(Baothanhhoa.vn) - Một năm học mới lại đến - năm học diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp. Trước diễn biến của dịch bệnh, những hoạt động giáo dục không đơn thuần là hoạt động có tính định kỳ như mọi năm, vì vậy, toàn ngành giáo dục đã, đang nỗ lực thực hiện đồng bộ các giải pháp, xây dựng các kịch bản, kế hoạch với quyết tâm thực hiện thành công “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa triển khai thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ năm học.

Nỗ lực thực hiện “mục tiêu kép”

Một năm học mới lại đến - năm học diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp. Trước diễn biến của dịch bệnh, những hoạt động giáo dục không đơn thuần là hoạt động có tính định kỳ như mọi năm, vì vậy, toàn ngành giáo dục đã, đang nỗ lực thực hiện đồng bộ các giải pháp, xây dựng các kịch bản, kế hoạch với quyết tâm thực hiện thành công “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa triển khai thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ năm học.

Nỗ lực thực hiện “mục tiêu kép”Đại diện lãnh đạo tỉnh trao Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho tập thể Trường THPT Chuyên Lam Sơn và học sinh, giáo viên có học sinh đạt huy chương Châu Á - Thái Bình Dương; đạt giải Cuộc thi Nghiên cứu Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học năm học 2020-2021. Ảnh: Phong Sắc

Kết quả đáng ghi nhận

Mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của dịch COVID-19, song với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ, giáo viên, học sinh, khép lại năm học 2020–2021, ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) Thanh Hóa đã hoàn thành tốt kế hoạch giáo dục đề ra và đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Ngành đã chủ động, kịp thời điều chỉnh kế hoạch năm học phù hợp với diễn biến của dịch bệnh. Các nhà trường đã vận dụng linh hoạt hình thức dạy học trực tuyến, điều chỉnh quy định đánh giá cuối năm học sát với thực tiễn. Các cấp chính quyền, ngành giáo dục tiếp tục quan tâm, đầu tư cơ sở vật chất trường, lớp học theo hướng khang trang với tỷ lệ phòng học kiên cố, cao tầng đạt 87,7%. Phong trào xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia cũng đạt nhiều kết quả, toàn tỉnh đã có 1.584 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 78,69%. Đội ngũ nhà giáo ngày càng nâng cao về chất lượng giảng dạy và trình độ đào tạo. Công tác tuyển dụng, điều động, luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ quản lý, giáo viên các đơn vị trực thuộc sở bảo đảm theo quy định. Trong năm học đã thực hiện điều động 75 giáo viên cùng bộ môn từ trường thừa đến trường thiếu. Tuyển dụng mới 265 giáo viên để bổ sung giáo viên cho các trường còn thiếu so với chỉ tiêu biên chế được giao, nhất là các trường thuộc khu vực miền núi, vùng có điều kiện khó khăn.

Đặc biệt, chất lượng giáo dục mũi nhọn tiếp tục được giữ vững trong tốp đầu cả nước; chất lượng giáo dục đại trà có nhiều chuyển biến tích cực. Trong năm học, học sinh tỉnh Thanh Hóa đoạt 1 HCB môn Vật lý Olympic quốc tế (IPhO 2021), 1 HCĐ môn Vật lý Olympic Châu Á - Thái Bình Dương; 1 dự án đạt giải nhất quốc gia Cuộc thi Nghiên cứu Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học. Tại kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT, học sinh Thanh Hóa đạt 56 giải, trong đó có 6 giải nhất, 24 giải nhì, 17 giải ba, 9 giải khuyến khích, xếp thứ 5 cả nước về số học sinh đạt giải nhất; kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, Thanh Hóa có điểm trung bình các môn thi đạt 6,357 xếp thứ 32 toàn quốc (tăng 12 bậc so với năm 2020), toàn tỉnh có 2.409 học sinh đạt 27 điểm (theo tổ hợp xét tuyển đại học) trở lên và 1.288 điểm 10 (xếp thứ 3, sau TP Hồ Chí Minh, TP Hà Nội)... Cùng với thành tích trên, trong năm học 2020-2021, công tác chỉ đạo thi, kiểm tra, đánh giá có nhiều đổi mới, ngành đã kiên quyết xử lý các hiện tượng tiêu cực, gây bức xúc trong dư luận. Ngoài ra, công tác xã hội hóa giáo dục, công tác khuyến học, khuyến tài tiếp tục trở thành điểm sáng của giáo dục cả nước.

Theo ông Tạ Hồng Lựu, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, kết quả đạt được của ngành giáo dục tỉnh nhà trong năm qua là kết quả của sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền, kết quả của sự chung tay góp sức của toàn xã hội, sự nỗ lực không ngừng nghỉ của đội ngũ cán bộ, giáo viên, học sinh toàn ngành trước diễn biến phức tạp, khó lường của dịch bệnh COVID-19 với phương châm “tạm dừng đến trường, không dừng học” và vì “mục tiêu kép”, vừa tham gia tích cực trong phòng, chống dịch bảo đảm an toàn cho học sinh, giáo viên, vừa hoàn thành kế hoạch năm học bảo đảm chất lượng.

