(Baothanhhoa.vn) - Mặc dù là những trường trung cấp đang hoạt động tốt, có số học sinh theo học hàng năm từ 600 đến gần 700 học sinh nhưng Trường Trung cấp nghề Bỉm Sơn (thị xã Bỉm Sơn), Trung cấp nghề Nga Sơn (huyện Nga Sơn) đang nằm trong kế hoạch phải giải thể để sáp nhập với trung tâm giáo dục thường xuyên (TTGDTX) trên địa bàn hoạt động kém hiệu quả. Điều này khiến cán bộ, giáo viên nhà trường hoang mang, lo lắng cho định hướng tương lai phát triển của nhà trường.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nhiều vướng mắc trong sáp nhập trường trung cấp nghề và trung tâm giáo dục thường xuyên

Mặc dù là những trường trung cấp đang hoạt động tốt, có số học sinh theo học hàng năm từ 600 đến gần 700 học sinh nhưng Trường Trung cấp nghề Bỉm Sơn (thị xã Bỉm Sơn), Trung cấp nghề Nga Sơn (huyện Nga Sơn) đang nằm trong kế hoạch phải giải thể để sáp nhập với trung tâm giáo dục thường xuyên (TTGDTX) trên địa bàn hoạt động kém hiệu quả. Điều này khiến cán bộ, giáo viên nhà trường hoang mang, lo lắng cho định hướng tương lai phát triển của nhà trường.

Nhiều vướng mắc trong sáp nhập trường trung cấp nghề và trung tâm giáo dục thường xuyên

Học sinh lớp học nghề may và thiết kế thời trang của Trường Trung cấp nghề Nga Sơn, huyện Nga Sơn.

Đào tạo nghề trọng điểm quốc gia

Trường Trung cấp nghề Bỉm Sơn có 41 cán bộ, nhân viên, giáo viên. Năm học 2018-2019, nhà trường có 596 học sinh đang theo học ở 6 mã ngành đào tạo nghề gồm: Nghề hàn, công nghệ ô tô, may thời trang, điện dân dụng, điện dân dụng và công nghiệp, kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí. Trong đó, 3 mã ngành (hàn, công nghệ ô tô, may thời trang) được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chọn là nghề trọng điểm quốc gia.

Ông Nguyễn Hữu Chúc, Phó hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Bỉm Sơn, cho biết: Hàng năm, nhà trường đào tạo cho tỉnh hàng trăm lao động có tay nghề cao, cung cấp cho các nhà máy, xí nghiệp trên địa bàn và các vùng lân cận. Bên cạnh đào tạo theo đơn đặt hàng của các nhà máy, xí nghiệp, nhà trường cũng liên hệ với các doanh nghiệp lớn trong và ngoài tỉnh để tạo việc làm cho học sinh ngay khi tốt nghiệp ra trường. Vì vậy, tỷ lệ học sinh Trường Trung cấp nghề Bỉm Sơn có việc làm ngay sau tốt nghiệp đạt gần 100%.

“Trường Trung cấp nghề Bỉm Sơn đào tạo theo 2 hệ là hệ học 2 năm và hệ học 3 năm, gồm học sinh sau tốt nghiệp THCS và THPT. Sau 2-3 năm, học sinh tốt nghiệp ra trường sẽ có bằng trung cấp nghề, các em có thể học lên cao đẳng, đại học hoặc đi làm giúp đỡ gia đình. Đây cũng là hướng phát triển giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) theo chủ trương của Bộ GD&ĐT những năm gần đây về phân luồng học sinh phổ thông sau tốt nghiệp. Vì vậy, việc duy trì và phát triển trường trung cấp nghề không chỉ giúp đào tạo lao động, giải quyết việc làm cho lao động mà còn giúp phân luồng học sinh phổ thông, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn”, ông Chúc chia sẻ.

Cũng là một trường trung cấp nghề được đánh giá cao trong việc đào tạo nghề và tạo việc làm cho lao động trên địa bàn, Trường Trung cấp nghề Nga Sơn hàng năm đào tạo từ 600-700 học sinh. Năm học 2018-2019, nhà trường có 670 học sinh đang theo học. Hiện nay, Trường Trung cấp nghề Nga Sơn đào tạo 7 mã nghề, gồm: Nghề điện công nghiệp và dân dụng, hàn công nghệ cao, kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí, may và thiết kế thời trang, kỹ thuật chế biến món ăn, chăn nuôi thú y, công nghệ thông tin.

Ông Nguyễn Ngọc Minh, Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Nga Sơn, cho biết: Qua khảo sát thực tế, hàng năm, học sinh nhà trường tốt nghiệp ra trường có việc làm ngay đạt 86%. Hiện nay, nhà trường đang ký kết với 12 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để tạo việc làm cho học sinh sau khi tốt nghiệp. Học sinh nhà trường tốt nghiệp được lựa chọn doanh nghiệp để làm việc với mức lương từ 6 triệu đồng trở lên. Cũng từ hiệu quả trong đào tạo nghề và tạo việc làm cho học sinh sau khi ra trường mà những năm gần đây, số lượng học sinh theo học tại trường ngày càng đông. Năm 2017, Trường Trung cấp nghề Nga Sơn là 1 trong 3 trường của tỉnh được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội lựa chọn là cơ sở giáo dục nghề nghiệp chuyên biệt để đào tạo một số nghề trọng điểm (hàn và may thời trang) phục vụ phát triển kinh tế biển giai đoạn 2016-2020 và định hướng 2025; là cơ sở được hỗ trợ đầu tư theo chính sách Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 và Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” của Thủ tướng Chính phủ.

