ngồn ngộn, giúp anh nhanh chóng hòa nhập để trở nên gần gũi với những con người ở những bản Mông xa xôi, khó khăn nhất nơi dải đất địa đầu Mường Lát.

Chuyện của người lính biên phòng...

Con người ấy vốn không xa lạ với tôi, nhưng mỗi lần trò chuyện tôi lại tìm được không ít điều thú vị về anh, về công việc và cả cuộc sống của người lính biên phòng đã dành trọn thanh xuân cho bình yên biên cương. Tròn 30 năm công tác tại Mường Lát, Thiếu tá Nguyễn Văn Lương (quê Ngọc Lặc), Đội phó Đội Phòng chống ma túy và tội phạm, Đồn Biên phòng Quang Chiểu đã tích lũy được một bảng thành tích khá dày, song, điều khiến anh tâm huyết bên cạnh những lần “đánh án” ma túy và tội phạm, là những chuyến ngược xuôi để gieo xuống một hạt mầm phong trào tại cơ sở. Đồng đội và người dân quanh khu vực Đồn Biên phòng Quang Chiểu đứng chân đã không còn xa lạ với hình ảnh người lính áo xanh miệt mài đi về khắp các chòm bản, đến từng nhà thuyết phục từng người tham gia phong trào toàn dân bảo vệ đường biên, cột mốc; hay vận động các bản làng sống ở vùng núi cao xuống thấp để trồng cây lúa nước, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xóa bỏ hủ tục, xóa mù chữ, giao nộp vũ khí, vật liệu nổ...

Anh kể: Thời điểm những năm 90, tỉnh Thanh Hóa được chọn “làm điểm” phong trào toàn dân bảo vệ đường biên, cột mốc và Đồn Biên phòng Quang Chiểu là một trong những đơn vị được giao triển khai thực hiện. Khi ấy, người dân còn rất nghèo khó và nhận thức của họ về tầm quan trọng của cột mốc rất thấp. Để có thể triển khai phong trào, anh cùng đồng đội đã không ít lần đến gặp gỡ, trò chuyện tâm tình và thuyết phục các già làng, trưởng bản Lâu Văn Hự (bản Pù Đứa, xã Quang Chiểu), Tặng Văn Xiết (bản Suối Tút, xã Quang Chiểu) và Lương Văn Sôi (bản Cang, xã Mường Chanh) tham gia xây dựng mô hình “Già làng, trưởng bản vận động con cháu tự quản đường biên, cột mốc”. Đến nay, cùng với số cột mốc được tôn tạo, tăng dày, thì nhận thức của người dân về ý nghĩa của việc bảo vệ đường biên, mốc giới cũng tăng lên đáng kể. Hoặc trong năm 2018 này, Đồn Biên phòng Quang Chiểu đã tăng cường tuyên truyền, vận động người dân các xã Mường Chanh, Quang Chiểu không sản xuất, tàng trữ, sử dụng, mua bán vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Bên cạnh các biện pháp của đơn vị nhằm triển khai nội dung tuyên truyền sao cho phù hợp, thiết thực và hiệu quả; thì một giải pháp quan trọng, được nhấn mạnh là phải đến từng gia đình, từng tổ chức, gặp gỡ từng cá nhân có liên quan để vận động, thuyết phục họ giao nộp vũ khí, vật liệu nổ đang tàng trữ, sử dụng trái phép. Kết quả thu được là 120 súng tự chế/22 bản/2 xã đã được người dân tự nguyện giao nộp.

Để lý giải băn khoăn của tôi, rằng, dường như không phải các biện pháp mang tính hành chính, mà cần một điều gì đó thực sự thuyết phục mới có thể thu hút được người dân tham gia các phong trào?, Thiếu tá Nguyễn Văn Lương chia sẻ: Trao đổi, trò chuyện với họ bằng cả lý lẫn tình, nhưng trước hết và quan trọng hơn vẫn là ở tình cảm và sự chân thành để họ tự nguyện tham gia. Khi người dân đã tự nguyện hưởng ứng và tích cực tham gia, thì các phong trào, các cuộc vận động do đơn vị hay địa phương tổ chức, phát động sẽ đạt được kết quả. Một “công cụ” giúp anh nhiều lần thành công khi vận động người dân là trò chuyện với họ bằng ngôn ngữ của họ. Suốt 30 năm lăn lộn khắp các bản làng người Thái, người Mông, Thiếu tá Lương đã tích lũy được vốn tiếng Thái đủ để anh truyền đạt thông suốt mọi thông tin và thể hiện tâm tư, tình cảm, nguyện vọng bản thân đến đồng bào. Cũng từ đó, anh thấu hiểu họ và tìm được ở họ nhiều sự sẻ chia và hợp tác trong cuộc sống hàng ngày lẫn công việc.

Có thể nói, sự chân thành, chất phác là điểm tính cách chung của phần đa đồng bào dân tộc thiểu số, cho nên, cần lấy sự chân thành để giao tiếp và đối đãi cùng họ. Những con người như thầy giáo Cát, như Thiếu tá Lương đã vượt qua nhiều rào cản, nhiều sự bất đồng để được sống trong dân, được nhân dân đùm bọc. Một “bí quyết” đã được họ thấm nhuần là nghệ thuật của sự trò chuyện - đôi khi không nằm ở ngôn từ hoa mỹ, cao siêu, cầu kỳ, phức tạp hay đa tầng nghĩa - mà nằm ngay trong những câu chữ giản đơn nhất, ít lớp nghĩa nhất nhưng cũng gần gũi nhất. Tôi không thể kể hết và cũng không thể biết hết để kể ra đây câu chuyện của rất nhiều người đang hàng ngày sống, hàng ngày làm việc và từng ngày gắn bó với những bản làng xa ngái, cao ngất nơi huyện vùng cao miền Tây xứ Thanh này. Nhưng tôi tin rằng, nhiều người trong họ vẫn đang hàng ngày “nói cho dân tôi nghe”, bằng thứ “ngôn ngữ” không phải chỉ được thể hiện qua câu nói, mà qua cả cử chỉ, thái độ, ánh mắt, nụ cười hàm chứa sự thân thiết và chân thành. Để qua đó, từng ngày nhân lên những việc làm ý nghĩa và để gìn giữ tinh thần dân tộc vốn được phản chiếu trong chính ngôn ngữ dân tộc vậy!

Hoàng Xuân


Hoàng Xuân

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]