(Baothanhhoa.vn) - Không thể phủ nhận việc thành lập các cơ sở giáo dục mầm non độc lập tư thục (ĐLTT) đã góp phần giảm tải cho các trường mầm non công lập, thúc đẩy xã hội hóa giáo dục, đáp ứng nhu cầu chăm sóc và giáo dục trẻ ở lứa tuổi mầm non. Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều nhóm, lớp mầm non ĐLTT không đáp ứng được những yêu cầu về cơ sở vật chất, vệ sinh ăn uống, an toàn cho con trẻ, nhất là chưa được cấp phép vẫn ngang nhiên hoạt động.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nhiều cơ sở giáo dục mầm non chưa được cấp phép vẫn ngang nhiên hoạt động

Không thể phủ nhận việc thành lập các cơ sở giáo dục mầm non độc lập tư thục (ĐLTT) đã góp phần giảm tải cho các trường mầm non công lập, thúc đẩy xã hội hóa giáo dục, đáp ứng nhu cầu chăm sóc và giáo dục trẻ ở lứa tuổi mầm non. Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều nhóm, lớp mầm non ĐLTT không đáp ứng được những yêu cầu về cơ sở vật chất, vệ sinh ăn uống, an toàn cho con trẻ, nhất là chưa được cấp phép vẫn ngang nhiên hoạt động.

Nhóm mầm non song ngữ Sasuke, số 48 đường Ngô Quyền, phường Bắc Sơn (TP Sầm Sơn) chưa được cấp phép vẫn ngang nhiên hoạt động.

Chúng tôi tìm đến cơ sở giáo dục mầm non song ngữ Sasuke, có địa chỉ tại số 48, đường Ngô Quyền, phường Bắc Sơn (TP Sầm Sơn). Hình ảnh hiện ra trước mắt chúng tôi là một em bé khoảng chừng 3 tuổi đang đứng gào khóc. Nhìn thấy chúng tôi, cô Nhung (dạy tiếng Anh) từ trong nhà bước ra và cho biết: “Gia đình đã gửi bé ở đây được khoảng 15 ngày và ngày nào bé cũng khóc cả tiếng đồng hồ như vậy. Các cô còn phải trông nhiều bé khác nên không thể theo sát bé được”. Trong suốt cuộc trò chuyện dài chừng 15 phút, bé vẫn gào khóc nhưng các cô vẫn để mặc. Theo tìm hiểu, chúng tôi được biết, tính đến ngày 5-6-2018, cơ sở đã hoạt động được hơn 1 tháng và thời điểm này đang nhận trông 28 trẻ trong độ tuổi từ 20 tháng tuổi đến 5 tuổi, được phân thành 2 nhóm lớp. Mức học phí là 500.000 đồng/trẻ/tháng, đã bao gồm học tiếng Anh và tiếng Việt. Căn phòng vừa là nơi hoạt động vui chơi, học tập vừa là nơi cho trẻ ăn và ngủ. Ngày 26-6-2018, chúng tôi liên hệ với Phòng Giáo dục và Đào tạo TP Sầm Sơn, bà Nguyễn Thị Hồng, phó trưởng phòng, phụ trách khối mầm non, cho biết: “Chúng tôi mới tiếp nhận thông tin phản ánh về cơ sở này đang hoạt động dù chưa được cấp phép và đã đề nghị UBND phường Bắc Sơn kiểm tra, xác minh thông tin”. Khi chúng tôi liên hệ với ông Cao Đăng Dũng, Phó Chủ tịch UBND phường Bắc Sơn, được biết: “Hiện tại, cơ sở giáo dục mầm non Sasuke đã nộp hồ sơ đăng ký hoạt động nhưng do chưa đủ các giấy tờ cần thiết nên UBND phường đang chờ cơ sở hoàn thành thủ tục đăng ký. Sau khi chủ cơ sở hoàn thành các thủ tục, UBND phường sẽ mời UBND TP Sầm Sơn, Phòng Giáo dục và Đào tạo TP Sầm Sơn thẩm định, nếu đủ điều kiện sẽ cấp phép cho cơ sở hoạt động”.