Cẩn trọng, linh hoạt trong sáp nhập

Ngày 19-10-2015, liên ngành Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ GD&ĐT và Bộ Nội vụ ban hành Thông tư liên tịch số 39/2015/TTLT-BLĐTBXH-BGDĐT-BNV hướng dẫn việc sáp nhập trung tâm dạy nghề (TTDN), TTGDTX và trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp công lập cấp huyện thành trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX). Thực hiện thông tư này, ngày 21-6-2017, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2144/QĐ-UBND phê duyệt Đề án “Đổi tên, sáp nhập, bổ sung chức năng, nhiệm vụ các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND các huyện, thị xã, thành phố hoạt động trong lĩnh vực GDTX, dạy nghề, hướng nghiệp”. Theo đó, đến nay, 24/27 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đã tiến hành đổi tên và sáp nhập TTGDTX và TTDN, trường trung cấp nghề và TTGDTX thành trung tâm GDNN-GDTX. 3 đơn vị đang tồn tại trường trung cấp nghề và TTGDTX chưa thực hiện sáp nhập là các huyện Nga Sơn, Thạch Thành và thị xã Bỉm Sơn.

Ông Nguyễn Ngọc Minh chia sẻ: Nga Sơn là huyện ven biển, bãi ngang, mỗi năm có khoảng 2.000 học sinh tốt nghiệp THCS. Trong đó, có khoảng 400-600 học sinh được phân luồng vào học nghề. Học sinh học hệ trung cấp nghề kết hợp học văn hóa, sau 2-3 năm ra trường có bằng trung cấp nghề, có thể tự kiếm tiền nuôi sống bản thân, giúp đỡ gia đình. Trường Trung cấp nghề Nga Sơn hàng năm đào tạo hàng trăm lao động có trình độ tay nghề cao đáp ứng được nhu cầu lao động của các nhà máy, xí nghiệp trong và ngoài tỉnh. Góp phần quan trọng trong việc đào tạo nguồn nhân lực cho địa phương và vùng lân cận, giải quyết việc làm và an sinh xã hội, chung tay xây dựng nông thôn mới. Trong khi đó, TTGDTX huyện Nga Sơn từ năm 2014 đến nay không tuyển được học sinh. Nếu giải thể Trường Trung cấp nghề Nga Sơn để sáp nhập vào TTGDTX thành trung tâm GDNN - GDTX thì sẽ không còn chức năng đào tạo trung cấp nghề.

Cũng theo biên bản kiểm tra tình hình hoạt động của Trường Trung cấp nghề Nga Sơn, ngày 5-6-2017 (sau khi có quyết định của UBND tỉnh), đoàn kiểm tra liên ngành gồm Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở GD&ĐT, UBND huyện Nga Sơn đã tiến hành kiểm tra tình hình hoạt động dạy học của nhà trường. Trước tình hình thực tế hoạt động của nhà trường, đoàn công tác đều thống nhất sáp nhập TTGDTX vào trường trung cấp nghề và đề nghị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội báo cáo UBND tỉnh để có phương án thực hiện. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có phương án giải quyết.

Cùng tình trạng trên, trên địa bàn thị xã Bỉm Sơn, trong khi trường trung cấp nghề hàng năm tuyển sinh khoảng gần 500 học sinh hệ trung cấp và sơ cấp thì TTGDTX nhiều năm nay không tuyển được học sinh. Ông Nguyễn Hữu Chúc cũng chia sẻ: Việc sáp nhập trường trung cấp nghề vào TTGDTX sẽ có nhiều bất cập khi trung tâm GDNN – GDTX sẽ không có chức năng cấp bằng trung cấp nghề cho học sinh. Vậy hàng trăm học sinh đang theo học tại trường sẽ như thế nào? Nếu trường trung cấp nghề sáp nhập vào TTGDTX thì sau này liệu học sinh có còn theo học khi trung tâm không có chức năng đào tạo trình độ trung cấp nghề. Trong khi đó, nhu cầu của người học là các trường trung cấp, cao đẳng nghề và thị trường lao động trên địa bàn là lao động có trình độ tay nghề cao.

“Hiện nay, giáo viên nhà trường đang rất hoang mang, lo lắng. Chúng tôi mong UBND tỉnh căn cứ vào thực trạng khách quan của từng đơn vị để có quyết định sáp nhập hợp lý và sớm có phương án thực hiện để giáo viên yên tâm công tác, đồng thời để nhà trường có định hướng phát triển trong tương lai”, ông Chúc nói.

Trao đổi về vấn đề trên, ông Lương Đức Hạnh, Trưởng Phòng Quản lý và GDTX, Sở GD&ĐT, cho biết: Trước khi thực hiện đề án, toàn tỉnh có 6 trường trung cấp nghề. Trong đó, đã sáp nhập 3 trường trung cấp nghề vào TTGDTX, còn lại 3 trường chưa sáp nhập thuộc huyện Nga Sơn, Thạch Thành, thị xã Bỉm Sơn. Qua thực tế kiểm tra, đánh giá, Trường Trung cấp nghề Nga Sơn và Bỉm Sơn đang hoạt động hiệu quả với số lượng lớn học sinh tuyển sinh hàng năm. Từ hiệu quả nhà trường mang lại, 3 địa phương trên đang có đề xuất giải thể TTGDTX để sáp nhập vào trường trung cấp nghề. Hiện nay, Sở GD&ĐT cùng với các sở ban, ngành có liên quan đang phối hợp để xin ý kiến chỉ đạo tìm hướng giải quyết phù hợp.

Bài và ảnh: Hoàng Giang


Bài Và Ảnh: Hoàng Giang

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]