(Baothanhhoa.vn) - Nhà giáo và học sinh là hai lực lượng chủ yếu của ngành giáo dục. Vai trò quan trọng của “Người thầy” đối với xã hội từ xưa đến nay đã được khẳng định: “Không thầy đố mày làm nên”... Vì thế nhân dân ta coi trọng truyền thống tôn sư, trọng đạo, tức là phải coi trọng vai trò xã hội của người thầy cùng với coi trọng vai trò đặc biệt của giáo dục đối với sự tồn tại và phát triển của quốc gia, dân tộc. 

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nghịch lý trong thẩm quyền quản lý nhân lực và tài chính của ngành giáo dục hiện nay

Nhà giáo và học sinh là hai lực lượng chủ yếu của ngành giáo dục. Vai trò quan trọng của “Người thầy” đối với xã hội từ xưa đến nay đã được khẳng định: “Không thầy đố mày làm nên”... Vì thế nhân dân ta coi trọng truyền thống tôn sư, trọng đạo, tức là phải coi trọng vai trò xã hội của người thầy cùng với coi trọng vai trò đặc biệt của giáo dục đối với sự tồn tại và phát triển của quốc gia, dân tộc.

Nghịch lý trong thẩm quyền quản lý nhân lực và tài chính của ngành giáo dục hiện nay

Ảnh minh họa.

Cũng vì thế xã hội đã coi người thầy như người cha, người mẹ thứ hai của con cái mình: “Mùng một tết cha, mùng hai tết mẹ, mùng ba tết thầy”; “Qua sông thì bắc cầu kiều, muốn con hay chữ hãy yêu lấy Thầy”... Chỉ khi nào vai trò của giáo dục và vai trò của người thầy được đặc biệt đề cao, đặt ở vị trí xứng đáng nhất trong xã hội thì vận mệnh quốc gia, dân tộc mới tươi sáng, mới có tiền đồ.

Cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu khi đến thăm Việt Nam đã từng nói: Muốn chiến thắng về kinh tế thì trước hết phải chiến thắng về giáo dục. Điều đó giải thích được vì sao với một đất nước nhỏ bé như Singapore, diện tích chưa đến 1.000 km2, dân số khoảng 5 triệu người lại trở thành quốc gia khởi nghiệp thành công nhất trên thế giới, có một nền giáo dục, một nền kinh tế và thu nhập bình quân đầu người đứng ở vị trí tốp đầu thế giới.

Đảng và Nhà nước ta có nhiều chủ trương và chính sách phát triển giáo dục, đã tiến hành nhiều cuộc cải cách hoặc đổi mới giáo dục, gần đây nhất là Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW về “Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo...”. Chúng ta đặt niềm tin và hy vọng rất cao vào thành công của cuộc đổi mới lần này. Tuy nhiên, hiện ngành giáo dục đang có những nghịch lý trong quản lý, nhất là các cơ chế, chính sách trong quản lý nhân lực, tài chính và chính sách tiền lương.

Nghịch lý trong thẩm quyền quản lý nhân lực và tài chính của ngành giáo dục hiện nay

Nếu coi giáo dục như là một “mặt trận”, tư lệnh của mặt trận đó cầm quân phải chịu trách nhiệm cao nhất trước Đảng, Nhà nước và nhân dân là phải giành thắng lợi. Nhưng “quân” thì ngành khác điều hành (tuyển dụng, bố trí, sắp xếp, tiếp nhận, thuyên chuyển...); hậu cần (tài chính) do ngành khác nắm và điều hành nên khi vào trận đánh thì quân chưa đầy đủ cả số lượng, chất lượng và các loại binh chủng cần thiết; hậu cần chưa kịp thời và phù hợp... Thế thì dù tướng có giỏi mấy cũng khó giành được thắng lợi hoàn toàn, nếu không nói là có thể thất bại. Chính vì điều hệ trọng và nghịch lý này mà chúng tôi đề nghị phải nhanh chóng có cơ chế giải quyết như sau:

