(Baothanhhoa.vn) - Sau nhiều năm triển khai thực hiện, cuộc thi sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng (TTN, NĐ) trên địa bàn tỉnh do Tỉnh đoàn, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Thanh Hóa, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp tổ chức đã mang lại hiệu ứng tích cực, góp phần khơi dậy tiềm năng, phát huy tư duy sáng tạo nghiên cứu khoa học của thế hệ trẻ.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nhìn lại cuộc thi sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng

Sau nhiều năm triển khai thực hiện, cuộc thi sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng (TTN, NĐ) trên địa bàn tỉnh do Tỉnh đoàn, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Thanh Hóa, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp tổ chức đã mang lại hiệu ứng tích cực, góp phần khơi dậy tiềm năng, phát huy tư duy sáng tạo nghiên cứu khoa học của thế hệ trẻ.

Nhìn lại cuộc thi sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng

Thầy, trò Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh thực hiện mô hình “Chế tạo thiết bị thí nghiệm nghiên cứu dòng điện trong chất điện phân và nghiên cứu lực từ tác dụng lên dòng điện trong chất điện phân dùng trong chương trình phổ thông”.

Để cuộc thi có sức lan tỏa, thu hút đông đảo TTN, NĐ trong toàn tỉnh tham gia, hằng năm, ban tổ chức cuộc thi xây dựng kế hoạch tuyên truyền, phát động cuộc thi tới các đơn vị, các tổ chức, cá nhân. Trong đó, Sở Giáo dục và Đào tạo ban hành công văn chỉ đạo phòng giáo dục, các trường học đẩy mạnh cuộc thi đến các em học sinh; Tỉnh đoàn TNCS Hồ Chí Minh phân công cán bộ phụ trách theo dõi, chỉ đạo, nắm bắt công tác triển khai tại cơ sở, tổ chức hướng dẫn TTN, NĐ gửi các mô hình tham gia dự thi cấp tỉnh... Qua thống kê, từ năm 2010 đến nay, toàn tỉnh đã có gần 1.600 mô hình, sản phẩm, giải pháp của TTN, NĐ tham gia cuộc thi. Tính riêng cuộc thi năm 2018, toàn tỉnh có 205 mô hình, sản phẩm tham gia dự thi. Trên cơ sở các mô hình dự thi của các thí sinh, ban tổ chức cuộc thi cấp huyện đã tổ chức chấm và lựa chọn được 35 mô hình tiêu biểu gửi tham gia cuộc thi cấp tỉnh, trong đó, huyện Thọ Xuân có 4 mô hình, Hà Trung có 10 mô hình, Nga Sơn 6 mô hình, Quan Sơn 3 mô hình... Từ 35 mô hình tiêu biểu, Ban tổ chức cuộc thi cấp tỉnh đã chấm, lựa chọn 18 mô hình xuất sắc để trao giải và tham gia cuộc thi toàn quốc. Kết quả, ở cấp tỉnh, ban tổ chức đã trao 1 giải nhất, 2 giải nhì, 4 giải ba, 11 giải khuyến khích cho các tác giả có mô hình xuất sắc nhất. Cấp trung ương, ban tổ chức cuộc thi toàn quốc tặng Bằng khen của Trung ương Đoàn cho nhóm tác giả Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh đạt giải ba với mô hình “Thiết bị thí nghiệm nghiên cứu dòng điện trong chất điện phân, lực từ tác dụng lên dòng điện trong chất điện phân dùng trong chương trình vật lý và hóa học phổ thông”. Chia sẻ thông tin về mô hình, em Phạm Lê Anh, Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh cho hay: Điểm mới của mô hình “Chế tạo thiết bị thí nghiệm nghiên cứu dòng điện trong chất điện phân và nghiên cứu lực từ tác dụng lên dòng điện trong chất điện phân dùng trong chương trình phổ thông” mà chúng em thực hiện là thiết lập được một thiết bị thí nghiệm cho phép tiến hành 11 thí nghiệm để học sinh lớp 11 nghiên cứu các kiến thức về dòng điện trong chất điện phân và lực từ tác dụng lên dòng điện trong chất điện phân, trong khi thiết bị thí nghiệp đang được dùng ở các trường THPT hiện nay chỉ thực hiện được 4 thí nghiệm. Đặc biệt, thiết bị thí nghiệm mà chúng em chế tạo cho phép tiến hành hai thí nghiệm định lượng mà các thiết bị thí nghiệm cũ không thực hiện được...