Tương tự, chúng tôi có mặt tại nhóm trẻ ĐLTT Búp Sen, số 89 Đội Cung, phường Đông Thọ (TP Thanh Hóa). Theo quan sát, không gian vui chơi của trẻ được chủ cơ sở tận dụng phòng khách của gia đình có diện tích khoảng 17m2, tại đây 15 trẻ trong độ tuổi từ 1 tuổi đến 5 tuổi với đầy đủ các tư thế đứng, ngồi, nằm. Đồ chơi, đồ dùng học tập của trẻ ít ỏi, cũ kỹ. Căn phòng thiếu ánh sáng và sự thông thoáng. Một nhân viên cho biết, nơi vui chơi của trẻ đồng thời là nơi cho trẻ ăn và ngủ.

Nhóm trẻ ĐLTT Kids Home, chủ cơ sở là Đỗ Thị Hải, có địa chỉ tại số 107, đường Trường Thi, phường Trường Thi (TP Thanh Hóa) cũng chưa được cấp phép nhưng vẫn hoạt động gần 5 năm nay. Hiện tại, cơ sở đang nhận trông 26 trẻ, trong độ tuổi từ 18 tháng tuổi đến 5 tuổi, chia thành 2 nhóm lớp. Mọi hoạt động học tập, vui chơi, ăn, ngủ của trẻ đều diễn ra trong căn phòng khoảng 12 m2. Cơ sở không có sân chơi riêng cho trẻ, nhà vệ sinh chật hẹp...

Theo Quy định số 04/VBHN-BGDĐT - Điều lệ trường mầm non của Bộ Giáo dục và Đào tạo, được ban hành, sửa đổi, bổ sung ngày 13-2-2013, các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo ĐLTT phải đáp ứng yêu cầu: Diện tích phòng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em đảm bảo ít nhất 1,5 m2/trẻ; những nơi có tổ chức ăn cho trẻ phải có bếp riêng, an toàn, bếp đặt xa lớp mẫu giáo, nhóm trẻ... Và theo Khoản 4, Điều 14, Thông tư 13/2015/TT-BGDĐT ngày 30-6-2015 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định, khi thành lập nhóm trẻ, cá nhân, tổ chức thành lập phải đăng ký hoạt động với UBND cấp xã, phường. Căn cứ theo những quy định trên thì các cơ sở giáo dục mầm non ĐLTT đã nêu trên đều chưa đủ điều kiện để được phép hoạt động.

Hiện, tỉnh ta có 124 nhóm trẻ ĐLTT, trong đó có 18 nhóm chưa được cấp giấy phép, chủ yếu tập trung tại (TP Thanh Hóa) như: Nhóm Kids Home, nhóm Thủy Tiên, nhóm Cô Hồng, nhóm Sunny Side (phường Đông Thọ), nhóm Hoa Hướng Dương (phường Nam Ngạn), nhóm Tân Sơn, nhóm Trẻ gia đình (phường An Hoạch)...

Tại khoản 3, Điều 5 Nghị định 138/2013/NĐ-CP được ban hành ngày 22-10-2013, của Chính phủ quy định rõ về xử phạt hành chính đối với hành vi thành lập nhóm trẻ nhưng không đăng ký hoạt động với UBND cấp xã, phường, cụ thể như sau: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi tự ý thành lập cơ sở giáo dục mầm non.

Các cơ sở giáo dục mầm non ĐLTT chưa được cấp phép hoạt động, vậy vai trò quản lý của chính quyền các xã, phường có thực sự sâu sát và hiệu quả? Hay chỉ sau khi sự cố xảy ra với học sinh lúc đó mới vào cuộc xử lý? Đã đến lúc cơ quan chức năng cần thanh tra, kiểm tra với những cơ sở mầm non ĐLTT không phép nhằm quản lý hiệu quả hơn cũng như giảm thiểu được các hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.


Bài và ảnh: Lê Tình

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]