Một là: Ngành giáo dục phải được giao quyền quản lý trực tiếp nhân lực. Trong đó có quyền lập kế hoạch nhân lực cho ngành, cho từng cấp học, ngành học, từng trường học và nhất là được giao quyền tuyển dụng, tiếp nhận, bố trí giáo viên đủ số lượng, chất lượng với cơ cấu chủng loại các bộ môn và trình độ phù hợp; quyền được điều chuyển giáo viên cho vùng khó; điều chuyển giáo viên ở vùng khó về vùng thuận lợi sau một số năm công tác nhất định và hoàn thành nhiệm vụ (trừ những người tình nguyện công tác lâu dài ở đó); quyền điều chuyển và điều hòa giáo viên theo yêu cầu chất lượng... Ngành giáo dục chịu trách nhiệm trước chính quyền trong việc đề bạt, thuyên chuyển cán bộ quản lý trường học... Các ngành có liên quan (như nội vụ, kế hoạch, tài chính...) phối hợp với ngành giáo dục trong việc lập kế hoạch và thẩm định kế hoạch đó để trình cấp có thẩm quyền. Đồng thời chịu trách nhiệm chủ yếu trong giám sát, thanh tra, kiểm tra ngành giáo dục chấp hành các cơ chế, chính sách về sử dụng biên chế để tham mưu cho cấp chính quyền xử lý...

Làm như vậy sẽ tạo điều kiện cho ngành giáo dục làm chủ được nhân lực thì mới giải quyết được căn bản tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ, triền miên; tuyển giáo viên ồ ạt rồi lại chấm dứt hợp đồng ồ ạt; tuyển dụng bất chấp yêu cầu về cơ cấu bộ môn và chất lượng giáo viên cho ngành giáo dục. Thực tế có những vị chủ tịch huyện trong quá trình công tác, trước khi nghỉ hưu hoặc thuyên chuyển công tác mới đã cho tuyển tới 600-700 giáo viên rồi sau đó vị chủ tịch kế nhiệm lại phải cho chấm dứt hợp đồng những giáo viên đó, gây ra hậu quả nặng nề.

Nghịch lý trong thẩm quyền quản lý nhân lực và tài chính của ngành giáo dục hiện nay

Hai là: Ngành giáo dục phải được tham gia sâu hơn, sớm hơn, thường xuyên hơn trong phối hợp với cơ quan tài chính cùng cấp lập kế hoạch ngân sách sự nghiệp giáo dục và đào tạo; tham gia vào phân bổ kế hoạch ngân sách sự nghiệp giáo dục và đào tạo cho cấp dưới và nhất là phân bổ ngân sách cho từng đơn vị sự nghiệp giáo dục và đào tạo.

Ngành giáo dục được quyền phân bổ và điều hành phần ngân sách giáo dục phục vụ cho các hoạt động chung của ngành ở mỗi cấp, như thay sách, chuyên đề, đào tạo lại, bồi dưỡng giáo viên, mua sắm trang thiết bị giáo dục, các hoạt động giáo dục thể chất, văn nghệ, thi học sinh giỏi, thi tốt nghiệp, tuyển học sinh mới... Nghĩa là việc điều hành cấp phát ngân sách sự nghiệp giáo dục phải phù hợp với nhiệm vụ giáo dục của từng tháng, quý, học kỳ của năm học ở từng cấp học, ngành học... chứ không phải chỉ là cấp phát chi hành chính đơn thuần.

Ba là: Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng chỉ rõ: “Có chế độ ưu đãi đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục”; “Lương của nhà giáo ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc và theo vùng”. Tuy nhiên, những ưu đãi đó chưa trở thành hiện thực; chế độ phụ cấp thâm niên có nguy cơ không còn... Nói chung với mức lương như hiện nay thì đời sống giáo viên gặp nhiều khó khăn, trong lúc yêu cầu của bản thân ngành giáo dục đối với nhà giáo lại rất nặng nề và ngày càng cao; giáo viên lao động với cường độ rất cao và áp lực của xã hội rất lớn. Hiện chỉ có một số rất ít giáo viên vi phạm về đạo đức nhà giáo làm ảnh hưởng xấu đến thanh danh của ngành còn tuyệt đại đa số các nhà giáo đều có tâm của đạo làm thầy, đã làm việc hết mình vì sự nghiệp giáo dục, hết lòng vì học sinh thân yêu. Không nên nhìn nhà giáo qua số ít ỏi đó. Thực tế hiện nay giáo dục chưa thực sự được đặt đúng vị trí là quốc sách hàng đầu; vị thế xã hội của nhà giáo chưa thực sự được đề cao, chưa được coi là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý...

Đổi mới sự nghiệp giáo dục lần này phải phục vụ trực tiếp cho công cuộc đổi mới toàn diện đất nước để tạo ra nguồn nhân lực có chất lượng cao phục vụ cho bước phát triển nhanh và bền vững hơn trong thời kỳ mới. Nhưng công cuộc đổi mới giáo dục lại chỉ có thể thành công khi vị thế của giáo dục và nhà giáo thực sự được đề cao.

Nguyễn Đình Bưu

Nguyên Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh

Nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]