Từ kết quả trên cho thấy, cuộc thi sáng tạo TTN, NĐ trên địa bàn tỉnh đã và đang ngày càng khẳng định vị trí của một sân chơi bổ ích, trí tuệ và khoa học cho TTN, NĐ, nơi các em học sinh không chỉ thỏa mãn niềm đam mê sáng tạo, mà còn gửi gắm ước mơ, khát vọng của bản thân trong mỗi sản phẩm. Đồng chí Lê Thị Trang, Phó Ban Thanh niên, công nhân và Đô thị, Tỉnh đoàn cho hay: Cuộc thi sáng tạo TTN, NĐ đã tạo ra sân chơi lành mạnh, có sức lan tỏa sâu rộng, thu hút được đông đảo các em TTN, NĐ trên địa bàn tỉnh tham gia. Tại đây, các em có điều kiện được giao lưu, học hỏi các kỹ năng thuyết trình, được rèn luyện tính mạnh dạn, tự tin, phát huy tính sáng tạo, qua đó, làm nền tảng cho hành trình chinh phục đỉnh cao trong nghiên cứu khoa học, góp phần xây dựng quê hương, đất nước.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, hiện nay việc tổ chức cuộc thi vẫn còn những khó khăn, hạn chế, như: Nhiều TTN, NĐ còn rụt rè, chưa mạnh dạn tham gia dự thi vì chưa nhận thức đúng về ý nghĩa của sự sáng tạo; công tác tuyên truyền, phổ biến cuộc thi chưa thật sự sâu rộng. Một số địa phương, đơn vị phát động phổ biến cuộc thi chưa kịp thời, công tác phối hợp giữa đoàn thanh niên và phòng giáo dục có lúc, có nơi thiếu chặt chẽ. Số lượng mô hình, sản phẩm dự thi hằng năm đều tăng, song so với số lượng đoàn viên, TTN của tỉnh thì số lượng mô hình, sản phẩm tham dự vẫn còn hạn chế. Đặc biệt, cuộc thi vẫn chưa khai thác được hết các đối tượng dự thi là sinh viên năm nhất của các trường đại học, cao đẳng, nhất là Trường Đại học Hồng Đức và Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Thanh Hóa...

Từng bước khắc phục những tồn tại, hạn chế nhằm nâng cao quy mô và chất lượng cuộc thi, tại lễ phát động cuộc thi năm 2019 mới đây, ban tổ chức cuộc thi mong muốn và kêu gọi các ngành, các địa phương tiếp tục phối hợp trong vận động tuyên truyền, phổ biến cuộc thi đến các đối tượng tham gia; các địa phương tích cực chỉ đạo các ngành liên quan tổ chức cuộc thi cấp huyện, kịp thời khen thưởng, động viên các sản phẩm đạt giải. Cùng với đó, các cấp, các ngành cũng như các doanh nghiệp, các thầy, cô giáo, phụ huynh tiếp tục quan tâm, giúp đỡ, tạo điều kiện khơi dậy niềm hăng say của các em trong thi đua học tập và thực hiện ý tưởng sáng tạo tham gia sân chơi trí tuệ bổ ích này để có cơ hội biến những ý tưởng sáng tạo thành mô hình, sản phẩm cụ thể đáp ứng yêu cầu sản xuất và đời sống.

Bài và ảnh: Phong Sắc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]