Tiếp tục thực hiện “mục tiêu kép”

Xác định dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp và khó lường, khó đoán định nên việc dạy, học chung với dịch là điều không thể tránh khỏi, vì vậy trước khi bước vào năm học mới 2021-2022 các địa phương, đơn vị trường đã chủ động xây dựng kế hoạch, kịch bản cho nhiều tình huống có thể diễn ra do dịch bệnh. Bà Nguyễn Thị Thu, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Quảng Xương cho biết: “Để thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép”, ngoài sự chuẩn bị về cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ, giáo viên đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng dạy và học, phòng giáo dục huyện đã chỉ đạo, hướng dẫn các nhà trường chuẩn bị tốt các điều kiện phòng, chống dịch COVID-19 như mua sắm đầy đủ máy đo thân nhiệt, khẩu trang, nước sát khuẩn; làm tốt công tác vệ sinh trường, lớp học; tạo phòng học thông thoáng. Đồng thời, xây dựng phương án, các điều kiện cần thiết phục vụ cho việc học online nếu trường hợp dịch bệnh kéo dài học sinh không thể đến trường học tập trung...”.

Không riêng ngành giáo dục huyện Quảng Xương tại các địa phương khác trong tỉnh việc triển khai nhiệm vụ, kế hoạch năm học mới 2021-2022 đều hướng tới với mục tiêu là vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa bảo đảm các hoạt động giáo dục trong nhà trường. Được biết, để ứng phó trước đại dịch và triển khai hiệu quả công tác chuyên môn trong toàn ngành, Sở GD&ĐT thường xuyên chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, hướng dẫn của ngành về công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong trường học. Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi cán bộ, giáo viên, nhân viên trong phòng, chống dịch. Cùng với đó yêu cầu các nhà trường phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và gia đình học sinh nắm bắt tình hình sức khỏe của cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh, đặc biệt là nắm bắt tình hình học sinh, cán bộ, giáo viên liên quan đến các trường hợp và nguồn lây nhiễm COVID-19 để có giải pháp xử lý kịp thời; thực hiện nghiêm khuyến cáo “5K” của Bộ Y tế khi học sinh học tập trung tại trường... Ông Tạ Hồng Lựu, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Qua các đợt thực hiện tình huống ứng phó với dịch COVID-19 trước đó toàn ngành đã rút ra một số bài học kinh nghiệm. Trong năm học mới này, ngành tiếp tục đề cao tính chủ động của mỗi đơn vị trường, mỗi cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh trong phòng ngừa dịch bệnh. Tuy nhiên để làm tốt điều này, các nhà trường, chính quyền địa phương và gia đình học sinh phải thực sự đề cao cảnh giác, chung tay xây dựng môi trường an toàn phòng, chống dịch. Ngành xác định tiếp tục thực hiện song song hai nhiệm vụ đó là vừa phòng, chống dịch, vừa bảo đảm kế hoạch và chất lượng giáo dục, vì vậy đã chỉ đạo các nhà trường chủ động xây dựng các phương án, kịch bản tổ chức hoạt động giáo dục phù hợp với diễn biến của dịch bệnh COVID-19. Trước mắt, để ứng phó với đại dịch đang diễn biến phức tạp, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các phòng GD&ĐT, các đơn vị trường tạm dừng thời gian tới trường đối với bậc học mầm non trên địa bàn toàn tỉnh và tạm dừng đến trường tất cả các bậc học trên địa bàn TP Thanh Hóa và tại các địa phương đang thực hiện giãn cách theo tinh thần Chỉ thị số 15/CT-TTg, Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ cho đến khi có thông báo mới. Khuyến khích bậc học tiểu học (ở những nơi có điều kiện), bậc THCS, THPT (bao gồm các đơn vị có giảng dạy chương trình bổ túc THPT) dạy học bằng hình thức online, kết hợp giao bài tập qua hình thức OTT.

Đối với các cơ sở giáo dục ở các địa phương được tổ chức khai giảng và triển khai hoạt động dạy học, điều chỉnh thời gian tổ chức lễ khai giảng năm học 2021-2022 từ ngày 5-9 sang ngày 6-9-2021 và vào tiết học đầu tiên (thời gian không quá 45 phút). Lễ khai giảng chỉ tổ chức trong nội bộ nhà trường theo đơn vị lớp, sau khai giảng tổ chức dạy học bình thường. Do dịch bệnh diễn biến khó lường, vì vậy ngành cũng yêu cầu các đơn vị trường tranh thủ thời điểm đang kiểm soát được dịch bệnh, tập trung nguồn lực, tăng thời lượng dạy học để đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình giáo dục như tăng tiết, tăng buổi, trước mắt là dạy học cả ngày thứ bảy (có thể kết hợp hình thức online, qua truyền hình, giao bài tập qua hình thức OTT). Tạm thời chưa tổ chức dạy thêm, học thêm tại trường học, hạn chế tối đa các hoạt động không cần thiết, tập trung vào những hoạt động giáo dục trọng tâm, trọng điểm. Đối với bậc tiểu học, chỉ tổ chức 1 buổi/1 lớp/1 ngày, chưa bố trí ăn, nghỉ bán trú.

Vẫn biết sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức, nhất là dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, nhưng với sự chủ động, linh hoạt và với tinh thần, trách nhiệm, sự nỗ lực của toàn ngành giáo dục nói chung, của mỗi cán bộ, giáo viên, nhân viên nói riêng cùng sự quan tâm của các cấp chính quyền, sự đồng thuận của các tầng lớp Nhân dân, tin rằng ngành giáo dục sẽ thực hiện thành công “mục tiêu kép”, tiếp tục “gặt gái” nhiều thành quả trong năm học mới 2021-2022, xứng đáng với niềm tin, sự kỳ vọng của cấp ủy, chính quyền các cấp và các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh.

Phong Sắc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]